Trung Quốc

TQ: Nguồn thu từ thuế giảm, tiền phạt hàng năm tăng vượt quá 60 tỷ USD

Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái. Một học giả Đại Lục tiết lộ, số tiền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tịch thu (phạt tiền và tịch thu) trên toàn quốc năm 2022 đạt 428,3 tỷ nhân dân tệ (hơn 60 tỷ USD), mức cao nhất trong 10 năm qua. Các học giả cho rằng đây là sự hỗn loạn xảy ra vào thời cuối của chế độ.

Đồng Nhân dân tệ. (Ảnh minh họa: Frame China / Shutterstock)

Gần đây, chính quyền nhấn mạnh “không được áp đặt các khoản phạt tùy tiện”. Tuy nhiên, Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ hôm 3/7 tuyên bố, “nới lỏng một số thẩm quyền quản lý nguồn thu ngoài thuế” của chính quyền địa phương, làm dấy lên lo ngại về việc tăng mức phạt tùy tiện.

Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào một vòng luẩn quẩn, chính quyền địa phương đang cạn kiệt tiền. Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lo ngại chính quyền địa phương sẽ nằm im phó mặc, nên làm ngơ trước việc “tạo nguồn thu từ tiền phạt”. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn vào thời kỳ cuối của chế độ.

Chuyên gia: Trong tương lai, ĐCSTQ sẽ dựa nhiều hơn vào tiền phạt

Ngày 13/10, kênh truyền thông Trung Quốc “Guancha.cn” đăng bài “Đã đến lúc phải hành động chống lại nguồn thu ngoài thuế đang tăng trưởng bất thường” của ông Lưu Thành Lương, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn, kiêm phó giáo sư tại Học viện Chính trị và Hành chính công của Đại học Tô Châu.

Theo thông tin của giới chức, doanh thu phi thuế đề cập đến quỹ chính phủ mà các đơn vị do chính phủ điều hành nhận được ngoài thuế, bao gồm: Thu nhập từ quỹ chính phủ, thu nhập đặc biệt, thu nhập từ phí hành chính, thu nhập từ tiền phạt và tịch thu, thu nhập từ hoạt động vốn nhà nước, thu nhập sử dụng có trả từ tài nguyên (tài sản) thuộc sở hữu nhà nước, thu nhập quyên góp, thu nhập từ quỹ nhà ở của chính phủ và thu nhập khác, v.v.

Số liệu từ Bộ Tài chính ĐCSTQ cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, thu thuế quốc gia giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thu ngân sách chung cũng giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nguồn thu ngoài thuế, một thành phần quan trọng khác của nguồn thu ngân sách công nói chung, lại đi ngược xu hướng và tăng 12%. Một số dữ liệu địa phương cho thấy, nguồn thu từ tiền phạt và tịch thu tăng 26,5%.

Bài viết của ông Lưu Thành Lương cho rằng là một thành phần của nguồn thu ngoài thuế, nguồn thu từ tịch thu là một biện pháp thu tài chính đặc biệt, có tốc độ tăng trưởng bất thường trong những năm gần đây, đặc biệt là sau năm 2020.

Bài viết tiết lộ, vào năm 2013, doanh thu từ tiền phạt và tịch thu quốc gia của Trung Quốc lần lượt là khoảng 306,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 42,9 tỷ USD).

Vào các năm 2020, 2021 và 2022, con số này lần lượt là khoảng 311,3 tỷ nhân dân tệ (43,67 tỷ USD), 371,1 tỷ nhân dân tệ (52 tỷ USD) và 428,3 tỷ nhân dân tệ (60 tỷ USD). Thậm chí, tiền phạt và tiền tịch thu từ năm 2020 đến 2022 còn chiếm hơn 10%.

Trong đó, số thu từ phạt tiền, tịch thu năm 2022 đạt 428,398 tỷ nhân dân tệ (khoảng 60 tỷ USD), chiếm 2,1% thu ngân sách công, cao nhất trong 10 năm qua và chiếm 11,57% thu ngoài thuế.

Dữ liệu chính thức của ĐCSTQ luôn bị cáo buộc là giả mạo. Ông Lý Lâm Nhất, một nhà bình luận thời sự, cho biết chính quyền trung ương luôn tồn tại một “kho bạc nhỏ”. Nhiều khoản tiền phạt có thể không được ghi nhận, và không phải lúc nào chính quyền trung ương cũng nắm bắt được, nên con số thực tế có thể cao hơn.

