Trung Quốc đã triển khai hệ thống tín nhiệm xã hội để chấm điểm công dân. Và một hệ thống tương tự cũng sẽ được áp dụng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào năm tới, theo Forbes, Nam Hoa Tảo báo và Financial Times.
Theo Forbes, hệ thống tín nhiệm xã hội áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài là một phần của việc thực thi luật an ninh mạng Trung Quốc. Luật an ninh mạng có hiệu lực từ năm 2018, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải tuân thủ một số điều khoản của luật này vào năm 2020.
Bắt đầu từ năm tới, Bộ Công An Trung Quốc sẽ được quyền truy cập vào dữ liệu của các công ty ngoại quốc được lưu trữ trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc.
Ông David Jacobson, giảng viên chiến lược kinh doanh toàn cầu, giám đốc điều hành về giáo dục trực tuyến tại Trường Kinh doanh SMU Cox, kiêm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh nói với Forbes rằng luật an ninh mạng mới của Trung Quốc cho phép chính phủ nước này tiếp cận các hồ sơ, hợp đồng, bản quyền, các chiến lược kinh doanh và bản ghi âm các cuộc gọi điện thoại của doanh nghiệp mà không cần sự cho phép.
Bắt đầu từ năm 2020, Trung Quốc sẽ yêu cầu các doanh nghiệp thu thập và cung cấp các thông tin nội bộ vào hệ thống dữ liệu tập trung. Dữ liệu này sẽ được hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội sử dụng để phán xét chuẩn tắc đạo đức của doanh nghiệp và các cá nhân vận hành doanh nghiệp đó và sẽ có quyết định thưởng hoặc xử phạt tương ứng.
Theo Nam Hoa Tảo báo, nếu các doanh nghiệp bị liệt vào danh sách đen, tức không đảm bảo về “mức độ tin cậy” hay “sự ngay thật”, thì các doanh nghiệp này có thể phải đối mặt với các hình phạt bao gồm bị từ chối vay các khoản vay lãi suất thấp, bị đánh thuế cao hơn hay nhân viên chủ chốt bị cấm rời khỏi Trung Quốc.
Tờ Financial Times dẫn lời ông Jörg Wuttke, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) nói rằng, biện pháp này có thể giúp Bắc Kinh có thêm quyền lực với những công ty được coi là vi phạm lập trường của Trung Quốc trong các vấn đề nhạy cảm về chính trị.
Trong khi đó, Nam Hoa Tảo báo dẫn lời bà Kendra Schaefer, người đứng đầu nghiên cứu kỹ thuật số tại Trivium China – một công ty phân tích chính sách Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh – cho biết: “Điều lo lắng thực sự không phải là việc dữ liệu bị nắm giữ, mà là liệu việc thực hiện có công bằng hay không.“
Các công ty nước ngoài tại Trung Quốc đang được khuyên phải đánh giá lại các quy trình thu thập dữ liệu của họ trước khi hệ thống chấm điểm tín nhiệm được áp dụng chính thức.
Chuyên gia Jacobson cho rằng: “Các công ty nước ngoài sẽ phải quyết định xem liệu việc bán hàng hoặc sản xuất tại Trung Quốc có xứng đáng với rủi ro họ gặp phải. Việc lựa chọn này [của các doanh nghiệp] có thể dẫn tới sự đa dạng hóa hoặc chia tách chuỗi cung ứng.”
Ông Jacobson cũng nhấn mạnh rằng sắp tới đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các cuộc họp hoặc với tư cách thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ trở nên “phổ biến hơn nhiều”.
Ông Jacobson khuyên các nhà quản lý của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc nên suy nghĩ lại về cách thu thập và lưu trữ dữ liệu. Bất kỳ thông tin độc quyền nào như sở hữu trí tuệ hoặc mã nguồn đều có thể gặp rủi ro dưới hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội mà chính quyền Trung Quốc áp dụng.
Như Ngọc
Xem thêm:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…