Sau 8 tháng tạm giam và một lần hoãn xét xử, ngày 11/4, Hội đồng xét xử sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP Thái Nguyên đã tuyên án từ 1 năm tới 3,5 năm tù giam đối với 4 cá nhân trong một vụ án hình sự có nhiều tình tiết khuất tất và thiếu minh bạch.
Ngày 11/4, Tòa án Nhân dân TP Thái Nguyên tiến hành phiên xét xử sơ thẩm đối với 4 bị cáo về tội cướp và cướp giật tài sản tại trụ sở tòa án thành phố. (Báo Thái Nguyên điện tử, 11/04/2018) (1)
4 cá nhân bị đưa ra xét xử gồm Trần Thị Ngọc (SN 1961, trú tại xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên) và Trần Thị Tiến (SN 1960, trú tại phường Hương Sơn) – bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thái Nguyên khởi tố về hành vi “Cướp tài sản”; Trần Kim Chung (SN 1960, trú tại phường Tân Lập) và Vũ Thị Huyền (SN 1994, trú tại phường Phú Xá) – bị khởi tố về hành vi “Cướp giật tài sản”.
Phiên tòa bắt đầu lúc 7h30, nghỉ trưa trước 12h, chiều bắt đầu làm việc lúc 13h30 và kết thúc vào khoảng 17h30.
Kết thúc phiên xét xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án Trần Thị Ngọc 42 tháng tù giam; Trần Thị Tiến 36 tháng tù giam; Vũ Thị Huyền 15 tháng tù giam; Trần Kim Chung 12 tháng tù giam về tội cướp và cướp giật tài sản. Tổng hình phạt tuyên cho 4 người lên đến 8,75 năm tù.
Mặc dù Tòa án Nhân dân TP Thái Nguyên tuyên bố buổi xét xử tiến hành công khai, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 27/2/2018, chỉ có em trai của cá nhân Trần Thị Ngọc và con gái của cá nhân Trần Thị Tiến được vào theo dõi phiên xét xử qua camera trong phòng kín. Những người thân khác, bạn bè và người dân bị ngăn cản không được tham dự.
Anh H.T (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho hay, phía tòa án cho biết muốn vào dự phiên xét xử cần có giấy của UBND TP Thái Nguyên. Tuy nhiên, khi anh tới UBND TP Thái Nguyên xin giấy vào dự phiên xét xử thì một trong hai nhân viên tại phòng Tiếp dân cho biết, phía UBND TP không can thiệp sự việc và lãnh đạo thành phố đang có cuộc họp nên không thể báo cáo về việc tiếp công dân trong ngày, việc gặp lãnh đạo UBND TP cần phải viết giấy đăng ký lịch gặp vào sáng thứ 6 (ngày 13/4) tới.
Theo ghi nhận, trong ngày diễn ra phiên xét xử, công an an ninh, công an giao thông dựng rào chắn các ngả đường quanh khu vực trụ sở Tòa án Nhân dân TP Thái Nguyên, ngăn cản người dân tới gần khu vực tiến hành xét xử. Quanh khu vực tòa án, có loa mở công suất lớn phát nhiều nội dung sai lệch liên quan tới môn tu luyện Pháp Luân Công.
Trước đó, theo thông tin phản ánh, sáng ngày 10/4, công an thành phố đã tới nhà một số người tập Pháp Luân Công tại tỉnh Thái Nguyên vận động, đe dọa không được đến dự phiên toà, đồng thời phát ngôn rằng Pháp Luân Công bị cấm và chưa được cho phép mặc dù chưa có bất kỳ văn bản công khai nào của Nhà nước quy định về điều này. Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng“.
Cũng trong chiều tối ngày 11/4, nhiều người ra tập Pháp Luân Công bên hồ Xương Rồng bị đám đông thanh niên khoảng hơn chục người đến đuổi, chửi bới, đấm đá, dùng gậy 3 khúc (baton), côn nhị khúc đánh trong gần 30 phút, khiến một số người bị thương tích nghiêm trọng.
Khoảng 18h-19h ngày 29/7/2017, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP Thái Nguyên), một nhóm người dân mở nhạc và tập trống lưng.
