Các luật sư có lương tâm đang rời khỏi Hồng Kông khi thành phố này nằm trong chiến dịch bài trừ những người bất đồng chính kiến. Áp lực này là một phần trong cuộc đàn áp lớn hơn do ĐCSTQ nhắm vào luật sư khắp Trung Quốc. Đó là kết luận từ những câu chuyện các nhà hoạt động, các học giả luật, và những nhà ngoại giao trong báo cáo đặc biệt do Reuter phát hành hôm 29/12.
Những đe dọa được gửi qua tin nhắn và email. Thiết bị định vị GPS được đặt dưới gầm ô tô. Tiền âm phủ được gửi tới văn phòng. Phục kích của các phóng viên thuộc báo chí thân Bắc Kinh. Các cáo buộc ‘không yêu nước’ được đăng trên những phương tiện truyền thông.
Đó là một số trong những đe dọa nhằm vào các luật sư Hồng Kông, vì họ bảo vệ các vụ kiện nhân quyền, chỉ trích Luật An ninh Quốc gia do chính quyền Bắc Kinh áp đặt, hoặc lên tiếng cảnh báo những nguy cơ vi phạm hệ thống luật pháp của thành phố này.
Trong khi một số luật sư đã lần lượt bị bắt giam trong hơn 2 năm rưỡi qua, nhiều đồng nghiệp của họ đang là mục tiêu của những hoạt động ngấm ngầm nhằm bài trừ những người bất đồng chính kiến, mà theo các nhân sĩ Hồng Kông, thì những hoạt động ấy là nằm trong một cuộc đàn áp do ĐCSTQ đang triển khai ở quy mô khắp Trung Quốc.
Michael Vidler là một trong những nạn nhân, người đã rời Hồng Kông vào tháng 4/2022. Ông là một luật sư nhân quyền hàng đầu của thành phố này. Thẩm phán đã nêu tên công ty luật của ông đến tận 6 lần, trong một phán quyết kết án 4 người biểu tình dân chủ về tội tụ tập bất hợp pháp và tội sở hữu vũ khí trái phép. Vài tháng sau đó ông đã rời đến châu Âu.
Ông giải thích với Reuters vào tháng trước rằng phán quyết của tòa lần đó chính là ám chỉ “lời kêu gọi hành động”, và cảnh sát sẽ tới “điều tra tôi”. Ông đã rời khỏi Hồng Kông, nhưng ông yêu cầu giữ bí mật về nơi ông đang sinh sống.
Theo ông kể sự kiện hối thúc ông Vidler vội vã ra quyết định rời đi là các bài báo xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ở Hồng Kông do nhà nước hậu thuẫn. Một bài trong đó viết rằng ông là đại biểu của một nhóm “chống Trung Quốc”. Thế là chỉ sau vài ngày, người dân Anh quốc này đã phải rời bỏ ngôi nhà mà ông đã sống 3 thập kỷ.
Với mong muốn ra đi một cách kín đáo nhất có thể, ông Vidler đã gửi vali cho một người bạn nhờ cầm dùm. Ngày khởi hành, ông đã gặp người bạn, cầm lấy vali và tới sân bay, nhưng lại thấy ở đó phóng viên của các kênh truyền thông do nhà nước hậu thuẫn đã đợi sẵn.
Họ đã “xông tới tôi như một đám đông hỗn độn ào tới ở quầy thủ tục, và chụp hình tôi cùng các giấy tờ thông hành,” ông Vidler kể và nói rằng quyết định chóng vánh rời khỏi Hồng Kông của ông không lộ cho ai. Chỉ có vợ của ông, hãng hàng không, và cơ quan di trú biết. Ông kết luận, “hiển nhiên những quan chức đã đưa thông tin này” cho các kênh truyền thông.
“Tôi nhìn nhận rằng đây là loại hành vi quấy rối và đe dọa do nhà nước bảo trợ,” ông Vidler nói, và cho biết sau đó vợ con ông cũng đã rời khỏi Hồng Kông.
