Theo Sở Y tế Khánh Hòa, các món ăn ở quán cơm gà Trâm Anh được để chung trong 1 hộp, do đó có thể xảy ra tình trạng nhiễm chéo vi khuẩn, nên không tìm được món ăn khiến 369 người ngộ độc.
Ngày 1/4, báo chí nhà nước cho biết Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) thuộc Sở Y tế Khánh Hòa đã có báo cáo kết thúc điều tra vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh, TP. Nha Trang.
Thống kê của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 13 đến ngày 18/3, cơ quan chức năng ghi nhận 369 người bị ngộ độc, trong đó 253 ca phải nhập viện, số ca bệnh còn lại điều trị ngoại trú.
Cơ quan chức năng xác định, quán cơm gà Trâm Anh không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Bữa ăn gây ngộ độc xuất phát vào trưa, chiều các ngày 11 và 12/3 tại quán cơm gà Trâm Anh.
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, các món ăn được để chung trong hộp cơm gà, nên cũng có thể xảy ra tình trạng nhiễm chéo vi khuẩn giữa các món ăn.
Kết quả phân tích tỷ lệ tấn công các món ăn trong bữa ăn, nguyên nhân cho thấy tỷ lệ tấn công các món ăn tương đối bằng nhau. Điều này cho thấy các món ăn trên khay thức ăn có thể nhiễm chéo lẫn nhau.
Mặt khác, cơ sở không thực hiện việc lưu mẫu thức ăn nên đoàn điều tra không lấy mẫu được từng món ăn riêng biệt của bữa ăn nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Do đó cơ quan chức năng không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là nguyên nhân; chỉ có thể nhận định thức ăn nguyên nhân là cơm gà (gồm cơm, gà xé, gà nướng, mắm, sốt trứng, rau dưa chua, hành phi, súp canh).
Trước đó, ngày 13/3, nhiều người nhập viện ở các bệnh viện tại TP. Nha Trang với các biểu hiện nôn, sốt, đau bụng, sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang (Bộ Y tế) cho thấy các món gà xé, sốt trứng, dưa chua trong bữa ăn trưa, chiều các ngày 11 và 12/3 tại quán cơm gà Trâm Anh có 3 vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.
Đến ngày 21/3, tất cả bệnh nhân liên quan đến vụ ngộ độc cơm gà Trâm Anh đã xuất viện.
Kiểm tra quán hôm 13/3, lực lượng chức năng ghi nhận nhân viên bán hàng, chế biến thức ăn mang trang phục bảo hộ chuyên dụng (mũ, găng tay, tạp dề, khẩu trang). Một số thực phẩm chín như gà xé, đùi gà nướng chín, hành phi, dưa chua để trong tủ lạnh. Ngoài ra, đùi gà, gà nguyên con luộc chín khác để ở khay inox, đặt ngoài tủ bán, không được đậy kín.
Tại hộ kinh doanh có 6 vòi nước dùng cho mục đích sinh hoạt, trong đó sử dụng một vòi nước giếng (được xả vào thùng chứa để rửa dụng cụ). Hai tủ cấp đông nguyên liệu đùi tỏi gà sống, được phân chia thành từng túi nhỏ, đựng trong bọc trước khi bảo quản tại tủ. Các nguyên liệu trứng, thịt gà sống được nhập mỗi ngày như 50 kg đùi, 40 con gà tươi, 30 quả trứng gà.
Theo chủ cơ sở, quán bắt đầu mở bán cho khách vào tầm 9h-9h30, chuẩn bị thực phẩm bán vào buổi sáng. Cơm nấu 4 nồi, mỗi nồi 4 kg gạo. Đùi gà xả đông 2-3 túi dưới vòi nước (không rõ khối lượng). Sau đó, gà sơ chế, tẩm ướp và nướng; gà luộc tầm 15-20 con… Khi bán gần hết lô hàng đầu tiên, quán tiếp tục nấu và chế biến tiếp các món để bán xuyên suốt tối đến khi hết nguyên liệu nhập vào trong ngày.
Chủ quán cơm gà xuất trình giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của 3/6 nhân viên. Tuy nhiên, cơ sở chưa cung cấp được giấy tờ và hợp đồng liên quan đến nguyên liệu thực phẩm, không kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Quán cơm gà Trâm Anh là một trong những cơ sở ăn uống nổi tiếng tại TP. Nha Trang, thu hút nhiều du khách trong hàng chục năm qua. Sau vụ ngộ độc, quán ăn ngừng hoạt động.
Ngày 1/4, Bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết 10 học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) nhập viện với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy.
Trước đó, lúc 22h53 ngày 30/3, ba học sinh đầu tiên nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, tiếp xúc tốt.
Đến ngày 31/3, tổng cộng có 6 trường hợp nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cùng triệu chứng nghi ngộ độc như trên.
Cùng thời gian, Bệnh viện Tâm Trí, Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang, Bệnh viện 87 có 4 bệnh nhân nhập viện điều trị với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm.
Theo bác sĩ Hiệp, đến nay, sức khỏe của 10 bệnh nhân đã ổn định, tiếp xúc tốt, không có bệnh nhân diễn biến nặng. Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) đã phối hợp Phòng Y tế Nha Trang, Trung tâm Y tế TP. Nha Trang điều tra lấy mẫu nghi ngờ đi xét nghiệm.
Bác sĩ Hiệp cho biết thêm kết quả điều tra ban đầu xác định, các học sinh này có mua cơm gà bán trước cổng trường để ăn với giá trung bình 10.000- 20.000 đồng/suất.
Cơ quan chức năng xác định được có ba gia đình nấu cơm mang đến cổng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi để bán. Qua đó, làm việc với một ở phường Vạn Thắng (Nha Trang), đồng thời lấy mẫu để tiến hành xét nghiệm.
“Nguồn gây ra các triệu chứng nghi ngộ độc cho các học sinh nghi là cơm gà từ hàng rong ở cổng trường. Qua đây, Sở Y tế khuyến cáo các phụ huynh và học sinh hạn chế ăn đồ vặt được bán ở các hàng rong trước cổng trường vì rất khó kiểm soát an toàn thực phẩm”, bác sỹ Hiệp khuyến cáo.
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…