Categories: Thời sựViệt Nam

Vụ BV Tuệ Tĩnh: Đề xuất Bộ Y tế tạm ứng 10,2 tỷ đồng để trả lương cho y bác sĩ

Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đề nghị Bộ Y tế bố trí nguồn kinh phí 10,2 tỷ đồng cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh để chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 cho nhân viên y tế.

Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đề nghị Bộ Y tế bố trí nguồn kinh phí 10,2 tỷ đồng cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh để chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 cho nhân viên y tế. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Liên quan đến việc hàng chục nhân viên y tế bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, ở quận Hà Đông, Hà Nội) xuống đường “kêu cứu” vì bị nợ tiền lương, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện hôm 14/1 cho biết đã đề xuất Bộ Y tế để Bệnh viện Tuệ Tĩnh tạm ứng tiền từ nguồn quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của học viện để chi trả 50% tiền lương, phụ cấp tháng 12/2021 và tháng 1/2022 viên chức, người lao động.

Học viện cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét bố trí gấp nguồn kinh phí tạm ứng trước cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh 10,2 tỷ đồng để chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 đến nay.

Cùng với đó, Học viện này còn kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ sớm có quyền quyết định bổ sung ngân sách hỗ trợ bệnh viện để chi trả tiền lương cho viên chức người lao động.

Đáng chú ý, báo Tuổi Trẻ dẫn lời chị Lê Thanh Bình, Tổ trưởng tổ công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh, cho biết ban giám đốc đã đưa ra kiến nghị trên với Bộ Y tế cách đây gần 2 tháng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Ban giám đốc không có phương án giải quyết mà chỉ kiến nghị, đề nghị Bộ Y tế, Công đoàn Y tế chi trả. Đến nay, ngoài 10 cán bộ, viên chức được nhận hỗ trợ 20.000.000 đồng, các cán bộ khác chưa nhận được hỗ trợ gì”, chị nói.

Trước đó, hai ngày 11 và 12/1, hàng chục y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã tập trung trước cổng bệnh viện căng băng rôn kêu cứu vì bị nợ lương.

Theo phản ánh của các nhân viên bệnh viện, phần lớn cán bộ Bệnh viện Tuệ Tĩnh là điều dưỡng viên, hệ số lương của người lao động rất thấp. Nhưng từ tháng 5-11/2021, khoảng 160 nhân viên y tế của bệnh viện chỉ được nhận 50% tiền lương. Đến tháng 12/2021, họ không nhận được lương và tháng 1/2022 dự báo không có lương với lời giải thích “không có nguồn thu vào để chi được lương”.

Việc này đã khiến cuộc sống nhân viên y tế vô cùng khó khăn, sau giờ làm họ phải đi bán rau, ship hàng, chạy xe ôm… để kiếm sống.

Theo chị Bình, ngày 13/1, ban giám đốc học viện có tổ chức họp các cán bộ, viên chức bệnh viện bị nợ lương. Tuy nhiên, ban giám đốc “chỉ chi trả 50% lương tháng 12/2021 và tháng 1/2022 chứ không trả lương đã nợ, nên chúng tôi không đồng ý với quyết định này”.

Cũng theo chị Bình, nguyên nhân của tình trạng nợ lương bắt đầu từ khi bệnh viện chuyển sang tự chủ. Bệnh viện Tuệ Tĩnh là bệnh viện thực hành hạng 3, chủ yếu phục vụ việc thực hành, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, hoàn toàn không có đủ năng lực để có thể tự chủ tài chính. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà năm 2019, lãnh đạo bệnh viện đột nhiên lại xin cơ chế tự chủ tài chính. “Việc này hoàn toàn không được đưa ra họp bàn hay thông báo với tập thể nhân viên y tế toàn bệnh viện”, chị cho biết.

Theo giải thích từ ông Huy, bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ từ năm 2019 – 2020, khi thực hiện chi thường xuyên chủ động tăng nguồn thu, bệnh viện không đạt được kế hoạch như dự kiến.

Ông Huy cho hay dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch và kết quả hoạt động của Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Theo đó, Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải giãn cách, giảm số lượng bệnh nhân, hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu. Bệnh viện gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý I năm 2021 đạt 15%, quý II năm 2021 đạt 51,19% và quý III năm 2021 đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Chính vì vậy, nguồn thu của Bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương.

Liên quan đến vụ việc, chiều 12/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ để giải quyết tình trạng nợ lương; báo về Bộ trước ngày 20/1.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Hoàng Minh

Published by
Hoàng Minh

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

3 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

3 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

4 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

5 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

6 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

7 giờ ago