Một nhóm người lạ đến quay cảnh tập trống, sau đó tắt loa, giật trống của người dân. Được biết, một trong số đó có công an mặc thường phục, tên Hưng, là công an phường Cam Giá, TP Thái Nguyên. Một lúc sau, một ô tô chở hai người mặc cảnh phục đến cưỡng chế người và 2 trống, 1 loa về trụ sở công an phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên. Tại phường, công an không tiến hành lập biên bản thu giữ tài sản, không nêu lý do cưỡng chế đưa người về trụ sở. Người dân giải thích lý do tập trống, yêu cầu trả lại tài sản song công an không phản hồi mà bỏ về.
Khoảng 21h30, công an vẫn không trả tài sản thu giữ trái phép của công dân, một vài người cầm lấy trống và loa ở trên bàn để ra về. Lúc này, một nữ cán bộ trực ban giữ lấy tay họ, nói: “Các cô cướp à?”. Những người trên gỡ tay nữ cán bộ trực ban, giải thích: “Đồ của các cô thì các cô lấy thôi, chứ các cô có cướp gì đâu“. Người này im lặng và để họ rời đi. Khi gỡ tay nữ cán bộ ra, người này bị mất đà ngồi xuống ghế của mình.
Khoảng 12h đêm ngày 29/7, công an TP Thái Nguyên, công an phường và tổ dân phố đến nhà đọc lệnh bắt một người trong nhóm tập trống, đưa đến trụ sở Công an TP Thái Nguyên. Tiếp đến, 3h sáng ngày 30/7, một người khác bị công an đọc lệnh bắt và đưa đi ngay trong đêm. Từ 29/7- 1/8/2017, tổng cộng 8 người bị bắt giữ. Đến 12h đêm ngày 2/8/2017, 4 người được thả về, 4 người tiếp tục bị tạm giữ.
Ngoài giữ người, công an tiến hành khám nhà, tịch thu sách, máy tính… Người bị tạm giữ không được thông báo về việc khám nhà, tịch thu tài sản. Công an không cho người nhà chụp hay giữ bản sao lệnh khám.
Ngày 2/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thái Nguyên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trần Thị Ngọc (SN 1961, trú tại xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên) và Trần Thị Tiến (SN 1960, trú tại phường Hương Sơn) về hành vi “Cướp tài sản”; Trần Kim Chung (SN 1960, trú tại phường Tân Lập) và Vũ Thị Huyền (SN 1994, trú tại phường Phú Xá) về hành vi “Cướp giật tài sản”.
Sau 7 tháng tạm giam, ngày 22/3/2018, 4 cá nhân trên bị đưa ra xét xử sơ thẩm. Trong ngày xử án, công an dựng rào chắn, an ninh mặc thường phục chặn các lối vào tòa án. Người thân, bạn bè, nhà báo và người dân không được vào tham dự buổi xét xử. Mỗi gia đình của 4 cá nhân trên chỉ được hai người vào theo dõi phiên tòa qua camera trong phòng kín.
Do nhiều nhân vật vắng mặt trong phiên xét xử gồm một luật sư, chủ tịch phường Trưng Vương, công an phường Trưng Vương, bảo vệ/an ninh phường Trưng Vương, công an Thành phố (tên Tuấn), nữ cán bộ trực ban tối ngày 29/7, phiên tòa tạm hoãn, dời đến ngày 11/4/2018.
Theo phân tích pháp lý, vụ án có nhiều điểm bất thường về pháp luật.
Thứ nhất, tội danh mà cơ quan và người tiến hành tố tụng của thành phố Thái Nguyên đã xác định đối với bị can, bị cáo là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và không đúng với sự thật.
Theo thông tin công bố trên báo chí, vụ việc xử phạt, thu giữ tài sản của nhóm người dân được công an phường Trưng Vương áp dụng theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.” (CAND Online, 11/08/2017) (2).
Tuy nhiên, các nhân chứng xác nhận tại quảng trường, công an cưỡng chế thu giữ tài sản, đưa người đi mà không hề có quyết định văn bản và lập biên bản tạm giữ tài sản có chữ ký của người bị thu giữ. Điều 125 Luật xử lý vị phạm hành chính 2012 nêu rõ: “Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản“.
