Công ty Công nghiệp nặng Samsung (Samsung Heavy Industries) gần đây đã rút vốn khỏi nhà máy đóng tàu Ninh Ba và quay trở về Hàn Quốc, đồng thời trả khoản bồi thường theo phương thức N+1 cho các nhân viên bị sa thải, điều này đã gây ra sự hoảng loạn và bất mãn cho các nhân viên. Các nhân viên đã đình công trong vài ngày, họ hy vọng sẽ nhận được bồi thường theo phương án 3N. Hiện người lao động buộc phải ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 13 – 18/9. Các nhân viên vẫn đang tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi.
Theo cô Vương, một trong những nhân viên của Công ty Công nghiệp nặng Samsung chia sẻ với Epoch Times, hiện tại các nhân viên vẫn đang đòi quyền lợi, hai bên gồm người lao động và người sử dụng lao động vẫn đang tiến hành đàm phán. “Phía người sử dụng lao động muốn dùng phương thức ‘N+1’ để bồi thường, N chính là năm công tác, ví dụ như làm 10 năm thì sẽ là bồi thường 10 tháng, N+1 chính là bồi thường 11 tháng tiền lương.”
Một người khác là ông Trương, đã làm việc tại công ty này 14 năm, ông cho biết hiện tại các nhân viên đều nhất trí bồi thường 3N, dưới 3N thì từ chối không ký.
“Đây là thu hồi đất, hơn nữa là đơn phương sa thải, chúng tôi không thể chấp nhận. Chúng tôi yêu cầu bồi thường 3N, tức bồi thường gấp 3 lần, chúng tôi ở đây bình quân tuổi công tác là 14 năm, hầu như đều khoảng 40 tuổi. Ngày 10/9 thông báo bảo chúng tôi đến thứ Hai đến để hủy hợp động, ký tên chấp thuận là được, ngày 13 – 18/9 sẽ làm thủ tục, họ nói rằng quá thời hạn sẽ không chờ,” ông Trương nói.
Cô Vương nói: “Hiện tại lương của nhân viên trong Công ty Công nghiệp nặng Samsung bình quân khoảng 10.000 tệ (khoảng 36 triệu đồng) mỗi tháng, ngay cả người mới vào công ty thì mỗi tháng cũng gần 3.000 tệ.”
“Từ lâu đã biết đến chủ trương công ty sẽ dỡ bỏ và chuyển đi, nhưng vẫn chưa công bố chính thức, lần này các nhân viên đã làm việc đến một mức độ nhất định rồi, nhưng vẫn chưa đưa ra phương án, cho nên các nhân viên yêu cầu công ty nói rõ khi nào kết thúc và nhất định phải có phương án [bồi thường] cụ thể. Các nhân viên bắt đầu hành động đòi quyền lợi vào ngày 8/9.
Ông Thịnh, một nhân viên đã làm việc 11 năm tại Công ty Công nghiệp nặng Samsung, cũng công khai cho biết rằng các đồng nghiệp trong công ty kiên trì làm việc nhiều năm như thế này, làm việc chăm chỉ, năng lực tay nghề tốt, “nhưng đổi lại chỉ là kiểu bồi thường N+1 không hề có chút thành ý từ công ty, công ty nói đó là hợp pháp hợp quy định, nhưng có hợp lý hay không?”
Ông nhấn mạnh, “Nhân viên của Công ty Công nghiệp nặng Samsung có tuổi công tác bình quân 14 năm, điều này có nghĩa là gì, tuổi trẻ đã qua, sức khỏe cũng đã bị mất, nghỉ hưu quá sớm, lập nghiệp thì quá già, tìm việc thì cũng không ai cần. Hiện giờ để lại 1.500 người chúng tôi thế này nên đi đâu về đâu làm việc?”
Bắt đầu từ ngày 8/9, các nhân viên đòi quyền lợi đã được 5 ngày. Mọi người ở trong nhà nhà máy căng các biểu ngữ, tập trung lại và tuần hành. Trên biểu ngữ có nội dung “Samsung là nhà của tôi, tôi muốn làm việc! Tôi cần nuôi gia đình!” “Thanh xuân, lý tưởng, mồ hôi, nước mắt, máu đều rơi ở đây!”. Trong video, một khẩu hiệu mà nhiều người hô nhiều nhất là “Tôi muốn ăn cơm”.
