Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, tại lối vào một ngôi làng nông thôn ở Tp. Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc xuất hiện tấm biểu ngữ với nội dung: “Không dẫn theo bạn gái về thì không được vào làng”. Cư dân mạng chỉ ra rằng các biểu ngữ tương tự cũng xuất hiện tại nhiều địa phương khác, gồm cả Tp. Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Theo phân tích, đây là chiến lược thống nhất của Bộ Tuyên truyền Trung ương trong bối cảnh dân số Trung Quốc giảm mạnh dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Khi Tết đang đến gần, một số cư dân mạng mới đây đã đăng tải đoạn video cho thấy tại một cổng làng ở Tp. Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam có treo tấm biểu ngữ, trên nền đỏ nổi bật yêu cầu những người đi làm ăn xa nếu “không dẫn theo bạn gái về thì không được vào làng”. Được biết, đây không phải là trường hợp cá biệt mà nhiều nơi khác cũng có quy định tương tự.
Người đăng tải video cho hay: “Trưởng thôn đã nói rồi, năm nay dù các vị có lái Mercedes, BMW hay Audi thì cũng không được phép vào làng nếu không đưa bạn gái về”.
Nhiều người bày tỏ sự bất mãn với động thái này, cho rằng đây là hình thức “khuyến khích kết hôn một cách biến tướng”. Có người nói: “Gặp phải ngôi làng như vậy thì xui xẻo rồi, vốn dĩ người ta đã khó tìm được vợ, lần này thì tốt rồi, cả nhà cũng không về được nữa”.
Theo Jiupai News, đoạn video này được quay tại thôn Gia Bảo, huyện Thông Đạo, Tp. Hoài Hóa. Bí thư thôn ủy đã lên tiếng giải thích rằng biểu ngữ quả thực được treo trong làng nhưng phủ nhận đó là chỉ đạo của ủy ban thôn. Theo ông, một số thanh niên làng vì để làm kênh truyền thông cá nhân nên mới treo lên, sau khi phát hiện, biểu ngữ đã bị gỡ xuống.
Tuy nhiên, một cư dân mạng cho hay, kỳ thực rất nhiều nơi khác cũng có quy định này. Tấm ảnh anh này đăng tải tại thôn Tùng Đường, thị trấn Tây Tiều, quận Nam Hải, Tp. Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông có treo tấm biểu ngữ: “Không dẫn theo bạn gái về thì không được vào làng”.
Tìm kiếm trên nền tảng Douyin của Trung Quốc Đại lục, các phóng viên phát hiện rất nhiều vùng nôn thông Trung Quốc quả thực có treo biểu ngữ: “Không dẫn theo bạn gái về thì không được vào làng”. Một người dân trẻ tuổi còn nói thẳng trên video rằng: “Trưởng thôn yêu cầu chúng tôi bắt những người không tìm được bạn gái”.
Giáo sư Tạ Điền tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, cho biết: “Nghe thật là hoang đường, đem người ta biến thành động vật, thành gia súc thì mới cho phép họ có tư cách sinh sống ở đó. Điều này rõ ràng là hành vi xâm phạm nhân quyền. Tuy nhiên vấn đề được phản ảnh hiện nay là hậu quả nghiêm trọng do chính sách một con của Trung Quốc mang đến. Lần này cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc không chỉ đang gặp khó khăn, suy thoái mà xã hội nước này cũng đang ngày càng thú tính hóa, vật chất hóa”.
Ông Đường Tĩnh Viễn, người dẫn chương trình Foresight nhận định: “Đây không phải là khẩu hiệu do trưởng thôn nghĩ ra, cũng không phải lý thuyết do giáo viên đại học trên lớp nghĩ ra, mà chính là chiến lược thống nhất của Bộ Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ. Bởi vì ĐCSTQ hiện đang đối mặt với tình trạng suy giảm dân số, mọi người đều không muốn sinh con. Cuộc khủng hoảng dân số nghiêm trọng này đã trở thành khủng hoảng xã hội, thậm chí còn dẫn đến khủng hoảng chính trị của ĐCSTQ”.
Tờ Yicai đưa tin, dữ liệu từ “Niên giám thống kê Trung Quốc 2024” cho thấy tỷ lệ sinh năm 2023 của nước này là 6,39% và tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên là -1,48%. Đây là năm thứ hai dân số Trung Quốc tăng trưởng âm và mức giảm đã tăng từ -0,6% lên -1,48%.
