Hơn một tháng sau thảm họa lũ lụt ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, người dân ở thành phố Vệ Huy bị ảnh hưởng nặng nề vẫn không nhận được sự hỗ trợ nào từ chính quyền. Ngày 1/9, các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng ở thành phố Vệ Huy đã trả lời phỏng vấn của Epoch Times, họ kể về nguyên nhân của trận lụt và việc chính phủ từ chối giúp đỡ các hộ kinh doanh bị thiệt hại nặng, đồng họ cũng thời kêu gọi chính quyền bồi thường cho các nạn nhân hứng chịu thảm họa.
Ngày 25/8, hàng ngàn người bị ảnh hưởng bởi thảm họa lũ lụt ở thành phố Vệ Huy (thành phố cấp huyện, thuộc thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã đến trước cổng trụ sở chính quyền địa phương để căng biểu ngữ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tháng Bảy năm nay, mưa lớn liên tiếp tại tỉnh Hà Nam, thành phố Vệ Huy xả lũ không cảnh báo trước đã gây ra thảm họa lũ lụt, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Ngày 1/9, ông Lâm (hóa danh), một hộ kinh doanh ở Vệ Huy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng cửa hàng của ông bị ngập trong lũ và thiệt hại khoảng 100.000 nhân dân tệ. Ông đã đến cơ quan chính quyền khiếu nại để yêu cầu được giải thích.
Ông Lâm nói: “Hôm đó tại hiện trường có ít nhất 1000 người cùng đến để yêu cầu thị trưởng, bí thư ra mặt, cho người dân một lời giải thích.”
Ông Lâm cho biết, lúc đầu họ đều không ra gặp, về sau cục trưởng cục khiếu nại ra mặt, nhưng người dân không đồng ý. Vì cơ quan khiếu nại chỉ muốn chuyện lớn hóa bé, chuyện bé hóa không, nên người dân không chịu giải tán và vẫn đợi thị trưởng ra mặt nói chuyện. Ông Lâm kể cuối cùng cũng đợi được thị trưởng bước ra nhưng kết quả khiến ông thất vọng.
Ông nói: “Thị trưởng (nữ, tên là Lý Tiến) đã ra mặt, nói có thể mở cửa nhà ăn, còn nói khoản đền bù sẽ thúc giục để tiến hành. Khi đó người dân đã cử mấy người đại diện để nói chuyện với bà ấy. Người đại diện đã nói ra mong muốn của mọi người nhưng bà ấy rất cứng rắn. Bà ấy nói việc này không thể, tôi không trả lời được, các người về trước đi.”
Ông Lâm cho biết, đến ngày thứ hai, chính quyền điều cảnh sát canh phòng trước cửa trụ sở từ sớm và không còn có khiếu nại quy mô lớn nữa.
Ông Lâm cho biết, thành phố Vệ Huy bị ngập trong nước không phải vì mưa lớn mà do chính quyền xả lũ không cảnh báo trước.
Theo truyền thông đưa tin, trưa ngày 23/7, mưa ở Vệ Huy cuối cùng cũng đã dứt, thời tiết hửng nắng. Nhưng tối ngày 25/7, lũ đột nhiên ập vào khu vực nội thành Vệ Huy, toàn bộ thành phố bị ngập trong nước, nước ngập sâu đến 2 mét.
Ông Lâm xác nhận khi đó không còn mưa nữa. Bí thư tỉnh ủy Hà Nam ra thông báo để mọi người không lo lắng, nói rằng đến chiều mực nước sẽ rút trông thấy, nhưng không ngờ đến chiều mực nước lại tăng mạnh.
Ông Lâm nói: “Kết quả đến chiều, mực nước tăng lên đến 50 cm, mấy ngày sau ngày nào cũng tăng, về sau làm cho những chỗ ngập sâu như ở tiểu khu Sa Xưởng, nước ngập đến 3 mét. Khu vực tôi thì đều ngập 1,5 đến 1,6 mét, chỗ nào thấp thì ngập 2 mét.”
Ông Lâm cho biết, nếu không xả lũ thì sẽ không xảy ra thảm họa lũ lụt: “Bởi vì mưa là thiên tai, không có cách nào chống được, chỉ cần sau đó tiếp tục nhanh chóng bơm rút nước là được. Nhưng không ngờ lại đi xả lũ, nếu không xả lũ, thì thành phố Vệ Huy sẽ không sao.”
Ông Lâm nói, người dân đều không tin chính quyền sẽ xả lũ mà không báo trước, nhưng chuyện này đã xảy ra.
Ông nói: “Lúc đó khi chưa xả lũ, thì đã có tin đồn nói ngập Vệ Huy để giữ Tân Hương. Khi đó mọi người đều bán tín bán nghi, không lẽ lại để ngập thành phố Vệ Huy à, trong thành phố có nhiều cửa hàng, còn có nhà cũ mấy chục năm, có tiểu khu ban công còn rơi cả xuống, nếu ngâm trong nước vài ngày, có thể thấy được mức độ nguy hiểm cao đến nhường nào.”
