Trò học với thầy, hằng ngày rồi hằng năm, có khi cả đời cho tới hết kiếp, cả hai thầy và trò đều biết con đường học sẽ không dứt vì không có mức đến, nhưng nhờ con đường dài dằng dặt này đã sinh ra giáo lý học miệt mài. Chính phương trình này: dài dằng dặt-học miệt mài, mà trò đã nhận ra một phương trình khác của chuyện học tập: thầy đau đáu với trí (phải) thức, nên trò cũng phải nao nao với tri (phải) tỉnh. Quan hệ thầy trò, không giống bất cứ quan hệ nào trên đời này vì nó là quan hệ của liên kết trí-tri, trong dằng dặt, trong miệt mài, trong đau đáu, trong nao nao! Tổ tiên Việt không lầm, nếu có một quan hệ trí-tri vượt thời gian, có khi trùm phủ lên cả kiếp người (song tâm để song tài) nên đặt tên nó là: tâm đầu! Trong ý hợp tâm đầu được dẫn dắt bởi trí và tri. Ông bà mình càng không lầm khi hai kẻ có quan hệ khăng khít trong vui học để vui sống (song đôi để song hành) thì đặt tên nó là: tâm giao! Tâm giao của đắc khí, tâm đầu của ý hợp trong quan hệ thầy-trò dẫn tới quan hệ của khám phá trong sáng tạo tri thức, sáng tạo để khám phá trí thức, đây là quan hệ nhân tri làm nên nhân trí dựng nên nhân lý.
Văn hiến Việt là nền giáo lý Việt, và giáo lý Việt sẽ bảo vệ văn hiến Việt, tại đây khi còn là trò thì ta được nghe không những cha mẹ, mà thân tộc, từ cộng đồng là xóm giềng, cho tới các tập thể rộng trong xã hội đã dặn dò ta: một kho vàng không bằng một nang chữ. Từ đây định hình sự quyết tâm của cá nhân trò tới quyết chí của trò trong chuyện học: có học mới biết, có đi mới đến, tại đây hiện tại học tập phục vụ cho tương lai thành tài để thành người. Chưa hết, tổ tiên Việt luôn chỉ giáo cho con cháu phải chuyên cần trong học tập: có thân thì khổ, có khổ mới nên thầy. Khoa học giáo dục và xã hội học giáo dục đã có chung một nhận định là khi trò chuyên cần, tức là trò đang tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho mình để tiến thân, tức là đang tạo những thuận lợi cụ thể nhất để trò được gặp thầy giỏi, thầy lớn. Sức mạnh học lực của thầy tự lan tỏa trong không gian giáo dục, trong môi trường học đường, sức lan tỏa từ nội công trí thức, từ bản lĩnh tri thức của thầy tự nó sáng, tự nó sắc, tự nó nhọn, nên nó tự tồn trong tự tại mà trò phải nhận ra!
Lòng kính yêu của trò đối với thầy là lòng quý trọng tất cả sự nghiệp, tác phẩm của thầy, một trò «sáng dạ», «sáng lòng» sẽ thấy rất thông suốt những đoạn đường học vấn mà thầy đã được đi qua. Nếu «cây có cội nước có nguồn», thì nguồn của nguồn là thượng nguồn của thầy đã làm nên hạ nguồn là trò, mà thượng nguồn của thầy chính là các thầy (các đại sư, các sư tổ…) đã đào tạo ra thầy của mình. Câu chuyện thờ thầy mà không quên thờ tổ chính là câu chuyện uống nước nhớ nguồn! Sức mạnh học lực của thầy, có ngay trong động từ: dạy! Dạy hiểu bài, rồi dạy làm người, trong pháp ngữ từ éducquer (giáo dục) và từ élever (giáo dưỡng) có một nghĩa để nhấn mạnh quá trình: montrer (chỉ dẫn)-améliorer (hoàn thiện)-civiliser (văn minh hóa)-humaniser (nhân tính hóa). Trò khôn tìm thầy giỏi, trò ngoan tìm thầy lớn, lớn từ tư duy tới hành tác qua tri thức rộng, qua trí thức cao, câu chuyện quan hệ thầy-trò, không hề là định lượng chữ theo số nhiều, mà là chất lượng của từng chữ, từng bài, nơi mà nội dụng từng chữ, nơi mà ý nghĩa từng bài làm nên giá trị của quan hệ thầy-trò, nâng lên giáo khoa, rồi thăng hoa luôn cả giáo trình lẫn giáo án.
