Nguyễn Tạo còn có tên là Nguyễn Công Tuyển, tự là Thăng Chi. Theo mộc bản nhà Nguyễn thì Triều đình đánh giá ông là vị quan giỏi, luôn dành sự yêu thương cho vùng đất quê hương xứ Quảng. Dù Nguyễn Tạo là bậc danh thần nhưng đến nay có ít người biết về ông.
Nguyễn Tạo sinh năm 1822 ở làng Hà Lam, phủ Thăng Hoa, nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông đã nổi tiếng hay chữ.
Khoa thi năm 1846, Nguyễn Tạo đỗ kỳ thi Hương tức Cử nhân, nhưng đến kỳ thi Hội thì lại không đậu. Không nản chí, các năm sau ông đều đăng ký thi Hội, nhưng ông thi đến 6 lần vẫn không đỗ. Trong khi đó hai người anh của ông là Nguyễn Thuật và Nguyễn Duật dù không được đánh giá cao như ông đều đã đỗ Phó bảng.
Nguyễn Tạo làm quan qua các chức vụ khác nhau. Đến năm 1865 thì ông được giữ chức Tri huyện Phù Cát thuộc Bình Định. Huyện Phù Cát mới chỉ thành lập được một thời gian, nơi đây đất rừng rậm rạp hổ báo nhiều, những kẻ phạm tội thường bị lưu đày đến, vì thế dân cư phức tạp, trộm cướp các nơi cũng tập trung về đây.
Nguyễn Tạo đến Phù Cát ra sức vỗ yên dân chúng, cùng dân mở rộng thêm ruộng đất. Ông đến đây mới chỉ 3 năm mà người dân có ruộng đất, ổn định sinh sống, trộm cướp trước đây hoành hoành cũng im hơi.
Cuốn “Đại Nam thực lục chính biển” quyển 39 chép rằng:
Nguyễn Tạo trước lĩnh huyện Phù Cát, Bình Định, làm quan thanh liêm, công bằng, thuộc lại và dân tin phục, đồng ruộng ngày một mở mang, trộm cướp im hơi. Hai thôn An Lạc, Vĩnh Thắng dân nhiều, ruộng ít, Nguyễn Tạo khuyên thôn Chính Lợi nhượng cho 2 thôn An Lạc, Vĩnh Thắng 25 mẫu công điền (An Lạc 15 mẫu, Vĩnh Thắng 10 mẫu) để cày cấy và ở. Quan tỉnh Thân Văn Nhiếp đem việc tâu lên. Vua thưởng cho Nguyễn Tạo một chiếc tử kim khánh hạng nhất có khắc chữ “Liêm, bình, cần, cán”, thăng bổ làm tri phủ, rồi lục sức khắp cho các thú, lệnh trong kinh, các tỉnh ngoài đều biết để khuyến khích. Thôn Chính Lợi, cũng được thưởng một tấm biển có chữ “Thiện tục khả phong”.
Năm 1868, ông được thăng làm Tri phủ Hoài Đức (Hà Nội). Năm sau, ông lại được thăng Thị độc, lĩnh Án sát sứ Hải Dương. Năm 1871, ông có công đánh dẹp đám thổ phỉ từ nhà Thanh đến quấy nhiễu Hải Dương, được Vua ban tặng một đồng tiền vàng “Tam thọ”.
Theo “Đại Nam thực lục chính biên”, Nguyễn Tạo xin Vua cho đi kinh lý vùng miền núi Quảng Nam, lý do là vì vùng thượng du Quảng Nam từ đồn Bảo Định đến đồn Phước Sơn đất đai rộng lớn màu mỡ nhưng phần nhiều là bỏ hoang, dân cư ít. Nguyễn Tạo cũng xin Vua cho đặt Nha sơn phòng ở đây, rồi chọn người địa phương trông coi, dùng hương binh và các tù nhân đến nơi đây khai khẩn đất đai. Vua đồng ý cho ông đi coi việc kinh lý.
Nguyễn Tạo đến vùng núi Quảng Nam, làm theo kế hoạch đã trình Vua, đặt Nha sơn phòng, lập đội khai khẩn đất đai. Ông cũng dâng sớ xin Vua cho lấp bớt sông Vĩnh Diện để mở rộng thêm sông Ái Nghĩa.
Ông quan tâm đến đời sống dân chúng, thể hiện ở 8 điều trong bản tấu xin Vua như sau:
Xin ngăn cấm núi có tiếng (núi Trà Sơn và núi Ngũ Hành) để cho mạch đất hồi lại.
Xin làm thủy lợi (đắp bờ đê, mở đê sông) để giúp việc làm ruộng.
Xin hoãn việc tuyển lính thêm, để cho dân ốm lâu được tỉnh lại.
Xin trừ hết thuế ruộng, thuế thân năm nay.
Xin thuế thu về mùa đông năm nay đổi làm mùa hạ sang năm thu cả làm một.
Xin chẩn cấp để thư cấp bách cho dân.
Xin đình chỉ việc phái người đi xuống để khuyên quyên tiền.
Xin đình việc kê đơn cho đi mua mỡ trâu.
(Đại Nam thực lục chính biên)
Vua Tự Đức đưa cho bộ Hộ xem xét rồi sau đó đồng ý 7 trong 8 điều trong bản tấu này.
Vua Tự Đức cũng đánh giá Nguyễn Tạo là quan giỏi hiếm có, “Đại Nam chính biên liệt truyện” chép rằng:
Nguyễn Tạo là người thanh liêm, thạo việc, làm quan ở đâu đều có tiếng tốt, được vua phê rằng: “Quan giỏi hiếm có”. Lại có dụ “Ai thanh liêm tài giỏi được như Nguyễn Tạo thì hậu thưởng”. Ông vốn được vua quyến luyến, yêu mến như vậy.
Năm 1878, Nguyễn Tạo đã 56 tuổi, ông làm Đốc học ở Quảng Nam. Năm 1885, vua Hàm Nghi bổ nhiệm ông làm “Cơ mật viện thừa biện” nhưng ông dâng sớ xin được từ chối vì tuổi cao nên xin ở Quảng Nam làm Đốc học dạy chữ nghĩa cho dân.
Tháng 7/1885 ở Kinh thành Huế, quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết bất ngờ đưa quân tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm Sứ. Dù bị đánh bất ngờ, nhưng nhờ có vũ khí vượt trội, quân Pháp đánh lui quân Triều đình và tiến vào Kinh thành Huế.
Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở ở Quảng Trị. Vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương, dân chúng khắp nơi hưởng ứng. Nguyễn Tạo ngầm ủng hộ phong trào Cần Vương “Nghĩa hội Quảng Nam” chống Pháp.
Nguyễn Tạo là người có ảnh hưởng đến đến giới trí thức lúc đó, vì thế mà người Pháp và Việt gian nghi ngờ ông giúp phong trào Cần Vương. Họ bên ngoài là nhờ vả (thực chất bên trong là ép buộc) ông đến Kinh thành giúp ổn định tình hình, đồng thời Triều đình hàng Pháp phong cho ông chức “Thừa biện Sử quán”. Nguyễn Tạo làm quan được mấy tháng thì cáo bệnh, tuổi cao sức yếu xin từ quan về quê. Đến năm 1892 thì ông mất ở quê nhà.
Nguyễn Tạo làm quan thanh liêm, lại lo lắng cho dân chúng. Khi sống ông được Vua yêu mến nêu gương trong Triều đình, đồng liêu ngưỡng vọng, lúc mất được dân chúng tôn kính. Ngày nay tên của ông được đặt cho con đường ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…