Sau 9,5 tháng tạm hoãn, phiên xét xử phúc thẩm vụ án giết người đổ bêtông gây rúng động tại Bình Dương lại tiếp tục tạm hoãn ngay trong ngày đầu mở lại vào sáng 1/12. Bị cáo chủ mưu xin hoãn vì lý do sức khỏe, đồng thời nộp bản kiến nghị 7 điểm lên Hội đồng xét xử (HĐXX) và cơ quan báo chí.
Theo tường thuật của báo nhà nước, sáng 1/12, TAND cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án giết người, đổ bêtông 2 thi thể bị phát hiện tại huyện Bàu Bàng, Bình Dương hồi tháng 5/2019.
Phiên tòa diễn ra trễ hơn dự kiến khi đến hơn 9h30, xe chở 3 bị cáo – gồm Phạm Thị Thiên Hà (33 tuổi), Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (41 tuổi) và Trịnh Thị Hồng Hoa (mẹ của Hà, 67 tuổi) – của Công an tỉnh Bình Dương mới đến tòa.
Theo ghi nhận từ hình ảnh tại trụ sở tòa án, từ trên xe xuống, bị cáo Hà có biểu hiện đi lại khó khăn, liên tục dừng nghỉ, cảnh sát và bị cáo Huyên phải hỗ trợ dìu vào tòa.
Trình bày với HĐXX, cả 3 bị cáo cùng từ chối các luật sư bào chữa chỉ định, chỉ đồng ý với các luật sư được các gia đình bị cáo mời tham gia bào chữa. Riêng bị cáo Hà cho biết không đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa nên xin hoãn phiên tòa để có thời gian phục hồi sức khỏe và lấy lại tinh thần.
Mặc dù vậy, qua thăm khám, nhân viên y tế cho biết bị cáo Hà có thể tham dự được phiên tòa nên HĐXX sẽ tiến hành xét xử. Bị cáo Hà tiếp tục xin hoãn với lý do “không có tinh thần để tham dự phiên tòa”. Sau khi hội ý, HĐXX thông báo hoãn phiên tòa để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho bị cáo. Thời gian mở lại phiên tòa vào sáng 31/12 tới.
Tại hội trường xét xử, khi xin hoãn phiên tòa lần 1, bị cáo Hà thông qua luật sư nộp lên tòa đơn kiến nghị, đồng thời trình bày 7 nội dung trong đơn.
Theo nguồn tin của Trí Thức VN, 7 kiến nghị do bị cáo Hà đưa ra như sau:
“1. Yêu cầu triệu tập đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện tổ chức Pháp Luân Công tại Việt Nam đến dự phiên tòa phúc thẩm. Lý do: Để làm rõ những việc làm của tôi không liên quan đến Pháp Luân Công.
2. Yêu cầu triệu tập Lê Ngọc Phương Thảo hiện diện trong phiên tòa phúc thẩm. Lý do: Để làm nhân chứng.
3. Tôi từ chối luật sư chỉ định Đỗ Hải Bình. Lý do: Vì luật sư không tiếp xúc với tôi trước khi xét xử và tôi đã có luật sư do gia đình mời.
4. Vấn đề đối với cán bộ quản lý phòng giam của tôi là bà Ngô Thị D. có những hành động gây áp lực lên tinh thần và sức khỏe của tôi.
5. Vấn đề cùm chân. Khoảng cuối năm 2020, có cán bộ VKSND tối cao và một số cán bộ khác từ trung ương đến kiểm tra phòng giam có hứa với tôi về việc không cùm chân. Thực tế thì tôi vẫn bị cùm chân. Vì tôi là nữ nên sinh hoạt vệ sinh rất khó khăn. Vì vậy, tôi kiến nghị việc hủy bỏ cùm chân.
