Vụ học sinh tiểu học gãy chân: 21 giáo viên phản bác những gian dối của Hiệu trưởng

Sau khi 3 giáo viên của Trường Tiểu học Nam Trung Yên có buổi gặp gỡ với báo chí thông tin về một số điểm sai sự thật trong báo cáo của Ban Giám hiệu trường về vụ việc học sinh bị gãy chân, 18 giáo viên khác của trường tiếp tục gửi “Thư bày tỏ” đến báo giới.

Cháu Kiên chưa thể trở lại trường học sau hơn 2 tháng điều trị.

Ngày 18/2/2017, 18 giáo viên của trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã có “Thư bày tỏ” phản bác những nội dung “chưa đúng sự thật” trong báo cáo của Ban Giám hiệu trường gửi đến báo chí những ngày trước đó.

“Thư bày tỏ” của 18 giáo viên tiếp tục đưa ra 4 điểm sai sự thật trong báo cáo của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Cụ thể:

Thứ nhất, về việc lấy khảo sát của học sinh trong trường, các giáo viên cho hay, trước khi phát phiếu khảo sát, Phó Hiệu trưởng nhà trường – cô Nguyễn Thị Hương phổ biến với học sinh mục đích của việc khảo sát là để phục vụ báo cáo về an toàn trường học và việc thanh tra của Sở GD. Do đó, học sinh đã không nhận được thông tin trung thực khi làm phiếu khảo sát liên quan đến tai nạn của học sinh.

Thứ hai, về việc lấy phiếu khảo sát của giáo viên, thực tế khi nhận được yêu cầu của Ban Giám hiệu khi làm phiếu khảo sát, các giáo viên không hề biết gì về vụ tai nạn của cháu Kiên. Trong phiếu khảo sát, các giáo viên chỉ xác nhận không nhìn thấy học sinh bị tai nạn và cũng không nhìn thấy ô tô vào trường. Còn nội dung báo cáo lên cấp trên và với báo chí như thế nào thì các giáo viên không được rõ. Các giáo viên khẳng định: “Việc phản ánh 100% giáo viên trong trường nhất trí với việc không có hiện tượng xe taxi chở cô Hiệu trưởng và cô Hiệu phó gây tai nạn cho học sinh Kiên mà cô Hiệu trưởng báo cáo là không đúng sự thật”.

Thứ ba, về việc “Báo cáo sự việc cần xem xét” đề ngày 13/2/2016 mà cô Hiệu trưởng, cô Hiệu phó và Chủ tịch Công đoàn nhà trường gửi các cơ quan báo chí viết: “Chúng tôi là cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên” nhưng sự thật là đây chỉ là ý kiến ba cá nhân trên chứ không phải là ý kiến của các giáo viên. 18 giáo viên khẳng định không hề biết nội dung của bản báo cáo này cho đến khi đọc được tin trên báo chí.

Thứ tư, các giáo viên cho hay rất bức xúc khi có hiện tượng một số Đảng viên bị lôi kéo, kích động, yêu cầu phải viết đơn xin ra khỏi Đảng và viết bức tâm thư để kêu oan cho cô Hiệu trưởng.

Theo “Thư bày tỏ”, sự việc đã khiến giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên hoang mang trong suốt thời gian qua, ảnh hưởng đến chất lượng dạy – học và uy tín của giáo viên. 18 giáo viên mong các cơ quan chức năng sớm xử lý vụ việc để ổn định tâm lý cho các giáo viên, phụ huynh, học sinh và trả lại sự bình yên cho ngôi trường.

“Thư bày tỏ” được 18 giáo viên Trường Tiểu học Nam Trung Yên gửi đến báo giới ngày 18/2.

Ngày 1/12/2016, gia đình anh Trần Chí Dũng, phụ huynh học sinh Trần Chí Kiên (lớp 2A4, Trường Tiểu học Nam Trung Yên) nhận được điện thoại của cô giáo thông báo “giờ ra chơi con chạy ở sân trường và bị ngã gãy chân”. Cháu Kiên được kết luận bị gãy xương đùi.

Theo bác sĩ, chấn thương của cháu Kiên là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều chức năng sau này. Bác sĩ cho hay vì xương đùi rất khó gãy nếu không có lực rất mạnh tác động, trong khi đó, cháu Kiên không có bệnh lý về xương nên việc chạy và tự ngã không thể gây ra chấn thương nặng như vậy.

