Một báo cáo của tổ chức tư vấn Úc chỉ ra, cam kết về chi tiêu cơ sở hạ tầng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Đông Nam Á có khoảng cách rất lớn với thực tế, theo đó nguồn tài chính thiếu hụt tại các dự án vượt quá 52 tỷ USD. Trong bối cảnh cạnh tranh với phương Tây cùng thực trạng suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị nội bộ của Trung Quốc, “Vành đai và Con đường” đang trở thành tử huyệt của họ.
Theo báo cáo do một tổ chức nghiên cứu của Úc là Viện Lowy công bố vào ngày 27/3 chỉ ra, nhiều dự án quy mô lớn thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ đã bị đình trệ, tổng chi tiêu ở Đông Nam Á từ năm 2015 – 2021 đã giảm xuống tới 29,6 tỷ USD.
ĐCSTQ tham gia vào 24 trong số 34 dự án quy mô lớn ở Đông Nam Á, mỗi dự án trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Tổng giá trị cam kết tài trợ của 24 dự án này là 77 tỷ USD, nhưng quá trình thực hiện còn thiếu hơn 52 tỷ USD, tỷ lệ hoàn thành trung bình của 24 dự án này chỉ đạt 33%. Tính đến năm 2022 có tổng 5 dự án trị giá 21 tỷ USD đã bị hủy bỏ, bao gồm các dự án đường sắt ở Thái Lan và Philippines và các dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Malaysia; ngoài ra có 3 dự án khác trị giá 5 tỷ USD dường như vẫn chưa hoàn thành.
Báo cáo nêu lý do khiến các dự án này dở dang, bao gồm: ĐCSTQ dường như chỉ tập trung tài trợ cho các dự án quy mô lớn, nhưng những dự án này đặc biệt dễ gặp vấn đề hoặc chậm trễ; những dự án đó thường gây bất ổn chính trị ở các nước đối tác, đàm phán kém hiệu quả giữa các bên liên quan về lợi ích, cũng như việc các dự án nhiên liệu hóa thạch ngày càng gặp khó khăn và bị trì hoãn.
Báo cáo cũng cho biết những vấn đề dẫn đến tình trạng khó khăn để hoàn thành dự án như: căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, những thay đổi thường xuyên trong định hướng chính trị và chính sách của chính quyền ĐCSTQ đã dẫn đến việc ra quyết định manh mún, và các phe phái khác nhau trong ĐCSTQ với những quan điểm và ưu tiên khác nhau…
Theo báo cáo, sự bất ổn chính trị cũng thường liên quan đến tham nhũng và quản lý yếu kém.
Liên quan đến báo cáo này, chuyên gia Vương Hách (Wang He) về các vấn đề Trung Quốc nói với Epoch Times hôm 28/3 rằng cựu Thủ tướng Malaysia đã bị cầm tù vì tham nhũng là liên quan đến “Vành đai và Con đường”. Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ xuất khẩu tham nhũng, chuyên chế và bẫy nợ. Trong số đó, tham nhũng là một vấn đề rất nổi bật, nhưng báo cáo của Úc không làm nổi bật được vấn đề này.
Ông cho rằng có rất nhiều vấn đề ở các nước tham gia “Vành đai và Con đường” nhưng nguyên nhân cốt lõi nằm ở ĐCSTQ, sự kết hợp của cả hai sẽ khiến dự án bị dở dang.
Chính phủ Philippines đã từ bỏ nguồn tài trợ của Trung Quốc cho hai dự án cơ sở hạ tầng lớn – dự án đường sắt quốc gia Bicol và dự án đường sắt cũ MNL. Philippines cho biết Trung Quốc không thể cung cấp đủ số tiền cần thiết. Việc hủy bỏ dự án trùng hợp với thời điểm Philippines thay đổi chính phủ và làm gia tăng căng thẳng song phương ở Biển Đông.
