Đáng mừng hay lo đằng sau con số xuất khẩu lao động năm 2017 cao kỷ lục?
- Chân Hồ
- •
Mặc dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng cao kỷ lục, nhưng chủ yếu thuộc vào các lĩnh vực không đòi hỏi kỹ thuật, chuyên môn cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang “khát” nhân lực trình độ cao, phải tốn nhiều chi phí đi thuê chuyên gia nước ngoài về nắm giữ các vị trí chủ chốt.
- Chuyên đề: Việt Nam đánh mất cơ hội ‘dân số vàng’ có một không hai như thế nào?
- Xem phần 24, phần 26, phần 27, phần 28
Số lượng tăng kỷ lục
Theo thông tin vừa được công bố từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), năm 2017, Việt Nam có 134.751 lao động đi nước ngoài làm việc, vượt 28,3% so với kế hoạch và tăng 6,7% so với tổng số lao động đi xuất khẩu trong năm 2016.
Cơ quan này cho biết đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng xuất khẩu lao động ra nước ngoài vượt quá 100.000 lao động/năm.
Lao động Việt Nam được xuất đi chủ yếu sang Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc. Cụ thể, trong năm 2017, có gần 67.000 lao động đi làm việc tại Đài Loan, chiếm gần một nửa tổng số lao động xuất khẩu. Trong khi đó, số lượng lao động sang Nhật Bản dưới hình thức “thực tập sinh” vào khoảng gần 55.000 người, dẫn đầu danh sách các nước có lao động “thực tập sinh” làm việc tại Nhật.
Một số thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam năm 2017 như: Hàn Quốc với 5.178 lao động, Ả Rập Saudi: 3.626 lao động, Malaysia: 1.551 lao động, Algeria: 760 lao động, Romania: 683 lao động.
Khan hiếm nhân lực chất lượng cao
Trong khi số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài gia tăng nhanh chóng thì các doanh nghiệp trong nước vẫn đang rất “khát” nguồn nhân lực trình độ cao.
Một báo cáo của công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Group công bố mới đây cho thấy nhiều ngành nghề tại Việt Nam hiện nay vẫn đang rất khan hiếm nhân lực chất lượng cao. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự các cấp này từ các doanh nghiệp trong năm 2017 tăng 28% so với năm 2016 và năm 2018 sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng vẫn “mòn mỏi” tìm người do số lượng ứng viên có kinh nghiệm, trình độ đáp ứng yêu cầu còn ít. Do đó, các công ty này buộc phải tuyển kỹ sư người nước ngoài sang Việt Nam làm việc và nắm giữ các vị trí chủ chốt.
Bà Nguyễn Phương Mai – Giám đốc điều hành của Navigos Search chỉ ra rằng mức lương của nhân sự cấp quản lý trong ngành CNTT thường bị đẩy lên đến mức 5.000 – 6.000 USD/tháng do nguồn tuyển khan hiếm, ít người đáp ứng được yêu cầu. Các vị trí giám đốc công nghệ, giám đốc điều hành còn được “săn” với mức lương trên 10.000 USD/tháng, nhưng ứng viên người Việt hầu như không có.
Trong một báo cáo khác về ngành công nghệ thông tin (CNTT) của VietnamWorks, ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 người, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực CNTT thị trường cần.
Mặc dù có nhiều chuyên ngành đào tạo nhân lực CNTT được mở ra nhưng chất lượng không đáp ứng được yêu cầu thực tế, sinh viên ra trường hoặc phải tự học thêm các khóa học bổ sung hoặc phải đào tạo lại tại doanh nghiệp mới làm được việc.
Trong khi đó, thị trường lao động Việt tồn tại một nghịch lý khi hàng năm có rất nhiều tiến sĩ và cử nhân mới được “ra lò” nhưng không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng dẫn đến thất nghiệp, gây lãng phí rất lớn về nguồn nhân lực và chi phí đào tạo.
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2017, cả nước có hơn 1 triệu người lao động trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó có đến 237.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp.
Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết có đến hơn 87% lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan chủ yếu là công nhân trong các nhà máy sản xuất công nghiệp.
Mặc dù có lợi thế nắm giữ lực lượng lao động dồi dào với tỷ lệ “dân số vàng”, nhưng bài toán về quy hoạch nguồn nhân lực từ khâu đào tạo đến việc tạo môi trường thuận lợi để lao động tham gia vào nền kinh tế và phân bổ nguồn lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong bối cảnh năng suất lao động Việt Nam gần như thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á (bằng 1/16 so với Singapore, bằng 1/2 so với Philippines, chỉ khá hơn Campuchia khi so sánh năng suất ngành công nghiệp chế biến chế tạo) thì việc xây dựng chiến lược và chương trình đào tạo cho nguồn lao động xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của những ngành nghề đòi hỏi kỹ năng, chuyên môn cao là bài toán khó và lâu dài dành cho các nhà quản lý và hoạch định.
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa số lượng người xuất khẩu lao động Năng suất lao động thấp