Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Chiết Giang (CDC Chiết Giang) đã khảo sát 756 nhân viên y tế và phòng chống dịch về vắc-xin, kết quả được công bố vào ngày 18/2. Theo đó, chỉ 42% nhân viên y tế được hỏi cho biết họ sẵn sàng tiêm loại vắc-xin được Chính phủ Trung Quốc chấp thuận sử dụng khẩn cấp, và chỉ 28% cho biết họ sẵn sàng tiêm vắc-xin khi chúng có sẵn trên thị trường cho tất cả mọi người, South China Morning Post (SCMP) đưa tin hôm thứ Sáu.
Các tác giả của khảo sát của CDC Chiết Giang cho biết rằng hầu hết những người bày tỏ không muốn được tiêm chủng đều lo ngại về những tác dụng phụ tiềm ẩn đối với sức khỏe mà việc tiêm chủng có thể gây ra. CDC Chiết Giang sau đó khuyến nghị chính quyền tỉnh nên giáo dục công chúng hiệu quả hơn về “tính hiệu quả và an toàn” của vắc-xin do Trung Quốc sản xuất.
Tại Thượng Hải, giáp Chiết Giang, CDC Thượng Hải đã thăm dò ý kiến 1,8 triệu cư dân vào tháng trước và phát hiện ra rằng chỉ một nửa trong số những người được khảo sát sẵn sàng tiêm một loại vắc-xin ngừa virus corona do Trung Quốc sản xuất, theo SCMP.
Hai kết quả thăm dò gần đây của Trung Quốc trái ngược với kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 12 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và công ty nghiên cứu thị trường Ipsos. Cuộc khảo sát toàn cầu này bao gồm 15 quốc gia và được thực hiện từ ngày 17 đến 20/12 với 13.500 người trưởng thành.
“Trung Quốc là nơi người dân có ý định tiêm chủng đạt tỷ lệ cao nhất, với 80% số người được hỏi đồng ý hoàn toàn hoặc phần nào với tuyên bố ‘nếu có vắc-xin cho COVID-19, tôi sẽ tiêm nó”, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã đưa tin.
Các quan chức y tế Trung Quốc gần đây thừa nhận rằng niềm tin của công chúng vào vắc-xin do nhà nước sản xuất vẫn còn thấp.
“Công khai và minh bạch là cách duy nhất để chống lại việc lưỡng lự về tiêm vắc-xin”, một nhóm các chuyên gia y tế công cộng từ Đại học Hồng Kông đã viết trong một bản tin hàng tuần của CDC Trung Quốc, xuất bản tuần trước.
“Cần tiết lộ đầy đủ và có hệ thống dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng và các nghiên cứu thực nghiệm sau khi triển khai”, họ khuyến nghị.
Các công ty dược phẩm nhà nước Trung Quốc đã gây ra một số vụ bê bối y tế ở trong những năm gần đây khi sản xuất và bán các loại vắc-xin hết hạn sử dụng hoặc không hiệu quả.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ 70 người liên quan đến ít nhất 20 vụ án hình sự vì bán vắc-xin COVID-19 giả trong những tuần gần đây trong chiến dịch trấn áp toàn quốc. Một người đàn ông bị bắt, được xác định tên là Kong, đứng đầu vụ lừa đảo trị giá hàng triệu đô la. Người đàn ông này đã trộn dung dịch nước muối và nước khoáng làm vắc-xin ngừa COVID của Trung Quốc.
“Kong và nhóm của anh ta đã kiếm được 18 triệu nhân dân tệ (2,78 triệu đô la) bằng cách cho dung dịch muối hoặc nước khoáng vào ống tiêm và bán chúng như vắc xin COVID kể từ tháng 8 năm ngoái”, BBC đưa tin vào ngày 16/2, trích dẫn một phán quyết của tòa án được công bố trong tuần này.
Lê Vy
Xem thêm:
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak chia sẻ một kinh nghiệm khó quên của…
Hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Trang trí Da ô tô Quốc Lợi…
Ông Mike Waltz, đề cử Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống đắc…
Tin tặc Trung Quốc đang xâm nhập vào mạng các cơ sở hạ tầng quan…
Nói đến “Bình sa lạc nhạn” thì không thể không nói đến Vương Chiêu Quân.