Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải ở đô thị Việt Nam chỉ là… 15%

Thông tin về tỷ lệ xử lý nước thải ở các đô thị Việt Nam chỉ đạt khoảng 15% được đưa ra tại họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng chiều 13/6. Điều này đồng nghĩa khoảng 85% nước thải sinh hoạt không qua xử lý đang bị xả thẳng ra môi trường.

Phố Miếu Đầm (phố Đỗ Đức Dục cũ), quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, ngập nước trong trận mưa lớn tối 13/6. (Ảnh: Nguyễn Thanh Tuyền/TT Tắc Đường, Ngập Lụt Hà Nội/Facebook)

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng tổ chức vào chiều 13/6, bà Đặng Anh Thư, Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết số lượng đô thị đang tăng nhanh, tốc độ đô thị hoá cũng mạnh, với khoảng 870 đô thị trên cả nước. Trong khi đó, xử lý nước thải đô thị chủ yếu tập trung ở một số đô thị lớn nhưng còn thiếu rất nhiều.

Ví dụ ở Hà Nội, theo quy hoạch có 31 nhà máy xử lý nước thải nhưng đến nay mới chỉ có 6 nhà máy, đáp ứng được khoảng 28% khối lượng nước thải cần xử lý. Còn tại TP.HCM, hiện mới có 3 nhà máy xử lý nước thải trên tổng số quy hoạch là 11 nhà máy.

Bà Thư cho biết trên cả nước, tỷ lệ xử lý nước thải ở đô thị hiện chỉ mới đạt khoảng 15%, đây là con số rất thấp. Về tỷ lệ thu gom nước thải, theo bà Thư, hiện chỉ đạt khoảng 65% tổng lượng nước thải tại các đô thị.

Về lý do, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật cho hay việc đầu tư các hệ thống xử lý nước thải đòi hỏi vốn rất lớn, trong khi nguồn ngân sách hạn chế, còn việc huy động vốn từ xã hội hóa đầu tư xử lý nước thải rất khó khăn do vốn lớn, thu hồi chậm nên khó thu hút được. Ngoài ra, việc đầu tư cho cấp nước sinh hoạt tăng rất nhanh, chênh lệch rất nhiều so với đầu tư cho xử lý nước thải.

Hơn một tháng trước, ngày 10/5, trong cuộc hội thảo giữa Bộ Xây dựng và Tổ chức GIZ tại Việt Nam về thu gom nước thải, thoát nước bền vững và giải pháp chống ngập đô thị vùng ĐBSCL, ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng xử lý nước thải sinh hoạt của Việt Nam là rất kém.

Ông Khánh cho hay nước thải sinh hoạt cùng với nước mưa được xả trực tiếp ra các cống, kênh, rạch vào các sông chính của lưu vực. Đa số nước thải từ nhà vệ sinh được xử lý sơ bộ trong các bể tự hoại của mỗi hộ gia đình trước khi xả vào hệ thống thoát nước công cộng.

Tỷ lệ đấu nối thu gom nước thải của hệ thống thoát nước bao phủ trung bình là 64%. Tỷ lệ đường ống trên đầu người trung bình khoảng năm 0,5m/người, thấp hơn 4 lần so với thế giới là 2m/người. Đến nay, tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới chỉ đạt khoảng 15%.

Trên cả nước có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày (chỉ riêng TP.HCM, ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị đã phát sinh khoảng 1,579 triệu m3/ngày đêm, 3 nhà máy xử lý với tổng công suất 302.000 m3/ngày đêm, theo báo cáo của TP).

Người dân lội bì bõm trong dòng nước đen ngòm, dâng ngập ngang thân người tại Chợ Xanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tối 13/6. (Clip: Người dân ghi lại/OFFB) 

Trở lại với cuộc họp báo vào chiều 13/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng lưu ý cần phân biệt rõ nước thải từ các khu công nghiệp, nhà máy công nghiệp, khu đô thị mới, với lý do là các dự án đầu tư xây dựng sau này đều có yêu cầu trạm xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Còn tại các đô thị cũ, khu dân sinh hình thành rải rác trong các đô thị, chưa thu gom, xử lý nước thải tốt do trước đây chưa có quy định, giờ lắp đặt bổ sung các hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở các đô thị cũ, khu dân sinh tản mạn sẽ tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian.

Không chỉ nêu chung chung những lý do về vốn, về quy định như trên, tại buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị” do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức ngày 12/4, ông Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho biết khoảng 80% đến 90% nước thải đô thị đang bị xả thẳng ra môi trường cho thấy năng lực xử lý nước thải đang rất thấp, nguy cơ ô nhiễm cực kỳ lớn, có thể thấy về quy hoạch, công nghệ, chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực nguồn vốn, nhân lực… đang có vấn đề.

Theo ông Huân, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng vấn đề xử lý nước thải lại tương đương với nước chậm phát triển. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đến 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ không có đủ nước sạch để dùng.

Ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng Phòng Quản lý thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng cũng có mặt trong buổi tọa đàm, cho rằng quá trình đô thị hóa không đi kèm với phát triển hạ tầng, việc quản lý cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, mật độ xây dựng tăng mà đường ống được làm từ lâu nên nhỏ… là những lý do khiến việc thu gom nước thải và xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, theo ông Khánh, những hạn chế trong nguồn lực đầu tư, việc lựa chọn các công nghệ phù hợp, nhận thức của cộng đồng cũng như khung chính sách đang là những vấn đề tồn tại.

Vĩnh Long

Vĩnh Long

Published by
Vĩnh Long

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

28 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

35 phút ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

52 phút ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

1 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

2 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

3 giờ ago