Ông Trương cho biết, các nhân viên đã kiên trì đòi quyền lợi được 5 ngày, ban ngày thì ở trong nhà máy hô khẩu hiệu, buổi tối thì ngủ ở trên bãi cỏ đất trống, tối ngày 12 có báo đến, hiện đã được chuẩn bị được mấy container để cho nhân viên nghỉ ngơi. Theo tìm hiểu, ngày 12/9, tại hiện trường đòi quyền lợi có mười mấy cảnh sát, nhưng không xảy ra xung đột với nhân viên.
“Mấy ngày này, [lãnh đạo chính quyền] đều không gặp mặt đại diện của các nhân viên nhà máy, ngày mai (ngày 13/9), đại diện của các nhân viên nhà máy sẽ đi nói chuyện với lãnh đạo,” ông Trương nói.
Còn có không ít nhân viên vẫn kiên trì đấu tranh buổi tối ngủ trên đất của công ty. Tuy nhiên hiện tại các video, hình ảnh liên quan đến bãi công đều bị xóa hết trên mạng xã hội ở Đại Lục. Cô Vương cho rằng, hiện tại chính quyền chỉ là muốn duy trì ổn định, không ra mặt giúp đỡ các công nhân đòi quyền lợi.
Theo trang tin Kỹ thuật Hàng hải và Đóng tàu Quốc tế đưa tin, vào ngày 9/9, nhân viên phơi bày thông tin nói rằng Công ty Công nghiệp nặng Samsung Hàn Quốc đã phân bổ 750 triệu nhân dân tệ cho Công ty Công nghiệp nặng Samsung Ninh Ba để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc rút khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Công ty Công nghiệp nặng Samsung Ninh Ba vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào về sự việc này.
Ông Trương cho biết, nếu chiếu theo phương án bồi thường N+1, thì khoản tiền bồi thường chỉ có 100 triệu nhân dân tệ, ông cho rằng 750 triệu nhân dân tệ có thể dùng 300 triệu để bố trí cho công nhân thì rất tốt.
Tuy nhiên cô Vương nói với Epoch Times rằng, 750 triệu nhân dân tệ này có thể thể dùng làm chi phí để bố trí cho nhân viên, nhưng thực ra chỉ là tin đồn trong nội bộ nhân viên, không thể hoàn toàn xác nhận.
Báo cáo cho biết, Công ty Công nghiệp nặng Samsung Ninh Ba hiện còn có 7 – 8 phân đoạn tàu đang được đóng, ngoài ra còn có phân đoạn siêu lớn chưa được hoàn công, nhưng các nhân viên đã lo lắng về việc làm, rất nhiều công ty thuê bên ngoài đã rút nhân viên. Hiện tại một số xưởng đã kết thúc sản xuất đã bắt đầu tháo dỡ thiết bị thi công.
Cô Vương cũng cho biết, công ty vẫn còn một số nguyên vật liệu ở đây, tạm thời sẽ không chuyển đi tất cả. Có hơn 1.500 nhân viên chính thức mà công ty cần phải bố trí ổn thỏa. Trước đó, có thông tin nói rằng có thể có đến 3.000 – 4.000 nhân viên bao gồm cả nhân viên thuê ngoài.
Theo một tài liệu “Các nhiệm vụ chính của công tác chính phủ trong năm 2021 được chia nhỏ trong nửa năm …”, của chính quyền mà nhân viên của công ty công khai trên mạng cho thấy, Công ty Công nghiệp nặng Samsung đã chuẩn bị rút lui được một thời gian, và chính quyền địa phương đã hoàn tất việc ký kết thỏa thuận thu hồi 1.178 mẫu đất của Công ty Công nghiệp nặng Samsung, và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ tái phát triển 2.400 mẫu đất hiệu quả thấp.
Ông Trương cho biết, thông tin về việc chính quyền thu hồi lại đất đã được lan truyền từ năm ngoái, lần này Samsung rút lui cũng là vì phía chính quyền đơn phương thu hồi đất. Mức bồi thường mà chính quyền đưa ra cho Samsung là khoảng từ 4 đến 5 tỷ nhân dân tệ. Xung quanh Công ty Công nghiệp nặng Samsung đều là các nhà máy hóa chất, chính quyền thu hồi đất cũng là vì để xây dựng khu hóa chất.
Tuy nhiên, ông Trương nói rằng vẫn chưa có thông tin chính thức từ chính quyền chứng thực việc này.
