Việt Nam

Trùng tu chùa Cầu 20 tỷ: Chủ tịch TP Hội An yêu cầu xử lý lại màu sơn

Chùa Cầu sau khi trùng tu hết hơn 20 tỷ đồng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt là màu sơn. Chủ tịch TP Hội An yêu cầu sơn lại.

Di tích chùa Cầu Hội An. (Ảnh: Chí Hùng/Facebook)

Báo chí nhà nước ngày 29/7 dẫn lời Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết thành phố đã giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An xử lý, “làm cũ” Chùa Cầu trước khi khánh thành vào ngày 3/8 tới.

Cụ thể, Chùa Cầu sẽ được sơn lại màu nhạt hơn so với màu đỏ phía trước và sau; còn bên hông Chùa sẽ sơn lại màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại.

Động thái trên được đưa ra sau khi di tích Chùa Cầu hoàn thành việc trùng tu với kinh phí hơn 20 tỷ đồng đã vấp phải phản ánh trái chiều từ dư luận.

Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn, đã làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của công trình được coi là biểu tượng của đô thị cổ Hội An, khiến di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây.

Theo ông Sơn, dự án trùng tu Chùa Cầu được thực hiện theo đúng quy trình, nguyên tắc trùng tu di tích và được các chuyên gia của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như các chuyên gia Nhật Bản giám sát rất kỹ.

Trong quá trình trùng tu, thành phố cũng tiếp thu nhiều ý kiến, sau đó thảo luận kỹ rồi mới tiếp tục triển khai. Trong quá trình lập hồ sơ, tham vấn đầy đủ các nhà nghiên cứu, đặc biệt các chuyên gia Nhật Bản.

Quá trình trùng tu cũng tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc công khai minh bạch, du khách vẫn tham quan khi di tích đang trùng tu.

Cũng theo ông Sơn, khi triển khai, việc tháo gỡ từng viên ngói, cấu kiện gỗ đều có đánh dấu, mời các chuyên gia thẩm định hiện trạng cấu kiện còn được bao nhiêu phần trăm, sử dụng được phần nào, phần nào bỏ đi đều có biên bản cụ thể. Cái nào hư hỏng mục ruỗng không đảm bảo cho an toàn công trình thì tháo bỏ, còn lại từng viên ngói, viên gạch, từng thanh gỗ có thể sử dụng được đều tuân thủ giữ lại các yếu tố gốc. Do đó, việc trùng tu đảm bảo nguyên các yếu tố gốc tối đa nhất.

“Vào công trình thấy có ngói cũ, ngói mới, có gỗ mới, gỗ cũ. Đó là theo nguyên tắc trùng tu và đều được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao. Công trình đại trùng tu, trùng tu xong dứt khoát phải sơn lại để bảo quản công trình, vì nếu cứ để cũ thì mưa gió sẽ xuống cấp. Tất cả màu đó đều là những màu gốc đã được nghiên cứu. Dĩ nhiên khi mới sơn nó phải mới thôi, nhìn có lạ so với trước đây nhưng chỉ qua một mùa mưa gió thôi nó sẽ trở lại màu như cũ”, ông Sơn nói, theo báo Tiền Phong.

Ông Sơn nhấn mạnh cần phải đứng trên góc độ chuyên môn để đánh giá công trình, không có công trình nào đại trùng tu mà không thay đổi, quan trọng yếu tố gốc phải giữ được và đảm bảo công trình có tính lâu bền.

Chùa Cầu thời điểm chưa tu sửa. (Ảnh: hoianheritage.net)

Dự án trùng tu di tích Chùa Cầu do UBND TP. Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý thực hiện; tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam (50%) và TP. Hội An (50%). Dự án có sự tài trợ về kinh phí để nghiên cứu từ Quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ tổ chức JICA Nhật Bản.

Công trình khởi công vào ngày 28/12/2022, dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 12/2023. Trong thời gian trùng tu, Chùa Cầu vẫn mở cửa song các hạng mục chính bị quây giàn giáo, du khách không tham quan chi tiết được.

Đáng chú ý, quá trình tu bổ gặp một số trở ngại, có thời điểm phải gián đoạn để tham vấn ý kiến chuyên gia về việc mặt sàn “cong hay thẳng”. Vì vậy, dự án đến nay mới hoàn thiện.

Theo hồ sơ dự án, di tích Chùa Cầu được trùng tu các hạng mục như: gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, khung gỗ, mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình; số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ và việc tu bổ, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lập hồ sơ khoa học; tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật; mạng internet, hệ thống camera an ninh và nhà bao che phục vụ thi công tu bổ và bảo quản di tích…

Theo Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Chùa Cầu tương truyền do thương nhân Nhật Bản ở Hội An xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, nên còn có tên gọi là cầu Nhật Bản. Hiện Chùa Cầu trở thành biểu tượng của TP. Hội An.

Chùa Cầu dài 20,4m, rộng hơn 13m, cao 5,7m, bố cục mặt bằng kiểu chữ “丁” (đinh) gồm phía nam là cây cầu có mái che nối liền trục giao thông chủ đạo của khu phố cổ, liền kề phía bắc là ngôi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ (Huyền Thiên Đại Đế) – vị thần có chức năng trị thủy.

Theo các tư liệu, Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.

Minh Long

Minh Long

Published by
Minh Long

Recent Posts

Người hỗ trợ pháp lý cho Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh nói về vụ án ở Tây Ban Nha

Bà Trần Trà My cho biết toà án Palma de Mallorca (Tây Ban Nha) đã…

12 phút ago

Quảng Bình xác định có 3 viên chức sử dụng chứng chỉ tiếng Anh giả

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình phát hiện có 3 viên chức sử dụng chứng…

1 giờ ago

Bầu cử Mỹ 2024: Những vấn đề sáng rõ và ẩn số còn trong bóng tối

TS. Hà Thanh Liên đã có những nhận định mới trước thềm bầu cử Tổng…

2 giờ ago

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tuyên án vụ 7 thanh tra giao thông nhận hối lộ

Nhiều chủ xe khai bị các bị cáo là Thanh tra giao thông chặn đường…

3 giờ ago

Thủy triều lớn xuất hiện ở nhiều nơi tại Trung Quốc [VIDEO]

Ngày 21/10, nhiều tỉnh thành của Trung Quốc như Thiên Tân, Giang Tô, Phúc Kiến,…

3 giờ ago

Luật sư nhân quyền David Matas kiên trì vạch trần nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc

Bộ phim tài liệu “Thợ săn công lý” tập trung vào cuộc điều tra của…

3 giờ ago