Nikkei: Thượng Hải vắng vẻ khi số ca nhiễm COVID-19 tăng cao

Tuần trước, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột chấm dứt chính sách ‘zero COVID’ được thực thi suốt 3 năm qua. Việc gỡ bỏ phong tỏa vô trật tự đã khiến các ca nhiễm COVID-19 càn quét khắp cả nước. Số người nhiễm bệnh ở các thành phố lớn bao gồm thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải tăng đột biến. Khu vực Bến Thượng Hải và phần lớn trung tâm thành phố hầu như trống không, hàng triệu người phải ở nhà tránh dịch.

Cảnh vắng vẻ tại một ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh vào ngày 13/12/2022. (Ảnh: Getty Images)

Tại Bắc Kinh, một phân tích dữ liệu lớn của ‘gã khổng lồ’ Internet Baidu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm của người dân thủ đô lên tới 78%. Giống như Bắc Kinh, người dân Thượng Hải đối diện với dịch bệnh bùng phát, họ không còn cách nào khác đành phải đổ xô tìm mua thuốc hạ sốt Ibuprofen và loại thuốc chưa qua kiểm chứng là ‘Liên Hoa Thanh Ôn’. Các bệnh viện và phòng khám chữa bệnh cũng chật kín người bệnh đến khám chữa.

Những chiếc bàn trống tại Điền Tử phường (Tianzifang) hôm 11/12/2022, một khu ẩm thực nổi tiếng một thời đông đúc ở Thượng Hải. (Ảnh: Getty Images)

Trang Nikkei đưa tin vào ngày 16/12 rằng các trung tâm mua sắm ở Thượng Hải gần như trống không, một cảnh tượng hiếm thấy trong các ngày lễ. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc yếu trong tháng 11, cũng đã chứng thực mức tăng trưởng hàng năm chậm nhất trong nhiều thập kỷ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Tôi hầu như không có bất kỳ khách hàng nào đến cửa hàng ngày hôm nay,” một nhà bán lẻ mỹ phẩm trong trung tâm thương mại ở Thượng Hải nói với Nikkei “nhưng có một số câu hỏi của khách trực tuyến”.

“Sự thay đổi chính sách mà không báo trước và khiến chúng tôi không kịp trở tay,” một phụ nữ đến từ Thượng Hải nói với Nikkei. Cô ấy hiện đang mua tạp hóa thực phẩm trực tuyến để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Tuy nhiên, một số hàng đặt qua mạng chất đống tại kho của đơn vị vận chuyển do nhân viên chuyển phát bị ốm.

Tính đến Chủ nhật tuần trước (11/12), Tổng cục Bưu chính Trung Quốc cho biết hơn 400 điểm giao hàng tại Bắc Kinh và các khu vực khác của Trung Quốc vẫn đóng cửa vì những lý do liên quan đến COVID-19. Về quy mô, Dịch vụ Bưu chính cho biết hôm thứ Ba (ngày 13/12) rằng họ thu gom hơn 360 triệu gói hàng mỗi ngày.

Người Thượng Hải đổ xô đến bệnh viện để lấy thuốc cho dù có triệu chứng hay không

Sinh viên đại học có tên Ann Wu nói với Nikkei rằng các bạn cùng lớp của cô đang chen lấn để được điều trị.

Cô nói: “Các trường học và bệnh viện đang thiếu thuốc. Một số người đang bán thuốc thừa trong các nhóm trò chuyện trực tuyến”.

Tỷ lệ lây nhiễm ở Thượng Hải thấp hơn Bắc Kinh, nhưng điều đó không ngăn được một số trong số 25 triệu cư dân của thành phố đổ xô đến các bệnh viện quá tải để có được thuốc dự trữ.

“Thật lố bịch”, một bác sĩ tại một phòng khám tư nhân nói. Ông nói thêm rằng gần một nửa trong số 50 bệnh nhân được khám hôm thứ Tư (14/12) không có triệu chứng của virus nhưng vẫn yêu cầu lấy thuốc.

“Tôi không thể từ chối họ, bởi vì mọi người lo lắng,” ông nói.

Hết thuốc cảm sốt tại nhà thuốc ở Bắc Kinh. (Ảnh cắt từ video)

Yu Gang, đồng sáng lập và chủ tịch điều hành của 111, một công ty dược phẩm trực tuyến của Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC hôm thứ Năm (15/12), các đơn đặt hàng cho các sản phẩm hạ sốt và các loại thuốc liên quan đã tăng gấp 10 lần kể từ cuối tháng 11. Ông cho biết các nhà máy không thể theo kịp tình trạng “thiếu hụt bất thường” thuốc men.

Ngoài nhu cầu cao, hàng chục công nhân tại các nhà kho hoặc văn phòng của 111 ở các khu vực khác nhau của Trung Quốc đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID, tạo ra tình trạng “thiếu hụt trầm trọng” nhân sự, ông nói.