Bài viết của ông Lưu Thành Lương chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bất thường về tiền phạt và tiền tịch thu.

Vì cơ cấu nguồn thu tài chính của chính quyền địa phương không hợp lý. Trong hai thập kỷ qua, chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào nguồn thu liên quan đến đất đai. Thị trường nhà đất yếu kém đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ở Trung Quốc, nhiều khu hành chính cấp quận ở phía Tây thiếu khả năng “tự chủ nguồn tài chính”. Họ yêu cầu cấp trên phải cấp vốn trong thời gian dài để duy trì hoạt động và phát triển. Các khoản thanh toán chuyển khoản xuống không đủ. Doanh thu từ tiền phạt và tịch thu đã trở thành phương tiện khẩn cấp, giúp một số chính quyền địa phương bổ sung nguồn tài chính của họ.

Nguồn “thu nhập tịch thu” của ĐCSTQ luôn bị chỉ trích. Mức phạt cao ngất trời đã xuất hiện trong hơn 2 năm qua. Ví dụ, một ông cụ chỉ kiếm được 14 nhân dân tệ (1,96 USD) từ việc bán cần tây kém chất lượng, lại phải nhận 2 khoản tiền phạt tổng cộng 100.000 nhân dân tệ (14.000USD) từ cơ quan giám sát thị trường địa phương. Năm 2021, tờ “Bán Nguyệt Đàm” của ĐCSTQ báo cáo, rằng tiền phạt vi phạm giao thông ở một huyện miền núi phía bắc Trung Quốc “tạo ra doanh thu” hơn 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,2 triệu USD) trong một năm. Trong khi tổng doanh thu ngân sách chung của địa phương chỉ hơn 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD).

Ông Lưu Thành Lương tin rằng một lý do khác dẫn đến việc gia tăng tiền phạt và tịch thu là do chính quyền địa phương bị hạn chế trong việc thu hẹp các khoản chi tiêu cần thiết. Nếu không có đủ hỗ trợ tài chính, có thể gây ra nhiều vấn đề bất ổn hơn, cán bộ đảng và chính quyền địa phương cũng sẽ bị nợ lương.

Ông Davy Jun Huang, một nhà kinh tế sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Hiện giờ nền kinh tế đang trong vòng luẩn quẩn. Thuế càng ít thì càng phải tăng thuế và tiền phạt”.

Học giả: Sự hỗn loạn chắc chắn sẽ xảy ra vào cuối chế độ

Vào tháng 9, ĐCSTQ đã chính thức công bố thu chi tài chính trong nửa đầu năm. Chỉ có Thượng Hải là thặng dư, trong khi thâm hụt tài chính còn lại lên tới 5.700 tỷ nhân dân tệ (800 tỷ USD).

Ông Davy Jun Huang cho biết, điều này không xảy ra vào trước năm 2019 và 2020. Khi đó, khoảng 11 tỉnh, thành phố ở Trung Quốc đạt được cán cân thanh toán, thậm chí có thặng dư.

Sau dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), đặc biệt là sau cuộc chiến thương mại, tình hình tài chính nói chung rất bi quan. Một số khoản thu bị tịch thu có thể tăng lên. Nhưng chỉ là câu cá từ một hồ nước cạn, dẫn tới một vòng luẩn quẩn kinh tế.

Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Hoa Davy Jun Huang. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Ông Lý Hằng Thanh, một nhà kinh tế Trung Quốc, nói với Epoch Times, vào giai đoạn cuối của mỗi triều đại đều không có tiền, cuối cùng không thể giải quyết bằng cách đánh thuế thông thường, ắt sẽ có những khoản phạt tùy tiện.

Hơn nữa, các khoản tiền phạt sẽ được giấu kín, như phí đường bộ, xe nước ngoài bị phạt công khai, xe nội địa thường không bị phạt vì hầu hết chủ xe trong nước đều có quan hệ phức tạp.

Tháng trước, một công ty truyền thông cá nhân đã tổng hợp dữ liệu từ nhiều nơi và đăng bài có tiêu đề “Không phải khóc vì nghèo, mà là thực sự nghèo! Chênh lệch thu chi tài chính quốc gia từ tháng 1 đến tháng 7 là 5.700 tỷ nhân dân tệ (800 tỷ USD).” Bài viết này ngay lập tức bị gỡ sau khi được Sina Finance đăng lại.