Câu chuyện này được truyền ra. Một phát ngôn viên của chính phủ đã gọi câu chuyện theo cách mà Vidler miêu tả là “vô căn cứ và sai lầm.”
Một trường hợp ra đi nổi tiếng khác là Paul Harris, cựu Chủ tịch Đoàn Biện sư Hồng Kông. Ông đã rời khỏi ngôi nhà đã sống nhiều thập kỷ của mình để tới Anh quốc chỉ vài giờ sau khi bị cảnh sát an ninh quốc gia triệu tập tới thẩm vấn. Tại sân bay lúc rời đi, ông Harris cũng không thoát khỏi cuộc săn đuổi của các phóng viên các hãng tin do nhà nước hậu thuẫn.
Khi những đe dọa và quấy rối gây ra hiệu ứng ngày càng ớn lạnh và lan rộng, thì những luật sư ít nổi tiếng hơn cũng lần lượt rời khỏi thành phố.
Một điểm nhấn là Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông được bắt đầu áp dụng vào tháng 6/2020, sau làn sóng biểu tình phản đối chính phủ làm rung chuyển thành phố quãng 1 năm trước đó.
Luật này cho phép kết án cao nhất tận chung thân đối với những tội danh mơ hồ như lật đổ, ly khai, hay thông đồng với các lực lượng nước ngoài.
Đối mặt hoặc nguy cơ bị tố cáo theo luật, hoặc lo ngại về các mối đe dọa đối với các quyền tự do của Hồng Kông, nhiều luật sư và học giả luật pháp đã lặng lẽ rời khỏi Hồng Kông, chủ yếu là đến Anh, Úc, và Bắc Mỹ.
Một luật sư Hồng Kông đã chuyển đến Anh nói với Reuters rằng bà biết ít nhất 80 luật sư Hồng Kông đã chuyển đến Anh kể từ khi luật an ninh được áp dụng vào tháng 6/2020. Một luật sư khác, hiện đang sống ở Úc, ước tính rằng khoảng vài chục luật sư Hồng Kông luật sư đã chuyển đến đó.
Trong những luật sư đó, một số đã sẵn sàng cho khả năng không bao giờ trở lại Hồng Kông nữa.
Kevin Yam, một luật sư thương mại và hiện đang lên tiếng chỉ trích cuộc đàn áp của Bắc Kinh ở Hồng Kông, cho biết ông đã mang theo tro cốt của mẹ mình khi khởi hành đến Melbourne vào tháng 4.
“Chứng kiến những gì đang diễn ra ở Hồng Kông, tôi muốn được chuẩn bị đầy đủ,” ông Yam nói. “Nếu tôi không thể quay lại Hồng Kông, tôi không muốn để mẹ tôi lại ở đó.”
Kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây một thập kỷ, Đảng Cộng Sản cầm quyền đã tăng cường đàn áp các luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động hợp pháp ở Hoa Lục. Các luật sư nhân quyền nổi tiếng ở đó, ví như hai trường hợp Đinh Gia Hỷ và Hứa Chí Vĩnh, là nằm trong số hàng trăm người đã bị giam giữ, sách nhiễu và bỏ tù.
Nổi tiếng nhất về vụ đàn áp các luật sư nhân quyền ở Trung Quốc Đại Lục có thể kể đến “Sự kiện 709“. Sự kiện này bắt đầu ngày 9/7/2015 khi Bộ Công an Trung Quốc thực hiện kế hoạch truy quét bắt bớ trên toàn Đại Lục đối với hàng loạt luật sư đấu tranh vì nhân quyền. Đến ngày 16/12/2016 đã có ít nhất 319 luật sư và nhà đấu tranh nhân quyền cùng người thân của họ bị bắt bớ, triệu tập, cấm xuất cảnh, giam lỏng, giám sát nơi ở, mất tích. Những người bị sách nhiễu này trú tại 23 tỉnh thành khác nhau. Đáng quan ngại là những luật sư bị giam cho biết họ bị bắt uống một thứ thuốc không rõ ràng thường xuyên ở trong tù.
