Những người phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi đã kêu gọi Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) phải hủy bỏ hoàn toàn dự luật và từ chức sau khi bà này họp báo vào chiều 15/6 thông báo đình chỉ vô thời hạn dự luật.
Trong buổi họp báo kéo dài khoảng 1 tiếng 15 phút tại trụ sở chính quyền Đặc khu vào chiều 15/6, bà Carrie Lam đã nói rằng dự luật dẫn độ sẽ bị tạm dừng không với hạn định giới thiệu trở lại – đình chỉ ngay lập tức tiến trình này vô thời hạn.
“Sau nhiều lần cân nhắc nội bộ trong hai ngày qua, tôi bây giờ thông báo rằng chính quyền đã quyết định đình chỉ thực hiện sửa đổi luật, tái khởi động thông tin của chúng tôi với tất cả các thành phần xã hội, làm công việc giải thích nhiều hơn và lắng nghe những quan điểm khác nhau trong xã hội,” bà Lam nói tại buổi họp báo.
Tuy nhiên, những người phê bình dự luật đã không thỏa mãn với thông báo của bà Carrie Lam, và họ đã yêu cầu bà phải rút lại hoàn toàn dự luật, từ chức và xin lỗi vì cảnh sát đã sử dụng vũ lực quá mức trong các cuộc đụng độ với người biểu tình hôm 12/6.
Nhà lập pháp Claudia Mo, thành viên phe ủng hộ dân chủ, phản đối dự luật, đã nói: “Những người dân chủ Hồng Kông không thể đơn giản chấp nhận quyết định đình chỉ này. Bởi vì việc đình chỉ là tạm thời. Nỗi đau vẫn còn đó.”
“Bà Carrie Lam đã mất hết uy tín trước người dân Hồng Kông. Bà phải từ chức,” nhà lập pháp Claudia Mo nói.
Nghị sĩ Kenneth Leung, cũng thuộc phe ủng hộ dân chủ, cho biết quyết định của bà Lam “quá ít, quá muộn” và yêu cầu bà Lam phải từ chức.
Trong khi đó, lãnh đạo Mặt trận Nhân quyền Dân sự Bonny Leung nói rằng: “Người dân Hồng Kông đã từng bị lừa dối nhiều lần”.
Mặt trận Nhân quyền Dân sự, một trong các nhóm hỗ trợ tổ chức các cuộc biểu tình vừa qua, đã kêu gọi người dân Hồng Kông tiếp tục tham gia vào cuộc biểu tình đã được lên lịch diễn ra tại Công viên Victoria vào ngày 16/6 (giờ địa phương).
Mặt trận Nhân quyền Dân sự cũng lên án việc chính quyền Hồng Kông cáo buộc những người biểu tình là “những kẻ bạo động” và kêu gọi thả tự do cho tất cả 11 người biểu tình đã bị bắt giữ.
Nhóm hoạt động nhân quyền nêu trên nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục kêu gọi thực hiện “ba đình chỉ”, gồm: tẩy chay các lớp học, không đi làm và đóng cửa doanh nghiệp cho tới khi nào dự luật dẫn độ được rút lại hoàn toàn.
Trong phần hỏi đáp với phóng viên sau khi thông báo quyết định đình chỉ dự luật dẫn độ chiều 15/6, bà Carrie Lam đã nhiều lần né tránh câu hỏi về việc liệu bà sẽ rút lui. Khi một phóng viên hỏi thẳng bà Lam rằng tại sao bà không từ chức sau biểu tình quy mô lớn và bạo lực cảnh sát, bà Lam trả lời: “Tôi đã làm công chức gần 40 năm. Tôi coi đó là niềm tự hào của mình, và tôi vẫn có nhiều việc làm cho Hồng Kông mà tôi hy vọng sẽ làm được.”
Bà Lam khẳng định không rút lại sửa đổi đề xuất và bảo vệ việc cảnh sát sử dụng vũ lực. Bà Lam nói rằng phản ứng của cảnh sát là “hợp lý và tự nhiên”.
Bà Lam cũng nói rằng quyết định đình chỉ dự luật dẫn độ là của bà, không phải do Bắc Kinh chỉ đạo. Tuy vậy, bà Lam thừa nhận chính quyền trung ương Bắc Kinh ủng hộ quyết định của bà.
Trao đổi với Reuters, nhà phân tích chính trị tại Đại học SOAS, London, ông Steve Tsang nói rằng Bắc Kinh rất có thể đã ra lệnh cho bà Lam hoãn dự luật dẫn độ.
“Họ đã chỉ thị cho bà Carrie Lam… rằng điều này phải kết thúc. Bà ấy không hiểu điều bà đang làm… Tôi nghĩ những ngày tại nhiệm của bà Carrie Lam không còn nhiều… Bắc Kinh không thể đủ khả năng sa thải bà ta ngay lập tức, vì đó sẽ là dấu hiệu của sự yếu kém” ông Steve Tsang nói.
Xuân Thành
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…