Ông Đinh La Thăng bị xét xử ngày 8/1/2018; Bị can liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh bất ngờ tử vong; Bão số 16 (Tembin) – cơn bão bất thường năm 2017; Sẽ phá gần 200 ha rừng thông làm sân golf tại Gia Lai; Điều tra vụ thanh tra giao thông Hà Nội bảo kê xe quá tải; Hà Nội sắp xây đường 3,5 tỷ đồng/mét – phá vỡ kỷ lục con đường ‘đắt nhất hành tinh’,… là tin tức thời sự nóng tuần qua.
Ông Đinh La Thăng bị xét xử ngày 8/1/2018
Ngày 27/12, TAND TP. Hà Nội có quyết định về việc xét xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm bị buộc 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC.
Theo quyết định, ngày 8/1/2018, phiên tòa sẽ mở để xét xử 22 bị cáo về tội danh trên. Dự kiến, phiên xử sẽ diễn ra trong khoảng 14 ngày liên tiếp.
Thành phần HĐXX gồm 5 người do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa. Ba kiểm sát viên là Đào Thịnh Cường – Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội, Nguyễn Minh Đồng – kiểm sát viên cao cấp, Nguyễn Mạnh Thường – kiểm sát viên cao cấp sẽ là những người thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa. Ngoài ra, VKSND TP. Hà Nội còn bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết.
Được biết, tại phiên tòa tới đây, ông Thăng sẽ có 4 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Ông Trịnh Xuân Thanh có 7 luật sư.
Ông Thăng bị truy tố theo Khoản 3, Điều 165, Bộ luật Hình sự tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” – với mức án cao nhất lên tới 20 năm tù giam.
Bị can liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh bất ngờ tử vong
Ông Đặng Sỹ Hùng, Nguyên Trưởng phòng kinh tế công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) – bị can liên quan đến vụ Tham ô tài sản tại PVP Land đột ngột qua đời, nên VKSND Tối cao có quyết định đình chỉ đối với bị can này.
Bị can Đặng Sỹ Hùng (SN 1975) có liên quan đến vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVP Land và Công ty Cổ phần Minh Ngân.
Theo cơ quan điều tra, bị can Đặng Sỹ Hùng cùng các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng cổ phần với giá 52 triệu đồng /m2 đất. Tuy nhiên, Hùng cùng Nguyễn Ngọc Sinh – Tổng Giám đốc PVP Land lập hợp đồng chỉ với giá 34 triệu đồng/m2 đất (chênh 18 triệu đồng/m2).
Sau khi lập hợp đồng xong, 2 bị can nhờ Thái Kiều Hương – Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Vietsan tác động để Trịnh Xuân Thanh; Đào Duy Phong – Chủ tịch HĐQT PVP Land chấp thuận cho chuyển nhượng cổ phần trên để chiếm đoạt tiền chênh lệch giá.
Cơ quan điều tra xác định, qua việc chuyển nhượng, Hùng nhận 20 tỷ đồng của ông Lê Hoà Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Công ty Cổ phần Minh Ngân.
Bão số 16 (Tembin) – cơn bão bất thường năm 2017
Nhận định về cơn bão số 16, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết trong lịch sử chưa từng có cơn bão nào cấp 12 hoạt động trong vùng biển phía Nam Biển Đông trong thời gian này, cũng chưa từng có cơn bão nào cấp 10 đổ bộ vào khu vực Nam Bộ – khiến Nam Bộ phải ban bố thiên tai mức thảm họa (cấp 4) – đây là điều chưa từng xảy ra.
Bão số 16 hình thành trên khu vực miền Nam Philippines. Ngày 24/12, bão di chuyển vào biển Đông với sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 15. Trước khi suy yếu và tan trên vịnh Thái Lan vào ngày 26/12, bão quét qua quần đảo Trường Sa với sức gió giật cấp 15, sóng biển cao từ 12 đến 15 m, tại nhà giàn DK1/14 (bãi Tư Chính) – sóng biển cao gần 30 m,…
Bão 16 cũng khiến nhiều tỉnh thuộc Nam Bộ như Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang,… phải sơ tán hàng trăm ngàn người, học sinh các trường nghỉ học, nhiều chuyến bay bị hủy, hàng trăm tàu thuyền được gọi về nơi trú bão an toàn,…
Ngoài ra, bão Tembin đổ bộ vào Philippines làm ít nhất 200 người chết, 160 người mất tích.
Gia Lai: Sẽ phá gần 200 ha rừng thông làm sân golf?