Câu chuyện trưởng thành của trò, có đủ lông đủ cánh để ra đời, không hề lỗi thời, nó có thượng nguồn là sự nghiêm túc trong học hành, trong đó có lòng tin của trò về chuyện thăng hoa bằng tri thức song hành cùng một giòng sinh mệnh của một cá nhân tìm hướng đi lên bằng học lực. Đây chính là hành trình của nhân tri làm lên nhân trí; tại đây, thầy đã có mặt từ giáo trình tới giáo án, bằng giáo khoa đầy tâm huyết của bài học: ra đời để đổi đời, trưởng thành để ra đời, đổi đời để giúp đời. Phương trình ra đời–đổi đời- giúp đời, biết đi trên lưng cái ích kỷ chủ nghĩa, đi trên vai cái thực dụng chủ nghĩa, đi trên đầu cái chuyện học để lấy bằng, học để lòe tha nhân, học để khoe kiến thức, học để làm tiền.
Ngay trên thượng nguồn của quan hệ thầy-trò làm nên tâm đầu của tri thức, tâm giao vì tâm huyết trên con đường học để hành, thì cái đắc khí giữa thầy trò khi được giảng và trò khi được học tới từ sự tôn trọng chân lý qua dữ kiện và chứng từ, tại đây sự khách quan là điểm hội tụ trong quan hệ này: nói có sách, mách có chứng. Trong quan hệ thầy-trò này không chỉ có các kiến thức khách quan, mà có đạo lý dựng lên đạo đức, làm ra giáo lý để thầy được dạy trò bằng: chữ thánh hiền. Chữ hiền của đạo lý hay, đẹp, tốt, lành mà trò phải học-tập-trong-tu-tập cả đời, nếu thầy là hiền sư thì thấy biết giáo-dục-rồi-giáo-dưỡng trò thành hiền sĩ. Chữ hiền không hề rơi vào ngây thơ để sa vào ngây ngô trong học tập và trong cuộc sống, mà là hiền của khôn, có chỗ dựa của hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái).
Nếu quan hệ thầy-trò làm nên tâm đầu–tâm giao của hai thế hệ khác nhau, nhưng gặp nhau rồi cùng chung-để-chia, và chia-để-chung trên một đoạn đường đời dài từ kiến thức tới giáo lý; thì đây cơ may của cơ may, duyên của duyên, hội ngộ trong hạnh ngộ. Nếu không có cơ-duyên-ngộ này, thì trò dù thông minh tới đâu cũng là con ngựa khỏe đang đi lạc cho tới khi bị quỵ gục, qua thi ca của Tô Thùy Yên thì hình ảnh này làm cho chúng ta đau lòng trong hối tiếc khi trò không gặp thầy: «Bỏ con tuấn mã lại đời hoang». Mà thầy cũng vậy, khi không gặp được trò thật, trò giỏi, mà chỉ gặp toàn bọn lãnh đạo tham quan buôn chức bán quyền, mà khi con đi học thì mua bằng, bán cấp, bọn này không cần thầy, vì chúng ghé môi trường học đường để mượn đầu heo nấu cháo! nên hoạn kiếp của chúng là sự man trá trong học tập: treo đầu dê, bán thịt chó (điếm giáo trong dục lận). Khi thầy phải ngồi chung chiếu, ăn cùng mâm với bọn âm binh này, thì thầy phải mượn câu than đời, cũng của thi sĩ Tô Thùy Yên: “Hỡi ôi hiền sĩ gặp ma trận!”.
