Khoảng 17,5 triệu lượt người TQ bị cấm đi máy bay vì “Hệ thống tín nhiệm xã hội”
- Trí Đạt
- •
“Hệ thống tín nhiệm xã hội” đang gây nhiều tranh cãi tại Trung Quốc, năm ngoái có khoảng 17,5 triệu lượt người bị cấm mua vé máy bay. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng nói hệ thống tín nhiệm xã hội này là hệ thống Hệ thống Orwell, cuộc sống của người dân bị kiểm soát ở mọi phương diện.
Theo Hãng tin AP đưa tin hôm 22/2, “Hệ thống điểm tín nhiệm xã hội” là cách chính phủ Trung Quốc sử dụng công nghệ giải giải mã gen và nhận dạng khuôn mặt để thu thập thông tin cá nhân và xử lý dữ liệu để tăng cường kiểm soát công chúng.
Theo dữ liệu của Trung tâm thông tin tín nhiệm quốc gia Trung Quốc, có khoảng 17,5 triệu lượt người không mua được vé máy bay; 5,5 triệu lượt người đã bị cấm mua vé tàu. Một bản báo cáo số liệu thường niên cho biết, 128 người bị ngăn cản rời khỏi Trung Quốc vì không khai báo nộp thuế kịp thời.
Năm 2014, Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra “Đề cương Quy hoạch xây dựng Hệ thống tín nhiệm xã hội”, trong đó có “Hệ thống tín nhiệm xã hội” giám sát 1,4 tỉ người Trung Quốc 24/24 giờ liên tục. Những hành vi “vi phạm quy định” được ghi lại trên hệ thống thông tin tín dụng cá nhân, và cho điểm trên “Thẻ tính điểm tín dụng xã hội”, người có điểm tín dụng xã hội thấp sẽ bị trừng phạt và hạn chế tùy vào mức độ.
Từ năm 2014 đến nay, chính quyền các cấp tại Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm “Hệ thống tín nhiệm xã hội”. Bên cạnh việc tiến hành giám sát đối với những người bất đồng chính kiến, một số hành vi vi phạm quy định mức độ nhẹ, đều sẽ bị hệ thống này nghi lại.
Chính quyền Trung Quốc cho biết, đến năm 2020 sẽ xây dựng “Hệ thống tín nhiệm xã hội” toàn quốc, tuy nhiên lại chưa nói rõ sẽ vận hành như thế nào.
“Hệ thống Orwell”
Trung tâm thông tin của chính phủ Trung Quốc không nói rõ có bao nhiêu người cư trú trong khu vực có hệ thống “tín nhiệm xã hội”. Một nhà hoạt động nhân quyền cho biết, “tín dụng xã hội” của Trung Quốc quá cứng nhắc, không đáng tin tưởng.
Tháng 10 năm ngoái, trong bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã phê bình hệ thống này là “Vạn lý hỏa thành của Trung Quốc” cũng ngày càng cao hơn, hạn chế đáng kể dòng chảy tự do thông tin đến với người dân Trung Quốc. Và đến năm 2020, các nhà cai trị của Trung Quốc nhắm đến việc thực thi một hệ thống Orwell dựa trên việc kiểm soát hầu hết khía cạnh của đời sống con người – với cái gọi là “điểm tín nhiệm xã hội”.
Trong bản đồ quy hoạch được chính quyền Trung Quốc đưa ra, nó sẽ để cho “người có tín dụng được tự do đi lại, người thất tín một bước cũng khó đi”.
Theo AP đưa tin, dưới sự kiểm soát của “Hệ thống điểm tín nhiệm xã hội” này, người ta có thể sẽ bị cấm du lịch, và các hoạt động thương mại, bị hạn chế cơ hội học tập, v.v. Những công ty bị cho vào danh sách đen có thể mất đi hợp đồng với chính phủ hoặc không thể vay tiền của ngân hàng được. “Hệ thống tín dụng xã hội” là một phương diện mà Trung Quốc lợi dụng dữ liệu máy tính, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác để theo dõi và kiểm soát người dân Trung Quốc.
Đài ABC tại Australia từng đưa tin, phóng viên Lưu Hổ, người từng dùng tên thật để tố cáo hiện tượng tham nhũng trong đảng Cộng sản Trung Quốc rất được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, nhưng tại Trung Quốc thì không. Lưu Hổ cho biết, chính phủ Trung Quốc coi ông như kẻ thù.
Lưu Hổ bị bắt giam vì tội “tung tin đồn”, bị yêu cầu phải phát biểu xin lỗi và nộp phạt, sau đó mới được thả.
Đài ABC nói, do những phát biểu của mình mà ông Lưu bị “Hệ thống điểm tín dụng” trừ điểm, bị liệt vào danh sách đen trong kế hoạch thí điểm hệ thống tín dụng xã hội. Nên ông bị cấm đi máy bay, đường sắt cao tốc, v.v, bị giam lỏng tại quê nhà ở Trùng Khánh.
Trung Quốc chi nhiều tiền vào hệ thống nhận dạng khuôn mặt, dùng để giám sát người dân
Ngoài công trình Kim Thuẫn (Golden Shield Project) do Bộ Công an Trung Quốc xây dựng dùng để theo dõi cá nhân người dùng mạng internet ra, và “Hệ thống điểm tín dụng xã hội”, hiện nay, Trung Quốc còn chi nhiều tiền để nghiên cứu phát triển hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Nhà hoạt động nhân quyền cho biết, người Hồi giáo và các khu vực dân tộc thiểu số khác buộc phải cung cấp mẫu máu cho cơ sở dữ liệu di truyền.
Tân Cương trở thành nơi thí nghiệm các biện pháp giám sát công nghệ cao của Trung Quốc. Bà Sophie Richardson – Giám đốc phụ trách Nhân quyền Trung Quốc nói: “Việc cưỡng chế thu thập tất cả các thông tin bao gồm cả thông tin sinh trắc học DNA của người dân, đây là sự vi phạm nghiêm trọng các quy định nhân quyền quốc tế. Hơn nữa những hành vi này đều được thực hiện dựa vào cớ điều trị y tế miễn phí, nên càng khiến người ta bất an hơn.”
Bloomberg News đưa tin, “Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống giám sát quốc gia không thể phá vỡ được, và thường dựa vào công nghệ Mỹ mà mở rộng phạm vi và xâm phạm rộng hơn.”
Hệ thống giám sát này của Trung Quốc dựa vào công nghệ của nước ngoài cũng khiến cho nhà cung cấp của Mỹ và châu Âu chỉ trích Trung Quốc về vấn đề xâm phạm nhân quyền. Mới đây, công ty hàng đầu về công nghệ sinh học Thermo Fisher Scientific có trụ sở tại Waltham, bang Massachusetts (Mỹ) cho biết, sẽ không bán thiết bị giải mã gen cho khu vực Tân Cương nữa sau khi thiết bị của công ty này bị chỉ trích dùng vào mục đích giám sát người dân của chính quyền Trung Quốc.
Theo quan chức Mỹ và chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết, tại Tân Cương có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh, và người dân tộc thiểu số như người Hồi giáo bị giam giữ trong các trại giáo dục cải tạo chính trị.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Giám sát công dân Nhận dạng khuôn mặt hệ thống điểm tín nhiệm xã hội