Trung Quốc

Báo cáo về tình hình biểu tình của người lao động Trung Quốc năm 2024

Vào ngày đầu tiên của năm Ất Tỵ, báo cáo phân tích dữ liệu Bản đồ đình công Trung Quốc năm 2024 do tổ chức nhân quyền “Bản tin Lao động Trung Quốc” (China Labour Bulletin) công bố cho thấy, trong năm qua số lượng các cuộc biểu tình của người lao động Trung Quốc đã gia tăng trong ở khu vực sâu trong nội địa, và số lượng số cuộc biểu tình trong ngành sản xuất đã gia tăng rõ rệt.

Một xưởng sản xuất của một công ty ở Thâm Quyến, Trung Quốc, ngày 20/4/2010 (Ảnh: BartlomiejMagierowski / Shutterstock)

Đầu năm Ất Tỵ, mạng xã hội Trung Quốc yên bình, không có sự kiện nóng nào gây chấn động hay sự cố hàng loạt gây tranh cãi sôi nổi. Dường như các vấn đề lao động cũng ít được đề cập hơn. Tuy nhiên, điều này vẫn không thể che giấu thực tế rằng đằng sau bầu không khí yên bình ấy, vấn đề lao động vẫn là một thách thức nghiêm trọng đối với xã hội Trung Quốc.

Vào tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi công nhân Trung Quốc tiếp tục phấn đấu xây dựng một cường quốc sản xuất trong “Trả lời Đại diện công nhân của Tập đoàn công nghiệp nặng số 1 Trung Quốc”, sau đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã ban hành “Ý kiến ​​về việc đi sâu cải cách xây dựng đội ngũ công nhân công nghiệp”, nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa địa vị làm chủ của người lao động. Tuy nhiên, báo cáo “Phân tích dữ liệu bản đồ đình công của Bản tin Lao động Trung Quốc” vừa được công bố nhắc nhở mọi người rằng không thể bỏ qua vấn đề lao động của Trung Quốc.

Các cuộc đình công nhiều lên hay ít đi?

Báo cáo cho thấy “Bản tin Lao động Trung Quốc” thống kê có 1.509 cuộc đình công lao động ở Trung Quốc vào năm 2024, giảm gần 20% so với 1.794 trường hợp được thống kê vào năm 2023, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước đó từ năm 2019 đến năm 2022.

Ông Hàn Đông Phương (Han Dongfang), người dẫn chương trình bản tin lao động của Đài Á Châu Tự Do (RFA), người chủ trì chuẩn bị báo cáo này nói với các phóng viên rằng 1.509 trường hợp được tính ở đây, không thể phản ánh đầy đủ mức độ nghiêm trọng của các cuộc đình công lao động ở Trung Quốc trên thực tế. Phương pháp thống kê của họ chủ yếu là thu thập manh mối về cuộc đình công từ mạng xã hội trực tuyến. “Một số công nhân đã đăng video lên mạng, bao gồm cả hành động và thông tin trợ giúp của họ. Mỗi thông tin này đều đã được xác minh trước khi đưa lên mạng.”

Ông chỉ ra rằng khẳng định vẫn còn một số cuộc đình công mà họ không thể thống kê được, “không phải tất cả công nhân tổ chức hành động tập thể đều đăng tải lên mạng”, và ông nói rằng Bản tin Lao động Trung Quốc có nhân lực hạn chế nên rất khó để tiến hành thống kê toàn diện, và cũng khó có được dữ liệu chính thức.

Về số liệu thống kê từ Bản tin Lao động Trung Quốc, ông Lý Cường (Li Qiang), người đứng đầu tổ chức lao động “Quan sát Lao động Trung Quốc” (China Labour Watch) có trụ sở tại New York, tin rằng số lượng các cuộc biểu tình của người lao động ở Trung Quốc sẽ nhiều hơn mỗi năm. Ông phân tích: “Dựa trên các vụ phá sản hiện tại của các công ty Trung Quốc và tình hình mà người lao động báo cáo, bao gồm tiền lương, khó tìm việc làm, v.v., từ việc phân tích các tình huống này, có thể gián tiếp thấy rằng môi trường lao động của Trung Quốc tồi tệ hơn năm ngoái.”

Ông phân tích, lý do dữ liệu không thể phản ánh xu hướng này có thể liên quan đến việc Chính phủ Trung Quốc kiểm soát internet. “Thuật toán của họ (mạng internet Trung Quốc) hiện tại khiến cho thông tin (về quyền lợi lao động) sau khi xuất hiện sẽ nhanh chóng biến mất, không còn hiển thị nữa, và không thể tìm lại được. Phương pháp mà họ (Bản tin Lao động Trung Quốc) sử dụng chỉ có thể ghi nhận một số trường hợp trong thời gian rất ngắn, rất nhanh, nhưng không thể thống kê đầy đủ số lượng các cuộc biểu tình của người lao động.”

