Bộ Công an khẳng định những “chứng cứ mới” trong vụ án Hoàng Công Lương mà Bộ Y tế thông tin tới báo chí trong những ngày qua là không mới và đã được xem xét trước khi xét xử.
Ngày 7/8, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức buổi làm việc Đoàn giám sát về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự với các cơ quan trung ương.
Tại buổi làm việc, bà Mai Thị Phương Hoa – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết vừa qua, Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng khẳng định nguyên nhân tử vong của các nạn nhân trong vụ án tai biến chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình tháng 5/2017 có thể là do nhiễm độc đa chất, chứ không phải là đơn chất như kết luận điều tra.
“Đề nghị Bộ Công an và Bộ Y tế báo cáo tại sao xảy ra tình trạng vụ án đã xong xét xử phúc thẩm rồi lại có báo cáo khác về nguyên nhân gây chết? Cơ quan nào giám định tử thi trong vụ việc này và nếu đúng có sai sót thì xử lý thế nào?” – bà Hoa đặt câu hỏi.
Còn ông Nguyễn Bá Sơn – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng nêu Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế cho biết nguyên nhân dẫn đến 8 nạn nhân tử vong là do hệ thống lọc nước có vấn đề, nhưng trong quá trình điều tra người ta lại tháo hệ thống này ra bán, đến vừa rồi Bộ Y tế mới cho người đi tìm mua lại để lắp ráp, khôi phục.
“Tôi xin hỏi có việc này không? Nếu thiết bị này có liên quan trực tiếp đến hậu quả vụ án thì hệ thống này có phải là đối tượng cần được giám định trong vụ án này không? Thực tế nó đã được giám định hay chưa? Và nếu nó có vai trò như vậy thì đây phải là chứng cứ trong vụ án này, nhưng tại sao lại tháo ra bán như vậy?” – ông Sơn nói.
Trả lời, ông Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng không đủ điều kiện để nêu lại vấn đề này tại buổi làm việc và đây cũng là vấn đề còn phải bàn cãi về mặt khoa học.
Ông Vương cho hay những nội dung “chứng cứ mới” về nguyên nhân cái chết mà báo chí nêu những ngày qua thì từ ngày 6/3/2019, Bộ Y tế đã cũng đã có công văn gửi Thủ tướng về vấn đề này. Sau đó, để đưa vụ án ra xét xử phiên phúc thẩm, cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp cũng đã phối hợp với các ngành chức năng để thảo luận kỹ nội dung này.
“Xem lại báo cáo của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự khi đưa ra kết luận về nguyên nhân tử vong của 8 nạn nhân, Viện tổ chức hội thảo khoa học mời các nhà khoa học, chuyên gia của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Khoa thận, Khoa chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), Đại học Y Hà Nội, Viện Pháp y quân đội, Viện Pháp y quốc gia,… tham gia và xem xét rất kỹ” – ông Vương nói.
Cùng trao đổi về việc này, Phó viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn cũng bày tỏ đồng tình với nội dung trả lời của Thứ trưởng Bộ Công an.
Ông Phàn khẳng định: “Vụ Hoàng Công Lương đã họp liên ngành trước khi xét xử, cho nên thông tin có thể là không chuẩn. Vấn đề này đã họp, thống nhất và đã có báo cáo Chính phủ về nguyên nhân chứ không phải bây giờ xét xử xong rồi mà nguyên nhân lại khác đi như báo chí nêu”.
Tham gia buổi làm việc, Thứ trưởng Trương Quốc Cường – đại diện Bộ Y tế cho biết ông không có ý kiến gì thêm vì đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an và VKSND Tối cao.
Không đồng ý với phần giải trình của ông Trương Quốc Cường, đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói những diễn biến vừa qua cho thấy ý kiến của Bộ Y tế không giống thông tin ông Lê Quý Vương và Trần Công Phàn đã nói.
Cụ thể, Vụ trưởng Pháp chế của Bộ Y tế cung cấp cho báo chí hai thông tin đáng chú ý. Thứ nhất, có căn cứ để khẳng định rằng nguyên nhân cái chết này không phải là như kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng và bản án của tòa án. Thứ hai, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Thủ tướng để kiến nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với vụ án này.
“Đề nghị Bộ Y tế phải coi lại vấn đề này vì những thông tin Bộ đưa ra đang tạo hệ lụy về chính trị tư pháp rất nguy hiểm” – ông Sơn nói.
Trước đó, theo báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Y tế cho biết tình tiết mới mang tính khoa học liên quan đến nguyên nhân gây ra cái chết của 8 bệnh nhân là có thể do nhiễm đa chất vì hệ thống RO1 có 3 van bị hỏng, khiến nước ô nhiễm từ nguồn lọc thô chảy vào bồn nước thành phẩm dùng cho máy chạy thận, chứ không phải do tồn dư HF.
Bộ cũng nêu lên câu hỏi: “Vì sao vụ án chưa xét xử xong nhưng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hoà Bình lại cho phép Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phá bỏ hệ thống lọc nước RO (cả RO1 và RO2) để lắp đặt hệ thống mới, trong khi đây là vật chứng hết sức quan trọng của vụ án?”
Ngoài ra, một số giải thích của đại diện Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) chưa làm rõ được bản chất của nguyên nhân cái chết do ô nhiễm đơn chất hay đa chất, chưa luận giải được một số nội dung về các kết quả giám định mẫu nước, dung dịch, hóa chất đã thu giữ, quy trình và thực thi quy trình lấy mẫu…
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng không mời đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đến để làm rõ những nội dung khoa học mà Bộ Y tế kiến nghị, mà chỉ mời đại diện một số các nhà khoa học của Viện khoa học hình sự là cơ quan được trưng cầu giám định để phục vụ công tác điều tra.
Do đó, Bộ Y tế khẳng định việc Hội đồng xét xử chưa xem xét nghiêm túc tại phiên tòa các kiến nghị khoa học bằng các luận giải khoa học, mà khẳng định các kiến nghị của Bộ Y tế “không có cơ sở khoa học” là không bảo đảm khoa học pháp lý, khoa học xét xử.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…