“Khi đó, đoạn ở Tân Hà của sông Vệ mở một cửa, nên nước đã chảy được vào trong thành phố. Người dân sốt ruột. Vì sao trời nắng thế này, không còn mưa nữa mà nước lại cứ dâng lên, hơn nữa lại dâng nhanh như thế. Mọi người đều không biết, nhưng chính quyền chắc chắn là đã biết chuyện này ngay từ đầu. Đây là điều không cần phải nghi ngờ. Nếu thông báo trước cho người dân thì tổn thất chắc chắn sẽ giảm. Ít nhất thì cũng để người dân dời xe đi chỗ khác.”
“Tuy nhiên không có bất cứ cảnh báo trước nào, ngược lại còn đưa ra một thông tin nói rằng đến chiều mực nước sẽ giảm trông thấy, nhưng rồi nước vẫn tiếp tục dâng cao. Đây là một sự lừa gạt rất lớn, lừa gạt tất cả người dân, dẫn đến tất cả tài sản không được chuyển đi kịp thời.”
Ông Lâm nói với Epoch Times rằng có hộ kinh doanh thiệt hại hơn triệu nhân dân tệ, nhưng không được bồi thường.
Ông nói: “Hộ kinh doanh ở đây, cửa hàng của tôi được coi là nhỏ. Có hộ kinh doanh lớn, ví dụ như chỗ chợ đồ ăn tôi thường đến mua, bà chủ của một cửa hàng thực phẩm đông lạnh, tôi thường xuyên nói chuyện với bà ấy. Bà có 3 nhà kho, trước đây tôi đến đó mua đồ ăn đều nói cười vui vẻ. Giờ thì cứ ngồi một chỗ, ngây người ra, giống như tinh thần không tỉnh táo.”
“Người làm thuê cho bà nói, khi đó tìm người để dọn dẹp kho, thịt đông trong đó đều bị thối hết. Hôm đầu thì mỗi người được trả 150 tệ để dọn dẹp sạch, ngày thứ hai trả 300 tệ nhưng không tìm được ai làm, chỉ riêng tiền công dọn dẹp nhà kho đã mất 30.000 tệ (khoảng hơn 100 triệu đồng), tổng thiệt hại lên đến hơn 1 triệu tệ.”
“Còn có một nhà buôn rượu, cách cửa hàng nhà tôi không xa, trong nhà họ đều là rượu tốt: Ngũ Lương Dạ, Kiếm Nam Xuân, Mao Đài, v.v, những thứ trong cửa hàng đều bị nước lũ cuốn trôi. Cửa hàng này thiệt hại có lẽ lên đến 3 – 4 triệu tệ, bao gồm các thứ ở trong kho và cửa hàng, tổn thất như thế nhưng lại chỉ trợ cấp 1.000 tệ gọi là tiền thăm hỏi an ủi, nhưng rất nhiều cửa hàng vẫn chưa nhận được!”
Ông Lâm nói với phóng viên Epoch Times rằng chính quyền đã đặt ra các ngưỡng ở khắp mọi nơi về vấn đề bồi thường.
Ông nói: “Chính quyền phân bổ cho Vệ Huy bao nhiêu trăm triệu tệ? Chỉ phân bổ có 360 triệu tệ. Về sau, hình như đổi thành 670 triệu tệ, chênh lệch rất nhiều so với các thành phố khác. Nói trắng ra là chính phủ không có tiền, chính là ‘giật gấu vá vai’ (lấy chỗ nọ bù cho chỗ kia). Bây giờ quyền cho 1.000 nhân dân tệ để an ủi. Tôi chỉ nhận được tiền từ một cửa hàng, còn cửa hàng khác thì chưa nhận được.”
“Lúc đó họ nói đó là tiền bố trí chỗ ở, mỗi người là 150 tệ. Bây giờ nhiều người không nhận được. Bây giờ còn có thông tin nói những người đã nhận tiền thì phải trả lại tiền. Lý do là nếu không phải hộ khẩu ở thành phố Vệ Huy thì cũng không được nhận. Tức là thường trú ở đây nhưng cũng sẽ không nhận được tiền. Còn nữa, chỉ ngập tầng 1, tầng 2 không ngập, những hộ kinh doanh ở trên tầng 2 thì không quản. Họ đặt ra nhiều ngưỡng khác nhau, bằng như giở trò lưu manh,” ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết, sở dĩ khoản bố trí chỗ ở sau thảm họa không đến nơi đến chốn, có khả năng là do chính quyền địa phương che giấu không báo cáo.
Ông Lâm nói: “Bước tiếp theo là mong chờ vào khoản bố trí chỗ ở sau thảm họa không còn hy vọng. Chính quyền Vệ Huy khi báo cáo lên trên, chắc chắn là che giấu không báo cáo. Nếu không phải là che giấu không báo cáo thì vì sao thảm họa tại Vệ Huy nghiêm trọng như thế này, nghiêm trọng hơn so với nơi khác, mà lại làm giống như không bị thảm họa? Trợ cấp được một ít tiền như thế này thì có thể làm được gì?”
