Thủ tướng Bangladesh từ chức, trốn chạy ra nước ngoài
- Hải Đăng
- •
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã trốn chạy khỏi đất nước bằng trực thăng quân đội vào hôm thứ Hai (5/8) sau khi chỉ huy quân đội quốc gia Nam Á này loan báo rằng sẽ thành lập một chính phủ tạm quyền.
Tại Dhaka, người biều tình đã trèo lên đỉnh bức tượng nhà sáng lập quốc gia Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman và dùng rìu để chặt đầu. Thủ tướng Hasina là con gái của ông Sheikh Mujibur Rahman.
In pictures: Bangladesh PM resigns amid protests, crowds swarm her private residence – Reuters https://t.co/fXexGLObXq
— Ruthie’s Daughter Mind Travels @ESDRuthieDa (@ESDRuthieDa) August 5, 2024
Diễn tiến mới nhất nêu trên đến sau nhiều tuần biểu tình biến thành bạo lực, hàng trăm người đã chết khi có đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Hôm thứ Hai (5/8), người biểu tình đã tràn vào dinh thự của thủ tướng tại thủ đô Dhaka, yêu cầu bà Hasina phải từ chức.
Trong một cuộc họp báo khẩn cấp, chỉ huy quân đội Bangladesh Waker-uz-Zaman đã loan báo rằng bà Hasina đã từ chức và rằng một chính phủ tạm quyền mới sẽ được thành lập để điều hành đất nước. Ông Waker-uz-Zaman đã kêu gọi người biểu tình giải tán và trở về nhà, đề nghị người dân hãy duy trì niềm tin vào quân đội. Ông cũng nói quân đội sẽ khôi phục hòa bình.
Ông Waker-uz-Zaman cam kết rằng tất cả thương vong xảy ra trong vài tuần qua do biểu tình bạo lực sẽ được điều tra và yêu cầu người biểu tình hãy cho quân đội “một chút thời gian” để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.
Chỉ huy quân đội Bangladesh cũng nói rằng đại diện của tất cả các đảng chính trị lớn của đất nước đã được mời tham gia phối hợp thành lập chính phủ tạm quyền và đã đang thảo luận với quân đội rồi.
Ông Waker-uz-Zaman nói thêm rằng không cần thiết phải ban hành lệnh giới nghiêm hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia và tuyên bố rằng ông đã ra lệnh cho quân đội không được sử dụng vũ lực, và đã yêu cầu người biểu tình giúp khôi phục hòa bình.
Tin tức bà Hasina từ chức dường như đã nhận được phản hồi tốt từ những người biểu tình. Họ đã bày tỏ niềm hân hoan trên các tuyến phố sau khi nghe loan báo của chỉ huy quân đội Waker-uz-Zaman.
Tuy nhiên, nhóm Sinh viên Phản đối Phân biệt đối xử, tổ chức lãnh đạo các cuộc biểu tình chống chính phủ thời gian qua, đã phản hồi loan báo của chỉ huy quân đội bằng tuyên bố nói rằng họ sẽ bác bỏ sự cầm quyền của quân đội. Nhóm này khẳng định rằng quyền lực phải được trao cho “những người sinh viên cách mạng và công dân” và rằng bất kỳ kịch bản nào khác sẽ “không được chấp nhận”.
Những người điều phối của nhóm Sinh viên Phản đối Phân biệt đối xử đã viết trên Facebook yêu cầu rằng tất cả “người dân vô tội” và “tù nhân chính trị” phải được thả tự do vào cuối ngày. Họ cũng tuyên bố rằng chính phủ của bà Hasina và “hệ thống phát-xít” sẽ bị xóa bỏ và rằng “một Bangladesh và trật tự chính trị mới sẽ được thiết lập”.
“Không một ai sẽ rời khỏi các tuyến phố nếu không đạt được chiến thắng cuối cùng”, nhóm lãnh đạo biểu tình tuyên bố.
Các cuộc biểu tình sinh viên bắt đầu bùng phát từ tháng trước sau khi Tòa án Tối cao Bangladesh giới thiệu một hệ thống hạn ngạch việc làm gây tranh cãi, trong đó ưu tiên công việc cho con em của các cựu chiến binh. Chính phủ của bà Hasina đã đáp trả biểu tình bằng việc ban hành lệnh giới nghiêm toàn quốc, ra lệnh cắt hệ thống internet di động trên cả nước, đóng của các trường đại học, và sử dụng quân đội và cảnh sát chống bạo động để giải tán biểu tình.
Trong vài tuần sau đó, hàng trăm người đã chết, hầu hết là sinh viên, được cho là đã thiệt mạng do đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Giới chức cũng đã bắt giữ hàng nghìn người biểu tình.
Từ khóa Bangladesh Dòng sự kiện Sheikh Hasina Thủ tướng Bangladesh Biểu tình tại Bangladesh