James Le Duc, Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston (hiện đã nghỉ hưu), đã cảnh báo khi đó rằng sự chậm trễ của các đối tác ở Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến việc nghiên cứu của họ.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã chia sẻ trình tự bộ gene của virus chưa đầy 2 tuần sau khi các cơ quan y tế Vũ Hán đưa ra cảnh báo về đợt bùng phát dịch ở thành phố này.
Trong khi tình hình cấp bách, 10 ngày sau khi WIV giải mã trình tự gene đầu tiên của virus mới vào ngày 2/1/2020, các quan chức Trung Quốc mới chia sẻ bộ gene với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trình tự bộ gene, được công bố trên Internet, ngay lập tức đã giúp các nhà khoa học trên khắp thế giới có thể nghiên cứu sâu hơn để phát triển các phương pháp phòng và chữa bệnh.
Trong khi việc tiếp cận sớm với mẫu mầm bệnh mới là một yếu tố quan trọng để phát triển các công cụ phòng chữa bệnh, các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Galveston thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia và UTMB (Mỹ) đã phải đợi hơn 2 tuần mới tiếp cận được với mẫu virus. Dẫu vậy, mẫu virus mà họ nhận lại được không phải từ Trung Quốc. Nó được cung cấp vào ngày 11/2/2020 bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, được lấy từ bệnh nhân ở trong nước.
Các nhà khoa học Texas đã bắt đầu gửi email đến viện Vũ Hán để yêu cầu mẫu virus từ ngày 28/1/2020. Vài ngày sau, yêu cầu của họ được gửi lên một loạt cơ quan hải quan tại Vũ Hán, đến Tổng cục Hải quan ở Bắc Kinh, và cuối cùng là Văn phòng Quốc vụ, theo tin nhắn gửi tới UTMB từ Deng Fei thuộc trung tâm thông tin sinh học và tài nguyên virus của WIV.
Đến ngày 2/2/2020, giáo sư sinh học phân tử ở Texas, Pei-Yong Shi, đã phải gửi một thông điệp khẩn. “Bởi đây là trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng, tôi hy vọng việc phê duyệt sẽ được xử lý khẩn cấp”, ông viết cho Deng và nhận được câu trả lời rằng Deng vẫn đang theo dõi thông tin từng ngày từ các quan chức hải quan ở Bắc Kinh.
Việc chuyển giao mẫu virus cho Texas cuối cùng không được xử lý một cách rõ ràng ở Trung Quốc. Theo Vanity Fair, nhà khoa học Shi Zhengli tại WIV đã lên kế hoạch chia sẻ các mẫu virus với phòng thí nghiệm Galveston nhưng bị Bắc Kinh chặn lại.
Nhiều nhà khoa học theo dõi quá trình chia sẻ mẫu virus cho biết họ không tin rằng Trung Quốc chia sẻ mẫu virus cho quốc tế trong những tuần đầu bùng dịch.
Thay vào đó, một số phòng thí nghiệm quốc tế đã nhận được mẫu từ Úc. Một nhóm nhà khoa học tại Viện Peter Doherty ở Melbourne cho biết hôm 29/1/2020 rằng họ là cơ quan đầu tiên phân lập loại virus này bên ngoài Trung Quốc. Các nhà khoa học khác phải đợi cho đến khi đất nước họ có bệnh nhân mới lấy được mẫu virus để nghiên cứu.
Thời gian biểu chính thức của Trung Quốc công bố thông tin về COVID-19 không đề cập đến việc chia sẻ mẫu virus với các nhóm quốc tế.
WHO cho biết họ đã làm việc để tạo điều kiện cho các quốc gia chia sẻ mẫu virus với nhau nhưng không nói rõ liệu Trung Quốc có gửi mẫu đến bất kỳ phòng thí nghiệm nào trực thuộc WHO hay không.
Lawrence Gostin, Giám đốc của Viện O’Neill về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown, Mỹ, cho hay: “Trung Quốc đáng lẽ phải chia sẻ một cách tự do và công bằng các mẫu virus trong thời gian dài”.
Ông cho rằng cần có một “thỏa thuận quốc tế mới về việc chia sẻ đầy đủ và công bằng các mẫu sinh học cũng như trình tự bộ gene của các loại mầm bệnh, bao gồm cả virus corona”.
Tại Trung Quốc, các chính sách ngày càng nghiêm ngặt đã gây khó khăn cho việc chia sẻ dữ liệu và vật liệu di truyền ra nước ngoài trong những năm gần đây, theo chuyên gia an ninh y tế Yanzhong Huang đến từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York.
Tháng 3/2019, trước đại dịch, Trung Quốc đã thông qua các quy định mới về nguồn gene người, bao gồm giám sát chặt chẽ hơn và xem xét an ninh đối với việc chia sẻ các tài liệu như vậy với các thực thể nước ngoài.
Quy tắc hiện hành cũng đòi hỏi sự giám sát của chính phủ đối với việc chuyển giao mẫu mầm bệnh. Những quy định này đã được ghi nhận trong luật an toàn sinh học được thông qua vào tháng 10/2020.
Các phòng thí nghiệm ở Galveston và Vũ Hán đã nhiều lần trao đổi nhân viên với nhau kể từ năm 2013, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp IV (cấp kiểm soát sinh học cao nhất toàn cầu) đầu tiên ở Vũ Hán.
Trao đổi giữa 2 bên nhằm thúc đẩy sự hợp tác, đồng thời “đảm bảo rằng tất cả các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực kiểm soát sinh học ở bất kỳ đâu trên thế giới đều được tiếp xúc với thực tiễn tốt nhất”. Dẫu vậy, mối liên kết này đã bị giám sát chặt chẽ khi ổ dịch ở Trung Quốc lan rộng và trở thành đại dịch.
Theo SCMP,
Phan Anh
Xem thêm: