Trung Quốc

Các cuộc biểu tình đang tạo ra núi lửa xã hội, uy hiếp chế độ ĐCSTQ

Khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên trì trệ, mọi khía cạnh trong đời sống xã hội của người dân Trung Quốc đều bị xuống cấp, từ cắt giảm lương đến hạ mức tiêu dùng. Các làn sóng biểu tình trên khắp Trung Quốc cũng bắt đầu lan rộng, uy hiếp đến chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngày 10/9, các nhân viên của Evergrande đã tập trung trước trụ sở công ty đòi lại tiền lương “mồ hôi nước mắt” của mình. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video)

Kinh tế suy thoái, biểu tình gia tăng

Mới đây, tổ chức “Giám sát bất đồng chính kiến ​​​​của Trung Quốc” (CDM) thuộc Freedom House (Mỹ) đã công bố số liệu mới nhất cho thấy, có 805 vụ bất đồng chính kiến ​​được ghi nhận trong quý 2 năm 2024 tại Trung Quốc, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn các sự kiện là những cuộc biểu tình về lao động (44%) và nhà ở (21%).

Các nhà nghiên cứu cho biết, bất chấp sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, số lượng các cuộc biểu tình được thu thập vẫn tăng lên, với con số thống kê trong tháng 6 tăng vọt lên mức kỷ lục.

Kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào tháng 6/2022, CDM đã ghi nhận tổng cộng 6.300 vụ bất đồng chính kiến.

Ngày 9/2/2024, vào đêm giao thừa, công nhân đòi lương đã vây kín chính quyền huyện An Hương ở Thường Đức, tỉnh Hồ Nam. (Ảnh chụp màn hình video)

Báo cáo phản ánh sự bất mãn của người dân khắp Trung Quốc, và nêu bật những thách thức kinh tế mà ĐCSTQ cầm quyền đang phải đối mặt, có nguy cơ dẫn đến các vấn đề quản trị rộng lớn hơn.

Các nhà phân tích tin rằng nhiều chủ sở hữu bất động sản hoặc nông dân thích biểu tình phản đối hơn là dùng đến luật pháp. Bởi vì luật pháp của ĐCSTQ chủ yếu bảo vệ chính quyền địa phương và doanh nghiệp, trong khi các kênh pháp lý cho cá nhân thì tốn kém và không có kết quả.

Tại hội thảo về rủi ro xã hội được tổ chức tại một thành phố phía đông Trung Quốc năm ngoái, các quan chức cho biết, quy mô biểu tình trên đường phố năm ngoái đã giảm so với thời kỳ dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Nhưng các cuộc biểu tình trực tuyến lại gia tăng. Hầu hết các hành động này là “phi chính trị” và thiếu sự phối hợp, nhưng được thúc đẩy bởi “tình cảm xã hội”.

Giới chức thừa nhận, quan niệm bất bình đẳng “giàu nghèo, giữa cán bộ và quần chúng”, mâu thuẫn giữa quan chức và người dân trở nên phổ biến.

Núi lửa xã hội đang hình thành

Khi tăng trưởng kinh tế suy giảm trong 40 năm qua, không chỉ người lao động là nông dân nhập cư đòi lương và chủ sở hữu bất động sản phản đối, mà tầng lớp trung lưu cũng đang cảm thấy bất an và thiếu lòng tin do sự thay đổi trong chính sách kinh tế và chính trị.

Cơ cấu xã hội của Trung Quốc đã trải qua những thay đổi to lớn. Kể từ những năm 1980 và 1990, đã có xu hướng rời bỏ đội ngũ công chức.

Hiện nay lại có một dòng chảy ngược, việc thi công chức và thi vào các doanh nghiệp nhà nước đã trở thành một xu hướng lớn. Nền kinh tế tư nhân được đại diện bởi công nghệ Internet, bất động sản từng bước bị thu hẹp.

Số lượng việc làm cổ cồn trắng truyền thống mà các doanh nghiệp tư nhân có thể cung cấp cũng đang giảm đáng kể. Tình trạng hạ cấp việc làm từ nhân viên cổ cồn trắng xuống nhân viên cổ cồn xanh xuất hiện trên quy mô lớn. Nhân viên cổ cồn xanh đang bị cắt giảm một cách nghiêm trọng. Sinh viên đại học khó tìm được việc làm hơn.

