Sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Trump tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm quốc tế về sự lây lan toàn cầu của dịch bệnh, Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng đã có bài phát biểu trực tuyến tại LHQ vào ngày 26/9, nhắc lại sự cần thiết phải điều tra nguồn gốc của virus Trung Cộng (virus viêm phổi Vũ Hán), cách thức dịch lây lan… nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự tái diễn.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại LHQ, Thủ tướng Úc, Ông Scott Morrison cũng nhấn mạnh: “Loại virus này đang gây ra thảm họa cho tất cả mọi người trên thế giới. Chúng ta phải cố gắng hết sức tìm hiểu điều gì đã xảy ra để ngăn chặn thảm họa tương tự tái diễn.”
Sau phát biểu của ông Trump tại Đại hội đồng LHQ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả bằng tuyên bố rằng Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thông báo dịch bệnh, quốc gia đầu tiên xác định tác nhân gây dịch cũng như chia sẻ trình tự gen của virus ra thế giới, thậm chí còn tự nhận mình là nước cống hiến nhiều nhất cho việc ngăn chặn đại dịch.
Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã dấy động không ít nghi ngờ từ các giới quan sát.
Thời báo Epoch Times đã thu thập được các tài liệu chi tiết về các ca lây nhiễm đầu tiên tại nhiều địa phương cho thấy chứng cứ virus Trung Cộng đã lây lan khắp Trung Quốc Đại Lục trong một thời gian dài. Tuy nhiên, các thông tin này đã bị chính quyền Bắc Kinh che giấu và trì hoãn đến tận ngày 20/1, sau khi ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường có bài phát biểu về thông báo dịch bệnh ra công chúng.
Ngày 21/1, các trang truyền thông đảng đưa tin, Ủy ban Y tế Quốc gia xác nhận các ca nhiễm đầu tiên ở Chiết Giang, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Giang Tây và Thiên Tân được xác nhận cùng ngày. Tuy nhiên, thông tin chi tiết báo Epoch Times có được về các ca lây nhiễm trên cho thấy họ đã che giấu và trì hoãn việc loan báo tình hình dịch bệnh.
Theo cơ quan ngôn luận ĐCSTQ, đài truyền hình trung ương CCTV đưa tin vào ngày 21/1, ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ở Chiết Giang là một nam giới 46 tuổi thường trú tại Vũ Hán. Ngày 3/1, anh này lái xe từ Vũ Hán đến Ôn Châu, đến ngày 4/1 thì phát sốt và đi khám, ngày 17/1 người này bị cách ly và điều trị tại bệnh viện được chỉ định ở Ôn Châu.
Tài liệu Epoch Times nhận được về thông tin chi tiết của các ca nhiễm cho thấy, bệnh nhân họ Dương, trú tại phố Lâu Kiều, quận Ô Hải, Ôn Châu, đã kinh doanh thang máy tại Vũ Hán trong một thời gian dài. Người này phủ nhận việc đã từng đến chợ hải sản Vũ Hán và phủ nhận trước đó có tiếp xúc với gia cầm sống. Ngay từ ngày 2/1/2020, khi đang ở Vũ Hán, người này đã bị ho kèm theo sốt, nhiệt độ cao nhất đến 39,5°C. Sau khi truyền dịch tại phòng khám địa phương, nhiệt độ cơ thể có thuyên giảm nên bệnh nhân ung dung quay lại Ôn Châu vào ngày 5/1.
Đến ngày 10/1, kết quả chụp CT phổi tại Bệnh viện Nhân dân Ôn Châu cho thấy “nhiễm trùng tổn thương cả hai lá phổi”, dựa trên triệu chứng lâm sàng, lúc này bệnh viện bắt đầu lên báo động cảnh giác với trường hợp viêm phổi do nhiễm virus corona mới. Cho đến 4 giờ chiều ngày 15/1, bệnh viện đã khẩn cấp tổ chức cho Khoa hồi sức cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm, Khoa Hô hấp tiến hành hội chẩn và thảo luận đa ngành (MDT), xét thấy khả năng viêm phổi do virus nên đã báo cáo lên Ủy ban Y tế thành phố Ôn Châu và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh. Bệnh nhân đã được chuyển đến phòng đơn Khoa Truyền nhiễm ngay trong đêm.
