Categories: Thời sựViệt Nam

TP.HCM: Người đàn ông ngộ độc botulinum tử vong trước khi kịp truyền thuốc giải

Bệnh nhân nam 45 tuổi bị ngộ độc botulinum do ăn mắm để lâu ngày đã tử vong trước khi kịp dùng thuốc giải độc BAT do WHO viện trợ.

Một trong 2 bệnh nhân ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: choray.vn)

Ngày 25/5, báo chí nhà nước dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết vào tối ngày 24/5, bệnh nhân nam 45 tuổi (ngụ TP. Thủ Đức) – là một trong 6 bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại TP.HCM đã tử vong.

Bệnh nhân nhập viện hôm 14/5, được thở máy, yếu cơ và điều trị tại Khoa Nội thần kinh. Sau đó, bệnh nhân biến chứng nặng và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Kết quả cấy mẫu phân từ bệnh nhân trước đó xác định có độc tố botulinum type A, là một trong những type rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Đáng chú ý, thời điểm bệnh nhân tử vong, thuốc giải BAT (8.000 USD/lọ) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho bệnh nhân đã về đến TP.HCM. Tuy nhiên theo các bác sĩ, trước đó, bệnh nhân đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải.

Cũng trong sáng 25/5, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện đã được phân phối các lọ thuốc giải độc botulinum do WHO viện trợ cho Việt Nam.

Tuy nhiên, hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi (là anh em ruột) đang điều trị tại đây sẽ không được chỉ định dùng thuốc, vì tình trạng sức khỏe thực tế không còn cho phép. Hiện, các bệnh nhân ở đây đã liệt cơ hoàn toàn, đang được nuôi dưỡng, thở máy, chăm sóc tích cực.

TS.BS Lê Quốc Hùng cho hay thuốc giải là phương án tốt nhất nhưng phải dùng đúng thời điểm, sử dụng khi bắt đầu có triệu chứng yếu liệt, giúp trung hòa chất độc trong máu.

Trong trường hợp không có thuốc giải, độc tố tiếp tục tấn công bệnh nhân. Botulinum đi vào hệ thống thần kinh khiến dẫn truyền không còn, các cơ không điều khiển được và gây liệt. Khi liệt cơ hô hấp, bệnh nhân sẽ suy hô hấp, tử vong nếu không được điều trị hỗ trợ.

“Trong tình huống có thuốc giải độc, hiệu quả còn phụ thuộc vào lượng độc chất mà bệnh nhân ăn phải và việc sử dụng thuốc giải có kịp thời, đúng lúc hay không”, ông Hùng nói.

Trước đó, TP.HCM ghi nhận 2 chùm ca ngộ độc botulinum gồm 3 trẻ nhỏ và 3 người lớn, trong đó 5 người đã ăn giò lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày.

Trong 6 bệnh nhân, 3 anh em ruột điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được truyền 2 lọ thuốc giải BAT cuối cùng ở Việt Nam.

3 người lớn chỉ có thể được điều trị hồi sức bằng thở máy, diễn tiến liệt cơ gần như hoàn toàn.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đề nghị khẩn cấp nhập thuốc giải độc BAT cho bệnh nhân cũng như dự phòng tình huống phát sinh ca mới.

Minh Long

Minh Long

Published by
Minh Long

Recent Posts

Tổng thống Trump nói Hoa Kỳ ‘học hỏi’ được từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine

Tổng thống Trump cho biết Washington đang tích cực theo dõi các diễn biến về…

17 phút ago

Tổng thống Trump tuyên bố Nga đã đánh cắp thiết kế tên lửa siêu thanh

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy (24/5) đã than phiền về việc Nga "đánh…

30 phút ago

Thái Nguyên: Bắt giữ hai nhóm sản xuất thuốc giả, thu lợi 600 triệu đồng mỗi tháng

Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện hai nhóm sản xuất thuốc giả điều trị…

2 giờ ago

Hà Nội thu giữ 1,4 tấn chân gà không rõ nguồn gốc

Xe tải chở 1,4 tấn chân gà thành phẩm không rõ nguồn gốc, trong đó…

2 giờ ago

Ngai vàng triều Nguyễn bị hư hỏng: Thông tin chính thức từ TP. Huế

Một du khách có biểu hiện loạn thần đã làm gãy phần tựa tay ngai…

3 giờ ago

Trung Quốc tái bùng phát COVID-19 với triệu chứng họng đau như cắt

Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng COVID-19 mới, với nhiều bệnh nhân báo cáo…

4 giờ ago