Đến nay các loại vắc-xin của Trung Quốc đã vươn tới hơn 60 nước trên thế giới trong bối cảnh các quốc gia giàu có tìm cách giữ thuốc của họ để tiêm chủng cho người dân trong nước. Nhưng các loại vắc-xin vẫn đang được xem xét chờ WHO cấp phép, và những lo ngại về tính hiệu quả và minh bạch của dữ liệu vẫn còn đó.
Một băng rôn cắm hai lá cờ bay phấp phới, một thùng lớn được hạ từ khoang chứa hàng xuống, cùng những ánh đèn chớp liên tục để chụp ảnh các chính trị gia địa phương và Đại sứ Trung Quốc chào đón lô hàng vắc xin ngừa COVID-19 đến từ Trung Quốc.
Cảnh tượng này được lặp lại khắp thế giới: đất nước Nam Mỹ nhỏ bé Guyana đã tiếp nhận 20.000 liều cho khoảng 800.000 cư dân; đến Montenegro của vùng Balkan, Zimbabwe ở châu Phi, Lào ở Đông Nam Á, và danh sách vẫn nối dài.
Cùng với hàng loạt hợp đồng thương mại từ hơn 60 quốc gia, điều này đã góp phần “tô điểm” cho việc hỗ trợ vắc-xin của Trung Quốc. Một đất nước không nổi danh trong thị trường vắc-xin toàn cầu, hiện lại đang nằm trong số dẫn đầu về nguồn cung vắc-xin COVID-19 quốc tế. Các công ty Trung Quốc chiếm một phần đáng kể lượng vắc-xin đang được gửi ra khắp thế giới.
Số liệu từ nguồn chính thức và từ truyền thông do tờ SCMP tổng hợp cho thấy Trung Quốc và những nhà sản xuất vắc-xin của họ hiện đã vận chuyển 80 triệu liều vắc-xin đã pha sẵn ra nước ngoài. Trong khi đó, 90 triệu liều khác đang sắp được hoàn thành tại các nhà máy ở Mexico, Indonesia và Brazil, với ít nhất một phần ba trong số đó đã được chế biến xong.
Những con số đó đưa Trung Quốc thành nhà xuất khẩu vắc-xin hàng đầu thế giới, dẫn trước các nhà sản xuất lớn như EU và Ấn Độ. Cùng lúc đó, Trung Quốc đã phân phối hơn 145 triệu liều ở trong nước.
Tổng cộng, các liều vắc-xin được phân phối trong nước và chuyển ra nước ngoài chiếm khoảng một phần ba trong gần 700 triệu liều mà UNICEF ước tính đã được phân phối trên toàn thế giới cho đến nay.
Vai trò của Trung Quốc trong việc tiêm chủng trên toàn cầu diễn ra vào một thời điểm trọng yếu. Những nước giàu có xu hướng giữ vắc-xin lại để tiêm chủng trong nước, trong khi chương trình phân phối của Tổ chức Y tế Thế giới (Covax) dựa chủ yếu vào Ấn Độ đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn do các ca nhiễm tại Ấn Độ đang tăng mạnh.
Với việc vắc-xin Trung Quốc vẫn đang trong quá trình đánh giá để được phê duyệt vào Covax, Bắc Kinh đã tự tìm “đường ra” cho mình.
Việc cung cấp vắc-xin của Trung Quốc bao gồm những khoản tài trợ với quy mô nhỏ ở mức vài trăm ngàn cho những nước nghèo, trong khi đó các nhà sản xuất vắc xin hàng đầu của Trung Quốc là Sinopharm, Sinovac Biotech và CaSino Biologics đã gửi những chuyến hàng thương mại đầu tiên i trị giá hàng chục triệu đô la.
Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đang tìm cách dập tắt mọi phê phán rằng cái gọi là ngoại giao vắc-xin của họ có động cơ ở phía sau. Gần đây nhất Đài Loan đã khẳng định rằng Bắc Kinh đã đề nghị tặng Paraguay vắc-xin với điều kiện phải cắt đứt quan hệ với đảo quốc.
Tuy vậy, mặc dù vắc-xin Trung Quốc triển khai sớm trên toàn cầu, hiệu quả của chúng trong đại dịch còn chưa rõ ràng, các chuyên gia cho biết.
Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vắc xin Quốc tế tại Seoul, đặt câu hỏi rằng liệu các loại vắc-xin này có đủ chất lượng khi chúng được hoàn thành quá nhanh.
Hôm thứ Ba tuần trước, WHO cho biết cả hai công ty Trung Quốc cần cấp thêm dữ liệu về vắc-xin của họ để tổ chức này nghiên cứu thêm trước khi đưa ra quyết định về chúng vào cuối tháng Tư.
Trong lúc này, Trung Quốc cho biết hàng chục nước đã cấp phép để sử dụng vắc-xin của họ, mặc cho những lo ngại về tính hiệu quả và tính minh bạch của dữ liệu.
Lê Vy (theo SCMP)
Xem thêm:
TP.HCM quyết định dừng dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức…
Trong 22 trường hợp viêm phổi nặng được xét nghiệm, sàng lọc tại tỉnh Bình…
Cầu Tứ Liên có chiều dài khoảng 11,5km, tổng mức đầu tư được tạm tính…
Tại thời điểm thống kê, xác định dịch bệnh, 58/100 con lợn giống cấp trong…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…