Một blogger khoa học nổi tiếng về phổ cập khoa học được Sina chứng nhận tên thật đã xác nhận trên Weibo rằng nhà máy của Công ty Công nghiệp nặng Samsung Ninh Ba đã rút lui và chấm dứt hoạt động đóng tàu. Năm ngoái, có tin Daewoo và Công nghiệp nặng Samsung đang chuẩn bị chuyển phân đoạn đóng tàu vốn được đặt ở Trung Quốc quay trở về Hàn Quốc.
Ông cho biết, Công ty Công nghiệp nặng Samsung đầu tư tại Trung Quốc đã xây dựng 2 nhà máy, lần lượt là tại Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) và Vinh Thành (tỉnh Sơn Đông). Công ty tại Ninh Ba là cơ sở đóng tàu đầu tiên tại Trung Quốc của Công nghiệp nặng Samsung, được thành lập năm 1995, số vốn đầu tư là 250 triệu đô la Mỹ, công suất sản xuất các phân đoạn của thân tàu hàng năm là 200.000 tấn. Đây là công ty đóng tàu lớn nhất ở quận Bắc Lâm, giá trị xuất khẩu hàng năm khoảng 800 triệu đô la Mỹ.
Ông còn nhấn mạnh, các ngành nghề khác của Samsung như điện thoại, điện gia dụng, đóng tàu, đều liên tiếp được chuyển khỏi Trung Quốc hoặc chuyển về Hàn Quốc.
Liên quan đến làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc Đại Lục, ông Triệu, một cư dân mạng cho biết: “Toshiba Đại Liên, Công nghiệp nặng Samsung Ninh Ba và Ericsson Nam Kinh rút vốn, hàng ngàn công nhân phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp do lớn tuổi. Nhưng thị trường hiện nay vô cùng tàn khốc, chỉ sử dụng người lao động dưới 35 tuổi, người lớn tuổi thất nghiệp thì còn tìm được việc khác không? Nếu bạn 35 tuổi, bạn gần như không thể tìm được việc làm khác? Như thế này thì làm sao có thể bảo người trẻ tuổi sinh con đây?”
Cư dân mạng “Hong Li” cho biết: “Trong những ngày vừa qua, thông tin các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài rút vốn liên tục được báo cáo trên các phương tiện truyền thông. Thật là ớn lạnh, Công nghiệp nặng Samsung rút khỏi Ninh Ba và Toshiba rút khỏi Đại Liên. Một số lượng lớn công nhân đang phải đối mặt với tình trạng bị nghỉ việc. Liệu nền kinh tế của chúng ta có thể chịu đựng được thử thách này không?”
Còn có cư dân mạng nói rằng Công ty Công nghiệp nặng Samsung Ninh Ba rút lui, một số người tung hô trên mạng, các nhà tư bản đi rồi, công nhân không còn bị bóc lột nữa, “Nhưng công nhân của nhà máy lại muốn giữ lại nhà đầu tư, bởi họ cần làm việc cần nuôi sống gia đình, cũng giống như Samsung Huệ Châu đã rút lui vào năm trước. Không có bóc lột thì liệu có phải là đã thoát khỏi cảnh khốn khó?”
Nhà bình luận kinh tế gốc Hoa “Lãnh Sơn bình luận thời sự” cho biết, tiếp sau sự kiện Samsung đóng cửa nhà máy ở Huệ Châu hồi năm ngoái, năm nay Công nghiệp nặng Samsung lại đóng cửa nhà máy ở Ninh Ba, tháng 11 Samsung sẽ đóng đóng cửa nhà máy tivi cuối cùng ở Thiên Tân Trung Quốc, rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc kích động chống Nhật, Hàn, làn sóng bài ngoại chống Âu Mỹ, rốt cuộc là những “rau hẹ”, những người phải thốt lên rằng “tôi muốn ăn cơm” phải trả giá!
Ngoài ra, theo truyền thông đưa tin, sau khi nhà máy sản xuất TV Đại Liên bị đóng cửa vào năm 2013, Toshiba – từng là tập đoàn thiết bị gia dụng khổng lồ của Nhật Bản, đã quyết định đóng cửa nhà máy cuối cùng của mình tại Đại Liên (Toshiba Dalian Co., Ltd.) vào cuối tháng 9 năm nay. Quy trình giải thể và thành lý dự kiến sẽ được khởi động sau tháng 10.
Theo Cao Tĩnh, Epoch Times
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…