Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền và bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng, đã có nhiều tướng lĩnh cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tử vong vì nhiều lý do khác nhau.
Từ nguồn tin mà truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa tin, có lẽ nhân vật đầu tiên phải kể là ông Từ Tài Hậu. Ông này từng là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương thời chính quyền Hồ Cẩm Đào, nghỉ hưu năm 2012. Từ Tài Hậu bắt đầu bị điều tra vào năm 2014 và bị khai trừ Đảng trong cùng năm.
Ngày 16/3/2015, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã đưa ra một thông điệp ngắn gọn: Ngày 15/3/2015, Từ Tài Hậu chết trong bệnh viện do ung thư bàng quang giai đoạn cuối và đã di căn khắp cơ thể, nhiều bộ phận trong cơ thể suy kiệt chức năng, điều trị không hiệu quả.
Nhưng có tin đồn rằng Từ Tài Hậu thiệt mạng vì bị buộc ngừng dùng thuốc điều trị, do ông ta nắm được quá nhiều thông tin nội bộ lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ, đặc biệt là vì muốn bảo vệ bản thân nên Từ Tài Hậu luôn ghi chép và lưu giữ lại chi tiết về những vụ việc trao đổi lợi ích với những lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.
Ông Từ Tài Hậu được chính cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đề bạt lên tướng, hiển nhiên biết nhiều chuyện nhạy cảm nội bộ, đặc biệt là thông tin cho biết thời điểm đó ông ta đã có ý công khai tất cả nội tình. Hoàn toàn có thể suy đoán rằng ông Từ Tài Hậu đã khai cho tổ chuyên án điều tra ông ta rằng, ông ta đã ghi lại toàn bộ những vụ việc trao đổi lợi ích với nhiều lãnh đạo cấp cao.
Nhân vật thứ hai là Trương Dương. Ngày 28/11/2017, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ thông báo Thượng tướng Trương Dương – cựu Chủ nhiệm Cục Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương ĐCSTQ đã tự sát tại nhà vào ngày 23/11; thông tin cũng cho biết Trương Dương vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, nghi ngờ tội hối lộ và nhận hối lộ, có số tài sản quá lớn không rõ nguồn gốc.
Sau đó, tài khoản WeChat của quân đội ĐCSTQ cũng bình luận rằng Trương Dương đã tự sát để thoát khỏi kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, đây là hành vi vô cùng tồi tệ.
Tuy nhiên trước nhiều tình tiết liên quan vụ án mạng còn mờ ám, có nghi vấn cho rằng Trương Dương bị chính người trong phe phái giết để diệt khẩu.
Nhân vật thứ ba là Mã Phát Tường. Ngày 13/11/2014, Trung tướng Mã Phát Tường, Phó Chính ủy của Hải quân Trung Quốc đã thiệt mạng vì nhảy từ tầng 15 của Tòa nhà 100 tại Khu phía Đông của Viện Hải quân ĐCSTQ. Thông tin bên lề cho biết, trước đó ông ta đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội mời lên.
Mã Phát Tường là nhân vật số 2 trong Hải quân Trung Quốc. Vị trí của quan chức này chủ yếu chịu trách nhiệm về tư tưởng và giáo dục trong quân đội. Có suy đoán rằng cái chết của ông ta liên quan đến vụ án Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Liên quan đến vụ án mạng này, có tổ chức truyền thông Hồng Kông nhận định rằng Mã Phát Tường là thân tín của cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng. Vào tháng 01/2004, không lâu sau khi Quách Bá Hùng đến thăm Viện nghiên cứu Thiết bị hải quân thì Mã Phát Tường được bổ nhiệm làm Ủy viên Chính trị của viện này.
Nguồn tin dẫn thông tin từ người thân cận với giới chức cấp cao của quân đội Trung Quốc cho biết, mặc dù ban đầu nhân vật phụ trách giáo dục chính trị và nhân sự trong quân đội là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, nhưng kể từ năm 1999 khi Quách Bá Hùng nhậm chức Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương thì Quách đã đảm trách công tác huấn luyện và tác chiến kéo dài hơn chục năm, nhiều chỉ huy được ông ta bổ nhiệm và huấn luyện.
Truyền thông Hồng Kông cũng tiết lộ việc Mã Phát Tường nhảy lầu tự sát có liên quan đến Quách Bá Hùng. Do Mã Phát Tường tự sát đã giúp tạm thời “bảo vệ” được một nhóm quan to, vì vậy đám tang của ông ta cũng được tổ chức theo quy cách cấp cao.
