Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai vừa có công điện hỏa tốc gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hòa Bình về việc tăng cường an toàn khi thủy điện Hòa Bình xả lũ, cảnh báo người dân không tổ chức các hoạt động tại những khu vực nguy hiểm ở chân đập tràn và hạ lưu đập.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn liên tục trong tháng 6 vừa qua và ảnh hưởng từ cơn bão số 2 đã khiến mực nước trên các hồ thủy điện miền Bắc ở mức cao. Tại hồ Hòa Bình, ghi nhận lúc 10h sáng ngày 18/7, mực nước hồ đã ở cao trình 105,84 m, lưu lượng nước đổ về hồ là 3.060 m3/s.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện số 21 gửi Công ty Thủy điện Hòa Bình về việc xả lũ. Theo đó, bắt đầu từ 18h ngày 18/7, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã mở một cửa xả đáy và tiếp tục mở cửa xả đáy thứ hai vào 6h sáng ngày 19/7.
Nghe tin thủy điện xả lũ, hàng ngàn người dân sinh sống ở TP. Hòa Bình và các vùng lân cận đã kéo về tập trung xem thủy điện xả lũ, bất chấp nguy hiểm.
Mặc dù Công ty Thủy điện Hòa Bình đã có biển cấm người dân vào khu vực xả lũ nhưng người dân vẫn kéo đến xem và chụp ảnh.
Chiều ngày 19/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công văn hỏa tốc gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hòa Bình về việc tăng cường an toàn khi xả lũ hồ Hòa Bình.
Theo nội dung Công điện, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu tỉnh Hòa Bình đảm bảo an toàn khi xả lũ hồ Hòa Bình, đồng thời tăng cường phổ biến và sắp xếp lực lượng hướng dẫn, cảnh báo người dân không tổ chức các hoạt động tại những khu vực nguy hiểm ở chân đập tràn và hạ lưu đập, ngăn chặn những trường hợp cố ý có thể gây mất an toàn.
Công trình thủy điện Hòa Bình được khởi công xây dựng ngày 6/11/1979 và khánh thành vào ngày 20/12/1994, là công trình đầu mối đa chức năng, là nguồn điện chiến lược đa mục tiêu nằm ở bậc dưới cùng trong hệ thống bậc thang các công trình thủy điện trên sông Đà. Công trình được xây dựng với công suất thiết kế 1.920 MW, dung tích hồ chứa 9 tỷ m3, chiều dài đập: 734 m, chiều cao: 128 m, mực nước dâng tối đa: 120 m. Công trình được xây dựng đảm nhận 4 chức năng lớn: Điều tiết chống lũ bảo đảm an toàn cho TP. Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng khi xuất hiện lũ lớn với lưu lượng 49.000 m3/s; Sản xuất và cung cấp điện năng với sản lượng bình quân từ 9,5 – 10,5 tỷ kWh/năm; Cung cấp nước về mùa kiệt cho vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh; Cải thiện điều kiện giao thông thủy để tàu 1.000 tấn có thể đi lại bình thường trên tuyến sông Đà, sông Hồng. |
Các đợt xả lũ của hồ Hòa Bình trong những năm gần đây
1. Năm 2012: Xả 01 đợt kéo dài từ ngày 29/7 đến ngày 19/8, trong đó các ngày 31/7 và 01/8 đã vận hành 03 cửa xả với tổng lưu lượng về hạ du lớn nhất (bao gồm cả phát điện) là 7.243m3/s.
2. Năm 2013: Xả 05 đợt.
3. Năm 2014: Xả 01 đợt từ ngày 13-14/8 vận hành 01 cửa xả với tổng lưu lượng xả về hạ du lớn nhất (bao gồm cả phát điện) là 3.980 m3/s.
4. Năm 2015, 2016: Hồ Hòa Bình không vận hành xả lũ.
Thủy Minh
Xem thêm:
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…
Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…
Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…