Từ nhân viên trong ngành tài chính, công ty công nghệ, doanh nghiệp nhà nước, đến công chức, giáo viên, bác sĩ và quân đội, cảnh sát, mọi tầng lớp xã hội đều bị cắt giảm lương trên diện rộng. Mọi khía cạnh trong đời sống xã hội của người dân Trung Quốc đang bị hạ cấp.

Điều khiến người dân mất niềm tin hơn nữa là đến nay, tín hiệu chính sách mà ĐCSTQ đưa ra vẫn là kế hoạch “năng suất mới”, củng cố đảng nhưng làm suy yếu nhân dân.

Mặc dù ĐCSTQ đã đề xuất các kế hoạch thúc đẩy tiêu dùng và mang lại lợi ích cho sinh kế của người dân tại nhiều hội nghị kinh tế, nhưng họ luôn từ chối chuyển lợi ích tiền mặt cho người dân. Khuyến khích thúc đẩy tiêu dùng là khiến người dân tiêu nhiều tiền hơn là tăng thu nhập.

Đi kèm với suy thoái kinh tế là việc tăng cường sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với toàn xã hội. Vài năm trước, “Bộ Công tác xã hội” thời Mao tưởng chừng như không thể tưởng tượng được đã lần lượt được vực dậy, bầu không khí của Cách mạng Văn hóa 2.0 ngày càng mạnh mẽ hơn.

Trong một xã hội bình thường, truyền thông, tòa án, các tổ chức phi chính phủ và tín ngưỡng tôn giáo đều được sử dụng như một kênh truyền tải cảm xúc xã hội. Nhưng dưới sự cai trị của ĐCSTQ, những thứ này không tồn tại, hoặc tất cả đều trở thành những cỗ máy duy trì sự ổn định, mà không ai có thể loại bỏ được sự bi quan và tuyệt vọng trong nội tâm.

Từ năm 2018 – 2023, số lượt tìm kiếm trên internet liên quan đến sức khỏe tâm thần trên công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc tăng trung bình 35% mỗi năm. Vào năm 2023, số lượt tìm kiếm giải pháp cho chứng lo âu, trầm cảm và căng thẳng đã tăng 224% trên trang video Bilibili của Trung Quốc.

Ngày 10/6/2024, một người đàn ông ở thành phố Cát Lâm dùng dao đâm chết 4 người nước ngoài và một du khách Trung Quốc. Kẻ giết người đã bị bắt vào ngày hôm đó. (Ảnh chụp màn hình video)

Năm nay, đã có nhiều vụ giết người bột phát ở Trung Quốc Đại Lục, không chỉ nhắm vào người Trung Quốc mà còn nhắm vào người Mỹ và người Nhật.

Một số cư dân mạng xem xét các trường hợp gây thương tích gần đây ở Thẩm Dương, và phát hiện ra rằng chỉ riêng ngày 2/7 đã xảy ra 9 vụ, trong đó ít nhất 9 người chết và nhiều người khác bị thương.

Những kẻ sát nhân cũng ngày càng trẻ hóa. Tháng 3 năm nay, một học sinh thi trượt đã lái xe đâm vào một nhóm học sinh ở Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, khiến 3 người thiệt mạng và 16 người khác bị thương.

Theo khảo sát của “Báo cáo chuyên sâu về sức khỏe tâm thần và ngành công nghiệp 2023-2024”, trong năm qua, 3 vấn đề tâm lý hàng đầu mà người dân muốn giải quyết nhất là “lo lắng”, “cảm thấy vô nghĩa”“trầm cảm”. Trong đó “cảm thấy vô nghĩa” lần đầu tiên lọt vào top 3 phản ánh sự lạc lối về mục tiêu và giá trị trong cuộc sống hiện tại của người dân Trung Quốc.

Nhiều người Trung Quốc đã chọn cách chạy trốn khỏi Trung Quốc. Alex, một sinh viên quốc tế người Mỹ, nói với Epoch Times rằng dưới sự quản lý của ĐCSTQ, Trung Quốc Đại Lục không phù hợp cho sự sinh tồn và sinh sản của con người. Mọi người đều sẽ chạy trốn nếu có thể.

Sau khi tái đắc cử, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ nắm quyền suốt đời, thậm chí trong 10, 20 năm tới. Tình hình Trung Quốc sẽ ngày càng tồi tệ, không thể khá hơn.

Theo tạp chí Bitter Winter, “Các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác” là khóa học bắt buộc đối với sinh viên các trường cao đẳng và đại học trên khắp Trung Quốc. Đây là khóa học được ĐCSTQ sử dụng để tẩy não sinh viên thông qua các biện pháp chính trị độc tài. Vì vậy môn học này là điều bắt buộc.