Đến 3h50 sáng ngày 17/1, Ban Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh tỉnh thông báo bệnh nhân dương tính với virus Corona mới. Sau khi hội chẩn với các chuyên gia tỉnh, bệnh nhân đã được đề nghị cấp tốc chuyển lên tuyến trên ở Ôn Châu (bệnh viện chỉ định điều trị viêm phổi do virus corona).
Tuy nhiên, phải đến ngày 21/1 (tức là 4 ngày sau đó), chính quyền Trung Quốc mới đưa tin xác nhận ca nhiễm nói trên.
6:00 giờ chiều ngày 20/1, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin, cả nước có tổng cộng 217 ca nhiễm được xác nhận (198 ca ở Vũ Hán, 5 ca ở Bắc Kinh và 14 ca ở Quảng Đông); 7 ca nghi nhiễm (2 ca ở Tứ Xuyên, 1 ca ở Vân Nam, 2 ca ở Thượng Hải, 1 ca ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, 1 ca ở Sơn Đông).
Trong thông báo vào ngày 20/1 này, danh sách các ca nghi nhiễm cũng không hề đề cập đến Chiết Giang. Ngoài ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ở Chiết Giang trong thông báo ngày 21 của Chính phủ Trung Quốc thì còn có 4 ca khác được xác nhận bởi Nhóm chuyên gia chẩn đoán bệnh viêm phổi do virus Corona cấp tỉnh. Tất cả đều không được nhắc đến trong thông báo của CCTV.
Truyền thông đảng CCTV cho biết, bệnh nhân đầu tiên được xác nhận ở Tứ Xuyên là một nam nhân viên 34 tuổi của một công ty ở Vũ Hán. Sau khi đến Thành Đô, ngày 11/1, anh này đến khám tại bệnh viện ở Thành Đô sau khi phát sốt, rồi bị cách ly tại bệnh viện.
Tài liệu Epoch Times nhận được về thông tin chi tiết các bệnh nhân cho thấy, một người họ Dương là phó chủ tịch của một công ty hậu cần ở Vũ Hán, nhà ở Thành Đô nhưng sinh sống một mình ở Vũ Hán.
Tối ngày 3/1, khi còn ở Vũ Hán, người này bắt đầu phát sốt, sau khi đi khám bệnh viện Đồng Tế ở địa phương ngày 4/1; có chuyển biến tốt hơn khi được điều trị “sốt siêu vi”. Đến ngày 9/1, người này bay đi Thành Đô, phát sốt trở lại, sau đó đã đến một phòng khám tư nhân gần nhà (phòng khám An Đức) để chữa trị, tuy nhiên sức khỏe không mấy tiến triển.
Sang ngày 11/1, bệnh nhân đến khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân dân số 1 Thành Đô khám, chụp CT cho kết quả phổi đã bị bội nhiễm. Sau khi hội chẩn với các chuyên gia bệnh viện để xem xét tình hình, tạm thời kết luận viêm phổi chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên đây là trường hợp trở về từ vùng dịch Vũ Hán, nên bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên để cách ly, cũng đồng thời theo dõi các khu vực có người đã qua tiếp xúc với bệnh nhân.
Ngày 15/1, bệnh viện thành phố họp hội chẩn với các chuyên gia y học Hoa Tây Trung Quốc,“Không thể loại trừ các trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân” (tức là các ca nghi nhiễm). Sáng sớm ngày 16/1, Trung tâm kiểm dịch tỉnh khẳng định kết quả xét nghiệm axit nucleic dương tính, do đó đã chuyển bệnh nhân đến Trung tâm y tế lâm sàng sức khỏe cộng đồng Thành Đô để điều trị cách ly ngay trong ngày.
Sau khi bệnh nhân vào bệnh viện được chỉ định ở Thành Đô, 6 ngày sau đó, Ủy ban Y tế Quốc gia mới đưa thông báo công khai. Thêm nữa, bệnh nhân trước khi nhiễm bệnh đã từng tiếp xúc với một đồng nghiệp được chẩn đoán mắc bệnh “viêm phổi”, và đồng nghiệp này vẫn được điều trị cách ly tại bệnh viện Đồng Tế, Vũ Hán.
Theo trang truyền thông trong nước theppaper.cn, ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ở Hồ Nam là một phụ nữ họ La 57 tuổi, đến từ quận Thanh Sơn, Vũ Hán, đi Trường Sa thăm thân nhân. Bà La bị sốt và ho khan do đó đã đi viện làm xét nghiệm ngày 16/1, sau đó được chuyển lên bệnh viện được chỉ định để cách ly và điều trị.
