Việt Nam

Vụ hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm chất cấm: Cơ sở cung cấp cho Bách Hóa Xanh có giấy phép “đóng gói”

Sau khi 4 chủ cơ sở bị khởi tố, hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất kích thích tăng trưởng 6- Benzylaminopurine đang hoạt động bình thường, sản lượng giảm khoảng 25-30%.

Giá đỗ ngâm chất cấm bị thu giữ tại cơ sở Lâm Đạo. (Ảnh chụp màn hình/An ninh Đắk Lắk)

Ngày 31/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk cho biết đã gửi Bộ NN-PTNT, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường về vụ việc dùng chất cấm sản xuất giá đỗ vừa bị phát hiện tại tại TP. Buôn Ma Thuột, TTXVN cho hay.

Một cơ sở duy nhất có giấy phép “sơ chế, đóng gói”

Theo báo cáo, ngày 15/12, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cử 2 công chức có chứng nhận lấy mẫu thực phẩm phối hợp với đoàn kiểm tra của Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) lấy mẫu tại 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ở TP. Buôn Ma Thuột (35 mẫu giá đỗ, 6 mẫu hóa chất, 6 mẫu nước ngâm đã pha loãng) để kiểm định. Qua đó, phát hiện có chất 6- Benzylaminopurine là hóa chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Trong 6 cơ sở làm giá đỗ (3 hộ kinh doanh và 1 doanh nghiệp), có 1 cơ sở của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động “sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh” ngày 22/4/2024.

Cơ sở này xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lần đầu, để được đánh giá các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động sơ chế, đóng gói nên không được lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm. Do xếp vào loại B nên việc thẩm định lại phải đủ 12 tháng, vì vậy đến nay chưa đến thời hạn đánh giá lại.

Giá đỗ “sạch” thương hiệu Lâm Đạo được bán trong Bách Hóa Xanh. (Ảnh: dẫn qua Beatvn/Facebook)

5/6 cơ sở làm giá đỗ còn lại thuộc nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT, ngày 31/10/2018 của Bộ NN-PTNT.

Trong năm 2024, các cơ quan quản lý của tỉnh, huyện tại Đắk Lắk đã tiến hành nhiều hoạt động thanh, kiểm tra, lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, cả 6 cơ sở làm giá đỗ nêu trên chưa được các đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất.

Các cơ sở vi phạm vẫn tiếp tục làm giá đỗ

Sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 4 bị can của 6 cơ sở nói trên, cả 6 cơ sở vẫn đang hoạt động bình thường. Đại diện các cơ sở này cho biết 4 người chủ đều đã bị tạm giam nhưng cơ quan công an không yêu cầu ngừng hoạt động, chỉ phải ký cam kết không được sử dụng chất cấm. Vì vậy, hoạt động làm giá đỗ diễn ra bình thường với sản lượng ít hơn, có cơ sở hiện bán 1,5 tấn/ngày (sản lượng trước khi bị công an kiểm tra là 2 tấn/ngày), có cơ sở bán 200 – 300 kg/ngày (trước đó là 400 – 500 kg/ngày).

Đại diện các cơ sở này khai báo không biết chất sử dụng sản xuất giá đỗ là chất cấm. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Cổng thông tin của Bộ Công an (đăng tin ngày 26/12/2024), các cơ sở này đều biết hoạt chất 6-Benzylaminopurine – được gọi lóng là “nước kẹo” – bị nhà nước quy định cấm sử dụng và khi đưa vào cơ thể sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Cảnh thu hoạch, đóng gói giá đỗ tại cơ sở Lâm Đạo. (Ảnh chụp màn hình/An ninh Đắk Lắk)

Các cơ sở này cố tình sử dụng vì muốn tăng tối đa lợi nhuận. Mỗi lần dùng xong, các can chứa hoạt chất 6-Benzylaminopurine bị giấu vào nhà vệ sinh, góc kho xưởng, trong phòng ngủ, tầng hầm để tránh bị phát hiện. Vi phạm này chỉ có thể phát hiện qua kiểm tra lấy mẫu và xét nghiệm chuyên về hoạt chất này.

Đối với yêu cầu truy xuất, triệu hồi giá đỗ ngâm chất cấm đang lưu thông do UBND tỉnh Đắk Lắk đưa ra ngày 30/12, Sở NN-PTNT cho hay tại thời điểm Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra các cơ sở nói trên (ngày 15/12), cơ quan công an đã tịch thu toàn bộ sản phẩm giá đỗ có chứa chất 6-Benzylaminopurine và các can đựng hóa chất tại 6 cơ sở làm giá đỗ để làm tang vật vụ án. Trong khi đó, các cửa hàng của hệ thống Bách hóa Xanh đã thu hồi, tiêu hủy 343 kg và ngừng mua hàng từ đơn vị cung cấp giá đỗ là cơ sở Lâm Đạo. Do đó, không còn sản phẩm để thu hồi. Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo cũng không còn cung cấp giá đỗ cho cửa hàng Bách hóa Xanh.

Qua vụ việc nêu trên, Sở NN-PTNT nhận định công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm còn có nhiều tồn tại, vướng mắc, bất cập. Theo đó, Sở NN- PTNT đề nghị Bộ NN-PTNT cần sớm có những hướng dẫn, định hướng cụ thể, đồng thời nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm 2010, các nghị định, thông tư cho đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế nhằm giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế, để giúp các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm đối với nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Minh Sơn

Minh Sơn

Published by
Minh Sơn

Recent Posts

Thẩm phán ấn định ngày tuyên án ông Trump vụ tiền bịt miệng

Thẩm phán Juan Merchan của Manhattan, New York chủ trì phiên tòa xét xử ông…

1 phút ago

3 động thái chính của quan trường Trung Quốc năm 2025 – Viên Hồng Băng

Cái gọi là chống tham nhũng của Trung Quốc là đấu đá nội bộ nhằm…

1 phút ago

“Khẩu đức” không tốt thì mệnh cũng không thuận

Muốn biết một người có mệnh tốt hay không thì có thể nhìn xem “khẩu…

7 phút ago

Trung Quốc xác định  năm 2025 – 2027 là năm dịch vụ sức khỏe tâm thần

Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (2/1) rằng Trung Quốc…

13 phút ago

Kinh tế Trung Quốc hiện không còn khả năng để vượt qua Mỹ – WJS

Nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các vấn đề “dư thừa” nên…

28 phút ago

Trái tim nước Pháp: Câu chuyện về Nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà thờ lớn, nơi dẫn dắt con người hướng về thiên đường và sự thật,…

7 giờ ago