“Phát biểu kín” của ông Tập ca ngợi Mao và xem thường Đặng?

Gần đây, mạng xã hội ngoài Trung Quốc có “chia sẻ nóng” bài phát biểu được cho là “phát biểu nội bộ” mới của ông Tập Cận Bình. Tuy không rõ tính xác thực nhưng nội dung cho thấy nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm.

Đại hội 20 của ĐCSTQ sẽ khai màn ngày 16/10, nếu không có bất ngờ thì ông Tập Cận Bình sẽ phá bỏ quy tắc của ĐCSTQ để bắt đầu nhiệm kỳ 3. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Vào ngày 16/9, người dùng Twitter @yjpc007 đã công bố một bài phát biểu được đồn đại là do ông Tập Cận Bình bộc bạch trước nội bộ ban lãnh đạo cấp cao nhất. Nội dung bài phát biểu đại khái được chia thành 4 phần: phần đầu biện minh cho việc thúc đẩy sùng bái cá nhân đối với ông Tập cũng như đối với người tiền nhiệm xưa kia là cố lãnh đạo Mao Trạch Đông; phần thứ hai là phê phán “thuyết mèo đen mèo trắng” của ông Đặng Tiểu Bình có thể gây ra “cách mạng màu”; phần thứ ba là nền kinh tế Trung Quốc có thể suy sụp nhưng ĐCSTQ không thể sụp đổ; phần thứ tư là bảo vệ chế độ ĐCSTQ và giải thích lý do tại sao chế độ này cần tiếp tục duy trì.

Nhà bình luận thời sự người Mỹ gốc Hoa, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) bình luận trên Epoch Times: “Từ nội dung cho thấy bài phát biểu này có lẽ chỉ gần đây, là phát biểu trong bối cảnh vấn đề tái nhiệm cùng thúc đẩy sùng bái cá nhân đối với ông Tập Cận Bình và suy thoái kinh tế Trung Quốc đang gây chú ý. Từ bối cảnh cho thấy, phát biểu này không phải ở một hội nghị chính thức mà giống như một dịp gặp gỡ không chính thức. Vì vậy, cảm nhận của cá nhân tôi thì đây không loại trừ là bài phát biểu thân mật trong kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà gần đây”.

Thừa nhận thúc đẩy sùng bái cá nhân để chống tham nhũng

Phát biểu cho thấy ông Tập Cận Bình đã thanh trừng những người trong ĐCSTQ chống lại cách làm thúc đẩy sùng bái cá nhân của ông. Mở đầu phát biểu đã lên án nhiều người không hài lòng với cách làm này khi họ cho rằng bài học kinh nghiệm của quá khứ cho thấy làm như vậy tệ hại như thế nào. Nhưng người phát biểu cho biết ở một đất nước lớn và đông dân như Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nhiễu nhương lên cao này, nếu không dùng cách cho dân chúng sùng bái cá nhân người lãnh đạo thì rất dễ nổi lên loạn lạc. Còn việc sùng bái cá nhân này có nguy hiểm thế nào còn phụ thuộc người được sùng bái, vấn đề này là mấu chốt [để chấp nhận].

Người phát biểu nhấn mạnh, “Đảng của chúng ta từ thời gây dựng ở Diên An đã tôn sùng cá nhân Chủ tịch Mao Trạch Đông, nhờ rất nhiều năm làm cách đó mà xây dựng nên một Trung Quốc mới, như vậy là tốt hay không?”

Người phát biểu cho rằng cả phương Tây và phương Đông đều có vấn đề này, đây chỉ là kỹ năng cần có để cai trị đất nước mà thôi. Ông ta nói rằng mọi người đều sợ lặp lại những cuộc đấu tố trong nội bộ ĐCSTQ như những năm cuối đời của Mao, nhưng ông Tập chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với mọi người, ai nấy đều được tận hưởng đầy đủ  không thiếu thứ gì. Ngay cả trong mấy năm dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), dù Trung Quốc có khó khăn đến vậy, nhưng sự nghiệp mọi người có ai bị ảnh hưởng gì đâu? Vì vậy người phát biểu tự cho bản thân xứng đáng với “tập thể Đỏ” này.

