TS Nguyễn Xuân Diện tiếp tục cho biết trên trang Facebook cá nhân về việc Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất thêm 110 cuốn sách Hán Nôm và có 877 cuốn đã bị mủn nát.
Ngày 20/3, TS Nguyễn Xuân Diện (nghiên cứu viên cao cấp, Phó trưởng phòng văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm) tiếp tục đưa thông tin “kinh hoàng” (từ mà TS Diện dùng) trên trang Facebook cá nhân, về việc lại phát hiện mất thêm 110 cuốn sách Hán Nôm và trong kho có 877 cuốn đã mủn nát không thể bồi vá, cứu vãn.
Bài đăng của TS Diện nhanh chóng thu hút hàng ngàn lượt tương tác từ người dùng Facebook. Hàng trăm bình luận bày tỏ sự bất bình trước vụ việc này.
Ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết đơn vị đang thực hiện quy trình xác minh thông tin về sự việc này, sẽ thông báo khi có kết quả, theo báo Vnexpress.
Đến tối cùng ngày, trên Facebook cá nhân, TS Diện cho biết “lúc 19h49 hôm nay 20/3, trên trang Website chính thức của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có đăng một Thông cáo xác nhận việc “thiếu” 121 cuốn sách cổ và có tới 877 cuốn sách cổ đã mủn nát.
Đến 20h20, link bài viết vẫn truy cập được. Sau đó, bài biến mất khỏi website.
Đến 20h57, link bài viết lại được cập nhật và sống”.
Thông cáo về kho sách ST (sách sưu tầm) tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm
1. Về lịch sử kho ST: Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) có các kho sách kí hiệu A (do người Pháp sưu tầm) và kí hiệu V (do người Việt Nam sưu tầm), hai nhóm này có tổng số khoảng 16.302 đơn vị. Ngoài ra VNCHN tổ chức sưu tầm thêm sách Hán Nôm, đặt thành kí hiệu ST (sưu tầm). Theo sổ sách ghi chép, có 2 đợt sưu tầm: đợt 1 trong các năm 1988-2001 (23 năm) sưu tầm được 2.586 quyển; đợt 2 trong các năm 2002-2008 (7 năm) sưu tầm được 15.126 quyển. Tổng hai đợt sưu tầm là 17.712 đơn vị sách. Giá thu mua theo quy định của nhà nước tại thời điểm sưu tầm từ 100.000 – 200.000 đồng một quyển, tuỳ theo tình trạng sách. Tính đến nay, VNCHN đã thực hiện tu bổ được gần 10.000 đơn vị.
2. Trong đợt kiểm kê tài liệu từ giữa năm 2022, VNCHN đã tiến hành kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Tuy nhiên, đối với một phần sách ST chưa tu bổ, còn bó lại thành từng bó để trong kho, nhóm kiểm kê mới chỉ thực hiện kiểm đếm mà chưa đối chiếu với sổ đăng kí cá biệt. Vì vậy, đầu năm 2023, VNCHN đã tiến hành kiểm kê lại toàn bộ kho ST, đối chiếu và đánh dấu vào sổ đăng kí cá biệt.
3. Sau quá trình rà soát, đối chiếu, chiều ngày 15/3/2023, Hội đồng kiểm kê đã họp và báo cáo về kho ST, phát hiện thấy thiếu 121 quyển (trong đó có 11 quyển nằm trong danh sách 25 quyển đã báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), bên cạnh đó có 339 quyển đã vào sổ nhưng lẫn lộn các kí hiệu sách, chưa xác định rõ có bao gồm 121 sách thiếu hay không. Nhóm kiểm kê rà soát lại toàn bộ 17.712 sách ST và xác định có 877 quyển (5%) thuộc loại hư hại nặng. VNCHN đã tổ chức thông báo tình hình đến chi bộ và cán bộ chủ chốt cũng như Hội đồng khoa học trong hai cuộc họp vào sáng ngày 16/3 và sáng 17/3.
4. Để làm rõ vấn đề, VNCHN đang mời các chuyên gia tham gia đối chiếu các sách lẫn kí hiệu với các sách thiếu để sàng lọc; đồng thời lập hội đồng đánh giá tình trạng của 877 sách hư hại để có phương án xử lí phù hợp.
5. Về sự việc thất thoát 25 đơn vị tài liệu mà truyền thông đưa tin cuối năm 2022, VNCHN đã kịp thời báo cáo tình hình cho Viện Hàn lâm và đã có công văn gửi cơ quan công an đề nghị làm rõ sự việc. Hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra.
6. VNCHN đã và đang tổ chức các biện pháp để xử lí vấn đề một cách công khai, minh bạch, với tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là nơi tổ chức nghiên cứu, khai thác và biên dịch, xuất bản di sản Hán Nôm, đào tạo cán bộ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế, nhân bản, góp phần phát triển văn hóa của dân tộc. Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá, kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.
Viện là đơn vị bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục, đồng thời mở cửa thư viện để các tổ chức, nhà nghiên cứu, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến văn bản cổ của dân tộc có cơ hội tiếp cận tài liệu.
Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Viện này xác nhận mất 25 cuốn, trong đó có 4 cuốn Toàn Việt thi lục thuộc 3 bộ khác nhau. TS Nguyễn Xuân Diện nói 25 cuốn sách cổ bị mất là những cuốn “cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc”.
Toàn Việt thi lục là bộ sách lớn do nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) sưu tập và biên soạn theo lệnh của nhà vua. Bộ sách này hoàn thành năm Mậu Tý (1768), dâng lên vua Lê Hiển Tông đọc, nhưng chưa được khắc in.
Toàn Việt thi lục có quy mô đồ sộ gồm 2.303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, với số lượng văn bản còn lại lớn nhất (trên 11.000 trang nguyên bản, kể cả các dị bản), chưa từng được biên dịch và công bố toàn bộ.
Ngoài ra, danh sách các cuốn sách bị mất còn có “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên đời Trần là sách độc bản, hai cuốn địa chí ghi chép địa lý, cương vực, bờ cõi rất quý liên quan đến cương vực chủ quyền tổ quốc…
Đáng chú ý, nói trên báo Tuổi Trẻ, TS Diện cho hay “kho sách cổ chỉ giao chìa khóa cho một người và chỉ viện trưởng có quyền cho phép đưa sách cổ ra khỏi kho hoặc cho phép ai tiếp xúc trực tiếp với các bản sách cổ tại phòng đọc.
Từ lâu, chính cán bộ nghiên cứu của viện cũng không được sờ vào những cuốn sách này, mà chỉ được phục vụ bản copy. Nếu có nhu cầu nghiên cứu về chất liệu giấy, mực của những cuốn sách cổ thì phải làm đơn, viện trưởng ký đồng ý sách mới được xuất khỏi kho”.
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…