Theo quyết định số 849 ngày 11/12, UBND tỉnh Gia Lai dự tính lấy 197,3 ha/501 ha đất lâm nghiệp tại hai xã Glar và Tân Bình (huyện Đắk Đoa) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hội Phú (Công ty Hội Phú) triển khai làm dự án sân golf theo đề án đầu tư ngành Thể dục thể thao tỉnh giai đoạn 2016-2025. Được biết, từ ngày công ty được thành lập đến ngày tỉnh Gia Lai cho phép khảo sát là khoảng 50 ngày.
Sau khi lập dự án, Công ty Hội Phú dự kiến đầu tư 550 tỷ đồng triển khai. Theo văn bản số 01/BC-ĐTDA năm 2015 về báo cáo kế hoạch, tiến độ triển khai dự án – quý IV/2016 công ty sẽ hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công 9 lỗ golf (giai đoạn 1) đưa vào khai thác sử dụng. Tuy vậy, gần hết năm 2017, dự án vẫn còn nằm trên giấy và may mắn thay… rừng vẫn chưa bị phá.
Nếu dự án được thực hiện sẽ khiến gần 200 ha rừng thông bị phá hủy, khoảng 3.185 cây thông sẽ bị san phẳng, 615 cây bị di thực (chuyển đi trồng chỗ khác),… Ngoài ra, đồi “cỏ hồng” – loại cỏ nổi tiếng Gia Lai cũng sẽ bị xóa sổ.
Liên quan đến dự án, Hạt kiểm lâm huyện Đắk Đoa cũng có báo cáo số 201/BC-KL nêu rõ – tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày 14/10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Không phải có dự án du lịch làm sân golf là phá hết tất cả các rừng trồng bao đời nay”.
Hà Nội: Điều tra vụ thanh tra giao thông bảo kê xe quá tải
Ngày 25/12, UBND TP. Hà Nội nhận được văn bản của Sở GTVT về việc tiếp nhận xử lý đơn kiến nghị của ông Nguyễn Mạnh Hùng (Đội phó) và ông Trần Thanh Bình (nhân viên) công tác tại lực lượng Thanh tra Giao thông quận Thanh Xuân.
Trong đơn, ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc do bức xúc về cách làm việc của ông Trần Đăng Hải – Chánh thanh tra Sở GTVT.
Theo ông Hùng, từ khi được bổ nhiệm vào vị trí Chánh thanh tra Sở, ông Trần Đăng Hải gây bè phái, áp đặt cấp dưới, bảo kê rất nhiều doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội và một số doanh nghiệp các tỉnh lân cận có xe chở hàng quá tải, quá khổ vào Hà Nội.
Ông Hùng đề nghị Sở GTVT kiểm tra các biên bản vi phạm hành chính do Thanh tra Sở GTVT Hà Nội lập về lỗi quá khổ, quá tải đối với hơn 30 doanh nghiệp được bảo kê. Trong đó, có tên 7 doanh nghiệp vận tải đã gửi tới cơ quan chức năng.
Trước vụ việc trên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Giám đốc công an thành phố tổ chức điều tra, kết luận, xử lý theo quy định pháp luật, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.
Hà Nội sắp xây đường 3,5 tỷ đồng/mét, phá vỡ kỷ lục con đường ‘đắt nhất hành tinh’
Tuyến đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (quận Đống Đa, Hà Nội) có chiều dài 2,2 km với tổng vốn đầu tư gần 7.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho khoảng 2.000 hộ dân (quận Ba Đình 1.241 hộ, quận Đống Đa 803 hộ) đã chiếm hơn 6.400 tỷ đồng (chiếm 82% tổng đầu tư dự án); phần dành cho xây lắp chỉ khoảng 1.100 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến 2020.
Như vậy, bình quân mỗi mét đường có chi phí lên tới 3.500 tỷ đồng – phá vỡ kỷ lục “con đường đắt nhất hành tinh” trước đó. Cụ thể:
Ngoài ra, các tin như: 29 cán bộ nộp lại quà tặng với số tiền 528 triệu đồng trong năm 2017; Thái Nguyên muốn xây cổng chào 15 tỷ đồng; Làm rõ trách nhiệm Tổng thầu trong vụ tàu Cát Linh – Hà Đông bị vẽ trộm; Thiên tai khiến 386 người chết và mất tích, thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng; Hơn 24.400 ô tô bị cấm lưu hành từ ngày 1/1/2018,… tiếp tục là những sự kiện chú ý trong tuần qua.
Minh Hợp
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…