Sau khi người sáng lập Hon Hai là Terry Gou theo đuổi tranh cử tổng thống Đài Loan năm 2024, một công ty con của Hon Hai là Foxconn gần đây đã bị cơ quan chức năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thanh tra thuế. Có nhận định về khả năng đây là bước ngoặt đối với đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.
Về việc nhà chức trách ĐCSTQ thanh tra thuế Foxconn, tờ Financial Times có phân tích rằng ĐCSTQ hiện đang nhắm tới Hon Hai giống như cách làm với Jack Ma – người sáng lập Tập đoàn Alibaba. Khi rủi ro địa chính trị làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, thì mối quan hệ lâu dài của Terry Gou với nhà cầm quyền Trung Quốc cũng bị thử thách.
Thông tin đề cập lại tuyên bố cách đây hai tháng của ông Terry Gou: “Nếu ĐCSTQ nói ‘Anh không vâng lời’ và muốn tịch thu tài sản của Hon Hai, tôi sẽ nói ‘Vâng! Làm đi!’ (Yes!Do It!)”; ông còn cho hay “Tôi không thể nghe theo chỉ dẫn của họ (ĐCSTQ), tôi chưa bao giờ bị ĐCSTQ kiểm soát”.
Giờ đây, hành động của Bắc Kinh có thể là một phép thử đối với ông Terry Gou.
Thông tin đề cập đến việc Hon Hai bị thanh tra thuế, điều này gợi nhớ đến việc ĐCSTQ đã trấn áp Alibaba của doanh nhân Trung Quốc Jack Ma khiến công ty này bị suy yếu như thế nào. Cách đây 3 năm sau khi Jack Ma chỉ trích chính sách tài chính của ĐCSTQ, các cơ quan quản lý bắt đầu điều tra Tập đoàn Ant và khiến Jack Ma buộc phải ra đi, đồng thời nhà chức trách ĐCSTQ cũng thắt chặt hàng loạt biện pháp kiểm soát đối với các lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc.
Về vấn đề này, ông Chen Desheng – người từng là cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền của cựu Tổng thống Mã Anh Cửu (Đài Loan) – cho hay: “Tín hiệu này rất rõ ràng, không thể thách thức họ, giống như họ (ĐCSTQ) đã làm với Jack Ma”.
Nhiều phân tích chỉ ra rằng việc ĐCSTQ thanh tra Hon Hai có thể trở thành bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nhà đầu tư quốc tế. Foxconn (thuộc Hon Hai) là công ty nước ngoài lớn nhất Trung Quốc xét về số vốn đầu tư tích lũy, số lượng nhân viên và xuất khẩu, công ty này trong 30 năm qua đã giúp Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất lớn của thế giới, giờ đây lại bị mắc kẹt trong các thế lực địa chính trị – vấn đề đang gây đảo lộn trật tự kinh tế thế giới.
Chuyên gia kinh tế Liu Mengjun tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (Chung-Hua Institution Economic Research) của Đài Loan cho rằng giờ đây chuỗi cung ứng toàn cầu đã được thay thế bởi chuỗi cung ứng khu vực, Foxconn và các công ty Đài Loan khác không còn có thể coi Trung Quốc là cơ sở sản xuất chính của họ nữa; khách hàng nước ngoài muốn họ sản xuất ở Đông Nam Á, Mexico và những nơi khác.
Một nguồn thạo tin về Foxconn chia sẻ với Financial Times rằng Foxconn không đặc biệt lo lắng về việc kiểm toán thuế, vì việc cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm toán tài khoản của các công ty nước ngoài là điều bình thường, “nhưng sẽ đáng lo ngại khi liên quan bầu cử Đài Loan, vì vấn đề lôi kéo chúng ta vào chính trị”.
Các nguồn tin cũng tiết lộ việc ông Terry Gou ra tranh cử tổng thống Đài Loan đã chọc giận giới lãnh đạo ĐCSTQ, vì như vậy sẽ phân tán phiếu bầu cho đảng đối lập ở Đài Loan và giúp Đảng Dân tiến có cơ hội chiến thắng cao hơn.
Nhưng có nhà quản lý cấp cao của Foxconn cho rằng việc thanh tra thuế nhằm cảnh báo Foxconn không được chuyển quá nhiều năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc, vì điều này có thể đe dọa hàng trăm ngàn việc làm vào thời điểm áp lực kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng.
Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), đối với thanh tra thuế Foxconn và những thay đổi trong môi trường đầu tư của các doanh nhân Đài Loan ở Đại lục, chủ tịch Li Dawei của Straits Exchange Foundation (tổ chức của Đài Loan để xử lý các vấn đề kỹ thuật và/hoặc thương mại với ĐCSTQ) cho biết vào ngày 27/10 rằng ĐCSTQ đã đặt ‘an ninh quốc gia’ lên hàng đầu, phiên bản mới của ‘Luật phản gián’ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư nước ngoài và doanh nhân Đài Loan mà còn tác động rất lớn đến dòng người bên ngoài tới Trung Quốc, cơ chế theo dõi tố cáo nhau khiến mọi người trong xã hội Trung Quốc trở nên luôn cảnh giác nhau. Hậu quả của những luật và biện pháp như vậy là lợi bất cập hại, ĐCSTQ nên suy nghĩ kỹ về kiểu hành xử này.
Ông cho rằng trong bối cảnh leo thang xung đột địa chính trị quốc tế, các doanh nhân Đài Loan hiện phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng trong kinh doanh và đầu tư ở Trung Quốc. Việc gần đây ĐCSTQ can thiệp đối với động thái Straits Exchange Foundation thúc đẩy cho doanh giới Đài Loan chú ý môi trường đầu tư tại Kim Môn, hoặc vấn đề thanh tra thuế Tập đoàn Foxconn, sẽ khiến các doanh nhân Đài Loan cảm thấy lo ngại.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…