Nhiều chương trình dự báo dân số của các tổ chức quốc tế và cơ quan nghiên cứu khoa học Trung Quốc đã cho rằng nước này sẽ bước vào tăng trưởng dân số âm trong giai đoạn 2027-2032. Không ngờ tăng trưởng dân số âm thực tế lại sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Kể từ năm 2023, Ấn Độ đã thay thế Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo The Paper, những năm gần đây, khó khăn trong việc hẹn hò và kết hôn của các thanh niên lớn tuổi vùng nông thôn đã trở thành vấn đề ngày càng nổi cộm. Một trong những nguyên nhân là do sự mất cân bằng về tỷ lệ giới tính. Từ năm 1980 đến năm 2010, số lượng nam giới được sinh ra ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới khoảng 36 triệu người, nghĩa là 10%-15% nam giới có thể gặp vấn đề trong việc tìm người phối ngẫu. Mặt khác, giữa thành thị và nông thôn cũng có chênh lệch lớn. So với thành thị, thanh niên nông thôn đang phải “thở dài trước viễn cảnh hôn nhân” nhiều hơn.
Gần đây, một giảng viên đại học ở Nội Mông đã phát biểu trên lớp rằng “phụ nữ sinh con mới có thể sống lâu”, phụ nữ không sinh con có tuổi thọ ngắn hơn. Hành động này dường như đang phối hợp với chính sách khuyến khích sinh sản của chính quyền ĐCSTQ.
Theo đoạn video đăng tải trên mạng, vào ngày 29/12/2024, một giảng viên đại học ở Nội Mông đã nói trong lớp: “Sau khi sinh con, ông Trời sẽ chiếu cố các em, cho các em sống lâu hơn. Không tin thì các em hãy nhìn xem tuổi thọ của “những người phụ nữ đặc biệt giỏi giang” kia đều rất ngắn. Thế nhưng các bà vợ ở nông thôn sinh được 8, 10 người con đều sống đến 90-100 tuổi, lâu hơn biết mấy. Ngoài ra tỷ lệ mắc bệnh của họ cũng rất thấp.”
Nhiều cư dân mạng lên tiếng: “Là một giảng viên đại học, hãy cung cấp dữ liệu khi đưa ra kết luận như vậy”; “Việc phụ nữ sống lâu hơn nam giới là sự thật, nhưng chưa có kết luận khoa học nào về mối quan hệ giữa sinh con và tuổi thọ”.
Một số cư dân mạng chỉ trích: “Một giảng viên lừa dối học sinh như vậy mà còn đứng trên bục giảng sao?”; “Thật hoang đường khi kiểu nhận định điên rồ này lại đến từ một giảng viên đại học”.
Theo Sing Tao Daily, một số chuyên gia cho biết từ góc độ khoa học, nhận định “có con sẽ sống lâu và càng có nhiều con thì tỷ lệ mắc bệnh càng thấp” là vô căn cứ. Sinh con là một thử thách rất lớn đối với cơ thể người phụ nữ. Quá trình sinh nở đi kèm với những rủi ro như xuất huyết, đau đớn. Sau khi sinh, phụ nữ còn có thể phải đối mặt với hàng loạt vấn đề sức khỏe như giãn cơ sàn chậu, sa tử cung.
Dựa trên dữ liệu liên quan, các chức năng của cơ thể người phụ nữ sau khi sinh con sẽ ở trạng thái tương đối yếu nhược và cần thời gian dài để phục hồi. Những nguy cơ này có thể tích lũy khi số lần sinh nở tăng lên. Ví dụ, phụ nữ sinh con nhiều lần có thể phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng hơn như loãng xương trong thời kỳ mãn kinh.
Trong bối cảnh tỷ lệ sinh của Trung Quốc tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục và vấn đề già hóa dân số ngày càng trở nên nghiêm trọng, ĐCSTQ đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy kết hôn và sinh con, nhưng hiệu quả rất ít. Với triển vọng kinh tế ảm đạm trước mắt, hầu hết người trẻ tuổi chọn cách không kết hôn và không sinh con.
Thái Tư Vân, Vision Times
Venezuela hôm thứ Bảy (11/1) đã lên án các lệnh trừng phạt mới mà Hoa…
Ngày 11/1, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo…
Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Bảy (11/1) đã lên án lệnh trừng phạt mới…
Trước Tết âm lịch, tình trạng lao động nhập cư dọa nhảy lầu đòi lương…
Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản giả mạo…
Chủ sở hữu X, tỷ phú Elon Musk, cho biết ông đã mua nền tảng…