Xếp hàng dài chờ trước cửa nhà thuốc ở Bắc Kinh. (Ảnh cắt từ video)

Sự thay đổi chính sách đột ngột khiến người dân không kịp trở tay

Vài ngày trước, cơ quan y tế quốc gia của Trung Quốc đã bỏ báo cáo về các trường hợp không có triệu chứng khi biến thể omicron rất dễ lây lan quét qua Trung Quốc. Việc dỡ bỏ phong tỏa một cách vô trật tự của Trung Quốc, ít quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của người dân, đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng lây nhiễm tràn lan, bao gồm cả ở Thượng Hải, nơi hầu hết các trường học đã bắt đầu lại các lớp học trực tuyến trong tuần này. Tình cảnh này giống như đợt phong tỏa thành phố (trong 2 tháng) hồi đầu năm nay.

Một trường quốc tế đã nói với phụ huynh rằng một số lượng “đáng kể” học sinh và giáo viên không thể lên lớp, điều này cho thấy rõ ràng là họ đã bị nhiễm virus.

Đại sứ quán Mỹ trong tuần này cho biết các dịch vụ lãnh sự đã bị giảm thiểu do tác động sự gia tăng các ca nhiễm trên toàn Trung Quốc.

Đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của ĐCSTQ, các nhà quản lý của một cơ sở chăm sóc người cao tuổi cao cấp ở quận Trường Ninh (Changning) của Thượng Hải, đã áp dụng giải pháp giống như khi thành phố bị phong tỏa, đóng cửa và không cho mọi người ra vào. Người thân và khách thăm khác đã bị cấm vào cơ sở vào cuối tháng 11, nhân viên hoàn thành ca làm việc không thể rời đi và phải ngủ tại chỗ.

Sự hỗn loạn xảy ra sau khi gỡ bỏ phong tỏa đã khiến mọi người đặt câu hỏi về thời điểm và lý do Chủ tịch Tập Cận Bình đột ngột rút lại chính sách zero COVID.

Hôm thứ Tư (14/12), ông Mike Ryan, giám đốc điều hành kế hoạch khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết rằng các ca bệnh đã gia tăng trên khắp Trung Quốc trước khi quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa được đưa ra.

Một số nhà quan sát cho rằng ông Tập Cận Bình đã đợi đến sau khi kết thúc Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 10 mới từ bỏ chính sách ‘zero COVID’, không cho quan chức y tế và người dân thời gian chuẩn bị. Những người khác cho biết Chính phủ ĐCSTQ biết rằng không có hạn chế nào có thể ngăn chặn được sự lây lan của virus.

Capital Economics cho biết trong một bản báo cáo nghiên cứu: “Dù bằng cách nào, thì nó đều có ảnh hưởng rộng hơn tới cách chúng ta nên nghĩ về quản trị của Trung Quốc (ĐCSTQ). Quan điểm thứ hai cho thấy hệ thống (ĐCSTQ) không thể lập kế hoạch cho những tình huống dự phòng có thể lường trước được.”

Người Thượng Hải: Ba năm qua sẽ được ghi nhớ như thế nào? Ba năm tới sẽ ra sao?

Tờ Guardian tại Anh đã đăng một bài viết ẩn danh của người Thượng Hải. Bài viết đầu tiên điểm lại nỗi đau gây ra do việc phong tỏa thành phố hơn hai tháng trong nửa đầu năm nay, sau đó viết rằng việc ĐCSTQ nới lỏng các hạn chế đã mang lại mối quan tâm mới, bởi vì tâm lý mọi người rất khó theo kịp sự thay đổi chính sách. Trong 3 năm qua, các chuyên gia y tế Trung Quốc đã nhấn mạnh ý tưởng rằng virus viêm phổi Vũ Hán có thể gây ra những tác động lâu dài. Bây giờ, chính sách quay đầu của Bắc Kinh nói rằng họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy tình huống đúng là như thế.

“Tôi nên tin vào điều gì đây? Tôi có nên giống với nhiều người khác, bắt đầu dự trữ vật tư y tế để chuẩn bị cho một đợt lây nhiễm sắp xảy ra không? Mọi chuyện sẽ tồi tệ đến mức nào khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm? Đó là những điều tôi luôn muốn biết,” người Thượng Hải này viết.

“Biết rằng tất cả những người tôi tiếp xúc có thể là người mang COVID, tôi cũng phát hiện mình không thấy tự tại khi ra ngoài.”

Cuối cùng, người Thượng Hải này nói rằng thời kỳ ‘zero COVID’ có lẽ đã qua, nhưng đợt bùng phát thực sự chỉ mới bắt đầu. Ba năm qua sẽ được ghi nhớ như thế nào? Ba năm tới sẽ ra sao?

Hạ Vũ

Published by
Hạ Vũ

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

10 phút ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

1 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

1 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

2 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

4 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

5 giờ ago