Việc các thực tập sinh bỏ trốn khỏi công ty mình thực tập và cư trú bất hợp pháp tại Nhật đã trở thành một vấn đề được truyền thông Nhật thường xuyên nhắc đi nhắc lại với từ khóa “vấn đề mất tích” (失踪問題). Cùng lúc, khi số người Việt Nam ở Nhật tăng lên nhanh chóng thì Việt Nam cũng vượt qua Trung Quốc ở nhiều chỉ số “đáng lo ngại”…
Theo thông tin trên website của Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chế độ thực tập sinh kỹ năng (tiếng Nhật là 技能実習生) có mục đích là với vai trò của một nước tiên tiến, nhằm điều hòa sự phát triển của xã hội quốc tế, chuyển giao các kỹ năng, kỹ thuật và tri thức cho các nước đang phát triển.
Người nước ngoài nếu được tuyển thì sẽ có thể đến Nhật Bản với tư cách cư trú “thực tập sinh kỹ năng” được quy định trong Luật Xuất nhập cảnh của Nhật Bản và sẽ ký hợp đồng lao động với công ty Nhật Bản có nhu cầu nhận thực tập sinh. Theo thống kê của Bộ Pháp vụ Nhật Bản, đến tháng 6 năm 2017, số lượng người nước ngoài ở Nhật với tư cách cư trú là Thực tập sinh là 251.721 người. Việt Nam là nước có nhiều thực tập sinh nhất, chiếm 41,6% (khoảng 104.715 người).
Cùng với xu hướng tăng của số lượng thực tập sinh, số thực tập sinh bỏ trốn khỏi công ty và cư trú bất hợp pháp tại Nhật cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 2017, số vụ thực tập sinh biến mất không rõ tung tích là 7.089 vụ, mức cao nhất kể từ khi có chế độ này. Trong số đó có đến 3.751 vụ là của thực tập sinh người Việt Nam, chiếm đến 53% tổng số vụ.
Việc các thực tập sinh bỏ trốn khỏi công ty mình thực tập và cư trú bất hợp pháp tại Nhật đã trở thành một vấn đề được truyền thông Nhật thường xuyên nhắc đi nhắc lại với từ khóa “vấn đề mất tích” (失踪問題). Cùng lúc, khi số người Việt Nam ở Nhật tăng lên nhanh chóng thì Việt Nam cũng vượt qua Trung Quốc ở nhiều chỉ số “đáng lo ngại”. Theo số liệu thống kê lần cuối của Cục Cảnh sát Nhật Bản thì Việt Nam đứng đầu trong số vụ phạm tội bởi người nước ngoài ở Nhật Bản.
Nhằm ban hành Luật xuất nhập cảnh mới vào năm 2018 (đã được thông qua bởi nghị viện Nhật vào ngày 27/11), chính phủ Nhật đã tiến hành điều tra bằng phiếu câu hỏi với 2.870 thực tập sinh thuộc diện bị cưỡng chế về nước trong năm 2017. Trong phần lý do vì sao bỏ trốn, có đến 67,2% chọn lương thấp là một trong các lý do dẫn đến việc bỏ trốn.
Về mặt chi tiết thu nhập, có 1.627 người (56,7%) trả lời rằng mức lương nhận được dưới 100.000 yên/tháng (tương đương khoảng 20,5 triệu VNĐ). Có 1.037 người (36,1%) trả lời rằng mức lương nhận được từ 100.000 đến 150.000 yên/tháng (tương đương khoảng 20,5 triệu đến 30,8 triệu VNĐ).
Điều đáng chú ý là nếu tính với mức lương tối thiểu ở Nhật là 848 yên (tính trung bình cả nước, khác nhau theo từng tỉnh) thì thu nhập của người làm toàn thời gian (40 tiếng/tuần) là 135.680 yên (tương đương khoảng hơn 27,9 triệu VNĐ). Như vậy có đến hơn một nửa số thực tập sinh bỏ trốn trả lời điều tra nhân được thu nhập dưới mức lương tối thiểu. Hoàn toàn có khả năng các thực tập sinh này đã bị ép nhận mức lương dưới mức lương tối thiểu, hoặc là các thực tập sinh đã không có đủ việc để làm 40 tiếng/tuần. Về vấn đề này, nhà bình luận Takahiro Akedo cho biết, các thực tập sinh về cơ bản là ký hợp đồng theo số giờ lao động, khi công ty nhận thực tập không giao đủ số giờ làm việc, các thực tập sinh cũng không được phép làm thêm các công việc khác bên ngoài.
Hiện nay không có thống kê chính thức ở Việt Nam về các chi phí cần thiết để sang đến Nhật Bản. Theo thông tin của nhà báo Naoko Sunai trực tiếp phỏng vấn 4 thực tập sinh bỏ trốn người Việt Nam, số tiền mà các thực tập sinh này phải trả cho công ty môi giới ở Việt Nam dao động từ 730.000 đến 1.250.000 yên Nhật Bản (tức là từ hơn 150 triệu VNĐ đến khoảng 260 triệu VNĐ). Tất cả thực tập sinh này đều vay tiền hoặc của ngân hàng, hoặc của người thân trong gia đình.
Nếu tính trong thời gian 3 năm đủ để hoàn trả lại khoản chi phí ban đầu, mỗi tháng thực tập sinh cần để dành được khoảng 20.000 yên đến 34.000 yên (khoảng từ 4 triệu đến 7 triệu VNĐ). Tuy nhiên, thực tế là sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, số tiền dành dụm được hàng tháng của các thực tập sinh có thể không nhiều. Tổng các chi phí như tiền nhà, tiền ăn, tiền thuế, tiền bảo hiểm, tiền điện nước, tiền điện thoại v.v… hoàn toàn có thể vượt quá mức 100.000 yên/tháng.
Dưới sức ép do người thân trong gia đình giục giã về các khoản nợ, nhiều thực tập sinh đã bỏ trốn để làm các công việc khác, hoặc là các công việc phạm pháp như tham gia vào các đường dây buôn bán đồ trộm cắp, hay làm các công việc không tuân theo đầy đủ các quy định của luật pháp Nhật Bản (không hợp đồng, không đóng thuế, không đóng bảo hiểm xã hội, v.v…).
Cho đến năm 2016, Báo cáo điều tra về nạn buôn người do Mỹ phát hành đã liên tục chỉ trích Nhật Bản “là nơi vẫn còn diễn ra cưỡng bức lao động và là nơi mà nạn nhân của nạn buôn bán người bị đưa đến hoặc đưa qua”, và “trong một bộ phận của chế độ thực tập sinh kỹ năng, đã có tình trạng cưỡng bức lao động”. Năm 2017, báo cáo này ghi nhận việc Nhật Bản tăng cường việc phòng chống nạn buôn bán người, tuy nhiên các chỉ trích chế độ thực tập sinh vẫn được giữ nguyên.
Thành lập vào tháng 6 năm 2008, Hội liên lạc các luật sư về vấn đề thực tập sinh kỹ năng đã thường xuyên lên tiếng chỉ trích sự quản lý yếu kém các công ty môi giới, môi trường làm việc tồi tệ và thu nhập không công bằng dành cho các thực tập sinh. Trong buổi hội đàm ngày 14/7, luật sư Shouichi Ibusuki của Hội liên lạc đã cho biết: “Cần phải kết thúc chế độ cư trú tồi tệ này. Tôi đã nghĩ là nó sẽ phải sớm kết thúc. Vậy mà 10 năm qua rồi mà nó vẫn còn tồn tại”.
Ngày 27/11 vừa qua, nghị viện Nhật Bản đã thông qua Luật Xuất nhập cảnh mới, trong đó có thêm hai tư cách cư trú mới cho những người đến Nhật lao động trong các ngành nghề cụ thể như xây dựng, nông nghiệp, đóng tàu v.v… Hiện chưa rõ bộ luật mới này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến chế độ thực tập sinh.
Vũ Minh
Xem thêm:
Tin tặc Trung Quốc đang xâm nhập vào mạng các cơ sở hạ tầng quan…
Nói đến “Bình sa lạc nhạn” thì không thể không nói đến Vương Chiêu Quân.
Một nghiên cứu tại Anh đã theo dõi 324 cặp song sinh nữ trong suốt…
Phong trào Hezbollah của Liban do Iran hậu thuẫn đã bắn hàng loạt tên lửa…
Ngoài việc chần chừ và không quyết định cho Ukraine sớm gia nhập NATO, theo…