Mới đây, một video cho thấy, trong lớp học “Các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác” tại Đại học Tây Bắc ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, một số sinh viên đang nhìn vào điện thoại di động, một số khác đang nói chuyện riêng. Nhiều sinh viên không mấy hứng thú với nội dung bài giảng.

Trong lúc này, một nam sinh đột nhiên hét lên: “Tôi không phải là đảng viên ĐCSTQ. Tôi không tin vào chủ nghĩa cộng sản, cũng không thích Đảng Cộng sản. Tôi chán học những lý thuyết ngu ngốc này!”

Sau đó, một “tiểu phấn hồng” (thanh niên yêu nước mù quáng) đã cãi nhau với nam sinh này, và bị một sinh viên khác ngăn lại.

Ngày 27/8, trong lớp “Khái luận những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác” tại một trường đại học ở Tây An, một sinh viên đại học đã lớn tiếng phản đối: “Tôi chán học những lý thuyết ngu ngốc này”. (Ảnh chụp màn hình video)

Uy hiếp chế độ ĐCSTQ

Các cuộc biểu tình kinh tế lẻ tẻ trên khắp Trung Quốc chủ yếu là đòi hỏi về lợi ích, nhìn chung không đề cập đến chủ đề chính trị và khó có thể hình thành một phong trào quốc gia như “Phong trào Giấy trắng”. Người dân đều nhận ra rằng thể chế ĐCSTQ là nguyên nhân sâu xa của thảm họa kinh tế.

Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Nhiều người tin rằng bất kể hệ thống của ĐCSTQ như thế nào, chỉ cần họ có thể kiếm tiền thì sẽ ổn.

Sau 3 năm phong tỏa dịch bệnh nghiêm ngặt, giờ đây người dân phát hiện ra rằng ở Trung Quốc, ngay cả quyền tự chủ về kinh tế cũng không nằm trong tay họ. Họ chỉ có thể làm giàu khi được ĐCSTQ đồng ý. Nếu bị thu hồi, họ cũng không có sự lựa chọn nào khác.

Trên mạng xã hội, cư dân mạng tiếp tục đề cập về vấn đề cốt lõi của thể chế ĐCSTQ. Một số cư dân mạng đặt câu hỏi: “Tại sao việc xét duyệt tác phẩm điện ảnh, truyền hình có thể nghiêm ngặt như vậy, nhưng giám sát an toàn thực phẩm lại không thể?”

Câu trả lời là: “Thực phẩm không đủ an toàn sẽ có hại cho chúng ta. Các tác phẩm điện ảnh, truyền hình không đủ an toàn sẽ có hại cho chúng ta.”

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã công bố một nghiên cứu thực nghiệm về sự bất bình đẳng. Cuộc khảo sát cho thấy, tâm lý người dân Trung Quốc đã trải qua những thay đổi to lớn. Ngày càng ít người tin rằng họ có thể thay đổi vận mệnh bằng khả năng và sự nỗ lực của chính mình. Hệ thống ĐCSTQ đã trở thành mục tiêu phản đối của công chúng.

Ông Ngô Sắt Trí, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Chính sách xuyên eo biển Đài Loan, nói với Epoch Times, rằng các vấn đề xã hội hiện tại của Trung Quốc phần lớn đều liên quan đến mô hình quản trị và phát triển kinh tế của Trung Quốc.

“Trước đây, với những thành tựu kinh tế do giai đoạn đầu cải cách, mở cửa mang lại, người dân Trung Quốc có thể tin rằng ở một mức độ nhất định, mở cửa kinh tế quan trọng hơn cải cách chính trị, và có nhiều sự khoan dung đối với chính trị.

Nhưng khi sự phát triển kinh tế suy giảm, những cảm xúc bất mãn trong xã hội sẽ dần dần nhắm vào các cơ quan cầm quyền hoặc những người đứng đầu chính phủ nắm quyền, và bắt đầu đặt câu hỏi về hệ thống chính trị do ĐCSTQ xây dựng.”

Ông cho rằng từ khi hết dịch đến nay, Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đề ra nhiều chính sách, nhưng trên hiệu quả kinh tế thực tế lại rất hạn chế. Ông e rằng chính sách sẽ ngày càng trở nên cứng rắn hơn và dẫn đến một vòng luẩn quẩn.

Bình Minh (t/h)

Bình Minh

Published by
Bình Minh

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

8 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

8 giờ ago