Cán bộ tại TP.HCM làm việc ở các vị trí không tiếp xúc người dân có thể đăng ký làm việc tại nhà nếu đảm bảo điều kiện như có điện thoại, máy vi tính, máy in, Internet…
Ngày 15/10, truyền thông Nhà nước cho hay đó là nội dung được nêu trong dự thảo đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu quả giai đoạn 2024-2030 vừa được UBND thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì, hoàn tất cuối năm nay.
Đề án này đặt mục tiêu các cơ quan hành chính thành phố đảm đương khối công việc của đô thị hơn 10 triệu dân và hơn 300.000 doanh nghiệp; cải thiện môi trường công vụ đủ hấp dẫn và giữ chân nhân lực chất lượng cao.
Ngoài tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, TP.HCM sẽ nghiên cứu thí điểm cán bộ làm việc tại nhà với tỷ lệ phù hợp. Điều này áp dụng với cán bộ làm ở các vị trí không tiếp xúc người dân, đảm bảo điều kiện công tác như điện thoại, máy vi tính, máy in, Internet…
Làm việc tại nhà hay từ xa cho phép người lao động thực hiện công việc khi ở ngoài văn phòng của đơn vị thông qua máy tính hoặc phương tiện khác kết nối Internet. Mô hình này được nhiều tổ chức áp dụng khi công nghệ phát triển mạnh, đặc biệt lúc dịch bệnh như COVID -19 xuất hiện. Tuy nhiên, hình thức này đặt ra thử thách cho người quản lý vốn quen thuộc với cách làm việc truyền thống.
Đến cuối năm 2022, TP.HCM có tổng cộng 19.059 cán bộ, công chức, viên chức làm việc các cơ quan. Thành phố này chưa có số liệu thống kê cán bộ, nhân viên làm việc ở vị trí không tiếp xúc người dân.
Trong dự thảo nói trên, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình thuê nhân sự quản lý nhằm giảm áp lực cho cán bộ làm những nhiệm vụ chuyên môn chính được giao. Thành phố cho hay đang tiếp tục xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc… làm việc cho chính quyền.
Từ năm 2012, nước Pháp đã thông qua luật cho phép viên chức có thể làm việc từ xa không quá 3 ngày/tuần, và mọi chế độ lương thưởng không có gì khác biệt so với những người làm việc tại công sở. Tổng thống Mỹ Obama cũng đã ký đạo luật tăng cường làm việc tại nhà vào năm 2010 nhằm giúp chính phủ linh hoạt hơn trong việc quản lý lực lượng lao động thông qua hình thức này. Ngày nay, khi chính phủ điện tử gần như là con đường sẽ phải đi, các ngành dịch vụ công cũng đã và đang ráo riết số hoá, việc cán bộ có thể làm việc tại nhà gần như trở thành xu hướng tất yếu. Estonia, quốc gia nổi tiếng với mô hình chính phủ điện tử hiệu quả, đã bắt đầu họp chính phủ trực tuyến. Họ tin rằng hình thức làm việc tại nhà giúp các cơ quan đạt được mục tiêu công việc cao trong khi nhân viên vẫn có thể cân bằng giữa đời sống riêng và sự nghiệp. |
Khánh Vy (t/h)
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…