Sau khi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức hôm thứ Hai (5/8) và trốn sang Ấn Độ, truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ đưa tin ngắn gọn về vụ việc. Tuy nhiên, cư dân mạng Trung Quốc lại ca ngợi sự dũng cảm của người biểu tình Bangladesh và sự kiềm chế của quân đội.
Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng bà Hasina, 76 tuổi, đã lên trực thăng quân sự cùng với chị gái và đang trên đường đến Ấn Độ. Kênh truyền hình CNN News 18 cho biết, bà đã hạ cánh xuống Agartala, thủ phủ của tiểu bang Tripura, đông bắc Ấn Độ, bên kia biên giới phía đông của Bangladesh. Thông tin trên chưa được xác minh cụ thể.
Bangladesh chìm trong biểu tình và bạo lực, sau các cuộc biểu tình của sinh viên vào tháng trước nhằm phản đối hạn ngạch việc làm ít ỏi dành cho họ trong chính phủ, đã leo thang thành một chiến dịch lật đổ bà Hasina, người đã giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp vào tháng 1 trong một cuộc bầu cử bị phe đối lập tẩy chay.
Hôm 5/8, người biểu tình tổ chức mít tinh ở Dhaka, thủ đô Bangladesh, kỷ niệm sự kiện Thủ tướng Hasina từ chức và bỏ chạy ra nước ngoài. Quân đội Bangladesh cho biết sẽ thành lập chính phủ lâm thời để thực hiện các chức năng của nhà nước.
Vài tuần qua, các cuộc biểu tình phản đối hệ thống hạn ngạch của chính phủ đối với các cơ quan công quyền đã trở thành bạo lực, khiến khoảng 300 người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và hơn 10.000 người bị bắt.
Hệ thống hạn ngạch của chính phủ dành hơn một nửa việc công vụ cho các nhóm cụ thể, gồm 30% việc công được phân bổ cho gia đình các cựu chiến binh trong cuộc chiến giải phóng đất nước năm 1971 chống lại Pakistan.
Các nhà phê bình cho rằng kế hoạch này mang lại lợi ích cho các nhóm ủng hộ Chính phủ Hasina, do đó dẫn đến các cuộc biểu tình.
Truyền thông nhà nước do Bắc Kinh kiểm soát đã giữ kín thông tin về cuộc biểu tình lớn này.
Bà Hasina vừa có chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào tháng trước. Trong một tuyên bố, hai nước cho biết họ sẽ “thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.
Tuyên bố cho biết, cả hai bên nhấn mạnh tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đồng thời hiểu và hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau.
Sau khi bà Hasina trốn khỏi Bangladesh, truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ đưa tin ngắn gọn. Không có chủ đề liên quan nào trong danh sách tìm kiếm thịnh hành trên mạng xã hội Trung Quốc.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) nhận thấy, kết quả tìm kiếm từ khóa “Bangladesh” trên nền tảng mạng xã hội Weibo có dấu hiệu bị lọc. Phần lớn bài đăng trong kết quả tìm kiếm đều đến từ các tài khoản được chứng nhận và tài khoản của chính phủ.
Trong các bài đăng có thể nhìn thấy, nhiều người dùng Weibo bày tỏ lời chúc phúc tới những người biểu tình ở Bangladesh.
“Vào thời điểm mà nền dân chủ và công bằng đang liên tục suy thoái nghiêm trọng, những người Bangladesh anh hùng đã đảo ngược xu hướng đi xuống bằng mạng sống và xương máu của chính mình. Các nền văn minh có sự đa dạng, nhưng chỉ có một xu hướng. Xin chúc phúc cho người dân Bangladesh,” một blogger viết.
Một số cư dân mạng than thở rằng người dân Bangladesh dũng cảm hơn người Trung Quốc trong việc phản đối các chính sách của chính phủ.
Vài giờ sau khi bà Hasina bỏ trốn, trong một bài phát biểu trên truyền hình trước toàn quốc, Tham mưu trưởng Quân đội Bangladesh Waker-Uz-Zaman cam kết quân đội sẽ điều tra vụ đàn áp đẫm máu đối với các cuộc biểu tình chủ yếu là sinh viên.
“Đất nước đang trải qua một thời kỳ cách mạng”, ông Zaman (58 tuổi), người mới nhậm chức tổng tư lệnh quân đội vào ngày 23/6, cho biết.
“Tôi hứa với tất cả các bạn, chúng tôi sẽ mang lại công lý cho tất cả các vụ giết người và bất công. Chúng tôi yêu cầu các bạn hãy tin tưởng vào quân đội của đất nước. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm và tôi đảm bảo với các bạn sẽ không nản lòng,” ông nói.
“Tôi yêu cầu tất cả các bạn hãy kiên nhẫn một chút, cho chúng tôi chút thời gian và cùng nhau chúng ta sẽ có thể giải quyết mọi vấn đề”, ông Zaman nói. “Xin đừng quay lại con đường bạo lực và hãy quay lại con đường hòa bình và phi bạo lực”.
Sự kiềm chế của quân đội Bangladesh sau các cuộc biểu tình cũng thu hút được sự khen ngợi từ một số cư dân mạng Trung Quốc.
“Xin chào những người dân Bangladesh dũng cảm và quân đội luôn sát cánh cùng người dân. Quyền lợi đều có được nhờ giành lấy. Xin được chúc phúc cho người dân Bangladesh”, một bình luận trên Weibo viết.
Đây là lần thứ 2 trong tuần, thông tin ủng hộ những người biểu tình chống chính phủ nước ngoài xuất hiện trên mạng Internet Trung Quốc.
Tuần trước, các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã nổ ra ở Venezuela phản đối kết quả bầu cử tổng thống.
Sau khi Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro tuyên bố chiến thắng vào ngày 29/7, nhiều đảng bày tỏ nghi ngờ về dữ liệu bầu cử do chính phủ của ông công bố. Những người ủng hộ phe đối lập đã xuống đường biểu tình. Mỹ công nhận ứng cử viên đối lập Venezuela đã thắng cử.
Khi đó, một bình luận trên weibo có nội dung: “Quyền và lợi ích của mỗi người phải do tự mình giành lấy và bảo vệ”.
Một bình luận khác cho rằng: “Sớm hay muộn người dân cũng không thể tiếp tục bị lừa”.
Bà Hasina là nữ lãnh đạo chính phủ tại vị lâu nhất ở Bangladesh. Bà đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp trong cuộc bầu cử hồi tháng 1 nhưng bị đối thủ chính tẩy chay. Hàng ngàn thành viên phe đối lập đã bị bắt trước cuộc bầu cử. Mỹ và Anh lên án kết quả bầu cử không đáng tin cậy.
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…