Nguyên khí của học đường làm nên không gian giáo dục tinh khiết thủa xa xưa nào của Việt tộc:
Từ đây, xã hội nhân ra hiền tài! Vì hiền tài là nguyên khí quốc gia. Và xã hội này cũng công nhận hai thực tế của giáo dục: thứ nhất: học tài, thi vận; và thứ nhì: học chẳng hay, thi may mà đỗ. Nhưng xã hội thủa xưa của Việt tộc lại đủ nội công để ngăn chuyện mua điểm-bán trường đang tràn lan trong xã hội hiện nay dưới sự lãnh đạo của độc tài nhưng bất tài trong giáo dục, xã hội thủa xưa đó biết chặn chuyện mua bằng-bán cấp đang đầy dẫy trong xã hội hiện nay dưới sự chỉ đạo của độc trị đã thành hoạn trị trong giáo dục. Và xã hội thủa xưa đó, dù là nạn nhân của phong kiến, dù là nạn nhân của thực dân, nhưng xã hội đó không là nạn nhân của ung thư đại tràng trong hệ thống giáo đục như hiện nay là mua chức-bán quyền. Xã hội thủa xưa đó của Việt tộc, biết dặn dò nhau, từ trong gia đình tới ngoài xã hội: người mà không học khác gì đi đêm. Xã hội thủa xưa đó của Việt tộc biết rành mạch cái tầm vóc của chuyện học như chuyện sinh tồn, chuyện sống còn của đời người: chẳng cày lấy đâu có thóc, chẳng học lấy đâu biết chữ.
Từ đây xuất hiện từ chức năng tới vai trò, làm nên vai vóc giáo lý của người thầy: công cha cũng trọng, nghĩa thầy cũng sâu. Thủa xưa, có kẻ khuyên người: muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy, đây vẫn là lời khuyên phiến diện vì khi được đi học, thì phải: hiếu học; lấy chăm học để chế tác học lực của học thật, vì học giả như ta đang thấy hàng ngày trong xã hội Việt Nam hiện nay không hề có chỗ đứng, ghế ngồi trong xã hội học thật thủa xưa của Việt tộc. Câu chuyện học của xã hội thủa xưa có chiều sâu của giáo lý làm nên chiều cao của giáo dục: thờ thầy mới được làm thầy. Từ đây, sinh ra các đạo lý đẹp: về thăm thầy, các luân lý hay: về thăm trường. Rồi ngày vui lại là ngày thiêng liêng của Việt tộc qua ba ngày tết, thì trò biết mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy, như chúng ta biết giữ cho những người kính yêu này những ngày đầu năm thật đẹp, mà giá trị nhân bản của họ đã làm nên nhân tri cùng nhân lý để giữ cho nhân tính chúng ta không xa con đường nhân đạo của nhân nghĩa.
Nếu thầy qua đời, cái ân giáo dưỡng đã thành cái nghĩa giáo dục: để tang thầy ba năm (tam tang), và khi ân nghĩa cùng hội tụ tại một nhân sinh quan của trò, thì trò có thể để tang trong lòng qua nhiều năm. Đây là chuyện tùy người, tùy trò, nhưng là chuyện đẹp của đời người, để hiểu cho rõ, để thấu cho sâu thế nào là công cha nghĩa mẹ ơn thầy. Thầy qua đời rồi, nhưng giữa các môn sinh, có trí nhớ làm nên tri ức cho đời người là biết giỗ thầy, cùng nhau trở lại mái nhà của thầy để có «cái cớ đôi» về thăm thầy, rồi thăm trường luôn một thể. Ân nghĩa với thầy còn biết đi xa hơn nữa: xây mộ thầy. Vì ân nghĩa là chuyện đường dài, nó chính là đường đời, ngày xưa thủa xa Việt tộc còn có lễ tam sinh, cho kẻ ra đi và người ở lại. Nên người xưa chắc chắn là người vừa hiền, vừa khôn, nên họ lập ra ruộng môn sinh, giữa các trò, nếu có lời nhờ ruộng thì sẽ sử dụng vào việc giỗ thầy. Ân sâu nghĩa nặng với thầy, có trong giáo lý tái sản xuất đạo lý cho giáo dục: thờ thầy mới được làm thầy.