6. Kiến nghị phiên tòa xét xử thật sự công khai, có công chúng và báo chí, những người có quan tâm đến tham dự.
7. Kiến nghị TAND cấp cao cho gặp công chứng viên để làm thủ tục ủy quyền về tài sản thừa kế.”
Bị cáo Hà đề nghị gửi bản chính đơn kiến nghị này lên TAND cấp cao và gửi hai bản sao chép (photocopy) đến các cơ quan còn lại và báo chí.
Sau khi nghe ý kiến của các bị cáo và các bên liên quan, HĐXX công bố hội ý, đồng thời để nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho bị cáo Hà.
Sau khi hội ý, HĐXX trả lời các đề nghị của bị cáo Hà như sau:
– Về việc xin triệu tập đại diện Ban tôn giáo tín ngưỡng, Pháp Luân Công của bị cáo Hà, HĐXX thấy không có liên quan nên không có cơ sở để triệu tập.
– HĐXX nhận thấy lời khai của bị cáo Thảo đã có trong hồ sơ vụ án, và lời khai của bị cáo Thảo phù hợp lời khai khác của các bị cáo khác nên không cần phải triệu tập bị cáo Thảo đến tòa với tư cách người làm chứng (bị cáo Thảo không kháng cáo).
– HĐXX chấp nhận việc các bị cáo từ chối luật sư bào chữa chỉ định, tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo có luật sư yêu cầu để tham gia.
– Về việc liên quan đến cán bộ trại giam, không thuộc thẩm quyền của HĐXX.
– HĐXX cho biết phiên tòa hôm nay xét xử công khai, do dịch bệnh để đảm bảo an toàn nên sắp xếp phòng riêng cho mọi người quan sát, theo dõi phiên tòa.
Riêng về vấn đề xin hoãn phiên tòa của bị cáo Hà, nhân viên y tế sau khi kiểm tra cho rằng bị cáo Hà có thể tham dự được phiên tòa nên HĐXX tiếp tục xét xử.
Sau khi nghe HĐXX trả lời về 7 yêu cầu, bị cáo Hà nói “nhiều ngày không ăn được gì nhiều, không thể tiếp tục, không đủ minh mẫn để tiếp tục phiên tòa”, do đó, tiếp tục cho rằng mình không thể tham dự được phiên tòa.
Hội ý lần 2, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên xét xử phúc thẩm, dự kiến mở lại vào 7h30 sáng ngày 31/12 tới.
Trao đổi với Trí Thức VN, luật sư Nguyễn Xuân Chiến, người bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Thiên Hà xác nhận tại phiên xét xử phúc thẩm, bị cáo Hà được nhân viên y tế cho hay đủ điều kiện sức khỏe để tham dự phiên tòa, nhưng bị cáo Hà cho rằng tinh thần không đủ để tham dự phiên tòa. Luật sư Chiến cho hay đơn kiến nghị 7 điểm do bị cáo Hà đưa lên mới được Hà soạn và đưa cho luật sư Đặng Đình Mạnh (cũng là luật sư bào chữa cho bị cáo Hà) vào thăm và làm việc với bị cáo Hà vào ngày 30/11.
Anh N.T, một người tập Pháp Luân Công ở TP.HCM, nói với Trí Thức VN rằng không có ý kiến đối với bản đề nghị của chị Hà, nhưng đính chính lại rằng Pháp Luân Công không có tổ chức kiểu tôn giáo, chỉ có cơ quan đại diện để người tập Pháp Luân Công được bảo đảm bởi pháp luật quốc gia.
“Tại một số nước và vùng lãnh thổ, các học viên Pháp Luân Công có cơ quan đại diện pháp luật, như Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Singapore… Tại Mỹ, cơ quan đại diện này tổ chức theo bang, như Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Florida, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Philadelphia… Tại Việt Nam chưa có điều kiện thành lập cơ quan đại diện này”, anh T. nói.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 6/2020, cả 4 bị cáo khẳng định trước tòa không tu Pháp Luân Công mà “tu luyện” theo một “phương pháp” do Hà tự nghĩ ra.
Xuân Tường
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…