Chưa đầy nửa ngày tiêm thí điểm, ngành y tế TP.HCM thông báo từ ngày mai, 28/10, thành phố sẽ đồng loạt tổ chức các điểm tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), sáng 27/10, khoảng 1.500 học sinh lớp 11 và 12 đang học tại 3 trường THPT tại thị trấn Củ Chi nằm trong danh sách tiêm tại điểm tiêm trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi. Loại vắc-xin sử dụng trong đợt này là vắc-xin Pfizer, liều tiêm 0,3 ml.
Sau buổi tiêm đầu tiên, huyện Củ Chi sẽ triển khai tiếp các đợt tiêm khác cho trẻ từ 12 – 17 tuổi trong huyện. Sau khi tiêm, trẻ em được cấp giấy xác nhận tiêm vắc-xin và được hướng dẫn khai báo sau tiêm trong 7 ngày tại nhà, kèm số điện thoại của Trung tâm Y tế Huyện hoặc Trạm Y tế Xã, Thị trấn để liên hệ khi cần thiết.
Sau các buổi tiêm trong ngày 27/10, tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ đồng loạt tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi từ ngày 28/10.
Thông tin trên được phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – ông Nguyễn Hữu Hưng xác nhận. “Tuy nhiên chỉ đơn vị nào chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của ngành y tế mới được triển khai tiêm chủng, còn ngược lại sẽ không được tổ chức tiêm cho đến khi đảm bảo an toàn thực sự”, ông Hưng nói, VTC News dẫn tin.
Theo ông Hưng, các địa phương, đơn vị chưa đảm bảo an toàn phải báo cáo ngay cho Sở Y tế TP.HCM lý do tại sao chưa an toàn và cần hỗ trợ gì để có sự phối hợp để đảm bảo việc tiêm chủng vắc-xin.
Tại điểm tiêm thí điểm ở huyện Củ Chi, trả lời báo chí về việc vì sao chọn huyện Củ Chi và quận 1 làm nơi tiêm thí điểm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói quận 1 là quận trung tâm với điều kiện cơ sở vật chất, mật độ dân số cao, còn Củ Chi là vùng xanh, việc tiêm vắc-xin nơi đây được thực hiện khá tốt thời gian qua.
Ông Đức cho biết sau khi tiêm 5 tuần [tức là sau khi trẻ được tiêm mũi 2 khoảng 14 ngày], trẻ em sẽ được đi học lại.
“Muốn đi học trở lại thì phải đảm bảo an toàn, mà một trong những điều kiện để đảm bảo an toàn đó là các em được phủ vắc-xin”, ông Đức nói. “Sau mũi tiêm này, 3 tuần sau chúng ta sẽ bắt đầu tiêm mũi 2 cho các em và sau 2 tuần tiêm mũi 2, các em sẽ được bảo vệ. Đó chính là một trong những điều kiện cần để tổ chức đi học lại”.
Theo đó, kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em tiếp tục thay đổi theo các công bố của ngành y tế TP.HCM.
Quyết định tiêm thí điểm trên diện rộng vắc-xin COVID-19 cho trẻ em diễn ra từ sáng 27/10 cũng chỉ được Sở Y tế TP thông báo chưa đầy một ngày trước, vào chiều 26/10.
Theo kế hoạch này, huyện Củ Chi sẽ tiến hành đầu tiên, tiêm vắc-xin cho 1.500 trẻ tại duy nhất 1 địa điểm từ sáng 27/10.
Trong hai ngày 27-28/10, quận 1 sẽ tiêm cho hơn 1.600 trẻ lần lượt tại 3 điểm, gồm 899 học sinh tại điểm tiêm Trường THPT Lương Thế Vinh; 1.478 học sinh tại điểm tiêm Trường THPT Ernst Thälmann; điểm tiêm tại Bệnh viện quận 1 sẽ tiêm cho trẻ em được chỉ định về tiêm tại bệnh viện.
Sau một ngày tiêm thí điểm, từ ngày 28/10, quận 1 sẽ đồng loạt tiêm cho khoảng 21.300 trẻ từ 12 tuổi trở lên, gồm 6.600 học sinh THPT còn lại tại 5 điểm trường THPT; 700 trẻ em không đi học, và số học sinh được chỉ định tiêm tại bệnh viện sẽ tiêm tại Bệnh viện quận 1; khoảng 14.000 học sinh từ khối lớp 6 đến khối lớp 9 tại 10 điểm tiêm ở 10 trường THCS.
Chỉ 4 học sinh hoãn tiêm, chuyển tiêm ở BV; trẻ bị tim bẩm sinh, dị ứng… vẫn được đồng ý tiêmTrong buổi tiêm thí điểm tại trường tiểu học thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) ngày 27/10 , BS Lê Thị Mai, Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi cho biết trong buổi sáng, gần 800 học sinh đã nhận tiêm. Trong đó, chỉ 4 học sinh hoãn tiêm hoặc chuyển tiêm ở bệnh viện, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin. Cụ thể, một học sinh đã từng mắc COVID-19 khoảng một tháng trước, do đó cơ thể vẫn còn miễn dịch, không đáp ứng điều kiện được tiêm vắc-xin ít nhất phải sau 6 tháng kể từ thời điểm mắc bệnh. Một học sinh có bướu cổ to, có nhịp tim nhanh, bác sĩ nghi ngờ mắc bệnh cường giáp nhưng chưa được điều trị và chẩn đoán trước đây. Một học sinh mắc bệnh hen suyễn chưa điều trị ổn định và một học sinh có tiền sử phản vệ nặng từng nhập viện. Ngoài ra, có một số trẻ bị thừa cân, mắc bệnh tim bẩm sinh, dị ứng với hải sản, thiếu men G6PD (bệnh di truyền khiến tế bào hồng cầu hoạt động không bình thường), bị bệnh hen suyễn nhưng đã điều trị ổn định hơn một năm và không lên cơn. Bà Mai cho biết nhân viên y tế đã trao đổi kỹ với phụ huynh về các nguy cơ và phụ huynh đồng thuận cho con em tiêm tại điểm tiêm. Các trẻ này được theo dõi sát hơn và cho ngồi gần bác sĩ theo dõi sàng lọc sau tiêm để quan sát. Đưa tin từ điểm tiêm, Dân Trí cho hay khoảng 9h, một nữ học sinh THPT bất ngờ ngất xỉu sau khi tiêm vắc-xin. Nhân viên y tế đã đưa học sinh trên vào phòng hỗ trợ sau tiêm, cho uống sữa, em đã tỉnh lại và sức khỏe dần ổn định. Ngay sau đó, phụ huynh của học sinh bị ngất đã đến trường. Bản tin không đưa tin về nguyên nhân khiến nữ học sinh bị ngất sau tiêm. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…