Cháu Kiên sau đó đã kể lại việc va chạm với một ô tô đang di chuyển trong sân trường, chứ không phải do cháu tự ngã.

Nghi ngờ nguyên nhân gây ra tai nạn, ngày 12/12/2016, gia đình anh Dũng đã làm việc với Hiệu trưởng và các cô giáo Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Theo anh Dũng, phía nhà trường đã không nhận trách nhiệm và vẫn cho rằng cháu Kiên tự ngã do chạy nhảy và tự gây chấn thương.

Hiệu trưởng nhà trường, cô Tạ Thị Bích Ngọc cho biết trường đã lấy phiếu khảo sát của các cá nhân và học sinh liên quan.

Kết quả khảo sát: “100% giáo viên không nhìn thấy cháu Kiên va chạm với ô tô nào trong sân trường”?

Giải thích sự việc tai nạn của cháu Trần Chí Kiên, Trường Tiểu học Nam Trung Yên sau đó đã gửi tới các cơ quan báo chí bản “Báo cáo sự việc cần xem xét” đề ngày 13/2/2017.

Trong bản báo cáo, cô Tạ Thị Bích Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do sức khỏe yếu nên vào lúc 6h30 ngày 1/12/2016, cô đã nhờ cô Hương – Phó Hiệu trưởng nhà trường gọi taxi đi bệnh viện khám bệnh.

Khi về tới trường, vì người mệt nên cô Ngọc và cô Hương đi xe taxi vào trường từ cổng sau. Trong quá trình ngồi trên xe, cô Ngọc khẳng định chiếc xe không va chạm vào bất kỳ học sinh nào trong trường nên cô trở về phòng làm việc bình thường. Cô Hương đi cùng lên phòng cô ở tầng 2 để cất túi sau đó cùng nhau xuống phòng tài vụ ở tầng 1.

Khi cô Ngọc đang làm việc ở phòng tài vụ thì cô Hòe (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5) vào báo có học sinh chạy nhảy nô đùa ngã ở sân sau, là cháu Trần Chí Kiên (học sinh lớp 2A4). Do người mệt nên cô Ngọc đã phân công cô Hương trực tiếp giải quyết vụ việc.

Cô Ngọc viết: “Qua các báo cáo cũng như tương trình…, chúng tôi cũng có suy nghĩ có thể lúc quay ra, chiếc xe taxi đã va vào em Kiên hoặc em Kiên đã va vào ô tô vì mải chạy vào lớp khi trống báo hết giờ ra chơi và điều không may ở đây, sự việc xảy ra tại sân sau của trường nên không thể khẳng định được nguyên nhân chính xác để nhà trường trả lời gia đình”.

Theo đó, cô Ngọc khẳng định: một là cô chưa bao giờ tự lái ô tô nên không thể có việc mình lái xe va vào học sinh; hai là cô không ngồi trên chiếc xe va vào học sinh Trần Chí Kiên; ba là cô không nhìn thấy chiếc ô tô nào đâm học sinh Kiên.

Do đó, theo cô Ngọc, việc báo chí đăng tải lời kể của chị Mạnh Thi Hoa (vợ của lái xe Trần Quốc Tuấn – người lái chiếc taxi chở cô Ngọc và cô Hương vào trường) là “không đúng sự thật”.

Theo lời kể của chị Hoa, chồng chị, anh Trần Quốc Tuấn, khi lái xe chở cô Ngọc và cô Hương vào trường đã va phải cháu Kiên. Anh Tuấn đã mở cửa cho cô Hương xuống đỡ học sinh còn cô Ngọc thì đi thẳng vào trong. Sau khi được đỡ dậy, học sinh không việc gì nên anh Tuấn lùi xe ra khỏi trường.

Theo cô Ngọc, chiếc taxi đi thẳng vào trường, cô Ngọc và cô Hương xuống xe và nhanh chóng đi vào bên trong do cô bị mệt, sau khi chiếc xe lùi ra thì va phải cháu Kiên nên cô Ngọc và cô Hương không biết sự va chạm này.

Cũng trong “Báo cáo sự việc cần xem xét”, Hiệu trưởng Ngọc cho biết việc làm phiếu khảo sát là do cô Trần Thị Thu Nhung (giáo viên chủ nhiệm lớp học sinh Trần Chí Kiên) đã tư vấn cho Ban Giám hiệu; Ban Giám hiệu đã tiếp thu ý kiến của gia đình, thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương (Hiệu phó nhà trường) yêu cầu các giáo viên có liên quan làm rõ sự việc.