Ông Đường Tĩnh Viễn phân tích rằng việc ĐCSTQ tuyên truyền thần thánh hóa ông Tập Cận Bình là đã có kế hoạch chủ đích trước, mô phỏng theo Bắc Triều Tiên thúc đẩy thần thánh hóa Kim Jong-un, sẽ cố gắng tránh đấu đá nội bộ quy mô lớn, người phát biểu nói rõ rằng chỉ coi việc thúc đẩy này như công cụ cai trị thông qua cách “cho những người dân tin điều này”.

Ông Đường Tĩnh Viễn cho rằng việc chống tham nhũng “có chọn lọc” của ông Tập có giới hạn là: cố gắng không ảnh hưởng đến lợi ích thực chất của các gia đình quyền lực lớn trong ĐCSTQ. Điều này về cơ bản phù hợp với đặc điểm trong 10 năm chống tham nhũng vừa qua, từ vấn đề này cho thấy mục tiêu của bài phát biểu này có khả năng là trấn an nhóm người quyền quý nội bộ, vì vậy ông ta nhiều lần nhấn mạnh rằng ông xứng đáng với “tập thể Đỏ” [ĐCSTQ].

Ca ngợi Mao và xem thường Đặng

Người phát biểu chỉ trích đường lối cải cách của ông Đặng Tiểu Bình qua 40 năm, nói rằng con đường 40 năm qua quanh co và khúc khuỷu. Có vẻ như con đường đó mang lại nhiều tiền hơn và nền kinh tế tốt hơn, nhưng nền tảng đã bị lung lay và tình trạng kiểm soát [của ĐCSTQ] ngày càng yếu đi. “Xây dựng kinh tế rất quan trọng, nhưng màu sắc giang sơn còn quan trọng hơn: không thể để mất màu đỏ [chỉ ĐCSTQ]”.

Người phát biểu cũng mạnh mẽ chỉ trích thuyết “mèo đen mèo trắng” của ông Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng cho rằng “mèo nào bắt được chuột thì cũng là mèo tốt, điều này hoàn toàn không phù hợp với chủ nghĩa duy vật biện chứng”. Người phát biểu nhấn mạnh rằng “mèo mà bắt chuột thì có ở khắp mọi nơi, nhưng mèo Đỏ rất hiếm, và đây là vấn đề cốt lõi của đảng ta và chế độ ta”.

Người phát biểu cảnh báo rằng nếu không còn “thể chế Đỏ” thì [mọi quan chức ĐCSTQ] sẽ mất tất cả, bản thân người nói này chỉ đang cố gắng “để không thay đổi màu giang sơn”. Vì vậy “tập thể Đỏ” này nên nắm rõ ràng ai là đồng chí cùng chung chiến hào. Bài học lớn nhất của thời Cách mạng Văn hóa là [nội bộ khi đó] đã quên mất tình đồng chí để lao vào các cuộc đấu đá nội bộ, cuối cùng “đồng chí Tiểu Bình” đã sửa sai lầm đó bằng một sai lầm khác.

Bài phát biểu này gợi nhớ đến sự kiện vào ngày 16/9, Tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của ĐCSTQ công bố một bài viết của ông Tập Cận Bình, trong đó một lần nữa sử dụng ngôn ngữ của Cách mạng Văn hóa để nhấn mạnh sự cần thiết phải “thực hiện cuộc cách mạng xã hội vĩ đại”. Qua vấn đề này có thể thấy, ông Mao Trạch Đông chính là “thầy” của ông Tập. Ông Tập muốn sánh ngang ông Mao bằng cách lại thúc đẩy một thời kỳ cách mạng đầy biến động.

Một nhà bình luận thời sự người Mỹ gốc Hoa khác là ông Đường Hạo (Tang Hao) cũng có phân tích trong kênh truyền thông cá nhân, rằng qua những lời nói và việc làm hiện tại của ông Tập cho thấy thực sự rất đúng như vậy: Ông Tập không những muốn loại bỏ hoàn toàn “cải cách mở cửa” của ông Đặng mà còn nỗ lực hướng theo “tập quyền cao độ” như ông Mao.

