Categories: Thời sựViệt Nam

Vì sao TP.HCM cần mở lại quán ăn phục vụ tại chỗ, bán vé số…?

Trước thực tế hàng triệu túi an sinh và hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sống của nhiều người, Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Phan Văn Mãi cho hay thời gian tới cần xem xét mở thêm một số dịch vụ như quán ăn phục vụ tại chỗ, bán vé số, hoặc các hoạt động sinh kế khác để tạo ra thu nhập cho người dân, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội…

Một người bị khuyết một chân đang bán vé số dạo trên đường phố TP.HCM, tháng 7/2018. (Ảnh minh họa: LeQuangNhut/Shutterstock)

Thông tin được ông Mãi đưa ra tại cuộc họp với TP Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm, chiều 19/10.

Theo Trung tâm báo chí TP.HCM, giới chức TP cho biết thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ người dân gồm hơn 2,1 triệu túi an sinh của Trung tâm An sinh, hơn 14.300 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp của Chương trình SOS của Trung tâm an sinh TP, hơn 5.521 tỷ đồng đã chi hỗ trợ cho các nhóm theo Nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP, và đang tiếp tục chi hỗ trợ đợt 3 theo Nghị quyết 97 của HĐND TP. Ngoài ra, TP vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỷ đồng…

Tuy nhiên, việc hỗ trợ như trên thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người dân – giới chức TP thừa nhận.

Phó Chủ tịch UBND TP – ông Lê Hòa Bình cho hay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài đã tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội, các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tại TP ước đạt 636.306 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,3%); tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ USD, giảm 3,4% (cùng kỳ tăng 4,9%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước giảm 12,9% (cùng kỳ giảm 4,9%). Bốn ngành công nghiệp trọng yếu 9 tháng ước giảm 10,9% (cùng kỳ giảm 0,1%).

Kết quả GRDP 9 tháng đầu năm ước giảm 4,98% (cùng kỳ tăng 0,77%), dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%).

Không chỉ về kinh tế, cuộc sống, tâm lý của người dân, sức chịu đựng của doanh nghiệp TP cùng chịu tác động nghiêm trọng.

“Gần như cả thành phố chúng ta là một trung tâm công nghiệp, mua sắm. Nếu chúng ta khôi phục được thì có thể tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân rất lớn. Ví dụ việc bán vé số cần được nghiên cứu…”, ông Mãi nói khi đưa ra kết luận tại cuộc họp. “Điều này sẽ tạo ra hàng triệu việc làm, tăng thu nhập và giảm gánh nặng cho an sinh xã hội”, ông Mãi nhận định.

Theo đó, ông Mãi giao các Sở ngành nghiên cứu và đề xuất một số hoạt động để tạo sinh kế, thu nhập cho người dân như bán vé số… trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng các tiêu chí an toàn.

Cùng trong chiều 19/10, theo đề xuất do Sở Công thương gửi UBND TP.HCM, sở này kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống được bán bằng cả hai hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ (trừ loại hình kinh doanh bia, rượu).

Các cơ sở dịch vụ ăn uống được cho phép hoạt động đến trước 21h, với công suất phục vụ tối đa là 50%. Mật độ phục vụ không quá 2 người mỗi bàn, khoảng cách các bàn ăn cần đạt tối thiểu 2 mét.

Về lý do cần mở lại, Sở Công thương cho hay sau 15 ngày TP nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn, tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động còn chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ sẽ giúp khôi phục kinh tế, xúc tiến du lịch trong TP.

Trong phiên họp cùng ngày, Phó chủ tịch TP.HCM – ông Dương Anh Đức dự báo lượng người quay lại TP thời gian tới có thể sẽ đông nên ông đề xuất Sở Y tế cần có thêm các hướng dẫn và phối hợp cùng với các địa phương để tổ chức tiêm vắc-xin cho người lao động trở lại thành phố.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng các dịch vụ liên quan đến du lịch, lưu trú cũng là một hoạt động kinh tế quan trọng của TP.HCM nên cũng cần được lên kế hoạch cho phép mở lại đường bay quốc tế, có thể bắt đầu bằng các chuyến bay giải cứu và quốc tế.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM – bà Phan Thị Thắng cùng chung nhận định với đề xuất nên đón các chuyến bay quốc tế sẽ giúp phát triển ngành dịch vụ trong thời gian phục hồi kinh tế sắp tới của TP.HCM.

Về tài chính, Chủ tịch TP cho hay cần xúc tiến đầu tư, đầu tư mới, đầu tư mở rộng các dự án lớn khác; tập trung triển khai các dự án đầu tư công, làm việc với từng chủ đầu tư, đảm bảo từ nay đến cuối năm giải ngân 95%; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm cũng như các dự án được tư nhân đầu tư.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết có khoảng 130.000 người từ TP.HCM về quê thời gian qua. Từ ngày 3-19/10, khoảng 74.000 người dân từ các tỉnh về lại TP, trang Zing dẫn tin.

Phương Anh

Xem thêm:

Phương Anh

Published by
Phương Anh

Recent Posts

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

48 giây ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

23 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

1 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

1 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

2 giờ ago