Sau 5 năm bị giam cầm, ngày 27/4/2020 luật sư nhân quyền bị bắt trong “Sự kiện 709” Vương Toàn Chương, dưới sự giám sát của cảnh sát thường phục đã trở lại Bắc Kinh đoàn tụ cùng vợ và con trai của mình. Luật sư Vương bị bắt vì đã đến Trung tâm giam giữ Nông trường Thất Tinh, Kiến Tam Giang (thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang) để lên tiếng bảo vệ cho các luật sư bị bức hại trong “Sự kiện Kiến Tam Giang” vào tháng 3/2014. Trong sự kiện này, các luật sư đã yêu cầu thả tự do cho những người tập Pháp Luân Công bị tù phi pháp, mà bị chính quyền Trung Quốc trả thù bằng nhiều thủ đoạn như bắt bớ, tra tấn cực hình, đánh gãy xương sườn và thậm chí đe dọa mổ cướp nội tạng.
Phạm vi cuộc đàn áp các luật sư đã lan rộng tới Hồng Kông, và trở nên nổi cộm sau các cuộc biểu tình phản đối chính phủ mà đôi khi có bạo lực diễn ra ở thành phố này vào nửa cuối năm 2019.
Martin Lee, Margaret Ng, và Chow Hang-tung nằm trong số các luật sư nhân quyền kỳ cựu đã bị bắt giữ.
Giới chức Hồng Kông phủ nhận sự tồn tại một cuộc thanh trừng nghề nghiệp đang được tiến hành.
“Không có sự thật nào trong cáo buộc quấy rối hoặc đe dọa các luật sư ‘nhân quyền’ của chính phủ,” Văn phòng Đặc khu trưởng Hồng Kông cho biết khi trả lời các câu hỏi của Reuters. “Chúng tôi kiên quyết và cực lực phản đối những câu hỏi mang tính ám chỉ lộ rõ [của Reuters] cũng như những cáo buộc sai lệch, vô căn cứ và không đúng sự thật đối với Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông (NSL) và đối với các hành động thực thi pháp luật của các cơ quan thực thi pháp luật.”
Về trường hợp ông Vidler, Văn phòng nói rằng các thẩm phán không có nói “một luật sư có thể phạm tội hình sự khi cung cấp dịch vụ pháp lý.”
Và Văn phòng khẳng định rằng bất kỳ hành động nào của cơ quan thực thi pháp luật đều “tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp” và không liên quan gì đến “lập trường chính trị, xuất thân hoặc nghề nghiệp” của một người.
Khi được hỏi về lo lắng của ông Vidler trước một phán quyết mà trong đó có nhắc nhiều lần đến tên công ty luật của ông, Bộ Tư Pháp nói rằng họ “không bình luận về các phán quyết của tòa án”, và rằng thẩm phán không “đưa ra bình luận công khai về các phán quyết của mình.” Như vậy, bất kỳ gợi ý nào về “hành vi không phù hợp” của một thẩm phán chỉ có thể được đưa ra “khi dựa trên các căn cứ và bằng chứng vững chắc. Những phỏng đoán và ám chỉ là hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu.”
Tại Bắc Kinh, Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước và Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao đã không trả lời các câu hỏi của Reuters.
Để có báo cáo này, Reuters đã phỏng vấn hơn 50 luật sư và học giả luật pháp ở Hồng Kông và nước ngoài.
Các luật sư của Hồng Kông đã trở thành cái gai trong mắt của Bắc Kinh kể từ khi thuộc địa cũ này được bàn giao từ Vương quốc Anh vào năm 1997. Là một nghề nghiệp, đã có 6 lần giới luật sư thành phố xuống đường tuần hành thầm lặng kể từ khi bàn giao, để phản đối những gì họ coi là mối đe dọa đối với hệ thống luật pháp và các quyền tự do của thành phố.
