Categories: Thời sựViệt Nam

Việt Nam đề nghị Trung Quốc cho phép kết nối đường sắt sang châu Âu

Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 13/7 đề nghị Trung Quốc cải thiện việc thông quan tại cửa khẩu đối với hàng hóa Việt Nam, nâng cao hiệu quả tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc – châu Âu và một số nước… Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói Trung Quốc “coi trọng” mối quan tâm của Việt Nam về xuất khẩu nông-thủy sản sang Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Việt Nam đề nghị nhiều vấn đề về thông quan thương mại, đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc tại Việt Nam… Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói Trung Quốc “coi trọng” mối quan tâm của Việt Nam về xuất khẩu nông-thủy sản. (Ảnh: Hải Minh/baochinhphu.vn)

Theo tường thuật của Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam, thông tin trên được đề cập trong Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, ngày 13/7, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì.

Tại phiên họp, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong tổng thể chính sách đối ngoại của hai nước, nhất trí rằng kể từ Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc (tháng 9/2021) đến nay, đã phối hợp duy trì tổng thể quan hệ ổn định, hợp tác trong giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp, hợp tác phòng chống dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư và các lĩnh vực chuyên ngành.

Hai bên khẳng định Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Một số vấn đề tồn tại trong hợp tác được chỉ ra như: Mất cân bằng thương mại có chiều hướng tăng; tình trạng ùn tắc hàng hóa ở khu vực cửa khẩu biên giới có lúc vẫn tái diễn; tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt Nam và một số dự án hợp tác kinh tế, viện trợ không hoàn lại tại Việt Nam cần đẩy nhanh hơn; giao lưu, đi lại giữa nhân dân hai nước còn gặp trở ngại do dịch bệnh.

Về vấn đề cửa khẩu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, nhất là đối với hoa quả mùa vụ, nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; thiết lập “luồng xanh” rút ngắn thời gian kiểm dịch và thông quan; tiếp tục mở cửa thị trường đối với các loại hoa quả của Việt Nam.

Ngoài ra, ông Minh giục Trung Quốc tạo thuận lợi để Việt Nam mở Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên; nâng cao hiệu quả tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc – Châu Âu và một số nước.

Đại diện phía Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; thúc đẩy các hình thức hợp tác mới như thương mại điện tử xuyên biên giới; tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, giao thông, nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, du lịch, thể thao.

Hồi đáp về các đề xuất hợp tác của Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Trung Quốc coi trọng quan tâm của Việt Nam về mở rộng xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang Trung Quốc và bảo đảm thông quan thông suốt tại các cửa khẩu biên giới; sẵn sàng mở, nâng cấp các cặp cửa khẩu theo nhu cầu của hai nước.

Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, hợp tác với Việt Nam duy trì ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, đi sâu hợp tác về Hành lang liên vận đường bộ, đường biển mới và trao đổi về hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng sạch, giảm phát thải, kết nối cơ sở hạ tầng; khôi phục các chuyến bay thương mại giữa hai nước và tiếp nhận lưu học sinh Việt Nam quay trở lại Trung Quốc học tập.

Việt Nam đề nghị Trung Quốc cùng kiểm soát tốt bất đồng

Vẫn Cổng thông tin chính phủ Việt Nam tường thuật vấn đề biên giới lãnh thổ được đề cập trong buổi họp, trong đó, hai bên nhất trí phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền, giải quyết thỏa đáng các vụ việc phát sinh theo 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung cấp cao về việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc; thúc đẩy hiệu quả các cơ chế đàm phán đạt tiến triển thực chất; đẩy nhanh đàm phán Hiệp định mới về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ; sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác về tìm kiếm cứu nạn trên biển và Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Trung Quốc có nhiều hành động lấn lướt các nước láng giềng về chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông theo tuyên bố về “đường 9 đoạn”. Các nước Úc, Malaysia, Philippines, Việt Nam đã gửi công hàm, công thư đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển này.

Theo các thông báo được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) và thông tin từ tờ South China Morning Post, tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch khoảng 41 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ. Ít nhất có một cuộc tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 19/6.

Cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông vừa diễn ra từ ngày 5-6/7/2022.

So với năm 2021, các con số trên lần lượt là 51 cuộc tập trận ở biển Đông, trong đó có ít nhất 20 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ và ít nhất 1 cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa.

Kết thúc phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị tuyên bố hai bên ký kết các văn bản hợp tác gồm:

  • Hiệp định Hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc tài khóa 2020;

  • Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc;

  • Thỏa thuận hợp tác về Dự án Nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất biển khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang.

Minh Sơn

Minh Sơn

Published by
Minh Sơn

Recent Posts

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

22 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

1 giờ ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

2 giờ ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

2 giờ ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

3 giờ ago