Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Tư (ngày 9/4) đã tuyên bố miễn thuế cho một số quốc gia, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu tăng vọt. Ngoại trừ Trung Quốc, Nhà Trắng cho biết hiện đang đàm phán với hàng chục quốc gia về các thỏa thuận thuế quan, và trong vài tuần tới sẽ tiến hành các cuộc điện đàm và đàm phán trực tiếp.

p2757802a314813586 ss
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)

Trong khi các quốc gia khác được miễn thuế trong vòng 90 ngày, ông Trump lại tuyên bố áp thuế lên đến 145% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc không chỉ nâng thuế lên đến 125% đối với hàng Mỹ, mà còn hạn chế nhập khẩu phim ảnh từ Mỹ, nhằm vào ngành công nghiệp mang ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ. Cuộc chiến thương mại chưa từng có giữa hai nền kinh tế lớn nhanh chóng leo thang, cả hai bên đều đang theo dõi xem bên nào sẽ nhượng bộ trước.

Hai quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với CNN rằng ông Trump kiên quyết cho rằng phía Trung Quốc nên là bên chủ động đề xuất đối thoại. Ông cho rằng chính Bắc Kinh đã lựa chọn leo thang xung đột thương mại, vì vậy việc lãnh đạo Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đề nghị đàm phán là điều hợp lý. Mặc dù Nhà Trắng đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đối thoại qua nhiều kênh khác nhau, nhưng theo tiết lộ từ 3 nguồn tin thân cận, phía Bắc Kinh vẫn luôn từ chối sắp xếp cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo. Nhóm của ông Trump cho rằng ông Tập Cận Bình có thể lo ngại việc chủ động tiếp cận sẽ bị coi là hành động yếu đuối, điều này đã cản trở tiến trình đàm phán cấp cao.

Khó thúc đẩy đối thoại cấp cao, các kênh phi chính thức kém hiệu quả

Trong vài tháng qua, lãnh đạo cấp cao Trung – Mỹ mỗi bên giữ quan điểm riêng, khiến đối thoại cấp cao rơi vào bế tắc. Mặc dù các cuộc tiếp xúc chính thức ở tầng diện công tác vẫn đang tiếp diễn, nhưng vẫn chưa thể thúc đẩy được cuộc đối thoại ở cấp lãnh đạo. Theo 3 nguồn tin am hiểu tình hình, các nỗ lực thông qua kênh phi chính thức cũng không đạt được đột phá, thậm chí còn khiến tình hình thêm phần phức tạp.

Các quan chức Mỹ đương nhiệm và tiền nhiệm cho biết, ĐCSTQ rất coi trọng nghi thức ngoại giao và mong muốn ông Tập Cận Bình chuẩn bị đầy đủ trước khi tiến hành điện đàm. Điều này hoàn toàn trái ngược với phong cách ưa quyết định ngẫu hứng của ông Trump. ĐCSTQ đã cố gắng học theo mô hình thiết lập kênh liên lạc bí mật với Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Biden là Jake Sullivan, nhưng phía Mỹ lại từ chối đối thoại với Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị, vì cho rằng ông Vương không đủ gần gũi với giới lãnh đạo cốt lõi của ĐCSTQ, nên không đủ tư cách đại diện cho ông Tập Cận Bình.

Việc phía ĐCSTQ bóp méo nội dung cuộc điện đàm giữa ông Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng khiến sự nghi kỵ giữa hai bên thêm trầm trọng. ĐCSTQ tuyên bố ông Rubio đã bị “cảnh báo”, nhưng ông Rubio đã phủ nhận, cho rằng bản dịch có thể đã cố tình giải thích sai.

Mặc dù vẫn còn một số kênh liên lạc do Đại sứ ĐCSTQ tại Mỹ làm trung gian, nhưng do thiếu vắng kênh đối thoại cấp cao, nên chính quyền Trump gặp khó khăn trong việc sắp xếp các cuộc gặp mà họ cho là cần thiết. Hai quan chức Nhà Trắng cho biết nếu đạt được tiến triển, ông Trump sẵn sàng tiếp xúc thông qua các quan chức cấp thấp hơn.

Bắc Kinh tích cực tìm đường, ông Trump vẫn nắm quyền kiểm soát nhịp độ

Phía Trung Quốc vẫn luôn tìm cách thiết lập kênh tiếp xúc trực tiếp hơn với ông Trump, đặc biệt thông qua các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ có hoạt động tại Trung Quốc, chẳng hạn như ông Elon Musk. Năm ngoái, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính đã gặp mặt ông Musk tại Washington, được xem là một phần trong nỗ lực thiết lập đường dây liên lạc với chính quyền mới của ông Trump. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

ĐCSTQ cũng từng cân nhắc việc hạn chế hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của các thương hiệu Mỹ như Apple, Tesla, và Starbucks nhằm gây sức ép lên phía Mỹ. Tuy nhiên, theo các nguồn tin thân cận, Bắc Kinh sau cùng đã gác lại kế hoạch này do lo ngại phản ứng tiêu cực từ dư luận trong nước cũng như nguy cơ mất đi kênh tiếp xúc với các quan chức cấp cao của Mỹ.