Một số luật sư cũng là những nhân vật nổi bật trong các cuộc biểu tình quần chúng chống lại Luật An ninh Quốc gia được đề xuất vào năm 2003, Phong trào Biểu tình Ủng hộ Dân chủ chiếm Trung tâm vào năm 2014 làm tê liệt nhiều khu vực của thành phố, và các cuộc biểu tình vào năm 2019 sau nỗ lực của chính phủ nhằm đưa ra luật cho phép dẫn độ nghi phạm hình sự từ Hồng Kông tới xét xử tại Trung Quốc Đại Lục.
Mục tiêu then chốt trong chiến dịch đe dọa của chính quyền là hai cơ quan chuyên môn về luật pháp, họ đại diện và điều chỉnh cán cân luật pháp của Hồng Kông: Hội Luật sư (Law Society, thành viên là các solicitor, cố vấn luật pháp, luật sư sự vụ) và Đoàn Biện sư (Bar Association, thành viên là các barrister, thầy biện).
Các quan chức Hoa Lục từ lâu đã luôn tìm cách gây ảnh hưởng đối với hai cơ quan có ảnh hưởng chủ đạo này, theo các luật sư Hồng Kông cho biết.
Khác với Trung Quốc hay Hoa Kỳ, Hồng Kông có hệ thống pháp luật chia tách kiểu Anh, trong đó các luật sư tranh biện đóng vai trò là người biện hộ tại tòa án, và luật sư sự vụ làm việc trực tiếp với khách hàng về các việc liên quan đến luật pháp. Khi cần thiết, luật sư sự vụ có thể thuê luật sư tranh biện làm đại diện cho khách hàng trước tòa hoặc cung cấp tư vấn pháp lý chuyên môn.
Hội Luật sư đại diện các luật sư sự vụ của thành phố và có hơn 13.000 thành viên. Đoàn Biện sư đại diện cho 1.600 biện sư của Hồng Kông. Theo luật Hồng Kông, đây là hai cơ quan điều tiết hoạt động ngành luật, có quyền hạn và chức năng xác định ai đủ điều kiện để hành nghề luật sư sự vụ hay luật sư tranh biện (biện sư).
Theo quy ước, cả hai cơ quan đều đề xuất những người đại diện cho Ủy ban Đề xuất Cán bộ Tư pháp, một hội đồng có chức năng bổ nhiệm và đề bạt các thẩm phán.
Trong vài tuần năm 2021, từ một cuộc bầu cử gây tranh cãi sôi nổi cho hội đồng quản trị của Hội Luật sư, đã trở thành đấu trường diễn ra chiến dịch hăm dọa.
Mục tiêu bị đe dọa: Một nhóm 4 ứng viên, được gọi là “phe tự do”, những người tin rằng Hội Luật sư nên có biểu đạt lập trường về các vấn đề bao gồm tự do ngôn luận, độc lập tư pháp và pháp quyền ở Hồng Kông.
Họ bị một nhóm ứng viên khác phản đối —nhóm tự gọi là “phe chuyên môn”— tin rằng Hội Luật sư chỉ nên tập trung hẹp hơn vào vai trò chuyên môn của mình, đặc biệt là điều tiết các luật sư, trong khi mở rộng quan hệ kinh doanh với Đại Lục.“Phe tự do” đã nắm giữ 7 ghế trong hội đồng gồm 20 thành viên. Nếu họ chiếm ưu thế trong số các luật sư sự vụ của thành phố, thì họ sẽ chiếm đa số.
Sau đó, một loạt các phương tiện truyền thông thân Bắc Kinh ở Hồng Kông đưa tin kích động thù địch, và áp lực từ giới chức Hồng Kông đã được tung ra nhằm vào “phe tự do”.
