Từ 0h ngày 9/7, TP.HCM tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về, dừng bán vé số
- Minh Sơn
- •
Người dân tại TP.HCM được ra ngoài để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu… nhưng dịch vụ ăn uống mang về bị buộc tạm dừng. Các hoạt động bán vé số (tại đại lý và bán vé số dạo) cũng bị buộc dừng từ 0h ngày 9/7.
Người dân buộc mua thực phẩm về tự nấu, không được ship đồ ăn sẵn?
Giới chức TP.HCM tiếp tục công bố chi tiết các hoạt động được phép và không được phép theo yêu cầu giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 kẻ từ 0h ngày 9/7.
Nguyên tắc là gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, xã phường thị trấn cách ly với xã phường thị trấn, quận huyện cách ly với quận huyện.
Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết gồm: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ); Làm việc tại cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao…
Tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7; dừng xe ôm (xe ôm truyền thống và xe công nghệ). TP tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đảm bảo nguyên tắc 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, khử khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Giới chức TP thông báo các các đội tuần tra, giám sát sẽ hoạt động 24/24h, người ra khỏi nhà không đúng quy định, không có lý do chính đáng sẽ bị phạt.
Các lĩnh vực được tiếp tục hoạt động gồm: Cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu…); ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chức, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ…
Tuy nhiên, giới chức TP yêu cầu dừng toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan công sở (ngoại trừ các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý các vấn đề cấp bách của đơn vị). Các cuộc họp được tổ chức không tập trung quá 10 người một phòng, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K.
UBND TP giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ôtô, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu, sản xuất, hàng hóa và một số xe taxi chở người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết; và chủ động kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đến, đi từ TP.HCM.
Rau củ tăng giá, siêu thị ùn ứ, hết hàng – TP kêu gọi người dân bình tĩnh
Ngày 8/7, UBND TP công bố đã giao Sở Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn, tăng lượng hàng cung ứng cho hệ thống phân phối hiện đại; tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 -150.000 tấn/tháng.
Tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối sẽ tổ chức tiếp nhận hàng hóa thông qua các chằn vựa, trung bình tiếp nhận 4.000 – 5.000 tấn/ngày đêm rau củ quả, thực phẩm sống.
Phương án điều tiết hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho người dân do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức.
TP đề nghị “người dân không mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống; bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch”.
Trong cuộc họp báo chiều 7/7, giám đốc Sở Công Thương – ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói tình trạng hết hàng trên quầy kệ chỉ mang tính cục bộ, là do lượng mua sắm tăng cao trong 2 ngày qua.
Ông Vũ cho hay các hệ thống siêu thị Saigon Co.op, MM Mega Market, Satra… khẳng định nguồn hàng hóa lương thực thực phẩm cho thị trường TP.HCM không thiếu, sẽ tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ cung cấp trong vòng 1-3 tháng, các kênh bán hàng gồm qua mạng, qua điện thoại, app… Các siêu thị tăng thời gian mở cửa hoạt động đến 23h mỗi ngày.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh 125/234 chợ truyền thống và lần lượt cả 3 chợ đầu mối của TP.HCM là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức phải tạm đóng cửa dẫn tới nguồn hàng thiếu hụt. Một tiểu thương chợ Thảo Điền (quận 2) cho biết củ, quả tăng giá 3 lần và dự báo còn tăng mạnh do nguồn hàng ít; tương tự, tiểu thương bán rau tại chợ Minh Phụng (quận 6) gọi điện đặt hàng từ chợ đầu mối Thủ Đức nhưng hầu hết thương lái báo giá cao gấp 3. Một đầu mối cung ứng nông sản tại chợ đầu mối Thủ Đức cho hay buộc tăng giá do nguồn cung hạn chế, các xe nghe tin chợ đầu mối đóng cửa nên giảm lượng hàng, Vnexpress dẫn tin ngày 8/7.
Minh Sơn
Xem thêm:
Từ khóa giãn cách xã hội COVID-19 TP.HCM Chỉ thị 16