Tài liệu Epoch Times nhận được về thông tin chi tiết các bệnh nhân cho thấy, ngày 9/1, bà La đi Trường Sa thăm người thân, đến 2 giờ chiều ngày 10/1, bà xuất hiện triệu chứng sốt, tiêu chảy… Ngày 15 và 16/1, bà được điều trị tại Phòng khám Thành phố Châu Âu, quận Thiên Tân. Các triệu chứng không thuyên giảm, sốt đến 39,8 ℃.
2:00 giờ chiều ngày 16/1, bà La đến Bệnh viện Trường Sa số 1 điều trị, kết quả chẩn đoán không xác định được là viêm phổi do virus hay viêm phổi do vi khuẩn. Vào lúc 2:00 giờ chiều ngày hôm sau (17/1), bà được chuyển đến Trung tâm Cấp cứu Y tế Công cộng Trường Sa (bệnh viện được chỉ định điều trị virus Trung Cộng). Đến 9h đêm cùng ngày, giám đốc bệnh viện Tạ Nguyên Lâm, chủ nhiệm khoa Y tế Trần Đông và bác sĩ chủ nhiệm Chu Chí Quốc họp hội chẩn, đưa ra kết luận “các biểu hiện cho thấy tương đồng với triệu chứng bệnh viêm phổi không xác định (viêm phổi do nhiễm virus corona mới)”. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh địa phương đã tiến hành lấy mẫu dịch và gửi CDC quốc gia để xét nghiệm.
Tuy nhiên, tận 4 ngày sau đó, Ủy ban Y tế quốc gia cho mới công bố kết quả chẩn đoán, tương tự danh sách các ca nghi nhiễm được công bố vào ngày 20/1 không đề cập đến Trường Sa, Hồ Nam.
Cũng theo trang theppaper.cn đưa tin, vào ngày 21/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã cho công bố trường hợp viêm phổi đầu tiên chẩn đoán nhiễm virus corona mới ở tỉnh Giang Tây. Bệnh nhân nam họ La, 56 tuổi, trú tại quận Đông Hương, thành phố Phúc Châu. Ngày 20/12/2019, ông La đến Vũ Hán để mua hàng và quay trở lại quận Đông Hương vào ngày 9/1/2020. Ngày 10/1, ông La xuất hiện triệu chứng nóng sốt, ho khan… và nhập viện cách ly. Ca nhiễm này thuộc mức độ nặng, tất cả 43 người tiếp xúc gần đều được theo dõi y tế.
Cùng lúc đó, bệnh nhân thứ hai là một người đàn ông họ Trần, 50 tuổi, ở quận Tương Đông, thành phố Bình Hương, từng đến Vũ Hán để buôn bán gia cầm sống. ngày 2/1/2020, ông Trần quay trở lại quận Tương Đông. Ngày 10/1, xuất hiện triệu chứng nóng sốt, ho khan…và nhập viện cách ly. Hiện ca nhiễm này thuộc mức độ nặng.
Theo tài liệu Epoch Times, thông tin chi tiết bệnh nhân họ Trần cho thấy, từ tháng 11 – 12 năm ngoái, ông Trần bán gia cầm sống (gà, vịt) tại chợ rau Dương La, Tam Lý Kiều, quận Hoàng Pha, Vũ Hán. Ngày 2/1/2020, khi rời Vũ Hán, ông Trần bắt đầu bị ho khan và sốt. Ngày 5/1, ông nhập viện Cống Tây điều trị nhưng không có tiến triển rõ ràng. Ngày 9/1, ông được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Bình Hương cấp cứu và ở lại bệnh viện để điều trị cách ly. Ngày 11/1, ông được chẩn đoán viêm phổi không rõ nguyên nhân.
Ngày 15/1, khi được bệnh viện tiến hành chẩn đoán, tình trạng bệnh đã nghiêm trọng hơn và chức năng gan cũng bị tổn thương. Ngày 16/1, ông được chuyển đến phòng đơn cách ly.
Cho đến ngày 17/1, theo ý kiến hội chẩn của lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh và Ủy ban Y tế thành phố, đây là bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân, khả năng cao là viêm phổi do virus.
Vào ngày 21/1, ca nhiễm đầu tiên ở Thiên Tân được Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ xác nhận là một phụ nữ 60 tuổi, thời gian gần đó đã đến Vũ Hán, sau khi trở về Thiên Tân, bà xuất hiện triệu chứng sốt, ho khan… Đến ngày 19/1, bà đã đến phòng khám tại thành phố này để kiểm tra, sau đó nhập viện cách ly và điều trị.
