2.900 tấn giá đỗ ngâm chất cấm bán ra thị trường: Cơ quan quản lý ở Đắk Lắk nói gì?
- Minh Long
- •
Công an tỉnh Đắk Lắk mới đây đã thu giữ hơn 20,3 tấn giá đỗ ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine. Riêng năm 2024, các cơ sở sản xuất đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm hoạt chất trên. 6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Ngày 28/12, báo Tiền Phong dẫn lời ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, xác nhận đơn vị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (công ty Lâm Đạo, ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột).
Chủ cơ sở này là Lâm Văn Đạo (SN 1990, trú ở buôn Kô Tam). Đây là một trong những cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất cấm vừa được công an phát hiện.
Giấy chứng nhận được cấp vào ngày 22/4/2024, người ký cấp là ông Trần Ngọc Trịnh, thời điểm đó giữ chức vụ Chi cục trưởng.
Nội dung trên giấy chứng nhận: “Đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh sản phẩm: Sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh”.
Ông Hưng lý giải đơn vị chỉ quản lý từ khâu sơ chế, đóng gói giá đậu xanh, tức từ lúc giá đỗ đã hình thành, được mang đi sơ chế (rửa), và đóng gói; còn từ lúc hạt đậu xanh được ngâm, ủ để lên mầm thành cây giá là công đoạn sản xuất, đơn vị không quản lý; khâu sản xuất thuộc về trồng trọt.
Còn báo Người Lao Động dẫn thông tin từ một lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (giấu tên) cho biết giấy chứng nhận được cấp cho cơ sở Lâm Đạo có giá trị đến 22/4/2027.
“Chi cục không có thẩm quyền để biết cơ sở này có ngâm hóa chất cấm trong sản xuất giá đỗ hay không, cần phải lấy mẫu giám định hoặc triển khai chuyên đề mới xác định được”, vị này nói.
Cũng theo vị này, cơ sở Lâm Đạo nhập nhèm khi bao bì có in số giấy chứng nhận do chi cục cấp để bày bán rộng rãi. Từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói thì trách nhiệm của ngành nông nghiệp; sau đó trách nhiệm kiểm tra của ngành y tế và khi sản phẩm bày bán ở cửa hàng, siêu thị thì trách nhiệm kiểm tra của ngành công thương.
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP. Buôn Ma Thuột gồm: 2 cơ sở của Lâm Văn Đạo; 2 cơ sở của Vũ Duy Tư (SN 1991, trú tại Tổ dân phố 8, phường Tân Hoà); 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (SN 1973, trú tại Tổ dân phố 6, phường Tân Hòa) và 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (SN 1988, trú tại Tổ dân phố 1, phường Tân Hòa).
Công an đã thu giữ hơn 20,3 tấn giá đỗ mà nhóm này ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine, với giá bán ra khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, công an thu giữ 37 can nhựa với 135 lít hoạt chất 6-Benzylaminopurine.
Trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6- Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày khoảng từ 8 đến 10 tấn.
Đáng chú ý, theo báo Tuổi Trẻ, cơ sở của Lâm Văn Đạo còn ký hợp đồng bán cho Bách Hóa Xanh từ 350 – 400kg giá đỗ/1ngày. Trên bao bì còn ghi “Vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất”, “không chất kích thích”, “không chất bảo quản”.
Hoạt chất 6-Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh; ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.
Ngày 24/12/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định khởi tố 4 vụ án, khởi tố bắt tạm giam 4 bị can Lâm Văn Đạo, Vũ Duy Tư, Nguyễn Văn Quynh, Nguyễn Văn Hảo, để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, theo Điều 317 Bộ luật hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Văn Nam, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, trường hợp bị khởi tố về tội danh này, có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Bách Hóa Xanh thu hồi toàn bộ giá đỗ được cho là ngâm chất cấm
Theo Bách Hóa Xanh, ngay khi có thông tin liên quan đến sản phẩm giá đỗ ở Đắk Lắk của nhà cung cấp Lâm Đạo được bán tại Bách Hóa Xanh, đơn vị đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này, cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.
Hệ thống này cho biết nhà cung cấp Lâm Đạo chỉ cung cấp cho khu vực Đắk Lắk với tỉ lệ 2% trên tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ.
“Đơn vị luôn đề cao chất lượng vệ sinh, an toàn sản phẩm. Các sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu: Giấy phép kinh doanh, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm công bố theo tiêu chí QC, các giấy phép liên quan… theo quy định của cơ quan nhà nước.
Bách Hóa Xanh luôn đặt khách hàng làm trọng tâm, mọi sản phẩm và dịch vụ tại cửa hàng đều hướng tới phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Chúng tôi cũng đặt tinh thần cầu thị, lắng nghe và luôn cải tiến để đáp ứng mong đợi của khách hàng mỗi ngày”, Bách Hóa Xanh khẳng định.
Bách Hóa Xanh đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc.
Từ khóa Giá đỗ ngâm hóa chất thực phẩm bẩn Đắk Lắk
