Dự kiến, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô.
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (đề án thu phí vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông – Vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3.
Điểm khác biệt lớn nhất trong đợt chỉnh sửa lần này là từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô. Trong khi phương án trước đây, số trạm thu phí chỉ 87 trạm.
Lý giải về việc gia tăng các trạm thu phí so với lần đề xuất trước, đại diện nhóm tư vấn đề án cho biết, thời điểm này so với 2 năm trước đó, TP. Hà Nội đã đưa thêm nhiều tuyến đường, vị trí kết nối với trung tâm vào sử dụng nên nhóm tư vấn phải khảo sát, cập nhật, bổ sung.
Khu vực lập trạm thu phí vào nội đô được giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng – trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.
Đối tượng thu phí được đề án xác định là ô tô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông. Nhóm xe được miễn phí, gồm: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng…
Nhóm xe được giảm phí gồm ô tô của các doanh nghiệp công ích, ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe vận tải trung chuyển hành khách); vận tải nội bộ từ 10 chỗ trở lên (bao gồm cả lái xe); ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa (xe taxi tải, xe kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường, xe kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp); ô tô từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả lái xe) của hộ gia đình trong khu vực thu phí, ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí.
Mức thu phí được xác định là 50.000 – 100.000 đồng/lượt. Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h – 21h.
Theo dự kiến, tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô khoảng 2.600 tỷ đồng.
Để hiện thực điều này, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, để bắt đầu triển khai thu phí trong năm 2024.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng đề xuất này là chưa thích hợp, chưa lọc sạch được ô tô vào nội đô, bởi mạng lưới giao thông hiện nay là kết hợp giữa mạng lưới ô bàn cờ, mạng lưới vành đai và trục xuyên tâm.
“Vấn đề là làm sao chọn được những vị trí thích hợp nhất, đầu mối giao thông và đặc biệt phải xác định được các khu vực hạn chế giao thông”, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, trong nội đô hiện có những khu vực áp lực rất lớn về giao thông nhưng cũng có những khu vực chưa phải áp lực lớn thì có nên đặt ở đó các trạm kiểm soát thu phí hay không? Đấy là vấn đề cần phải đặt ra.
“Tôi nghĩ Hà Nội với mạng lưới giao thông kết nối nhiều mô hình, nhiều thời kỳ khác nhau, trước hết nên lựa chọn thí điểm 4 quận nội đô lịch sử trước và chọn vùng để làm thí điểm đã, sau đó chúng ta sẽ xem xét triển khai tiếp”, ông Nghiêm đưa ra ý kiến.
TS Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho rằng việc thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Tạo, hiện giao thông công cộng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của mọi người, nên người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân.
Thế nhưng, không phải ai cũng sẵn sàng hay có điều kiện để nộp phí, ví dụ như công nhân, viên chức, họ chỉ có thu nhập là lương, giờ phải trả phí cũng khó.
Người có điều kiện hơn sẽ tìm cách mua nhà vào phía trong vành đai để tránh việc phải trả phí thường xuyên, lâu dài. “Như thế lại xảy ra hiện tượng người dân tập trung vào phía trong vành đai, càng tăng thêm ùn tắc trong nội đô”, ông Tạo phân tích.
“Một thực tế nữa cũng phải nhìn nhận là ùn tắc bây giờ không chỉ diễn ra ở trong mà còn ở ngoài trung tâm thành phố. Vậy thu phí vào nội đô cũng cần tính toán đến vấn đề này”, ông Tạo nói thêm.
Trong một diễn biến có liên quan tới vấn đề giảm ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây đề xuất mỗi xe ô tô cần có 1 mã định danh riêng. Trong đó, luật pháp yêu cầu mỗi xe ô tô phải có thẻ và tài khoản có số dư. Với đề xuất từ ông Thanh, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, cho rằng “việc định danh một xe ô tô thực sự là thừa thãi”, Truyền hình Quốc hội hôm 18/10 đưa tin. “Từ trước đến nay, chúng ta quản lý là bằng biển số, bằng đăng ký, bằng đăng kiểm và bằng nhiều biện pháp khác. Vậy thì những vấn đề đó, chả lẽ lại không có tác dụng gì, và chúng ta bỏ tất cả những thứ đó để chúng ta chuyển sang định danh”, ông Nhưỡng đặt vấn đề. |
Kim Long
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…