Trong những ngày trước cuộc bầu cử vào tháng 8/2021, nhà lãnh đạo Hồng Kông lúc bấy giờ, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), đã đưa ra cảnh cáo tại một cuộc họp báo: Nếu Hội Luật sư tham gia vào chính trị, chính phủ sẽ xem xét cắt đứt quan hệ với cơ quan này. Lời đe dọa, với cái mũ “chính trị” được chụp vào, là ngụ ý rằng Hội Luật sư sẽ mất vai trò là một phần của cơ quan quản lý tư pháp trong thành phố. Đó là nhận định mà nhiều luật sư Hồng Kông nói với Reuters.
Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, kêu gọi Hội Luật sư không trở thành một “nhóm chính trị hóa.”
Trong những tuần trước ngày bầu cử, theo Reuters thống kê, đã có ít nhất là hơn 30 bài báo và xã luận công kích các ứng viên “phe tự do” trên các phương tiện truyền thông thân Bắc Kinh ở Hồng Kông. Họ bị cáo buộc là “ủng hộ độc lập” cho Hồng Kông và có “mục tiêu chính trị mờ ám.”
Đồng thời, ít nhất một thành viên của nhóm tự do đã nhận được những đe dọa nặc danh. 3 ngày trước bầu cử, Jonathan Ross, một luật sư sự vụ chuyên về thương mại, tuyên bố công khai rằng ông sẽ rút khỏi cuộc đua, với lý do có nguy cơ rủi ro cá nhân.
Ông Ross nói với Reuters rằng ông đã nhận được những đe dọa nặc danh qua WhatsApp.
Henry Wheare, luật sư chuyên về luật sở hữu trí tuệ, một trong những ứng viên “phái tự do”, cho biết ông không nhận được bất kỳ đe dọa nào. Nhưng nói rằng những cáo buộc của giới truyền thông nhằm vào ông và những người “phe tự do” là “hoàn toàn dối trá”. Một thành viên khác của nhóm là ông Denis Brock, một luật sư thương mại, đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Không rõ liệu áp lực có hiệu quả đến đâu đối với Hội Luật sư Hồng Kông, nhưng vào ngày 24/8, “phe tự do” đã bị đánh bại rõ ràng. Tất cả 5 luật sư trong “phe chuyên môn” đều được bầu, đảm bảo họ chiếm đa số tuyệt đối trong hội đồng.
Chủ tịch Hội Luật sư C.M. Chan cho biết tất cả các cuộc bầu cử cho hội đồng quản trị của cơ quan, bao gồm cả cuộc bầu cử năm 2021, đều được tiến hành “một cách công bằng và minh bạch.” Ông nói khi trả lời các câu hỏi của Reuters rằng Hội Luật sư “đã lên tiếng trong quá khứ và sẽ tiếp tục lên tiếng trong tương lai để bảo vệ pháp quyền, và duy trì sự liêm chính và độc lập của ngành tư pháp của chúng ta.”
Đoàn Biện sư, theo truyền thống thường nói thẳng hơn về các vấn đề pháp quyền, thậm chí phải đối mặt với chỉ trích dữ dội hơn của các quan chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát.
Một mục tiêu của áp lực là ông Harris, Chủ tịch của Đoàn và cũng là một luật sư nhân quyền kỳ cựu.
Trước khi trở thành Chủ tịch Đoàn Biện sư, ông Harris lên tiếng khá lớn trên mạng xã hội.
“Đại Lục tỏ ra quyết tâm đè bẹp Hồng Kông là dấu hiệu của sự yếu đuối, chứ không phải là sức mạnh,” ông viết trên Twitter một tháng trước khi Luật An ninh Quốc gia được áp dụng. “Chế độ biết điều đó là bất hợp pháp và không được lòng dân, trong khi làn sóng chỉ trích đang lan rộng. Nhưng nó trở nên yếu đuối có khả năng sẽ khiến nó trở nên tàn nhẫn hơn trước, nếu nó có thể làm như vậy.”