Ông Vương Hách cho rằng do trước đây, ĐCSTQ có nguồn lực tài chính mạnh mẽ sẵn sàng vung cho dự án “Vành đai và Con đường” để mua chuộc các nước tham gia, qua đó kéo vào phạm vi ảnh hưởng của ĐCSTQ, do các dự án không minh bạch khiến nhiều chính trị gia địa phương bị bị cuốn vào vòng tham nhũng. Vấn đề hiện nay là nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, các dự án này về cơ bản được tài trợ bằng các khoản vay từ ĐCSTQ nên bị liên lụy trở thành dở dang, kéo theo quan hệ song phương sẽ xấu đi, Philippines chỉ là một ví dụ điển hình.
Sáng kiến Vành đai và Con đường do lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, sử dụng nguồn tài chính quy mô lớn của Trung Quốc để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi, châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tuy nhiên trong những năm gần đây không ngừng gây tranh cãi. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã bị xem là “bẫy nợ” khiến nước tham gia không thể theo đuổi.
Nghiên cứu được Đại học William và Mary ở Williamsburg – Virginia hoàn thành vào tháng 9/2021, cho thấy khoản nợ của các dự án Vành đai và Con đường ở 42 nước có thu nhập thấp và trung bình vượt quá 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ, bao gồm cả Brunei, Campuchia, Lào, Maldives, Myanmar và Papua New Guinea.
Tại Myanmar, dự án đường sắt trị giá 9 tỷ USD đã bị đình trệ kể từ khi biên bản ghi nhớ ban đầu được ký kết vào năm 2011.
Năm 2018, ĐCSTQ và Myanmar đã ký kết Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC), từ đó ĐCSTQ đã giành được quyền vận hành Cảng Kyaukpyu với tỷ lệ sở hữu 70%, cảng này và đường sắt là một phần quan trọng trong dự án “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ. Do Chính phủ Myanmar lo ngại nợ quá cao, cho nên vốn đầu tư vào dự án cảng nước sâu tại Đặc khu kinh tế cảng Kyaukphyu đã giảm từ hơn 7 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD.
Ngày 26/3 vừa qua, dự án “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ ở Pakistan đã bị tấn công khủng bố bằng một quả bom khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có 5 kỹ sư Trung Quốc. Đây là vụ tấn công thứ 3 trong tuần qua nhằm vào các công ty Trung Quốc ở Pakistan.
Bình luận về vụ việc, nhà văn Thịnh Tuyết (Sheng Xue) người Trung Quốc sống ở Canada nói với Epoch Times, rằng việc ĐCSTQ thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường” kiểm soát các nước tham gia về mặt chính trị và khiến họ phụ thuộc về mặt kinh tế, đồng thời cũng vi phạm chủ quyền của nước tham gia. Vì vậy trong giới chính trị nhiều nước có xu thế phản đối quyết liệt. Ví dụ, gần đây nhà chức trách Ý đã quyết định rút khỏi sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Ở những nước như Pakistan, phản đối dân sự luôn diễn ra quyết liệt và đây không phải là lần đầu tiên nhân viên ĐCSTQ bị tấn công bằng vũ lực.
Bà Thịnh Tuyết nói: “Vì vậy, Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng là một dự án gây căm ghét trên toàn thế giới”.
Nhà quan sát Vương Hách cho rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ là con đường để nhà cầm quyền này bành trướng toàn cầu: “Thật là lãng phí tiền bạc của người dân Trung Quốc khi làm những việc này, hậu quả là gây tổn hại cho người dân Trung Quốc và người dân ở những nơi vị trí dự án”.
Do các vấn đề như bẫy nợ của “Vành đai và Con đường”, sự mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của ĐCSTQ và ý định quân sự rõ ràng của họ, Mỹ đã đưa ra kế hoạch đối trọng. Trong hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Ấn Độ vào tháng Chín năm ngoái, Mỹ đã thúc đẩy Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu triển khai các dự án cơ sở hạ tầng cho Hành lang kinh tế ba bên (IMEC), tạo thành đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào tháng 5/2023, 7 nước giàu nhất thế giới đã cam kết trước năm 2027 hoàn thành huy động 600 tỷ USD để đối trọng “Vành đai và Con đường”.