“Báo cáo đi ngược với lương tâm của giáo viên và học sinh”

Chiều ngày 17/2, ba giáo viên của Trường Tiểu học Nam Trung Yên (trong đó có cô giáo chủ nhiệm lớp em Trần Chí Kiên) đã có cuộc trao đổi với báo chí về nội dung bản báo cáo trên.

Trần Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Kiên khẳng định nội dung trong “Báo cáo sự việc cần xem xét” là hoàn toàn sai sự thật. Cô Nhung nói: “Tôi dám lấy danh dự của mình ra để khẳng định rằng tôi không hề tư vấn việc lấy phiếu khảo sát”.

Theo cô Nhung, bình thường khi học sinh gặp phải vấn đề như ốm đau, tai nạn thì nhà trường sẽ thông báo cho giáo viên chủ nhiệm đầu tiên, nhưng khi cháu Kiên bị tai nạn phải vào viện cấp cứu thì cô Nhung đang ở phòng hội đồng nhưng không được ai thông báo.

Trong buổi gặp gỡ, cô Nguyễn Thị Thanh Tú (một giáo viên chủ nhiệm lớp 5 ở Trường tiểu học Nam Trung Yên) cho biết bản báo cáo của Hiệu trưởng có nhiều điểm không đúng sự thật. Các giáo viên, học sinh khi được yêu cầu khảo sát đều không biết về tai nạn của cháu Kiên và nhà trường cũng không nói rõ khảo sát nhằm mục đích tìm ra nguyên nhân tai nạn của cháu Kiên mà chỉ nói rằng khảo sát về thực trạng an toàn trong trường học để phục vụ việc thanh tra sắp tới của Phòng GD-ĐT.

Cũng theo cô Tú, vào buổi trưa hôm phát phiếu khảo sát, cô không trông bán trú nên không làm phiếu khảo sát đó, vì vậy nói “100% giáo viên không nhìn thấy ô tô” là không đúng. Cô Tú cho rằng: “Báo cáo nói như thế là đi ngược với lương tâm chúng tôi và các em học sinh”.

Trao đổi với báo chí trong buổi gặp, cô Vũ Thị Mừng (giáo viên dạy lớp 3 của trường) cho biết cô và nhiều giáo viên rất xấu hổ vì không chỉ danh dự nhà trường mà cả các cá nhân đều bị ảnh hưởng.

Theo các cô giáo, thời gian vừa qua, thỉnh thoảng các giáo viên lại được yêu cầu ký vào đơn “bảo vệ hiệu trưởng” khiến họ rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc dạy học

Phụ huynh chỉ ra 7 điểm không hợp lý trong báo cáo của cô Hiệu trưởng

Ngày 16/2, anh Trần Chí Dũng (phụ huynh học sinh cháu Trần Chí Kiên) đã gửi đơn “Bày tỏ quan điểm” đến cơ quan chức năng và báo chí với 7 điểm phân tích cho thấy nội dung được nêu trong “Báo cáo sự việc cần xem xét” của cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc là chưa hợp lý.

Theo anh Dũng, thứ nhất, trong đơn thư khiếu nại cũng như trong các buổi làm việc với cơ quan quản lý hoặc các cuộc trả lời với báo giới, anh đều phản ánh về việc con anh là cháu Trần Chí Kiên bị gãy chân do va chạm với ô tô chở cô Hiệu trưởng và Hiệu phó đi lại trong sân trường, chứ không phản ánh thông tin cô Hiệu phó lái xe chở Hiệu trưởng trong sân trường gây tai nạn cho cháu.

Tuy nhiên, trong báo cáo từ Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy phản ánh đến nhà trường lại viết: “Ngày 19/12/2016, khi nhận được thông tin từ Phòng Giáo dục, chúng tôi được biết cô Hương lái xe chở cô Ngọc đâm vào học sinh”, thông tin này không đúng vì bản thân gia đình cô Hương không có xe ô tô và cũng chưa bao giờ lái xe. Do đó, anh Dũng đề nghị Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy cần làm sáng tỏ thông tin này.