Trở lại chi tiết được công bố: việc xử phạt được áp dụng theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 167, thực tế, việc người dân tập nhạc cụ tại công viên khi công viên không có sự kiện gì cần giữ trật tự không phải là việc “cổ động”. Việc sinh hoạt văn hóa đời sống nơi công cộng (như khiêu vũ, aerobic, đá bóng…) không cần phải đợi các cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được thực hiện.
Trong vụ việc, Cảnh sát điều tra, Công an TP Thái Nguyên đã tiến hành khởi tố , bắt tạm giam 4 công dân về hành vi “Cướp tài sản”, “Cướp giật tài sản”. Tuy nhiên, theo Điều 168 Bộ luật hình sự 2015, tội cướp tài sản được quy định là việc: “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản“. Việc người dân lấy lại tài sản thuộc quyền sở hữu (đang bị thu giữ trái luật) không thể quy là hành vi cướp tài sản và cướp giật tài sản. Hành vi lấy lại không cấu thành tội Cướp tài sản và Cướp giật tài sản được, không cấu thành tội phạm.
Thứ hai, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ luật định; trình tự thủ tục tiến hành các hoạt động tố tụng được thực hiện không theo luật định và không có căn cứ thực tế.
Trong 4 ngày, từ 29/7- 1/8/2017, tổng cộng 8 người bị bắt giữ, trong đó 2 người bị đưa đi ngay trong đêm. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang”.
Ngoài ra, luật quy định không được khám xét, bắt người trong đêm (từ 10h đêm đến 6h sáng). Lệnh bắt giữ khẩn cấp (trong vòng 12 giờ mới cần có quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát) chỉ được áp dụng khi có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; xác nhận rõ khả năng người phạm tội có khả năng bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ (Điều 110 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).
Theo đó, việc công an tới nhà công dân không vi phạm pháp luật hình sự trong đêm để áp dụng lệnh bắt giữ khẩn cấp là không đúng thẩm quyền, không có căn cứ thực tế. Điều này không chỉ là sự coi thường pháp luật mà còn gây kinh động đến đời sống bình yên của xã hội.
Tóm lại, xuyên suốt toàn bộ là sự việc một nhóm người dân vô tội đã bị cơ quan công an tiến hành bắt giữ khẩn cấp, bị khởi tố, sau đó bị tạm giam tới 7 tháng để “làm án”, rồi bị đưa ra xét xử trong những phiên tòa kín. Đây hoàn toàn là việc làm đi ngược với quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Thế nhưng, bất kể hàng loạt những điểm bất thường như trên, một “vụ án hình sự” với 4 công dân bị khởi tố khi lấy lại tài sản bị công an thu giữ trái phép vẫn đang được các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Nguyên tiến hành. Sau một lần trì hoãn, ngày 11/4, phiên tòa sơ thẩm đã khép lại nhanh chóng chỉ trong vòng một ngày xét xử. Tại phiên tòa, bị cáo không có quyền lên tiếng, luật sư không có cơ hội bào chữa, thân nhân, người dân bị đe dọa, tước quyền theo dõi, giám sát. 4 công dân vô tội đang phải đối mặt với những bản án hình sự với tổng cộng gần 9 năm tù giam. Luật pháp là để trấn áp tội phạm, giữ kỷ cương phép nước, hay trở thành công cụ để chính quyền TP Thái Nguyên quay ngược trở lại bức hại người dân vô tội – đó là câu hỏi nhức nhối thiết nghĩ đang được đặt ra đối với bất kỳ ai có lương tri và cần lên tiếng.
Bài đăng được cập nhật lại thông tin vào ngày 18/4, 19/4.
Xuân Tường
(1) http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/phap-dinh/xet-xu-doi-tuong-cuop-tai-san-tai-tru-so-cong-an-phuong-253709-46247.html
(2) http://cand.com.vn/Ban-tin-113/Khoi-to-nhom-doi-tuong-co-hanh-vi-Cuop-tai-san-va-Cuop-giat-tai-san-453404/
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…