Sau khi Luật An ninh được áp dụng, ông Harris đã tweet một lần nữa hôm 1/7/2020: “Tôi, một thường trú nhân Hồng Kông và là công dân Anh, giờ có thể bị các đặc vụ Đại Lục bắt giữ trên đường phố Hồng Kông, đưa đến Đại Lục và không bao giờ được nhắc đến nữa, cũng không có bồi thường pháp lý.”
Sau khi trở thành Chủ tịch Đoàn Biện sư vào tháng 1/2021, ông Harris đã kiềm chế hơn trong việc chỉ trích chính quyền. Nhưng ngay sau khi đắc cử, ông đã đưa ra những lời chỉ trích theo cách uyển chuyển hơn về Luật An ninh Quốc gia trong một cuộc họp báo.
Ông hy vọng sẽ “thăm dò” thử xem có khả năng nào mà chính phủ sẽ chấp thuận một số “sửa đổi” để làm cho luật này nhất quán với những luật hiện hành và cơ cấu bảo vệ pháp lý của Hồng Kông.
Bắc Kinh tung ra một loạt chỉ trích. Cơ quan đại diện hàng đầu của Trung Quốc tại Hồng Kông —Văn phòng Liên lạc— đã cáo buộc ông Harris có hành vi thiếu chuyên nghiệp, kiêu ngạo cá nhân và thiếu hiểu biết. Văn phòng cho biết Luật An ninh không thể bị thách thức.
Vào tháng 4/2021, Đặc khu Trưởng Hồng Kông khi đó là bà Carrie Lam đã đe dọa sẽ can thiệp vào Đoàn Biện sư nếu có “các trường hợp hoặc khiếu nại về việc Đoàn Biện sư không hành động tuân thủ theo luật của Hồng Kông.”
Vào tháng 8, tờ Nhân Dân Nhật Báo đã mô tả Đoàn Biên sư như một “con chuột chạy”, lối nói của người Hoa về tình cảnh bi thảm như chuột chạy qua đường, bị mọi người kêu đánh.
Bị chỉ trích liên tục, ông Harris đã từ bỏ ý định tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai sau khi nhiệm kỳ thứ nhất với tư cách là Chủ tịch Đoàn Biện sư kết thúc vào tháng 1/2022.
Tuy nhiên vài tháng sau, hôm 1/3 ông bị triệu tập đến đồn cảnh sát và bị cảnh sát an ninh quốc gia thẩm vấn. Chỉ vài giờ sau khi bị thẩm vấn, ông Harris đã rời Hồng Kông để tới Anh quốc, nơi ông đang sinh sống hiện nay.
Các nhiếp ảnh gia và phóng viên từ các tờ báo ủng hộ Bắc Kinh đã đợi ông ở sân bay Hồng Kông vào tối hôm đó. Một trong những kênh truyền thông đã có hẳn một video về sự ra đi của ông.
Đoàn Biện sư đã không trả lời các câu hỏi từ Reuters.
Khi được hỏi về chiến dịch đe dọa luật sư, bao gồm cả trường hợp của hai ông Vidler và Harris, cảnh sát Hồng Kông cho biết “không bình luận về các trường hợp riêng lẻ”. Bà Carrie Lam và Văn phòng Liên lạc của Đại Lục đã không trả lời các yêu cầu bình luận.
Eric Lai, một học giả luật đã rời Hồng Kông vào năm 2020, cho biết việc ông Harris rời đi là một thông điệp rõ ràng gửi tới các luật sư đồng nghiệp, “Điều đó cho thấy rằng nếu bạn công khai không đồng ý với chính quyền, thì bạn sẽ bị quấy rối, không chỉ bởi giới truyền thông mà còn cả bởi chính quyền.”
Ông Lai hiện là thành viên không thường trú tại Trung tâm Luật châu Á Georgetown ở Washington DC.
