Chiến tranh thuế quan Mỹ - Trung khiến hàng loạt chuyến tàu và chuyến bay chở hàng giữa hai nước bị hủy bỏ. (Ảnh cảng Thượng Hải: Chụp màn hình video)
Việc Mỹ tăng thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực trong tuần trước, gây ra chấn động trong chuỗi xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Theo các nguồn tin từ Caixin của Trung Quốc và nhiều bên khác, kể từ khi chính sách này được thực thi, hàng loạt chuyến tàu và chuyến bay chở hàng thuộc tuyến Trung – Mỹ đã bị hủy bỏ, các nhà xuất khẩu đồng loạt tạm ngừng giao hàng, khung cảnh nhộn nhịp tại cảng Thượng Hải đã đột ngột “tắt bụp” chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Tâm lý tiêu cực lan rộng trên mạng xã hội, thậm chí có người còn chia sẻ các phương pháp “ăn vỏ cây như thế nào” một cách hài hước.
Chính quyền Trump trong tuần trước đã nhiều lần tuyên bố áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang. Các nhà máy xuất khẩu tại hai tỉnh lớn về ngoại thương là Chiết Giang và Quảng Đông rơi vào tình trạng đình trệ, kho hàng chất đống lượng lớn hàng hóa dự kiến xuất khẩu.
Theo trang tin Caixin, vào ngày 10/4, hầu như không còn thấy tàu chở hàng nào đi Mỹ tại hai khu cảng lớn là Dương Sơn và Ngoại Cao Kiều ở Thượng Hải. Chỉ vài ngày trước đó, các bến cảng này vẫn còn tấp nập bốc dỡ hàng hóa, nhiều tàu container từ phía Mỹ gấp rút đến nơi, cố gắng hoàn thành việc bốc hàng trước khi mức thuế mới được áp dụng. Theo nhân viên tại hiện trường của COSCO Shipping cho biết, các container không kịp lên chuyến tàu cuối cùng hiện đang chất đống tại bãi, nhiều chủ hàng đang tiến hành thủ tục rút lại hàng hóa.
Ông Tiền, một thương nhân xuất khẩu đến từ Quảng Đông hiện đang ở Thượng Hải, đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do vào thứ Sáu tuần này (ngày 11/4): “Hôm qua, một người bạn dẫn tôi đi ăn ở nhà hàng, đây là khu vực rất phồn hoa của đại Thượng Hải, nhà hàng có hơn mười nhân viên phục vụ, nhưng chỉ có tôi và bạn tôi ăn ở đó. Tôi hỏi bạn vì sao? Anh ấy nói rằng trước đây nhà hàng này tầng trên tầng dưới đều đông nghịt khách, nhưng hôm qua thì tầng trên đóng cửa, tầng dưới chỉ có hai chúng tôi.”
Ông Tiền cho biết, cảng Diêm Điền (Yantian) ở Quảng Đông, nơi ông quen thuộc, cũng đang chứng kiến tình trạng tương tự như tại cảng Thượng Hải, các container chất đống như núi, còn tàu chở hàng ra nước ngoài thì rất ít. Khi đang đi công tác tại Thượng Hải, ông Tiền cảm thán: “Từ năm 1843 đến 1949, hơn 100 năm phát triển của Thượng Hải đã không bị gián đoạn ngay cả khi trải qua cuộc kháng chiến chống Nhật hay nội chiến Quốc – Cộng. Nhưng sau năm 1949, yết hầu kinh tế của Thượng Hải đã bị bóp nghẹt. Giờ đây, toàn bộ Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề về thể chế, vậy con đường tiếp theo là gì chính là câu hỏi lớn nhất hiện nay. Thêm vào đó là cuộc chiến thương mại, bây giờ thực sự không còn đường lùi.”
Trong tháng tới, số chuyến hàng hải giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ giảm mạnh. Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán Huatai Futures, trong khoảng thời gian từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 19 (từ ngày 14/4 – 11/5), tổng cộng sẽ có 26 chuyến hàng hải từ Trung Quốc đến bờ Tây và bờ Đông nước Mỹ bị hủy bỏ, khiến công suất vận chuyển container giảm gần 40%. Đến tuần thứ 19, năng lực vận chuyển tuyến Trung – Mỹ sẽ giảm xuống còn 230.000 TEU (đơn vị container tiêu chuẩn), giảm 146.000 TEU so với tuần thứ 15.
Thị trường vận tải hàng không cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo Caixin trích dẫn lời một đại lý vận tải hàng không ở miền Nam Trung Quốc, trong tuần tới, lượng hàng thương mại thông thường vận chuyển bằng đường hàng không sang Mỹ sẽ giảm đến 90%, các hãng hàng không lớn đã cắt giảm mạnh số chuyến bay chở hàng. Do mức thuế cao bất ngờ, các nhà xuất khẩu buộc phải đàm phán lại với khách hàng về việc chia sẻ chi phí, dẫn đến việc nhiều lô hàng bị tạm ngưng vận chuyển.
Dưới áp lực kinh tế, tâm trạng người dân Trung Quốc ngày càng sa sút. Chủ đề “cách ăn vỏ cây” trở nên phổ biến trên mạng, với một số cư dân mạng chia sẻ chi tiết các bước như “phơi khô, nghiền thành bột, rây mịn, rồi hấp lên để ăn”, mang tính châm biếm hoàn cảnh sống hiện tại. Người ta không còn bàn đến tương lai nữa, mà đắm chìm trong sự hoài niệm về những năm 1980–1990, mang theo một cảm giác bất lực kiểu “sống tiết kiệm qua ngày”.
Về điều này, ông Hồng, một cư dân mạng ở Giang Tô, chia sẻ với RFA rằng tâm lý bi quan trong xã hội đang dần lan rộng: “Người bi quan thì rất bi quan, từ những ông lão hơn 80 tuổi cho đến một số bạn trẻ đều mang tâm trạng như vậy. Phần lớn người dân giờ chỉ nghĩ đến việc đi làm và sống tiết kiệm qua ngày, họ không để tâm đến logic chính trị bên trong. Dĩ nhiên vẫn có người nhắc đến chuyện quan chức ngày xưa thanh liêm, hoài niệm quá khứ, đây là cách bày tỏ sự bất mãn đối với chính quyền hiện tại.”
Cùng lúc đó, từ châu Âu cũng truyền đến tin tức quan trọng: Liên minh châu Âu tuyên bố tạm ngừng trong thời gian 90 ngày các biện pháp trả đũa việc Mỹ tăng thuế vốn dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/4, nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Do động thái này, thị trường chứng khoán Đức, Pháp, và Anh đều tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, trong dư luận Trung Quốc, động thái của EU bị diễn giải là “chỗ dựa không đáng tin cậy”, càng làm gia tăng tâm lý lo lắng về tình hình quốc tế hiện nay.
Một blogger viết: “Năm 2025, đã biết là khó, nhưng không ngờ lại khó đến thế này.” Trong bối cảnh ngoại thương nguội lạnh, tiêu dùng ảm đạm, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Ông Trương, một người dân ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông chia sẻ với RFA rằng hiện tại, mọi ngành nghề đều thể hiện sự suy thoái kinh tế và sự bất lực của người dân: “Tất cả những ai làm kinh doanh ngoại thương hiện nay đều khó khăn, Quảng Đông, Chiết Giang chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc chiến thuế quan, cả ngành công nghệ và kinh tế đều ngưng trệ. Chiết Giang chủ yếu xuất khẩu hàng nhẹ như các mặt hàng nhỏ lẻ sang châu Âu và Mỹ, còn ở Sơn Đông chúng tôi làm công nghiệp nặng như máy công cụ, chủ yếu bán sang các nước nghèo ở châu Phi. Các nước phát triển kia không mua máy công cụ của chúng tôi, bên đó (nền kinh tế nước ngoài) làm không tốt thì cùng lắm là (tổng thống) bị luận tội, còn bên này (ở Trung Quốc) mà làm không tốt thì sụp đổ luôn.”
Cùng với việc tình hình tiếp tục thay đổi, dư luận đang đặc biệt chú ý xem Trung Quốc có tung ra một đợt biện pháp ứng phó kinh tế mới hay không, và liệu căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có còn khả năng giảm nhiệt. Còn đối với người dân bình thường, câu hỏi thực tế nhất lúc này là: Cơn bão này, rốt cuộc sẽ kéo dài đến bao giờ?
Một người đàn ông Ireland 31 tuổi bị mù chức năng đã có thể nhìn…
Ba loại gia vị quen thuộc dưới đây đang âm thầm “đánh cắp” chiều cao…
Tổng thống El Salvador bày tỏ sự đồng tình và sẵn sàng hỗ trợ việc…
Hôm thứ Hai (14/4), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump một lần nữa nhắc lại…
UBND TP. Cần Thơ đưa ra phương án sử dụng 2.558 trụ sở từ tổng…
Hôm thứ Hai (14/4), Đại học Harvard đã từ chối yêu cầu thay đổi chính…