Câu chuyện ân sâu nghĩa nặng với thầy là câu chuyện giữa những người vừa hiền, vừa tài, nên họ mới là hiền tài, mới là nguyên khí của quốc gia, thủa xưa họ đã lập ra hội đồng môn, lấy quan hệ đồng môn để làm nên đoàn kết qua tương trợ: quỹ đèn sách. Trên cõi đời này đầy chuyện nắng sớm mưa chiều, ngập chuyện vật đổi sao dời, mà một người học trò đi trọn cuộc đời thành tài, rồi thành người, vượt thoát thử thách, vượt thắng thăng trầm, nhờ đoàn kết với đồng môn, nhờ có tương trợ. Nên những cá nhân đồng môn này, nhờ có cùng một thầy, mà nay không sợ bị đuối trong cá nhân chủ nghĩa, không sợ bị chìm trong ích kỷ chủ nghĩa, không sợ bị ngộp trong cái tôi trung tâm; chỉ thấy mình mà không thấy tha nhân. Để đến lúc bị đuối, bị chìm, bị ngộp thì mới thấy sự đoàn kết là con tàu đưa mình qua sóng gió, và tương trợ là cái phao mỗi lần mình bị đuối trong bể học, lạc lõng giữa bể đời.
Lukacs, người thầy tinh khôi của xã hội học nghệ thuật và minh sư của xã hội học văn học, nhận ra trong trách nhiệm làm thầy, có một môi trường lẳng lặng nuôi nấng một quan hệ bền bỉ của đời người, đó là quan hệ của thầy-trò. Và chính thánh Augustin đã thấu được là trách nhiệm làm thầy vừa là hằng số, lại vừa là ẩn số! Tại sao vậy? Vì giáo lý là hằng số, nhưng cũng là ẩn số, vì nó tùy thuộc vào nội công nhân tri, bản lĩnh nhân trí, tầm vóc nhân lý của từng người thầy. Khi là hằng số trong trách nhiệm làm thầy, thì thầy sẽ hổ trợ trò với tháng rộng năm dài; nhưng khi là ẩn số trong trách nhiệm làm thầy, thì cả thầy lẫn trò đều có cùng một câu hỏi, một câu hỏi có khi làm «não lòng», có khi làm «đứt ruột» của người hiền trước kẻ bội tín: «Nắng ba năm ta không bỏ bạn, mưa một ngày bạn đã bỏ ta». Chữ bạn, có thể là thầy, có thể là trò, nhưng cái tồi của bội tín giờ đã làm ra cái nhục trong quan hệ giữa người với người, mà người đây không phải là người dưng, kẻ lạ, mà là thầy của giáo lý và trò của giáo dưỡng.
Trong Việt sử có một người thầy rất lớn là Nguyễn Trãi đã đi trọn con đường chông gai của ra đời để đổi đời, rồi còn đi xa hơn nữa là độ đời để cứu đời, đã phò nhà Lê, đã tống cổ bọn Tầu tặc nhà Minh ra khỏi đất nước của Việt tộc, bắt chúng phải nhớ là đất Việt đã có chủ là người Việt. Sau ngày đất nước giành lại độc lập, người thầy Ức Trai này, mới khám phá ra là nhà Lê mà mình phò chỉ là loại: đồng thuyền (trong kháng chiến) chớ không bao giờ là đồng hội (trong quyền lực). Câu chuyện lại lập lại với bao người Việt chân chính theo Việt Minh rồi theo cộng sản từ 1945 tới1975, khi đất nước thống nhất, họ mới thấy ba bộ mặt mới của sự gian trá: bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền, cùng lúc xuất hiện để gạt ra, để xóa đi sự chân chính, lòng chân thành.
Nhưng thầy luôn là thầy! Hãy trở lại câu chuyện của người thầy Ức Trai Nguyễn Trãi trước khi bị nhà Lê đưa vào vòng tru di tam tộc, qua vụ án oan của Thị Lộ, thì bọn tà quyền tham quan trong triều đình đã lời ra tiếng vào, dèm pha rồi xuyên tạc, vu khống để vu cáo Nguyễn Trãi. Chính người thầy Ức Trai này đã trả lời chúng về lòng yêu nước thương nòi của mình: «Duy chỉ một lòng trung với hiếu / Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng!». Người thầy Nguyễn Trãi đã dạy cho chúng một lúc hai bài học: một về chữ trung, một về chữ hiếu; nếu bọn tà quan ma quyền này vẫn chưa hiểu thì thầy Ức Trai sẽ giảng cho chúng thêm bài học thứ ba về sự liêm chính làm nên cái thẳng thắn của trúc, luôn đứng thẳng lưng để trừ tà quyền, để khử ma quyền: «Vườn quỳnh đầu chim kêu hót/ Cõi trần có trúc đứng ngăn!».
Không gian giáo dục dựng lên môi trường học đường mà trong đó hệ thống giáo dục từ đầu tới cuối không bao giờ rời kiến thức để dựng lên tri thức, rồi dùng tri thức để bồi đắp ý thức, chuẩn bị cho học sinh, sinh viên ra trường để ra đời với những nhận thức đầy đủ về bổn phận và trách nhiệm của công dân, luôn tỉnh thức để tự xây cho mình một chủ thể thức, có nhân quyền để bảo vệ nhân phẩm cho mình và cho người khác. Đây chính là sứ mệnh của thầy, mà trước hết thầy là một tri sư của chủ thể thức.
Thủa xưa, thầy là tri sư được hiểu như là người cha tinh thần biết đưa đường dẫn lối, biết hướng dẫn trò đến các chân trời, để từ đó trò biết lý thuyết, biết phương pháp để thăng hoa trong chính tương lai của mình. Thời nay, thực tế của cá nhân hóa giáo dục, một học trò có rất nhiều thầy, và có rất nhiều kiến thức tới từ mọi nơi, và khi tổng hợp sự đa nguyên của kiến thức thì chính cá nhân đó nhận ra là sự chủ động cá nhân biết đi tìm kiến thức đa dạng, đa diện, đa phương là chuyện cần thiết, nên chỉ có một người thầy thì không đủ. Tại đây, chân dung của học sinh, của sinh viên đã ngày ngày biến chuyển rồi thay đổi theo sự phát triển muôn chiều của khoa học kỹ thuật, theo sự biến hóa muôn hướng của khoa học truyền thông. Sự hiện diện của mạng xã hội qua internet, một lúc có thể đóng vai trò của nhiều người thầy, qua các chuyên nghành, chuyên khoa, chuyên môn, chuyên gia khác nhau, đây chính là một cuộc cách mạng ngay trong não bộ của tri thức.