Thứ hai, trong “Báo cáo sự việc cần xem xét”, cô Ngọc viết: “… 10h30 ngày 12/12/2016, bố cháu Kiên đến trường trao đổi với cô giáo Nhung mong muốn cô giáo chủ nhiệm và nhà trường khảo sát tìm nguyên nhân cháu Kiên ngã để gia đình có hướng điều trị phù hợp”.

Anh Dũng cho rằng đây là thông tin bịa đặt vì gia đình anh không có sáng kiến này cho nhà trường. Anh Dũng viết: “Ngày 12/12/2016, tôi đã có một cuộc gặp nói chuyện với bốn cô: cô Ngọc, cô Tần (khối trưởng khối 2), cô Nhung (giáo viên chủ nhiệm cháu Kiên), cô Hòe (giáo viên cháu Kiên năm lớp 1) chứ không chỉ gặp riêng cô Nhung. Trong cuộc gặp gỡ, tôi không đề xuất nhà trường khảo sát để tìm nguyên nhân tai nạn mà chỉ yêu cầu nhà trường tìm hiểu và cung cấp cho tôi sự thật về tai nạn của con tôi”.

Thứ ba, theo báo cáo của Hiệu trưởng Ngọc, việc làm khảo sát được cô Nhung tư vấn cho Ban Giám hiệu, Ban Giám hiệu đã tiếp thu ý kiến của gia đình, thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương yêu cầu các giáo viên có liên quan làm rõ sự việc. Anh Dũng cho biết đây là thông tin sai sự thật và đã được cô Nhung phủ nhận.

Thứ tư, anh Dũng cho rằng, việc báo cáo của cô Ngọc viết do phải gây mê khi đi khám bệnh ở bệnh viện nên cô phải đi taxi vào trường là không thuyết phục vì theo anh hiểu, trong trường hợp người gây mê không đảm bảo sức khỏe, đơn vị y tế sẽ không cho phép người đó rời cơ sở khám bệnh. Anh Dũng cho hay, ngay sau đó, cô Ngọc gọi điện với vợ anh thông báo về việc tai nạn của cháu thì giọng rất lưu loát, nghĩa là cô không hề mệt. Cũng theo anh Dũng, cần xem lại quy định của nhà trường có cho phép ô tô được đi vào trường không? Nếu ô tô không được phép vào trường thì cô Hiệu trưởng và cô Hiệu phó đã vi phạm nội quy.

Thứ năm, việc cô Hương Hiệu phó (người ngồi cùng với cô Ngọc trên xe taxi đi vào trường) là người biết chắc chắn có xe ô tô đi vào trường ngày hôm đó nhưng vẫn nằm trong số 100% giáo viên nhà trường khẳng định không có ô tô nào đi vào trường sáng ngày 1/12/2016 là thể hiện sự che dấu sai phạm và trốn tránh trách nhiệm của một giáo viên, một người quản lý nhà trường.

Thứ sáu, theo anh Dũng, lời khẳng định của cô Hiệu trưởng rằng trong quá trình ngồi trên xe taxi đi vào trường, cô không thấy có bất kỳ va chạm nào với học sinh là không đáng tin cậy do trong các bản tường trình gửi cơ quan chức năng của cô Ngọc trước và sau có nhiều điểm bất nhất như: khẳng định không có xe ô tô nào đi vào trong trường, sau đó lại nhớ ra ngày 1/12/2016, cô và cô Hương đã cho taxi vào trường.

Thứ bảy, báo cáo của cô Hiệu trưởng ghi: “Lúc cháu Kiên bị ngã, đã có cô giáo đỡ cháu và hỏi han xem có sao không, điều đó chứng tỏ các cô rất quan tâm đến học sinh, không vô trách nhiệm như báo chí đăng tải”. Theo anh Dũng, điều này cho thấy cô Hiệu trưởng đã “tiền hậu bất nhất” vì lúc đầu hai cô khẳng định không có mặt lúc ô tô va vào cháu Kiên nhưng sau đó lại nói là có hỏi thăm khi cháu bị tai nạn.

Trao đổi với báo chí chiều ngày 18/2, ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết, Bộ GD&ĐT đã nắm được vụ việc học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên bị ô tô đâm gãy chân tại sân trường. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các cơ quan chức năng sớm xử lý, kết luận vụ việc.

Khởi Nguyên

Xem thêm:

Khởi Nguyên

Published by
Khởi Nguyên

Recent Posts

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

14 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

30 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

40 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

44 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

1 giờ ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago