Chính phủ Trung Quốc đã đưa công nghệ và đổi mới thành ưu tiên chủ yếu trong các kế hoạch phát triển cho 5 năm tới khi nước này cố gắng xây dựng một “Trung Quốc kỹ thuật số” và vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.
Tầm nhìn mới trong tư duy của ông Tập về vai trò của Internet và quan hệ của nó với quyền lực nhà nước đã được công khai bằng một cuốn sách mới xuất bản có nhan đề “Các trích đoạn bài nói của Tập Cận Bình về sức mạnh không gian mạng”, bao gồm những đoạn chọn lọc từ các bình luận của ông từ đầu năm 2013 tới cuối 2020. Một số trong đó từng là bí mật quốc gia tới khi quyển sách được bán ra hồi tháng 1.
Những câu trích dẫn trong bộ sách dày 171 trang của ông Tập được phân thành 9 chương với những chủ đề như “tăng cường sự lãnh đạo tập trung của đảng đối với không gian mạng,” “đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc không gian mạng,” “chiến thắng trong cuộc đấu tranh tư tưởng trên mạng,” và “phát triển cộng đồng cùng chung vận mệnh trên không gian mạng.”
Quyển sách đưa ra một cái nhìn đại cương về quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc trước sự phát triển của cuộc cách mạng Internet, từ việc thi hành chiến lược phòng thủ – coi Internet như một nguy cơ tiềm năng, đến việc sử dụng nó như một công cụ để tăng cường và mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc.
Một quan chức chính phủ Trung Quốc giấu tên cho biết việc các bài phát biểu được công bố cho thấy Bắc Kinh đã tự tin hơn trong phương thức quản trị mạng.
Những quan điểm này đã hình thành sự phát triển mạng Internet ở đất nước đông dân nhất thế giới những năm gần đây, dẫn tới một mô hình quản trị bị phê phán ở nước ngoài như một dạng “độc tài kỹ thuật số”. Đồng thời, sự phát triển của mạng Internet ở Trung Quốc đã giải phóng những nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế, biến Trung Quốc từ một kẻ bắt chước công nghệ mù quáng tới một “nhà đổi mới” và dẫn đầu trong một số phân khúc thị trường.
Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, các công ty Internet lớn nhất của Trung Quốc đã lớn mạnh ngang bằng với những công ty như Amazon, Facebook và Google. Số người dùng mạng cũng tăng vọt trong giai đoạn này lên tới gần một tỷ người, với doanh số bán lẻ trực tuyến tăng từ 1,3 tỷ nhân dân tệ (200 triệu đôla) năm 2012 lên tới 9,8 tỷ nhân dân tệ năm 2020. Trong những năm gần đây, khi Trung Quốc tập trung “đầu tư” nhiều vào các công nghệ tiên tiến, ông Tập càng phát biểu nhiều hơn về các công nghệ ứng dụng như trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (Blockchain) để cải thiện sự phát triển và quản trị quốc gia.
Dù vậy, năm 2013, công nghiệp Internet của Trung Quốc còn yếu kém. Việc Google rút lui vào năm 2010 khiến đất nước tưởng chừng bị cô lập. Ngành công nghệ của Trung Quốc thua kém Mỹ cả phần cứng và phần mềm. Điều quan trọng hơn, bộ máy quản trị Trung Quốc phần lớn chưa được đào tạo về quản trị mạng, một thập kỷ sau khi Vạn lý Tường lửa của đất nước đi vào hoạt động.
Vào thời điểm đó, việc người dùng sử dụng mạng Internet để thúc đẩy tự do ngôn luận và xã hội đa nguyên cũng phổ biến hơn. Ren Zhiqiang, người dẫn hướng dư luận bị kết án 18 năm tù năm 2020 vì những cáo buộc tham nhũng, đã thách thức một cách công khai những tiếng nói chính thức từ Bắc Kinh.
Đó là vì sao Tập Cận Bình, người trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản cuối năm 2012 và Chủ tịch nước ngay tháng Ba năm sau, khi đó xem Internet là một mối lo, nơi những nhà chức trách ở thế phòng thủ.
Tháng 8/2013, chỉ 5 tháng sau khi trở thành lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc họp kín với các quan chức tuyên truyền của đất nước tại Bắc Kinh để “nâng cao nhận thức” về việc Đảng Cộng sản đang mất kiểm soát trước các bài đăng trên mạng.
“Ngày nay, mạng Internet là một ‘chiến trường’ chủ yếu cho tranh luận”, ông Tập phát biểu trong một bài nói vào thời điểm đó. “Các lực lượng chống Trung Quốc ở phương Tây luôn cố “lật đổ” Trung Quốc thông qua mạng Internet… Liệu chúng ta có thể giữ vững và chiến thắng cuộc chiến trên đấu trường mạng hay không có ý nghĩa quan trọng với an ninh tư tưởng và an toàn chế độ của chúng ta,” ông Tập nói.
Theo các bài phát biểu, ông Tập xác định rằng chính phủ cần chủ động hơn trong việc định hình hệ tư tưởng trên mạng. Trong bài phát biểu năm 2013, ông Tập nói các cơ quan tuyên truyền chính thức của Trung Quốc phải tránh “bị gạt ra ngoài lề” trên mạng Internet, và ông thúc giục các cơ quan tuyên truyền quốc gia nắm bắt những kỹ năng cần thiết để “thực hiện đấu tranh trực tuyến với dư luận.”
“Đó không phải là một công việc dễ dàng, nhưng chúng ta phải thực hiện nó bất kể khó khăn đến thế nào. Càng ít những bình luận tiêu cực trên mạng càng có ích cho sự phát triển xã hội, ổn định xã hội và cuộc sống hạnh phúc cho người dân của chúng ta.”
Ryan Fedasiuk, một nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm an ninh và công nghệ mới nổi Đại học GeorgeTown lưu ý rằng, từ đầu nhiệm kỳ ông Tập đã biểu thị cần một “sự chuyển biến quan trọng” trong quản lý nội dung trên mạng so với các chính sách ở thập kỷ trước đó dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
“ĐCSTQ đã tiến hành trừng phạt những lời đồn đại trên mạng và thiết lập “bảy ranh giới” [nhằm kiểm duyệt các cuộc thảo luận trực tuyến,]” Fedasiuk cho biết. “Bảy ranh giới”, cũng được gọi là “bảy điều cấm kỵ không nên nhắc đến,” gồm những chủ đề như các giá trị phổ quát, tự do báo chí và quyền công dân.
John Lee, một nhà phân tích cấp cao tại Đại học Mercator chuyên Nghiên cứu về Trung Quốc, nói rằng những quan tâm của ông Tập về mạng Internet đã được thông báo một phần qua các sự kiện địa chính trị ở nước ngoài.
“Chất xúc tác hiển nhiên là những tiết lộ của Edward Snowden về mức độ dễ tổn thương của Trung Quốc trong không gian mạng, cùng “cuộc cách mạng chính trị “Mùa xuân Ả-rập”, kết hợp với cam kết của Mỹ hỗ trợ “tự do Internet” như một nguyên tắc chính sách đối ngoại, đã làm nổi bật tiềm năng của mạng Internet trong việc phá vỡ kiểm soát ngôn luận của Đảng cộng sản,” ông Lee nói.
Tài liệu do cựu quan chức Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Snowden, rò rỉ vào mùa hè năm 2013 lần đầu tiên công bố quy mô kiểm soát không gian mạng rộng lớn của Mỹ và tiết lộ các công cụ họ thường sử dụng để làm điều đó. Vụ rò rỉ nêu chi tiết bộ sưu tập các băng ghi âm qua điện thoại của NSA và cách họ yêu cầu dữ liệu người dùng từ những công ty Internet lớn, bao gồm Facebook, Google, Microsoft và Yahoo, để truy xuất thông tin trên mạng trong một chương trình được gọi là Prism [Lăng kính].
Đối với ông Tập, vụ rò rỉ đã khẳng định những lo ngại về sự giám sát của Mỹ, thúc đẩy Bắc Kinh cắt giảm việc sử dụng phần mềm và công cụ của nước ngoài trong những hệ thống chủ chốt. Trong bài nói năm 2013, ông Tập đã trích dẫn Prism và Xkeyscore, một hệ thống máy tính khác của Mỹ bị tiết lộ qua vụ rò rỉ Snowden thường thu thập và phân tích dữ liệu Internet toàn cầu, là bằng chứng cho việc vì sao Trung Quốc nên cảnh giác trước những mối đe dọa không gian từ bên ngoài.
Trong những năm cầm quyền, ông Tập đã nhiều lần phát biểu quan điểm của ông về mạng Internet như một chiến trường đấu tranh tư tưởng, kêu gọi cán bộ nhà nước cảnh giác trước mối đe dọa này.
Vào cuối năm 2018, ông Tập đã yêu cầu cảnh sát mạng điều tra kỹ hơn việc “ai là người đầu tiên lan truyền tin đồn, động cơ của họ là gì, và liệu có lực lượng thù địch nào đứng sau không.” Nhưng cùng năm đó, ông cũng bắt đầu nhấn mạnh vai trò của Internet trong việc hỗ trợ tăng trưởng của đất nước và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản.
“Chúng ta đã thay đổi cơ bản tình hình trong quá khứ khi hỗn loạn lan tràn, chúng ta bị mất vị thế, và chúng ta luôn ở thế phòng ngự [trên mạng],” ông nói.
Tập yêu cầu các quan chức nhấn mạnh mặt tốt của Internet có thể mang đến cho đất nước và lợi dụng nó như một công cụ quản trị mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh “toàn cầu” mới về “sức mạnh tổng hợp quốc gia”. Ông cho đó là “cơ hội nghìn năm có một cho dân tộc Trung Hoa” để phát triển mạnh mẽ.
“Trên một số phương diện, các nước nắm quyền chỉ huy mạng sẽ thu phục được thế giới,” ông Tập nói.
Năm 2017, ông Tập nói Trung Quốc sẽ sử dụng dữ liệu lớn (big data) để “hiện đại hoá quản trị nhà nước”. Năm sau, ông nói thêm rằng điều này là do Internet cho phép chính phủ nắm được “tất cả dữ liệu” thay vì phụ thuộc vào những mẫu nhỏ hơn.
Với sự trưởng thành của kinh tế mạng Trung Quốc, những gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Tập đoàn Alibaba đã lớn mạnh về tầm vóc và ảnh hưởng, và ông Tập bắt đầu nhận thấy các công ty này cần sự “hướng dẫn” của nhà nước.
Trong bài phát biểu năm 2018, ông Tập nói Trung Quốc cần nhiều công ty mạng có tính cạnh tranh quốc tế hơn nữa, đồng thời bảo đảm sự lớn mạnh của họ không đe doạ an ninh quốc gia.
“Chúng ta không thể hy sinh an ninh cho phát triển, và chúng tôi không thể để các công ty [Internet] trở thành những con ngựa bất kham không cương,” ông Tập nói.
Sự tự tin ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc cũng được phản ánh trong những nỗ lực của họ nhằm định hướng dư luận bên ngoài.
Trong những năm gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc và các nhà ngoại giao đã tăng cường sự có mặt của họ tại các nền tảng nước ngoài như Twitter nhằm tham gia vào những cuộc trao đổi nóng về những chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông Fedasiuk tại Đại học Georgetown nói rằng Trung Quốc hiện đang cố gắng gây ảnh hưởng dư luận nước ngoài vì Bắc Kinh ngày càng chú tâm tới việc phần còn lại của thế giới nhìn nhận Trung Quốc như thế nào, sau khi làm câm lặng những tiếng nói phê bình trong nước.
Nhưng việc Trung Quốc quả quyết Internet nên phục vụ nhà nước vẫn “xung đột với những chuẩn tắc toàn cầu về tự do mạng và tự do thông tin,” ông Fedasiuk nói.
Cuộc tranh luận về giá trị của các chính sách mạng Internet của Trung Quốc chưa chấm dứt. Bắc Kinh đang bị quốc tế chỉ trích vì kiểm duyệt các cảnh báo sớm về sự bùng nổ của COVID-19 tại Vũ Hán.
Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ cáo buộc trên, nói rằng việc Trung Quốc sử dụng các công nghệ mới để truy dấu vết xã hội đã giúp họ ngăn chặn đại dịch. Ông Tập nói hồi tháng 11 rằng “Internet đóng một vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế, vận hành xã hội và hợp tác quốc tế.”
Tuy nhiên trong mấy năm qua, tiếng nói của các nhà bất đồng chính kiến đã không còn là mối quan tâm chủ yếu liên quan đến không gian mạng của ông Tập. Một mối lo lớn hơn là những thách thức an ninh không gian mạng và sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nước phương Tây về một số công nghệ nhất định. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã leo thang cuộc chiến tranh công nghệ bằng việc cấm các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ.
Đó là vì sao Tập đã coi độc lập về công nghệ là một chính sách chủ yếu của Trung Quốc, và đây là điều ông đã kêu gọi nhiều lần trong các bài nói trong nhiều năm.
“Những công nghệ Internet chủ yếu là điểm yếu chết người lớn nhất của chúng ta, và sự phụ thuộc vào những công nghệ cốt lõi khác là hiểm hoạ lớn nhất của chúng ta,” ông Tập phát biểu trong các năm 2016, 2018 và 2019.
Trong bài nói năm 2018, ông bổ sung “Không có các công nghệ cốt lõi, những nỗ lực xây dựng một siêu cường không gian mạng của chúng ta sẽ… giống như xây lâu đài trên cát, vì nó không thể chịu đựng được mưa gió.”
Lê Vy (theo SCMP)
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…