Nhưng cũng trong môi trường giáo dục gọi là hiện đại ngày nay, đã để lộ chân dung rồi hình tướng một cách học mới, học trò đến trường để «tiêu thụ kiến thức», và khi họ biết tiêu thụ kiến thức, thì đòi hỏi được «tiêu thụ bằng cấp». Từ nay, kiến thức là món hàng, bằng cấp là món đồ trong quan hệ «tiền trao cháo múc», có qua có lại, mà cuối cùng họ nghĩ là: «hai bên cùng có lợi», nên họ ngỡ ngàng khi nghe các giáo lý: công cha, nghĩa mẹ ơn thầy, rồi công cha cũng nặng, ơn thầy cũng sâu… Trong chân dung «tiêu thụ kiến thức», qua hình tướng «tiêu thụ bằng cấp», họ có thái độ «tiêu xài quan hệ thầy-trò», họ có hành vi «tiêu pha kiến thức của thầy», họ có động thái «tiêu hoang giáo lý của thầy»… Họ nhiều kiến thức kỹ thuật, nhưng họ thiếu kiến thức đạo lý, họ vắng tri thức luân lý, có khi họ lạ lẫm rồi lang thang cho tới lầm đường lạc lối trước đạo đức là cội rễ trong quan hệ thầy-trò. Họ chưa trưởng thành mà họ đã đi hoang:
Mà bản thân họ không hề đặt dặt những câu hỏi cần thiết để thực sự được trưởng thành: Đâu là đạo lý của kiến thức? Đâu là đạo đức của tri thức? Đâu là luân lý của quan hệ thầy-trò? Nếu họ không có các câu trả lời xác đáng cho các câu hỏi này thì: họ không bao giờ trưởng thành trong xã hội với trách nhiệm ích nước-lợi dân, vì họ chưa hề trả lời rõ ràng: Đâu là giáo lý của giáo dục?
Muốn có các câu trả lời chỉnh lý trước, rồi có toàn lý sau, thì họ phải trở lại thượng nguồn của giáo dục, trong đó quan hệ thầy-trò được xếp đăt trong không gian giáo dục, được liên kết ngay trong môi trường học đường, luôn mang một sức mạnh vô song, vì không ai đoán được kết quả làm nên hiệu quả của quan hệ này. Chỉ vì quan hệ thầy-trò vừa phi cá nhân hóa, vừa được cá nhân hóa. Tại đây, trường học-luật học-thuật học được phi cá nhân hóa, vì tất cả học trò đều phải học cùng một giáo trình, cùng một giáo án trong một hệ thống giáo dục. Nhưng trên thực tế, mỗi thầy cô đều có giáo khoa riêng biệt của mình, và chính giáo khoa làm nên giáo thuật của thầy cô, chính đây là điểm hẹn, nơi đến để học trò được khích hoạt mà tự tạo học lực riêng cho mình. Trò giỏi hiểu giáo trình, nắm giáo án, lại có trò giỏi hơn thấm giáo khoa của thầy, để thấu giáo lý của giáo dục qua giáo thuật của thầy; từ đó xuất hiện chân dung người học trò xuất sắc nhận ra trong quan hệ thầy-trò; đây chính là quan hệ nhân tri làm nên nhân trí.
Từ đây, trò chọn thầy bằng nhân trí của mình, trò bầu ra thầy bằng chính nhân tâm của mình, trò gạn lọc trong tất cả thầy để nhận ra một người thầy sẽ giúp trò có nhân vị vững vàng, vì trò vững tin thầy không những qua học vị, mà trước hết là thầy có nhân bản sẽ tạo nên nhân phẩm cho trò. Đây là câu chuyện trung tâm của đời người, vì nó nói lên hệ liêm (liêm khiết nhờ liêm chính nên tạo được liêm sĩ), và hệ liêm này đi trên lưng cái tôi ích kỷ, đi trên vai cái tôi thực dụng, đi trên đầu cái tôi trung tâm cứ có ảo tưởng mình là trung tâm của vũ trụ. Một người sinh viên chuẩn bị tiến sĩ, phải đi tìm một người thầy nhận làm giám đốc luận án để hướng dẫn tiến sĩ của mình, chỉ qua con tính thuận lợi trong cơ chế, để đi theo con bài thuận chiều qua quyền thế của người giám đốc luận án này; nhưng trong thâm tâm của trò này, thì chưa chắc trò tôn vinh rồi tôn kính để xem người giám đốc luận án này là người thầy của mình.
(Còn tiếp)
Lê Hữu Khóa
Tác giả gửi Trí Thức VN
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học * Giám đốc Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).
Xem thêm:
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…