Bài viết chỉ trích 40% khoản chi tài chính khổng lồ của Trung Quốc được dùng để hỗ trợ 80 triệu công chức (chiếm 5,66% dân số cả nước).

Hiện nay tài chính eo hẹp và khó trả lương, nên họ đã bắt đầu bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước dưới nhiều tên gọi khác nhau, đồng thời tiến hành hoạt động xử lý tài sản đặc biệt. Các phương tiện khác bao gồm vay mượn, vỡ nợ, phạt tiền và tống tiền doanh nghiệp từ nơi khác.

Trên thực tế, ngay từ năm 2017, ông Dương Thiệu Chính, cựu giáo sư Trường Kinh tế thuộc Đại học Quý Châu, đã đăng bài ở nước ngoài, vạch trần việc ĐCSTQ sử dụng “công quỹ nuôi đảng”.

Ông chỉ ra rằng mỗi năm, ĐCSTQ sử dụng thuế và tài sản nhà nước để hỗ trợ khoảng 20 triệu đảng viên chuyên trách của tất cả các đảng phái chính trị và một số nhân viên của tổ chức ngoài đảng, gây thiệt hại xã hội ước tính khoảng 20.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ USD). Nếu mọi thứ không thay đổi, xã hội cuối cùng sẽ sụp đổ.

Theo “Bản tin thống kê phát triển kinh tế và xã hội quốc gia năm 2023” do huyện Thành Vũ, thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, công bố gần đây, lương hưu bình quân đầu người cho những người về hưu trong cơ quan Chính phủ Trung Quốc thực tế cao gấp 43 lần so với người dân bình thường.

Huyện Thành Vũ từng là 1 trong 10 huyện nghèo nhất tỉnh Sơn Đông, nhưng hiện giờ lương hưu của cán bộ nghỉ hưu ở đây lại cao như vậy.

Ở các nước dân chủ, các tổng thống được bầu và quan chức các cấp sau khi rời nhiệm sở không khác gì người bình thường. Tuy nhiên ở Trung Quốc Đại Lục, các quan chức cấp cao nghỉ hưu lại được hưởng nhiều đặc quyền khác nhau.

Người nộp thuế không chỉ nuôi các quan chức hành chính đang tại chức và đã nghỉ hưu, mà còn nuôi hàng loạt quan chức cấp ủy, những người đáng lẽ phải được chính ĐCSTQ trả lương.

Trong khi tuyên bố không thể tùy tiện phạt tiền, ĐCSTQ lại cho phép chính quyền địa phương “cướp tiền tự cứu mình”?

Ông Lý Hằng Thanh cho rằng không có biện pháp nào trong số này có thể ngăn chặn việc phạt tiền vì nó có động lực nội sinh. Bởi lương và thưởng của họ được trả ở đây, nếu không đạt chỉ tiêu phạt tiền thì lương, thưởng sẽ bị trừ.

Hiện giờ có quá nhiều áp lực suy thoái đối với nền kinh tế, nguồn thu tài chính lại quá ít. Nếu công chức và cảnh sát không được trả lương, họ sẽ nằm im mặc kệ, chính quyền địa phương sẽ không thể hoạt động, nên ĐCSTQ chỉ có thể nhắm mắt làm ngơ cho họ tùy tiện phạt và tịch thu tài sản.

“Chính quyền trung ương để họ (chính quyền địa phương) tự tìm cách. Bạn có thể ra đường đặt chốt thu tiền. Vào cuối chế độ, đa phần đều vậy, cướp bóc xuất hiện ở khắp nơi. Hiện giờ chính phủ (ĐCSTQ) đã trực tiếp (hiện hình) là một tên cướp.”

Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Hoa Lý Hằng Thanh. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Ông Lý Hằng Thanh cho rằng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ muốn phân cấp quyền tài phán đối với nguồn thu ngoài thuế, nghĩa là mọi người đều phải tự cứu mình.

Chính quyền trung ương không quan tâm, chính quyền địa phương có thể sử dụng bất cứ thủ đoạn nào mình có. Ai lấy được tiền sẽ là công thần. Trong tình huống này, họ chỉ có thể cướp bóc bình dân. Bởi người dân không có quyền lực, không có khả năng phản kháng, có thể tùy ý tàn hại.

Ninh Hải Chung & Lạc Á

Published by
Ninh Hải Chung & Lạc Á

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

8 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

8 giờ ago