Cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Việt Nam công bố sẽ tạm dừng tổ chức tất cả các loại hình lễ hội, hoạt động bắn pháo hoa. Các hoạt động chiếu phim, biểu diễn văn hóa, vũ trường… được mở tùy theo tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) mỗi khu vực.
Thông báo trên được đưa ra trong Công điện số 351 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch (Bộ VHTT&DL) – ông Nguyễn Văn Hùng gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào ngày 28/1 (tức 26 tháng Chạp âm lịch).
Bộ VHTT&DL yêu cầu các tỉnh thành tạm dừng các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Các lễ hội truyền thống không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí (chiếu phim, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, karaoke, vũ trường, tổ chức ngày lễ kỷ niệm…) sẽ được mở tùy theo tình hình diễn biến, các cấp độ dịch COVID-19 được xác định theo tiêu chí mới ban hành của Bộ Y tế.
Chính quyền các tỉnh thành được yêu cầu chỉ đạo các ban, ngành tại địa phương hướng dẫn các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch lập kế hoạch, phương án tổ chức hoạt động đón khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán đảm bảo việc phòng ngừa dịch COVID-19.
Các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch được yêu cầu lập kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết theo hướng tăng kiểm soát chất lượng dịch vụ, phương tiện phục vụ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19.
Tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán được yêu cầu phải đảm bảo tính văn minh, tính truyền thống và phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại từng địa phương.
Trước khi thông báo trên được công bố, một số lễ hội đã được công bố tạm dừng, như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), hội đền Trần (Thái Bình, Thanh Hóa); Nam Định công bố tạm dừng tất cả các loại hình lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022; TP.HCM, Hà Nội công bố không bắn pháo hoa đêm giao thừa 2022…
Theo công bố của Bộ Y tế vào cuối ngày 28/1, Việt Nam hiện ghi nhận 2.218.137 ca mắc COVID-19 kể từ đầu dịch đến nay, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.470 ca nhiễm).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.292 ca/ngày.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 141 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 28/1 là 37.432 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Việt Nam hiện đứng thứ 24/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về tổng số ca tử vong do COVID-19. Tính theo số ca tử vong trên 1 triệu dân, Việt Nam xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong khu vực châu Á, tổng số ca tử vong của Việt Nam xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN); tính theo số tử vong trên 1 triệu dân, Việt Nam xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…
Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…
Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…