Thà suy sụp nền kinh tế cũng phải gia cố quyền lực của ĐCSTQ

Bài phát biểu đề cập đến một vấn đề then chốt, đó là cho rằng kinh tế Trung Quốc suy thoái không phải là vấn đề chính, cho rằng trước đây nhà nào cũng nghèo như vậy nhưng vẫn muốn đông con, bây giờ kinh tế khấm khá nhưng lại không muốn sinh con; khi nghèo mọi người sống an phận, bây giờ giàu có thì chửi rủa Mao và Đảng; khi trước lên án giai cấp tư sản, bây giờ thì muốn noi theo…

Ông ta nói: “Không cần lo lắng về kinh tế, mọi người trải nghiệm gian khổ một chút cũng có mặt tích cực. Mà cho dù khổ thế nào cũng không thể so với 3 năm thảm họa tự nhiên [COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán)] vừa qua… Nếu chúng ta không ý thức rõ vấn đề này là đã quên gốc của chúng ta, đã quên lý tưởng ban đầu [lên ‘thiên đường xã hội chủ nghĩa’ của ĐCSTQ]. Ông ta nhấn mạnh rằng 40 năm qua là một quá trình suy đồi: ‘Tôi không sợ nghèo, mà tôi sợ quên cội nguồn, tôi sợ hủ bại'”.

Ông Đường Tĩnh Viễn chỉ ra, thông tin được tiết lộ cho thấy về cơ bản phù hợp với hàng loạt hành động mà ông Tập Cận Bình thúc đẩy trong những năm gần đây. Nói cách khác, nhà cầm quyền đã và đang không ngừng có hành động trấn áp về kinh tế và tước đoạt của cải của công chúng, bởi vì ông ta tin rằng tình hình kinh tế tốt đó đang gây nguy cơ “thay màu chế độ”…

Ông Đường Hạo nói rằng điều này cũng được phản ánh rõ trong “động thái ‘Zero-COVID’” của ông ấy: Bất cứ nơi nào có dấu hiệu dịch bệnh là cho phong tỏa dù cái giá phải trả [về kinh tế] có như thế nào, chuyện người dân hết lương thực ăn cũng không phải vấn đề chủ chốt, vấn đề chủ chốt là thực hiện mệnh lệnh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và duy trì quyền lực của Chủ tịch Tập. Nói cho ngay, thà để người dân chết vì đói chứ không được để ĐCSTQ mất quyền lực chính trị, đây là tư duy cốt lõi của ông Tập Cận Bình hiện nay.

Bảo vệ Tập tái nhiệm là bảo vệ quyền lực của ĐCSTQ

Người phát biểu cũng đã giải thích cho việc ông ta phá bỏ quy tắc để duy trì quyền lực, cho biết quy tắc này cần loại bỏ, trước đây chẳng phải quy tắc do cố lãnh đạo Mao đặt ra cũng bị ông Tiểu Bình loại bỏ sao? Vì vậy mấu chốt không phải quy tắc mà là ai đã đưa ra các quy tắc và cho mục đích gì. Trong tương lai rồi sẽ lại có quy tắc mới, và đây là biện chứng.

Người phát biểu [ông Tập] tự thấy bản thân là “người bảo vệ Đảng”, để bảo vệ quyền lực của ĐCSTQ ông ta phải giữ địa vị của mình, việc ông miễn cưỡng muốn được tại nhiệm chỉ để “giữ gen Đỏ của Đảng”.

Kết luận của người phát biểu là: “Đảng Cộng sản không phải là chỉ vì tạo dựng của cải mà đó còn là một đảng cách mạng, là đảng cầm quyền. Vì vậy nếu bản thân không thể tại nhiệm, nếu để người khác lên thay thì có thể [xã hội Trung Quốc] nhanh chóng trở thành tư sản hóa hoàn toàn. Vấn đề này đã được thống nhất trong toàn Bộ Chính trị”.

Ông Đường Hạo nhận định qua những lời này có thể thấy tư duy của ông Tập Cận Bình đã triệt để bị văn hóa Đảng tẩy não, ông ta kiên định con đường bảo vệ Đảng và chế độ, trở thành nô lệ hàng đầu của ĐCSTQ.

Miêu Vi

Published by
Miêu Vi

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

1 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

7 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

8 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

8 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

9 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

11 giờ ago