Nhân vật thứ tư là Khương Trung Hoa. Khương Trung Hoa là chỉ huy của Căn cứ hỗ trợ Du Lâm của Hải quân Trung Quốc, cũng giữ chức Cục trưởng Cục Thiết bị Hạm đội Biển Đông của Hải quân. Vào ngày 02/9/2014, Khương Trung Hoa đã tự sát bằng cách nhảy từ một tòa nhà khách sạn ở Châu Sơn tỉnh Chiết Giang, không rõ lý do. Khi đó có phân tích cho rằng vụ tự sát này có liên quan đến Từ Tài Hậu, hoặc liên quan đến một cuộc đối đầu máy bay quân sự Trung-Mỹ ở Biển Đông. Việc Khương Trung Hoa có mối quan hệ mật thiết như thế nào với Mã Phát Tường thì vẫn là một dấu hỏi.
Nhân vật thứ năm là Trần Kiệt, sinh vào tháng 10/1961, ông này từng là Thư ký của Chính ủy Chu Khắc Ngọc của Tổng cục Hậu cần, cũng giữ chức Chủ nhiệm Ban Chính trị của căn cứ Thẩm Quyến đồn trú tại Hồng Kông, và khi Hồng Kông chuyển giao chủ quyền về Đại Lục thì ông này từng được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy lễ chuyển giao quốc phòng Trung-Anh tại tàu HMS Tamar. Vào tháng 8/2016 Trần Kiệt đã tự sát bằng cách uống thuốc ngủ.
Trần Kiệt là con rể của Thượng tướng Trương Văn Đài – cựu Chính ủy Tổng cục Hậu cần quân đội ĐCSTQ, từng là Thư ký của Chính ủy Tổng cục Hậu cần Chu Khắc Ngọc. Cha vợ của Trần Kiệt bị cho là có mối quan hệ sâu sắc với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, đã từng là chủ biên sách “Nghiên cứu Tư tưởng quốc phòng Giang Trạch Dân” và “Ba đại diện” (phương châm lãnh đạo của Giang Trạch Dân).
Nhân vật thứ sáu là Khúc Duệ. Truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài đưa tin, vào chiều ngày 29/7/2016, Thiếu tướng Khúc Duệ – Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Liên hợp và từng là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chỉ đạo Nghi thức duyệt binh năm 2015, đã bị bắt đi tại một địa điểm hội nghị vì nghi vấn liên quan tham nhũng. Vào ngày 13/9 cùng năm, trong quá trình điều tra, Khúc Duệ đã treo cổ tự tử bằng một sợi dây vải.
Theo thông tin, Khúc Duệ là thân tín của Cát Chấn Phong – cựu Phó Bí thư Đảng ủy của Tổng cục Tham mưu và Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, bản thân Cát Chấn Phong là thế lực của Từ Tài Hậu trong “Quân đội Đông Bắc”, do đó không loại trừ có liên quan đến vụ án của Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Nhân vật thứ bảy là Tôn Hữu Thắng. Vào ngày 30/12/2017, một tháng sau khi Trương Dương, cựu Chủ nhiệm Cục Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương ĐCSTQ tử vong, tuyền thông Trung Quốc ở nước ngoài đã đưa tin về vụ tự sát của Tôn Hữu Thắng là Chủ nhiệm Ban Chính trị Quân đoàn 92609 của Hải quân Trung Quốc. Tôn Hữu Thắng và Trương Dương thuộc hệ thống công tác chính trị của ĐCSTQ.
Ngoài ra, cộng đồng mạng còn loan tin một số trường hợp quan chức quân đội ĐCSTQ tự sát, chẳng hạn như vào nửa cuối tháng 11/2014, Thiếu tướng Tống Ngọc Văn – Phó chính ủy Quân khu Cát Lâm, đã treo cổ tự tử. Đến ngày 10/2/2015, Đại tá Lưu Tử Tống – Cục trưởng Cục Quản lý Không lưu của Ban Tác chiến Tổng cục Tham mưu và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Quản lý Không lưu Quốc gia, đã nhảy lầu tự sát. Tháng 08/2016, Đại tá Lý Phụ Văn – Giám đốc Trung tâm Quản lý Doanh nghiệp của Cục Hậu cần Hải quân, đã tự sát bằng cách nhảy khỏi tòa nhà Trụ sở Hải quân Bắc Kinh.
Do thực tế bộ máy chính trị toàn trị ĐCSTQ xưa nay đấu đá nội bộ đầy mờ ám nên những trường hợp tự sát hoặc tự sát không thành nhưng chưa được biết đến chắc chắn là còn rất nhiều.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…