Luật sư của cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên cho rằng số tiền mà bị cáo nhận hối lộ nếu chia trung bình cho 18 doanh nghiệp đã chi tiền thì không lớn; 42,6 tỷ đồng chia cho 30.000 công dân về nước, mỗi người chỉ bỏ ra 500.000 – 2 triệu đồng.
Chiều ngày 21/7, sau 9 ngày làm việc, phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” kết thúc phần tranh luận. HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi vào nghị án. Tuy nhiên, do thời gian đã muộn và mới có khoảng 20 bị cáo nói xong, HĐXX quyết định tạm dừng làm việc, tiếp tục vào sáng nay (ngày 22/7).
Đứng trước tòa, hầu hết các bị cáo đều mong HĐXX cân nhắc. Trong số này, Nguyễn Quang Linh – cựu Trợ lý Phó thủ tướng, nói đến nay nhận thức rõ nên thành khẩn khai báo từ rất sớm. Bị cáo mong sớm được trở về với xã hội, gia đình và mẹ già.
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng mong được tha thứ và hưởng khoan hồng. Tương tự, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan vẫn cho rằng việc nhận hối lộ từ các doanh nghiệp là do nể nang và nhận thức chưa đầy đủ, đồng thời trình bày hoàn cảnh mẹ già, con nhỏ, mong được hưởng mức án thấp để sớm trở về với gia đình.
Một bị cáo khác là Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nói bản án tử hình mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị với mình là rất nghiệt ngã, “không nghĩ phải đối diện với mức án cao như vậy khi mới ngoài 40 tuổi”. Bị cáo Kiên xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội được sống.
Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát cho biết trong số 54 bị cáo thì có tới 21 người bị truy tố tội nhận hối lộ, là các cựu quan chức thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương.
Khi bào chữa cho nhóm này, nhiều luật sư cho rằng việc nhận tiền của doanh nghiệp xuất phát từ sự cảm ơn, không hứa hẹn, không gây khó dễ.
Tuy nhiên, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu rõ các bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước; đã lợi dụng vị trí công việc được giao để trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận tiền nhằm tạo điều kiện cấp phép chuyến bay theo yêu cầu của người đưa tiền.
“Các bị cáo đưa, nhận hối lộ đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ nhận thức và biết rõ hành vi đưa, nhận tiền là vi phạm pháp luật. Nhưng vì mong muốn đạt được mục đích của mình, các bị cáo vẫn thực hiện tội phạm với lỗi cố ý”, kiểm sát viên đánh giá.
Đồng thời, kiểm sát viên nhấn mạnh hành vi nhận hối lộ của nhóm cựu quan chức đã gián tiếp buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp nguồn thu, người chịu thiệt thòi không ai khác chính là hàng ngàn công dân đang mắc kẹt ở nước ngoài.
Đại diện Viện kiểm sát cũng dành thời gian tranh luận quan điểm của từng bị cáo và luật sư bào chữa, trong số này có Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
Luật sư của bị cáo Kiên cho rằng số tiền mà bị cáo nhận hối lộ nếu chia trung bình cho 18 doanh nghiệp đã chi tiền thì không lớn; 42,6 tỷ đồng là phép cộng của hơn 30.000 công dân về nước, mỗi người chỉ bỏ ra 500.000 – 2 triệu đồng, “có lớn không khi đổi lấy sự an toàn tính mạng và sức khỏe?”.
Kiểm sát viên cho hay “rất phẫn nộ” với quan điểm bào chữa trên, bởi thể hiện sự thờ ơ trước những đau khổ, mất mát của đồng bào và của nhân loại; xúc phạm những người dân trải qua đại dịch đầy khốc liệt và đau thương.
Bên cạnh đó, quá trình xét xử, nhóm bị cáo tại Cục Lãnh sự và luật sư bào chữa đều khẳng định họ chưa bao giờ gây khó khăn, sách nhiễu doanh nghiệp, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của doanh nghiệp.
Khánh Vy
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…