Theo Epoch Times nhận được thông tin chi tiết bệnh nhân cho thấy, trưa ngày 5/1, bệnh nhân họ Trịnh đã đáp máy bay từ Thiên Tân đến Vũ Hán, ngồi tàu hỏa đến Nghi Xương, đi du thuyền trên sông Dương Tử, sáng ngày 10/1, đến Trùng Khánh; và ngày 12/1, lên máy bay trở về Thiên Tân.
Bệnh nhân bị sốt và ho khan 7 ngày trước khi nhập viện. Ngày 20/1, ông này được điều trị cách ly và được Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa Dịch bệnh Thiên Tân xét nghiệm axit nucleic dương tính với virus corona mới và đã được Phòng thí nghiệm Y tế Hoa Đại Thiên Tân xét nghiệm lại cũng cho kết quả dương tính. Sau đó, ông được chuyển đến Bệnh viện Hải Hà Thiên Tân (bệnh viện được chỉ định) để điều trị.
Từ thông tin chi tiết của các bệnh nhân, rõ ràng là sau khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh xác minh kết quả xét nghiệm dương tính, Ủy ban Y tế Quốc gia đã có thể công bố vào ngày hôm sau (21/1). Tuy nhiên trên thực tế, chính quyền ĐCSTQ đã cố tình trì hoãn việc công bố.
Epoch Times trước đó đã đưa tin rằng tất cả các địa phương đều không có quyền quyết định thông báo về ca nhiễm đầu tiên được xác nhận. Ngày 15/1, tại cuộc họp trực tuyến của Ủy ban Y tế, Giám đốc Cục quản lý bệnh viện thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ, ông Tiêu Nhã Huy nhấn mạnh, việc chẩn đoán ca bệnh đầu tiên cần được thực hiện nghiêm túc, còn nói “đây là kỷ luật”, “Ca nhiễm đầu tiên ở mỗi tỉnh phải được tổ chức quốc gia chẩn đoán, sau đó tỉnh sẽ công bố rộng rãi.”
Chính quyền Trung Quốc đã đưa xuống các tài liệu nội bộ quy định đặc biệt đối với“Thủ tục xác nhận ca nhiễm viêm phổi đầu tiên do nhiễm virus Corona mới ở các tỉnh”, cũng như quy định, quy trình, thủ tục thông báo dịch.
Ngày 27/1/2020, dưới áp lực từ ngoại giới, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang) phải công khai nguyên nhân Vũ Hán chậm trễ công bố thông tin dịch bệnh, lý do là chưa được cấp trên cho phép.
Ngày 20/1, ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường đã có bài phát biểu trước công chúng về bệnh viêm phổi do virus corona mới, chính quyền trung ương và chính quyền địa phương Vũ Hán cũng lập tức thành lập trụ sở phòng chống dịch, và thông báo dịch của giới chức bắt đầu lan nhanh từ Hồ Bắc đến nhiều thành phố khác trên cả nước, báo cáo số ca nhiễm cũng tăng nhanh. Đại diện Chung Nam Sơn của ĐCSTQ bắt đầu thừa nhận dịch lây truyền từ người sang người, và 15 nhân viên y tế xác nhận dương tính với virus.
Kể từ ngày này, người dân Vũ Hán mới bất ngờ bị đánh thức bởi nhiều tin tức của chính phủ về dịch bệnh. Trên thực tế, đến ngày 18/1, cộng đồng Bách Bộ Đình ở Vũ Hán vẫn đang tổ chức “Đại tiệc Vạn gia”.
Trong thời gian diễn ra “lưỡng hội” ĐCSTQ tại tỉnh Hồ Bắc (từ ngày 11-17/1), ngoại giới phát hiện, trong 7 ngày liên tục từ ngày 11 đến ngày 16, ĐCSTQ đã không thông báo một ca nhiễm mới nào.
Ngày 31/12, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán mới tiến hành thông báo công khai về dịch viêm phổi lần đầu tiên, nhưng chỉ báo cáo 27 ca nhiễm được xác nhận, thậm chí còn cho biết không tìm thấy bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người và không có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm. Thông báo đầu tiên này chậm hơn một tháng so với ca nhiễm được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế The Lancet vào ngày 1/12/2019.
Theo Lạc Á / Epoch Times
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…