Cách đe dọa và quấy rối gây áp lực đã phát huy hiệu quả, như diễn biến mà các luật sư và các nhà vận động nhân quyền kể cho Reuter.
Đoàn Biện sư một thời không ngại thách thức giới chức chính quyền về các vấn đề luật pháp, thì giờ đây trở nên im lặng khi Luật An ninh Quốc gia đang cải tổ triệt để hệ thống pháp luật và chính trị của Hồng Kông. Đoàn cũng không đề cập gì về câu chuyện ra đi của ông Harris.
Các thông cáo báo chí được đăng trên website của Đoàn Biện sư cho thấy kể từ tháng 1/2022, Đoàn không đưa ra bình luận phê phán nào về Luật An ninh Quốc gia.
Trong khi đó, luật này đã bị lên án rộng rãi bởi các cơ quan pháp lý quốc tế và các nhóm nhân quyền bao gồm Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
“Đoàn luật sư trước đây thường khắt khe về luật pháp đối với các hành động của chính phủ, và họ đưa các tuyên bố đối với những cải cách pháp luật và các vấn đề pháp lý khác,” Patrick Poon nói. Ông Poon từng là nhà hoạt động nhân quyền lâu năm của Hồng Kông, nhưng đã rời khỏi thành phố này sau khi Luật An ninh được ban hành, và nay ông là nhà nghiên cứu khách mời tại Viện Luật tại Đại học Meiji ở Tokyo.
Ông nói, “Ngày nay đã không còn thấy những tuyên bố đó nữa.”
Các luật sư phục vụ trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông cũng không thoát khỏi bị rơi vào tầm ngắm.
Dennis Kwok, từng là nhà lập pháp ở Hồng Kông, nói với Reuters rằng ông đã nhận được những đe dọa trước khi đột ngột rời Hồng Kông vào tháng 11/2020. Ông cho biết hiện đang làm việc tại một công ty luật nhỏ do ông thành lập ở New York và là nghiên cứu viên cấp cao tại Trường Kennedy của Đại học Harvard.
Là một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, ông Kwok đã bị chính quyền Đại Lục và các nhân vật thân Bắc Kinh chỉ trích liên tục, do ông từng dùng một người ủng hộ phong trào dân chủ. Ông cũng bị tố cáo do đã gặp các quan chức và nhà lập pháp hàng đầu của Hoa Kỳ trong chuyến thăm Washington vào đầu năm 2019.
Vào giữa năm 2020, ông Kwok tìm thấy các thiết bị theo dõi GPS dưới ô tô của mình “hai lần trong một tuần.” Ông đã cung cấp cho Reuters hình ảnh của một trong các thiết bị: Một hộp nhỏ hình chữ nhật màu đen chứa thẻ SIM để thông báo vị trí của ô tô vào hệ thống định vị.
Ông kể rằng các đe dọa cũng được chuyển đến văn phòng của mình. Ông từng nhận “tiền âm phủ” được gửi đến văn phòng kèm theo mảnh giấy bảo rằng ông “sẽ rất nhanh cần những thứ này.”
Tháng 11/2020, ông Kwok và 3 nhà lập pháp ủng hộ dân chủ khác đã bị loại khỏi Hội đồng Lập pháp sau khi Quốc hội Trung Quốc ra phán quyết rằng các thành viên đương nhiệm có thể bị loại nếu bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tháng đó, ông Kwok lặng lẽ rời khỏi Hồng Kông.
Ông cho biết các bài viết trên báo chí thân Bắc Kinh kêu gọi hãy bắt giữ ông và cáo buộc ông là đặc vụ nước ngoài, cũng đã thúc đẩy ông rời đi.
Thiên Đức (t/h)
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang…
Ông Trump thông báo bổ nhiệm cựu quan chức Bộ Ngoại giao Alex Wong làm…
Cảnh sát cứu hỏa tìm thấy toàn bộ 7 người trên tầng 8 và tầng…