Biểu tình gia tăng ở khu vực sâu trong nội địa

Báo cáo cũng cho thấy các cuộc biểu tình của người lao động chủ yếu xảy ra ở các tỉnh ven biển, và 3 tỉnh xảy ra nhiều sự kiện bảo vệ quyền lao động nhất đều ở bờ biển phía đông, đó là Quảng Đông (346 trường hợp), Sơn Đông (106 trường hợp) và Chiết Giang (101 trường hợp). Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng nhiều cuộc biểu tình của người lao động cũng xảy ra ở các khu vực khác như Hà Nam (80 trường hợp), Hà Bắc (69 trường hợp) và Thiểm Tây (59 trường hợp).

Về đặc điểm phân bổ địa lý này, ông Hàn Đông Phương phân tích: “Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc bắt đầu ở các vùng ven biển, nên ở đó có rất nhiều nhà máy”. Tuy nhiên, với sự phát triển của ngành công nghiệp Trung Quốc, nhiều nhà máy đã chuyển từ ven biển vào nội địa, số lượng nhà máy ở sâu bên trong Đại Lục ngày càng tăng lên, đẩy khả năng xảy ra sự cố lao động lên cao.

Ông chỉ ra rằng xâm phạm quyền lợi lao động cũng dễ xảy ra trong quá trình di dời các nhà máy này. “Ở những nơi công nhân phải di dời, việc đối xử với công nhân không được đảm bảo và các ông chủ trốn tránh việc bồi thường, dẫn đến những cuộc biểu tình như vậy.” Ông giải thích rằng trong quá trình di dời nhà máy, có một “chiêu trò” mà cả giới chủ, người lao động, thậm chí cả chính quyền đều hiểu rõ. “Hiện nay, các nhà máy thường áp dụng một chiến lược phổ biến, đó là khiến công nhân bị ‘phơi khô’ ở đây (bị bỏ mặc, không được sắp xếp công việc hoặc bị gây khó dễ), để họ không chịu nổi mà chủ động xin nghỉ việc. Khi đó, trách nhiệm không thuộc về nhà máy nữa, vì là công nhân tự xin nghỉ chứ không phải bị sa thải, và như vậy thì họ sẽ không được nhận khoản bồi thường nào.”

Ông giải thích rằng phương pháp cụ thể là sau khi di dời nhà máy, nhà máy địa phương ban đầu không có đơn đặt hàng. “Nếu bạn sẵn sàng đến làm việc, bạn có thể tiếp tục làm việc. Theo luật, bạn sẽ được trả 8 giờ một ngày, 5 ngày một tuần với mức lương tối thiểu, điều đó không phải là phạm pháp, nhưng bạn không thể chịu đựng được, mức lương tối thiểu thì làm sao mà nuôi nổi gia đình chứ?” Đây là cách nhiều chủ lao động trốn tránh bồi thường.

Ông Hoa Hải Phong (Hua Haifeng), người từ lâu đã tham gia vào công tác bảo vệ quyền lao động ở Trung Quốc, nhận thấy rằng xu hướng di dời các nhà máy từ vùng ven biển vào sâu bên trong đã xuất hiện vào khoảng năm 2016. “Trong 6 đến 8 năm qua, một lượng lớn các công ty ven biển đã chuyển vào sâu bên trong”.

Theo The Paper, kể từ đầu năm 2018, xuất khẩu từ 15 tỉnh miền trung và miền tây Trung Quốc đã tăng 94% do sản xuất của nhà máy mở rộng ra ngoài đồng bằng sông Châu Giang và đồng bằng sông Dương Tử. Nguyên nhân chính của làn sóng di cư này là do chi phí lao động tăng cao ở các vùng ven biển và các chính sách ưu đãi của các khu vực sâu bên trong Đại Lục.

Trong nghiên cứu thực tế, Hoa Hải Phong cũng nhận thấy rằng tương ứng với xu hướng này, vẫn có một số khác biệt giữa yêu cầu biểu tình của người lao động ở khu vực ven biển và nội địa. Các cuộc biểu tình của người lao động ở khu vực ven biển chú trọng hơn đến thu nhập từ tiền lương, trong khi người lao động ở khu vực nội địa nhấn mạnh đến thu nhập đồng thời nhấn mạnh đến các nhu cầu khác, “Họ sẽ nhắc đến các vấn đề về phúc lợi ẩn như bảo hiểm xã hội, quỹ nhà ở, sớm hơn hoặc nhiều hơn so với công nhân đấu tranh ở các khu vực ven biển, vì họ làm việc ngay tại quê hương mình, nơi mà họ có thể hưởng những phúc lợi này”.

Người lao động là đối tượng bị hy sinh đầu tiên

Báo cáo này cũng phân biệt các cuộc biểu tình của người lao động ở các ngành khác nhau, trong đó đề cập ngành xây dựng vẫn xảy ra nhiều cuộc biểu tình nhất (733 vụ, chiếm 48,6%), nhưng số vụ việc trong ngành sản xuất (452 ​​vụ, chiếm 30%) đã tăng so với năm 2023, tiếp theo là ngành dịch vụ, vận tải và hậu cần, v.v.

Ông Hoa Hải Phong đã tham gia vào các hoạt động bảo vệ quyền lao động trong lĩnh vực sản xuất. Ông tin rằng việc gia tăng số vụ việc bảo vệ quyền lợi lao động trong lĩnh vực sản xuất không có gì khó hiểu, bởi vì “khi môi trường kinh tế xấu đi, khả năng xảy ra sự kiện xâm phạm quyền lợi sẽ cao hơn nhiều và theo đó, số lượng cuộc biểu tình của công nhân sẽ tăng lên đáng kể”.

Ông chỉ ra rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, để tồn tại, các công ty sản xuất phải hy sinh công nhân của mình trước tiên. “Các công ty phải theo đuổi lợi nhuận. Khi chi phí nguyên vật liệu và chi phí kho bãi, hậu cần không thể giảm, điều duy nhất họ có thể giảm là chi phí lao động của công nhân.”

Ông Hàn Đông Phương chỉ ra rằng công nhân của công ty không chỉ phải đối mặt với các vấn đề về lương và thu nhập, mà còn phải đối mặt với các phúc lợi xã hội, thời gian làm việc dài và các vấn đề an toàn. Ông nhấn mạnh cốt lõi của tất cả những vấn đề này là người lao động không có người đại diện riêng, công đoàn trên danh nghĩa là đại diện của người lao động, nhưng khi quyền lao động bị tổn hại, công đoàn thường không thể giúp đỡ người lao động. “Phần lớn công đoàn doanh nghiệp đều bị chủ doanh nghiệp kiểm soát, nên thực chất, chủ doanh nghiệp vừa nắm doanh nghiệp trong tay trái, vừa nắm công đoàn trong tay phải, còn công nhân thì bị gạt ra ngoài, rời rạc như cát rơi, không ai đứng ra bảo vệ.” Những mâu thuẫn này khi lan rộng sẽ dẫn đến các cuộc đấu tranh, khiếu kiện không theo quy định thông thường.

Kết luận của báo cáo “Phân tích dữ liệu bản đồ đình công của Bản tin Lao động Trung Quốc” đề cập rằng vào năm 2024, các vấn đề như môi trường kinh tế, địa chính trị và cạnh tranh công nghiệp sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng phớt lờ quyền lợi của người lao động. Trong bối cảnh đó, cả công đoàn và doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời các tập đoàn đa quốc gia cũng phải chịu trách nhiệm về những hành vi xâm phạm quyền lao động trong chuỗi cung ứng của mình.

Theo Vương Doãn, RFA

Vương Doãn

Published by
Vương Doãn

Recent Posts

Hà Nội tìm nhà đầu tư dự án Nhà hát Opera tại Hồ Tây

UBND quận Tây Hồ vừa thông báo tìm nhà đầu tư dự án xây dựng…

7 phút ago

Ký ức tiền kiếp: Hành trình khám phá qua không gian và thời gian

Nếu ý thức của chúng ta không biến mất khi qua đời, thì nó sẽ…

9 phút ago

Hà Nội đề xuất sửa chữa các hư hỏng của cầu Vĩnh Tuy 1

Cầu Vĩnh Tuy 1 được khánh thành và đi vào khai thác năm 2009, có…

10 phút ago

Vụ cấp sai quy định 5 thửa đất ở Long Xuyên: GĐ Văn phòng đất đai bị bắt

Liên quan đến vụ sai phạm đất đai cấp 5 thửa đất không đúng đối…

31 phút ago

Đăng ký kết hôn năm 2024 ở Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 45 năm

Những năm qua Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để…

45 phút ago

Giá xăng đồng loạt tăng sau 3 kỳ giảm liên tiếp

Giá mỗi lít xăng RON 95-III tăng 150 đồng, E5 RON 92 tăng 150 đồng…

1 giờ ago