“Về sau Bí thư tỉnh ủy Hà Nam đến, Bộ trưởng phòng chống lũ trung ương đến, thì mới rút nước ra trong 3 ngày. Nếu không phải là họ đến, thì không biết bao lâu nước mới thoát được. Khi đó nữ thị trưởng kia (bà Lý Tiến) cũng không thấy mặt mũi đâu, bao gồm cả việc đưa vật tư đến, các điểm bố trí nơi ở cơ bản là không có vật tư. Rất nhiều bánh màn thầu, rau củ quả đều bị thối. Chính quyền cơ bản làm mà giống như không làm.”
Ông Lâm nói, người dân chịu thảm họa trở lên tuyệt vọng, có người bị bức đến đường cùng.
“Sa Xưởng (một khu vực nội thành lâu đời ở Vệ Huy) có một ông cụ hơn 70 tuổi, ông trở về nhà sau khi nước rút nhưng trong nhà không còn gì, tinh thần không chịu nổi nên đã tự sát,” ông Lâm nói.
Ông Lâm nói với Epoch Times, chính quyền Vệ Huy còn lừa người dân đến khu vực nông thôn lân cận để “nhốt” lại.
Ông nói: “Nghe nói ông Lý Khắc Cường sẽ đến Tân Hương thị sát, chính quyền lôi người dân chịu thảm họa của thành phố Vệ Huy đến Tân Hương, khi đó họ nói rằng điều kiện ở Vệ Huy quá kém, đến Tân Hương để cung cấp điều kiện tốt hơn, mỗi người một phòng tiêu chuẩn, ngày 3 bữa ăn, ngoài ra mỗi ngày còn cho 100 tệ. Khi đó rất nhiều người dân chịu thảm họa đã bị lừa đi.”
“Lôi đến nhà thể thao thành phố Tân Hương xong, họ đóng cửa chính lại, còn căng lưới thép không cho ra vào, bên trong là những chiếc giường chung to, người già không ngủ được, tất cả mọi người đều bị nhốt ở trong đó, có người canh giữ. Về sau đều được thả ra, bởi vì lúc đó họ làm thế chính là để ứng phó với việc thị sát của cấp trên.”
Ông Lâm cho biết, khi đó chính quyền còn phong tỏa thông tin chân thực về khu thảm họa, không cho lan truyền tình hình ra ngoài.
Ông nói: “Khi đó truyền thông tự phát và Tiktok đều bị hạn chế, chúng tôi đăng video trong phạm vi nhỏ, nhưng chỉ trong bán kính vài km vuông mới nhận được. Ngay cả người ở khu vực thành phố Vệ Huy cũng không nhận được video, nên họ không biết được tình hình chân thực là như thế nào. Khi đó có rất nhiều đoàn thể tự phát đến Vệ Huy cứu trợ, Giang Tây, Sơn Đông, Bắc Kinh, v.v, họ cũng có video, ảnh, cũng đăng trên Tiktok, nhưng những video và ảnh này đều bị xóa.”
Phóng viên Epoch Times đã gọi điện thoại đến cơ quan khiếu nại thuộc chính quyền thành phố Vệ Huy, để hỏi về tình hình liên quan đến thảm họa lũ lụt, nhưng không có người nhấc máy.
Khi gọi điện đến văn phòng chính quyền thành phố Vệ Huy để hỏi về sinh kế của người dân sau thảm họa, có một nam nhân viên trả lời rằng: “Không thuộc chúng tôi quản, hãy hỏi cơ quan tuyên truyền.” Đồng thời cung cấp số điện thoại của cơ quan tuyên truyền.
Còn khi liên lạc với cơ quan tuyên truyền của thành phố, một nữ nhân viên cho biết, bản thân là người mới đến nên không biết gì. Khi phóng viên gặng hỏi, một người nam giới khác nhận điện thoại và nói: “Những việc này đều nên là việc của Cục ứng cứu khẩn cấp và Cục Dân chính chịu trách nhiệm, (tổn thất của) hộ kinh doanh là cơ quan quản lý thị trường thống kê, những vấn đề và thông tin này cơ quan tuyên truyền không nắm chắc được, nên có thể liên hệ với văn phòng chính quyền.”
Khi được hỏi “Người dân địa phương cho biết, chính quyền đã thông báo trước khi xả lũ, nhưng không nhắc nhở trước người dân, đây là nhân họa, không phải thiên tai chăng?”, người nam trả lời: “Có ai muốn để nước ngập thành phố. Cơ quan tuyên truyền không giải đáp được những vấn đề này.”
Theo Phương Minh, Epoch Times
Xem thêm:
Tin tặc Trung Quốc đang xâm nhập vào mạng các cơ sở hạ tầng quan…
Nói đến “Bình sa lạc nhạn” thì không thể không nói đến Vương Chiêu Quân.
Một nghiên cứu tại Anh đã theo dõi 324 cặp song sinh nữ trong suốt…
Phong trào Hezbollah của Liban do Iran hậu thuẫn đã bắn hàng loạt tên lửa…
Ngoài việc chần chừ và không quyết định cho Ukraine sớm gia nhập NATO, theo…