Song song đó, ĐCSTQ đang lên kế hoạch thực hiện nhiều hành động chiến lược hơn để phản ứng trước sức ép từ Mỹ, bao gồm việc chuyển sang nhập khẩu nông sản từ Brazil thay vì từ Mỹ, đồng thời giảm xuất khẩu các tài nguyên khoáng sản chiến lược sang Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã bắt đầu cấm xuất khẩu một số loại đất hiếm trong phạm vi nhỏ, và nếu lệnh cấm này được mở rộng hoặc nếu phía Trung Quốc bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ, thì cuộc xung đột giữa hai nước sẽ leo thang đáng kể.

Rủi ro đối đầu toàn diện rất cao

Một số nhà phân tích cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều đang đánh giá khả năng chịu đựng tổn thất của đối phương. Một cựu quan chức Mỹ nhận định: “Nếu Trung Quốc thực sự ra tay kìm hãm nền kinh tế Mỹ, thì đó sẽ là hành động chiến tranh.” Những nhân vật diều hâu trong chính quyền Trump, như ông Peter Navarro, tin rằng ĐCSTQ không thể gánh nổi cái giá của một cuộc leo thang toàn diện. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nhận định này đã đánh giá thấp khả năng kiểm soát nền kinh tế trong nước của Chính phủ ĐCSTQ.

Ông Danny Russel từ tổ chức Viện Chính sách Xã hội Châu Á (Asia Society Policy Institute) chỉ ra rằng những phát ngôn mang tính công kích của ông Trump lại vô tình củng cố vị thế chính trị trong nước của ông Tập Cận Bình, từ đó giúp ông ta có nhiều dư địa hơn để huy động cả quốc gia đối mặt với các thách thức kinh tế.

Ông Matthew Pottinger (cựu Cố vấn An ninh Quốc gia trong chính quyền Trump) cùng với bà Liza Tobin (người phụ trách các vấn đề Trung Quốc), cũng cho rằng hiện tại Mỹ và Trung Quốc tuy tương đương về thế lực, nhưng họ có những mục tiêu hoàn toàn khác nhau và việc giải quyết những khác biệt sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng cho thế giới.

Chip, fentanyl và TikTok vẫn là trọng điểm

Mặc dù trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng thúc đẩy một thỏa thuận nhằm mở rộng hợp tác Mỹ – Trung, nhưng quan hệ giữa hai bên nhanh chóng rạn nứt về sau, khiến những kết quả đạt được rất hạn chế. Ông Trump cho rằng nguyên nhân là do sự yếu kém trong nội bộ Chính phủ Mỹ, khiến ĐCSTQ không thực hiện đúng cam kết mua hàng. Trong khi đó, ĐCSTQ phản hồi rằng chính đại dịch COVID-19 mới là lý do khiến thỏa thuận không được thực hiện đầy đủ.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã cố gắng mở rộng phạm vi của thỏa thuận sang các lĩnh vực như đầu tư và chống fentanyl. Vào đầu năm 2019, phía ĐCSTQ đã đề xuất các biện pháp nhằm kiểm soát fentanyl, nhưng bị Mỹ xem nhẹ, khiến Bắc Kinh bất mãn. Năm ngoái, ĐCSTQ tiếp tục đưa ra một kế hoạch cụ thể hơn, tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu ông Trump có sẵn lòng xem xét nghiêm túc các đề xuất này để đổi lấy việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại hay không.

Trong phân tích của mình, ông Matthew Pottinger và bà Tobin đặt câu hỏi: “Liệu bản năng làm đàm phán của ông Trump có một lần nữa vượt qua bản năng muốn tách rời khỏi Trung Quốc (ĐCSTQ) của ông ấy không?” Nhưng họ cũng thừa nhận rằng hiện nay, việc đạt được một “siêu thỏa thuận” còn khó khăn hơn bao giờ hết.

Lập trường của EU thu hút sự chú ý, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lên tiếng cảnh báo

Theo hãng tin RT, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo rằng nếu Liên minh châu Âu lựa chọn xích lại gần Trung Quốc và xa rời Mỹ, thì đó sẽ là hành động “tự chuốc lấy diệt vong”. Phát ngôn này nhằm phản ứng lại bình luận được Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đưa ra trước đó trong ngày, trong đó ông kêu gọi EU cần đánh giá lại mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Ông Sánchez cho rằng trước sự bất định trong chính sách thương mại của chính quyền Trump, châu Âu nên cân nhắc việc thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc. 

Đáp lại, ông Bessent đã lên tiếng phản bác gay gắt, nhấn mạnh rằng mô hình thương mại của Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ phá vỡ trật tự kinh tế toàn cầu. Ông cũng cho biết, nhiều quốc gia hiện đang tìm cách tham vấn với Washington về các vấn đề thuế quan, đồng thời Mỹ cũng đang xúc tiến các hiệp định thương mại mới với các nước như Nhật Bản, Việt Nam… nhằm phối hợp đối phó với chiến lược “bán phá giá” của Trung Quốc.