Đồng thời, các dự án trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” đang không ngừng bị chậm lại do nền kinh tế trong nước Trung Quốc hiện trì trệ. Ngày càng có nhiều nước cáo buộc ĐCSTQ chỉ tập trung vào việc giành ảnh hưởng chiến lược, bỏ qua nhu cầu nước sở tại và hiếm khi tính đến tác động xấu đến môi trường.
Nhà bình luận Vương Hách cho rằng mối quan hệ giữa ĐCSTQ và các nước tham gia “Vành đai và Con đường” là dựa trên lợi ích, bây giờ khi bên kia nhận thấy không có lợi ích gì thì mối quan hệ giữa hai bên dĩ nhiên sẽ có vấn đề. ĐCSTQ đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế trong nước và sự cạnh tranh bên ngoài từ châu Âu và Mỹ, xung đột giữa ĐCSTQ và các nước tham gia đã bắt đầu gia tăng trở lại và hiện đang rơi vào tình thế khó khăn.
Ông lưu ý: “Thứ nhất là ĐCSTQ không còn đủ sức mạnh kinh tế để duy trì quy mô của các dự án Vành đai và Con đường như trước đây, cho nên đầu tư đã giảm đáng kể; thứ hai, vì tham nhũng trong các dự án Vành đai và Con đường là rất nghiêm trọng, cộng thêm bối cảnh suy thoái kinh tế nên ông Tập Cận Bình muốn thông qua chống tham nhũng để cứu vãn phần nào, một trong những ưu tiên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ năm nay là điều tra ở nước ngoài. Các dự án Vành đai và Con đường nhìn chung đang bị thu hẹp và triển vọng ngày càng trở nên ảm đạm”.
Ông Vương Hách cho rằng với tiếng nói phản đối ở nước ngoài, chuyện phân chia lợi ích to lớn của các dự án này sẽ có vấn đề và cuộc đấu tranh nội bộ trong ĐCSTQ cũng sẽ ngày càng gay gắt. Trước những khó khăn bên trong và bên ngoài, “Vành đai và Con đường” ngày càng bị thu hẹp lại và sẽ ngày càng có nhiều dự án dang dở, đó sẽ là “sợi dây thòng lọng thắt vào cổ ĐCSTQ”.
Còn bà Thịnh Tuyết nói rằng “Vành đai và Con đường” và cái gọi là “Cộng đồng nhân loại chung vận mệnh”... đều là những thủ đoạn mà ĐCSTQ muốn thâm nhập các nước trên thế giới và trói buộc nền kinh tế của nhiều nước. Những gì chính quyền Tập Cận Bình làm đã gây báo động lớn trong các phe dân chủ tự do trên khắp thế giới.
Bà nói: “Phe dân chủ tự do toàn cầu đã hình thành một vòng tròn chính trị bao vây ĐCSTQ. Việc suy giảm trong quan hệ thương mại của Trung Quốc với các nước và xu thế tránh phụ thuộc Trung Quốc sẽ càng làm trầm trọng thêm những khó khăn về kinh tế và chính trị của ĐCSTQ. Khi các nước tham gia Vành đai và Con đường nhận ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và tình hình chính trị bất ổn, họ sẽ ngày càng rút khỏi các dự án, hệ quả chắc chắn đó sẽ là dự án tồi tệ nhất của Tập Cận Bình”.
Phó Tổng thống Kamala Harris đã giữ thái độ kín tiếng kể từ khi thua…
CEO của TikTok gần đây đã liên hệ với chủ sở hữu của nền tảng…
Ngay cả những người được coi là anh hùng trong mắt thiên hạ, có thành…
Nguyễn Hữu Đạo là bậc danh y kỳ tài. Ông để lại 2 bộ sách…
Mới đây, một bác sĩ của Bệnh viện Trung ương số 3 Thiên Tân đã…
Trải qua nhiều Triều đại, các kỳ thi khoa bảng cũng ghi lại nhiều chuyện…